Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Tình thầy trò



            Sau gần 30 năm lưu lạc nơi đất khách quê người, tôi bất ngờ nhận được email của người tên lạ vào cuối hè 2009. Vỏn vẹn trong email chỉ hỏi " làm sao mà bò qua Mỹ được". Tôi nặn mãi trí óc nhưng không tài nào nhận được người ấy là ai. Tôi loay hoay cứ đoán từ người này đến người khác mà vẫn không biết đích thực người gởi điện thư. Đột nhiên tôi nhận được cú điện thoại và người gọi vẫn không nói danh tánh. Tôi đoán có lẻ là thầy củ nhưng vẫn đoán sai, từ tên thầy này đến thầy khác. Sau đó người đọc câu "Tha hương ngộ cố tri". Đúng rồi! chỉ có thầy Phét mới dùng Hán tự. Thầy trò vui mừng khôn xiết. Tôi không thể tưởng tượng được gặp người thầy đã dẫn dắt tôi từ lúc vị thành niên ở bên kia bờ Thái bình dương. Ai cũng ngỡ thầy đã mất tích hay lưu vong ở Hồng kông. Hơn 35 thất lạc thầy trò tôi nối lại nhịp cầu. Nhìn tấm ảnh thầy làm nơi nhà máy phát điện hạt nhân, tôi ngậm ngùi, thương cho thân phận người thầy năm tháng cũ.



            Thầy tôi tóc đã bạc đầu
            Còn tôi thì cũng ngã màu muối tiêu
            Từ San Jose ở California đến Sandston ở Virginia cách xa 8 giờ máy bay phản lực, không biết bao giờ mới gặp được thầy xưa. Cho nên tôi gọi điện thoại thăm hỏi thầy hàng tuần. Tôi biết đó là niềm vui, nguồn an ủi của thầy giáo trong tuổi về chiều. Tôi thường kể chuyện bên nhà, đời sống của cựu học sinh Đất đỏ để thầy mừng cho những em thành đạt, có em trở thành quan lớn nơi Bà rịa Vũng tàu.
            Thầy tôi vốn dạy văn chương nhưng nay lại điêu luyện về thông tin kỷ thuật, điều mà tôi và các học sinh hay giáo chức ngỡ ngàng, không biết có nghe lầm hay không. Thầy Phét đã dùng Internet tìm kiếm được những thầy cô cũ như thầy Tô, thầy Nghiệp, thầy Sửu, cô Hương.
            Bây giờ tôi rất vui mừng khi biết các thầy cô cũ vẫn còn khỏe mạnh nhưng không sao có thể thăm viếng các thầy cô: người chân trời, người góc bể.
         Đã hơn 35 năm vật đổi sao dời, với cuộc sống quay cuồng vànổi buồn nhiều hơn niềm vui in hằn trên đôi mắt mỗi thầy cô và ngay cả học sinh. Ngôi trường cũ thân yêu ngày nào đã không còn nữa, nhưng hình ảnh Trường trung học công lập  Đất Đỏ đã in sâu trong trí nhớ tôi. Chỉ có vài năm ngắn ngủi tôi theo học ở đệ nhị cấp nhưng nó cho tôi  đầy niềm tin  và hành trang vào đời sống mới.Thầy Cô đã trao cho tôibao nhiêu kiến thức và ước mơ. Tuy nó ít oi nhưng là ngọn đèn cho tôi bước vào đời  và căn bản cho dòng suy tư và thiết thực.Với hành trang nầy, tôi dùng văn để diển tả cảm nghĩ, triết học để suy tư, khoa học để chọn sự chính xác , sinh ngữ để tiếp xúc với người không đồng ngôn ngữ,  sử ký để yêu BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO,  địa lý để biết quê hương VIỆT NAM , .Thuở ấy sao mà đẹp vui , buồn lạ kỳ. Tôi không thể nào quên được những ánh mắt Thầy Cô, nó tuy nghiêm khắc nhưng trìu mến và bao dung. Thầy Cô đã cho tôi không ít niềm tự hào .Theo năm tháng dần trôi đời tôi trôi nổi lưu lạc sang xứ người  và tưởng chừng như nghìn trùng xa cách. Trên vai tôi luôn luôn mang theo hành trang của quê nhà. Rồi cũng không biết bao nhiêu tháng năm đã đi qua, tôi lầm lũi kiếm tìm những gì đã mất Nào ngờ " tha hương ngộ cố tri" tôi liên lạc được Thầy Cô .Thế là ngoài hạnh phúc gia đình, tôi có thêm diểm phúc mới …
        Hơn một phần ba thế kỷ trôi qua, không hẳn chỉ một mình tôi  mà tất cả các bạn cùng cắp sách đến trường đều nghĩ giống tôi. Ngày nay tôi có một mái ấm gia đình, có địa vị trong xã hội  nhưng tôi luôn luôn sung sướng  và tự hào mình là học sinh của trường trung học công lập Đất đỏ và là học trò của Thầy Cô  mặc dù:
                         Thầy tôi tóc đã bạc đầu,
                   Còn tôi thì cũng ngã màu muối tiêu.
       Hôm nay, mở lại hành trang, nhìn  lại quá khứ, tôi bùi ngùi và ước mong  tình thầy trò mãi mãi không quên.
                                                                                 NGUYỄN HUÂN
                                                                                 Mùng 3 Tết Canh Dần 2010