Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Về thăm trường cũ



“Cây có cội nước có nguồn” đã ăn sâu vào tâm tư của người dân Việt và không bao giờ thay đổi . Hàng năm vào Chủ nhật sau ngày 20 tháng 11, cựu giáo sư và học sinh Trung Học Công lập Đất đỏ về nơi Đất đỏ, cùng nhau quay quần hàn huyên tâm sự. Các em cựu học sinh bày tỏ lòng tri ân với thầy cô đã bỏ ra công sức và sự gian khổ để dẫn dắt thế hệ mai sau. Các em cũng nối tiếp sự nghiệp giáo dục trao tặng học bổng cho các em nghèo và hiếu học .
Năm nay 2014 các em và thầy cô cũng thưa dần, tôi nhìn đi nhìn lại bao lần chỉ thấy có 1 em lớp 9P . Không biết điều gì xảy ra mà các em học sinh và thầy cô không về như những năm trước. Ngồi bên bờ Đại Tây dương, tôi luôn hướng về các anh chị em đồng nghiệp và các em học sinh. Tôi mong mõi đợi chờ những tấm hình vượt qua Thái bình dương rồi đến Đại tây dương bằng cáp quang (fiber optic) Internet. Thế rồi buồn vui lẫn lộn khi nhìn những tấm ảnh vô tri nhưng chứa chan đầy thương cảm..

Virginia ngày 27 tháng 11 năm 2014
Trần-Văn Phét



GIAI THOẠI VỀ NHẠC PHẨM LÀNG TÔI

Nhân mùa nhớ ơn thầy cô, Ban biên tập có đọc 1 giai thoại về thầy trò trên trang web của trường Trung Tiểu học Văn Đức. Ban biên tập xin phép tác giả để đăng câu chuyện nàỵ.

GIAI THOẠI VỀ NHẠC PHẨM LÀNG TÔI
Tác GiảPhan Văn Thanh, CHS Văn Đức Lớp 12C Niên Khóa 1972 – 1975

Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh
Có sông sâu lờ lững vờn quanh êm xuôi về Nam …
Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau
Bóng tre ru bên mấy hàng cau đồng quê mơ màng!

Năm ấy, đoàn hát Kim Chung lần đầu tiên có kế hoạch thực hiện bộ phim nhựa có tiếng nói (âm thanh). Để cho bộ phim thêm phần hấp dẫn, trang trọng và gây ấn tượng với công chúng trong buổi chiếu ra mắt, toàn bộ êkíp điều hành, bầu sô, đạo diễn … đồng ý việc tổ chức một cuộc thi sáng tác bài hát làm nền cho phim với giải thưởng lớn cho tác phẩm được chọn. Đây cũng là bộ phim nhựa có âm thanh đầu tiên của ngành điện ảnh Việt Nam vào thời ấy. (1952)

Cuộc thi được tổ chức rộng rãi trong công chúng, không phân biệt tuổi tác, chuyên nghiệp hay nghiệp dư…đã có nhiều nhạc sĩ tên tuổi cùng một số những người mới thành danh trong làng ca nhạc giải trí thời đó tham gia. Đề tài sáng tác là quê hương và con người Việt Nam.

Sau nhiều lần chọn lựa rất công bằng và vô tư, ban giám khảo đã mất khá nhiều thời gian bàn bạc, nhận xét rồi cân nhắc để đưa ra một sự chọn lựa chính xác, dù biết đó là một quyết định rất khó khăn. Cuối cùng, Ban tổ chức đã công bố, tác phẩm được chọn để trao giải là bài hát “Làng Tôi” của một tác giả vô danh tiểu tốt, cái tên nghe chừng như rất xa lạ trong làng ca nhạc Việt thời ấy đó chính là nhạc sĩ Chung Quân.

Bản nhạc Làng Tôi được chọn vì nó mang hơi thở của một vùng quê yên bình, lời lẽ cũng mộc mạc, dung dị thấm đẫm tình cảm của người dân Việt Nam, cho dù năm đó tác giả bài Làng Quê mới chỉ vừa 16 tuổi. Nhạc phẩm Làng Quê và cái tên Chung Quân ra đời từ dạo ấy. Nhờ giai điệu du dương, thắm thiết tình người tình quê của Làng Tôi cứ mãi bay xa mà cái tên nhạc sĩ Chung Quân trở nên nổi tiếng và đi vào lòng người.

Nhiều nhạc sĩ tên tuổi và giới văn nghệ thời đó có hơi ngỡ ngàng, nhưng mọi người đều công nhận bản nhạc "Làng Tôi" xứng đáng được nhận giải thưởng vinh dự đó.

Quê tôi chìm chân trời mờ sương
Quê tôi là bao nguồn yêu thương
Quê tôi là bao nhớ nhung se buồn
Là bao vấn vương tâm hồn ... người bốn phương.

Bản Làng tôi đã giành được giải của công ty điện ảnh, đoàn cải lương Kim Chung ở Hà Nội để làm bản nhạc nền cho phim Kiếp Hoa.

Hành trình về phương Nam

Thế rồi, thế sự đổi thay theo mệnh nước nổi trôi. Năm 1954, Chung Quân cùng gia đình di cư vào Nam, định cư ở vùng Khánh Hội. Nhờ đã từng học sư phạm chuyên ngành về nhạc và danh tiếng của Làng Tôi, Chung Quân được Bộ Quốc gia Giáo dục của Đệ Nhất Cộng Hòa ưu đãi, cho dạy môn nhạc tại hai trường trung học Chu Văn An, và Nguyễn Trãi. Thời gian giảng dạy ở trường Nguyễn Trãi, Chung Quân là thầy dạy nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng sau này như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Đức Huy, Nam Lộc... Cũng khoảng thời gian 1955 - 1956, ông có soạn bản hợp xướng Sông Bến Hải, theo một vài ý kiến thì đó là một trường ca có giá trị nghệ thuật, viết về cuộc di cư năm 1954, nhưng về sau không thấy phổ biến rộng rãi.

Trường Nguyễn Trãi năm ấy có cậu học trò nghèo nên buổi trưa thường không về nhà mà nghỉ lại ở trường cùng bữa ăn trưa là gói xôi mà mẹ cậu đã mua cho cậu đem theo từ sáng sớm. Thay vì nghỉ trưa, cậu học trò lại tha thẩn trong trường để rồi lắng nghe được câu chuyện tranh cãi giữa hai người thầy.

Trong một căn phòng, tiếng của vị giáo sư Hà Đạo Hạnh (cử nhân toán) đang ầm ĩ nói với nhạc sĩ Chung Quân

  • Trình độ học vấn của anh chỉ đáng là học trò của tôi thôi. Việc anh được dạy chung với những giáo sư như chúng tôi là một vinh dự cho anh, anh có biết điều đó không?
  • Nhưng thưa giáo sư, nếu hỏi công chúng có biết nhạc sĩ Chung Quân là ai không? Thì chắc chắn nhiều người biết đó là tác giả của bản nhạc Làng Tôi. Còn như hỏi họ, có biết giáo sư Hà Đạo Hạnh là ai không? Tôi tin người ta không mấy người biết.
Câu chuyện đang đến hồi hấp dẫn, và cậu học trò cố áp sát tai để chờ nghe tiếp xem Giáo sư Hà Đạo hạnh trả lời ra sao, bỗng từ phía sau, một bàn tay lạnh lùng của thầy giám thị véo vào tai cậu học trò kéo đi chỗ khác! Và vì thế mà câu chuyện đành dở dang ở đây.

Rồi thời gian trôi qua, tưởng mọi chuyện đã rơi vào quên lãng. Nhưng không, nhạc sĩ Chung Quân đã không chịu bỏ qua dễ dàng như vậy, ông nhất định phải đòi lại món nợ danh dự này. Không công danh thà nát vói cỏ cây.

Nhạc sĩ Chung Quân sau đó đã quyết chí tiếp tục con đường kinh sử, ông ghi danh theo học và hoàn thành tú tài toàn phần, sau đó, ông lại tiếp tục việc học để đạt cho kỳ được mảnh bằng Đại học. Cuối cùng, ông đã tốt nghiệp cử nhân văn chương tại Anh quốc.

Đã mang tiếng đứng trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông

Nhớ lại câu chuyện ngày xưa, nhạc sĩ Chung Quân sao chép tất cả văn bằng mà mình có được gửi về cho giáo sư Hà Đạo Hạnh kèm theo lời nhắc nhở rất nhẹ nhàng lịch sự.

Thưa giáo sư Hà Đạo Hạnh, tất cả những gì mà giáo sư làm được thì Chung Quân tôi cũng đã làm được. Còn những gì Chung Quân tôi làm được thì giáo sư đã không làm được.

Viết tới đây tôi bỗng nhớ tới bài thơ của cụ Nguyễn Công Trứ có đoạn như sau:

Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm lên tiếng phi thường đâu đấy tỏ …

Nhạc sĩ Chung Quân đã đòi lại món nợ danh dự năm xưa một cách sòng phẳng bằng ý chí và lòng kiến nhẫn của chính ông. Rất lịch sự, tế nhị mà cũng rất quân tử. Không ồn ào, không gióng trống khua chiêng làm người khác phải ngượng ngùng, mất thể diện. Quả thật, chẳng ai biết trước được chuyện gì xảy ra trong cuộc đời. 

Cậu học trò nghe lén câu chuyện ngày xưa sau này cũng theo cái nghề “gõ đầu trẻ”. Ông dạy Trung học đệ nhị cấp (cấp 3) ở miệt dưới tận tỉnh Bạc Liêu. Ngoài công việc dạy học, ông còn làm thêm nghề tay trái là viết báo, viết văn với bút hiệu Thái Phương. Sau biến cố 1975, ông nghỉ dạy và chuyển hẳn sang viết báo. Hiện nay, độc giả biết nhiều đến ông với bút danh nhà văn Đoàn Dự. 

Đã có lần, nhà văn Đoàn Dự gặp lại thầy cũ là giáo sư Hà Đạo Hạnh và ông có hỏi vị giáo sư:

  • Thưa Thầy, sao ngày đó thầy lại nặng lời với Nhạc sĩ Chung Quân thế ạ!
  • Hồi ấy tôi có hơi nóng nảy nên đã quá lời
Mọi chuyện rồi cũng qua đi, người xưa giờ cũng đã trở về cùng cát bụi, nhưng câu chuyện thì sẽ còn mãi như một bài học, một tấm gương về cách đối nhân xử thế của người xưa vậy.

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Nhớ thầy


Nh thy

Nhà giáo năm nay vng mt người
V min tiên cnh quá xa xôi
Trn gian trò cũ hng ghi nh
Li dy năm xưa vn rng ngi

Chúc Mừng Thầy Cô

Nhân ngày nhà giáo, ban biên tập xin đại diện cựu học sinh trường Trung Học Công lập Đất đỏ
kính chúc quí Thầy Cô dồi dào sức khoẻ và may mắn


Thư kính thăm thầy Trần Ba

Ban biên tập xin giới thiệu lá thư tình nghĩa của ông Phạm Doanh Môn gởi cho thầy Trần Ba.

Phạm Doanh Môn là cựu học sinh Trung học Kiến Tường. Ông tốt nghiệp ban Tóan sau thầy Sửu và thầy Phét 1 lớp. Ông là cựu giáo sư Toán trung học Long Thành và hiện làm thuế vụ cho chính phủ Úc đại lơi .

Muốn sang thì bắt cầu kiều
Muốn cho hay chữ phải yêu kính thầy
(Ca dao)

Canberra 30-5-2010

Thưa thầy,


Cách đây vài tháng khi lướt trên Internet, em vô tình gặp được trang Đại học Sư phạm Saigon và tìm được vài hình ảnh sinh hoạt của trường Trung học Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy trước 1975, trong đó có vài tấm hình thầy chụp chung với quý thầy cô trường này.


Em nhận ra thầy ngay vì hình chụp của thầy lúc đó còn trẻ như hồi thầy ở Kiến Tường. Em mừng quá vội viết e-mail cho người phụ trách trang Web và một tuần sau nhận được e-mail của thầy Lâm Tấn Phát, một cựu giáo sư trường Đất Đỏ gửi cho em trong đó có ghi địa chỉ và số điện thoại của thầy.


Cuối tuần em gọi điên thoại thưa chuyên cùng thầỵ. Vừa nghe em xưng tên Môn, thầy đã nói ngay: “Phải Phạm Doanh Môn không?” Em hơi sững sờ: “Thưa thầy khỏe không ạ! Sao thầy còn nhớ cả họ tên của em?” Thầy cười: “Hôm trước nghe thầy Phát nói về em và thầy nhớ, tên Doanh Môn hơi lạ và thầy chưa gặp người nào trùng cả họ, chữ lót, tên như em. Tên thầy thì có nhiều người trùng lắm!”

Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua cuốn đi bao nhiêu kỷ niệm, mỗi khi có thời gìờ ngồi nghĩ lại đều cảm thấy bùi ngùi, luyến tiếc nhưng đời là thế - C’ est la vie! – như thầy vẫn nói với chúng em ngày xưa thầy ạ!

Vâng, thưa thầy cũng đã 42 năm kể từ ngày thầy thôi làm hiệu trưởng THKT để về quê thầy, làm hiệu trưởng TH Đất Đỏ năm 1968 và mặc dù năm nay thầy đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng thầy vẫn còn nhớ rất nhìều về ngôi trường tỉnh lẻ này.

Qua khoảng 30 phút thưa chuyện cùng thầy, em được biết thầy qua Mỹ đinh cư năm 1997. Giọng nói thầy vẫn linh hoạt như ngày xưa và thầy vẫn còn khỏe. Có những điều mà em quên nhưng thầy vẫn còn nhớ! Biết được điều này em vô cùng mừng rỡ đó thầy ạ!

Em giới thiệu thầy trang THKT, thầy thích lắm và nói sẽ sang nhà con thầy để xem vì nhà thầy không có Internet. Thầy hỏi thăm về thầy cô và bạn học lớp em. Thầy nhớ thầy Trang tuy trẻ nhưng đạo mạo như một triết gia, thầy Kỳ dáng dấp thư sinh, thầy Tính thích hòa đồng và thích đi chơi với học sinh, cô Nhung thì hơi nghiêm nghị, thầy Liên thích đánh chắn... Còn về học sinh lớp em thì THĐ học rất giỏi và có anh hoạt động cách mạng, MTH nghiêm nghị như ông cụ, TVH là trưởng lớp, to con nhưng hiền, VLT, LTR, TTTN … học rất giỏi môn Pháp Văn, đặc biệt TTTN nói tiếng Pháp rất chuẩn và hát nhạc Pháp như học sinh trường Tây vậy! Còn em thì thầy nói phát âm hơi “cứng” và cũng hơi nghịch…

Em thán phục trí nhớ của thầy quá!

Nhớ lại ngày xưa, em được thầy hướng dẫn môn Pháp Văn lớp đệ thất (lớp 6) và lớp đệ tứ (lớp 9). Giờ học của thầy rất linh động, thầy luôn mang theo những tranh ảnh đẹp, nhiều màu sắc nói về nước Pháp làm nền cho những bài giảng. Thầy kiên nhẫn luyện giọng cho từng học sinh một. Riêng em thường không phát âm đúng hai mẫu tự “U” và “Q” nên thưòng được thầy chiếu cố gọi phát âm lại nhiều lần, đôi khi thầy gặp em ở văn phòng thầy cũng bắt em phát âm “U” và “Q” nữa. Những lúc dư giờ, thầy lại nói  thêm về chuyện ngụ ngôn La Fontaine để hướng dẫn những điều hơn, lẽ thiệt ở đời cho chúng em

Cũng có một vài chuyện vui vui khi học giờ Pháp Văn: mấy phân môn của giờ Pháp Văn đều được chúng em phiên dịch ra tiếng Việt như ”vocabulaire” là “giỏ cá bự lại rẻ”, “thème” là “thèm me”, “traduction” là “gà rút xương” … Thầy rất chú trọng về analyse logique và grammaticale, nhờ đó chúng em rất vững về văn phạm nên khi học sinh ngữ 2 Anh Văn thì chúng em cảm thấy rất dễ hiểu grammar của môn này.

Em vẫn còn nhớ câu danh ngôn “Nul ne peut se vanter de se passer des autres” tạm dịch là “ Không ai có thể tự hào là mình không cần đến người khác” mà thầy hay nói để nhắc nhở chúng em về tính khiêm tốn mà mọi người cần có.

Cũng như thầy Cao Thành Phát, thầy đã giảng nghĩa để chúng em phân biệt rõ ràng  danh từ “professeur”. Thầy giải thích, chữ professeur bình thường cùng nghĩa với chữ enseignant, maitre là chỉ người dạy môn học nào đó như professeur d’ anglais, professeur de musique … và như thầy đây thì gọi là Monsieur Trần Ba, professeur du lycee Kiến Tường chứ không phải Professeur Trần Ba và thầy nói sao bây giờ chữ giáo sư bị lợi dung quá, ngay cả thầy bói cũng gọi là “giáo sư tử vi!”. Sư thực ngay lúc đó, em cũng không hiểu rõ điều thầy rõ lắm, nhưng sau này thì em hiểu rạch ròi hơn.

Ngày trước, với cương vị hiệu trưởng, thầy có công trong việc mở rông và đưa trường THKT vào nề nếp thì khi về trông coi trường TH Đất Đỏ đã có lúc thầy đã phải xây dựng lại ngôi trường này từ trong hoang tàn đổ nát do chiến tranh tàn phá. Vâng, thầy luôn luôn là một nhà giáo hoạt động tích cực nhất mà em được biết.  

Thôi thư đã dàị. Xin phép thầy cho em được dừng bút nơi đây. Kính chúc thầy và quý quyến vạn sự tốt lành. Xin thầy cố gắng giữ sức khỏe. Hy vọng một ngày nào đó chúng em được gặp thầỵ

Kính chào thầỵ

Học trò của thầy

PHẠM DOANH MÔN


Mười Hai Bến Nước

 Học sinh lớp đệ nhị (lớp 11) ban Toán trước 1975 đều khư khư bên mình quyển toán Hình học không gian của cựu giáo sư Nguyễn Xuân Vinh. Vậy gs Vinh là ai ?

http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_Xu%C3%A2n_Vinh

Ban biên tập kính mời quí đọc giả theo dõi bài viết của cựu gs Vinh:


Tôi không phải là một thi nhân, để có nhiều thì giờ nhàn rỗi ngâm trăng vịnh gió vì cuộc đời của tôi là một chuỗi ngày phải tranh đấu liên miên. Mặt khác công nghiệp của tôi là ở trong quân đội và trong ngành giáo dục và khảo cứu về toán học nên lại càng ít có dịp làm bạn với thơ văn. Nhưng từ nhỏ tôi vẫn mơ làm thi sĩ, nghĩa là vẫn ôm mộng làm thơ. Đọc ở trong sách tôi được thấy là muốn thành một toán gia siêu việt cần phải có một bộ óc giầu tưởng tượng, phải có chút ít thơ mộng, vượt qua những tầm thường gò bó của thế tục. Nhà toán học Đức quốc lừng danh Karl Weierstrass (1815-1897) của thế kỷ 19 đã viết rằng:

“It is true that a mathematician who is not also something of a poet will never be a perfect mathematician”.

Câu này có thể tạm dịch là:

Thật đúng vậy, là một toán gia nếu không cùng một lúc là một thi sĩ thì không thể nào là một toán gia vẹn toàn được”.
Vì tin ở lời nói của Weierstrass, là một toán gia tôi rất hâm mộ, nên đôi khi trăn trở về một bài toán mà tôi chưa tìm ra được lời giải toàn vẹn, tôi cũng đã từng đổi bút, làm thơ. Cho đến nay thì những bài thơ tôi đã làm chưa phải là thơ tình vì còn nặng mầu sắc toán học. Dưới đây là một bài tiêu biểu: 
Tình Hư Ảo 

Anh tìm em trên vòng tròn lượng giác,

Nét diễm kiều trong tọa độ không gian.

Đôi trái tim theo nhịp độ tuần hoàn,

Còn tất cả chỉ theo chiều hư ảo.

Bao mơ ước, phải chi là nghịch đảo,

Bóng thời gian, quy chiếu xuống giản đồ.

Nghiệm số tìm, giờ chỉ có hư vô,

Đường hội tụ, hay phân kỳ giải tích.

Anh chờ đợi một lời em giải thích,

Qua môi trường có vòng chuẩn chính phương.

Hệ số đo cường độ của tình thương,

Định lý đảo, tìm ra vì giao hoán.

Nếu mai đây tương quan thành gián đoạn,

Tính không ra phương chính của cấp thang.

Anh ra đi theo hàm số ẩn tàng,

Em trọn vẹn thành phương trình vô nghiệm. 

Toàn Phong


Đầu năm Quý Mùi tôi viết một bài tâm tư đăng báo Xuân và ghép theo bài thơ trong đó. Sau khi số báo phát hành, tôi nhận được lác đác vài bức thư của độc giả gửi về khen ngợi ở chỗ tôi đã chuyển được ý toán thành lời thơ. Nhưng có một bức thư ở một nơi xa lạ gửi về làm tôi chú ý. Trong phong bì nhỏ có kèm theo một bức hình một phong cảnh núi đồi và dưới có bốn câu thơ: 
Núi Đồi

Nơi đây có núi cùng đồi,

Có con suối nhỏ, da trời mầu xanh.

Phương trình, em gửi tới anh,

Tìm xem đường kẻ song hành nơi nao?


Ở dưới có một dòng chữ nhỏ viết thật đều: “Nơi đây anh ra đời-- Trang Hồng Quỳ”. Tôi nghĩ là tên tác giả chỉ là bút hiệu, và bài thơ không nặng lắm về toán nên không có nghĩa là tác giả đã cảm hứng khi đọc bài thơ của tôi mà viết ra. Vì tôi thích phong cảnh núi đồi nên đã giữ tấm hình và ghim trên tấm bảng ở bên bàn học.

Sang tháng sau, tôi nhận được thêm một bức thư cũng cùng một tuồng chữ, nhưng theo dấu bưu điện thì gửi tới từ một phương trời khác. Lần này có tấm hình một con sông lớn, có loáng thoáng mấy chiếc tầu bể neo bên bờ. Ở dưới có đề bốn câu thơ: 
Sóng Nước

Đời tổng hợp bởi muôn làn sóng cuộn,

Mà tình anh là quỹ tích của không gian.

Kiếp nhân sinh là hàm số tuần hoàn,

Nên quanh quẩn trên vòng tròn lượng giác.


Dòng chữ nhỏ kèm theo lần này đề là: "Nơi đây anh lớn lên-- Trang Thúy Minh". Lần này tôi nhận ngay ra được con sông, một con sông quá quen thuộc, thuở nhỏ tôi thường ra chơi với một đứa bạn học nhà ở gần đó. Đứa bạn tôi tên là Nguyễn nên mới theo dõi bước Văn Tế, sau này tôi cũng không nghe được tin tức gì đặc biệt, nhưng hắn có người anh ruột thật nổi tiếng là nhạc sĩ Văn Cao. Còn con sông đó là sông Cửa Cấm ở Hải Phòng, là thành phố mà tôi đã theo học ở trường tiểu học Bonnal, sau đổi thành trường Ngô Quyền. Và như vậy thì bức hình chụp cảnh núi đồi là ở địa phương Yên Bái, nơi tôi sinh ra đời, nhưng khi được đầy năm thì gia đình lại dọn về Hải Phòng. Hình ảnh của người gửi thư giờ cũng dần dần hiện ra trước mắt tôi. Người đó chắc phải là một người học trò cũ, đã đọc những truyện tôi viết tả cuộc đời mình nên mới biết rõ nơi tôi sinh ra và nơi tôi theo học trường tiểu học. Qua tên hay bút hiệu thì tôi không thể nào đoán được tác giả là một nam sinh hay là nữ sinh vì chỉ là tên giả, nhưng phải là một người đối với tôi có chút quan hoài đường tôi đi và sưu tầm những bức hình, phong cảnh của những nơi tôi đã cư ngụ.

Về toán học muốn vẽ một đường thẳng, ta phải cần hai điểm. Muốn biểu diễn cho một hàm số tăng hay giảm bất thường theo một đường cong ta phải cần ít nhất ba điểm. Tác giả bí mật đã cho tôi hai thông tin, nên giờ tôi chỉ cần nhận được bức thư thứ ba là đoán rõ được nhiều chuyện. Nếu có thêm dữ kiện, tôi có thể đoán biết được rằng người viết thư thân thiết để giới thiệu những ngọn núi hay đầu sông mà tôi đã đi qua, những bến nước mà tôi đã dừng chân, người ấy có liên hệ gì với tôi. Cả một tháng Ba đã đi qua, mà tôi vẫn mong đợi, chờ hoài dằng dặc mà không nhận được chiếc phong bì bé nhỏ xinh xinh. Lá thư thứ ba phải đợi đến cuối mùa xuân mới tới, và quả như tôi đã đoán trước, tấm hình gửi theo là hình hồ Gươm với tháp Rùa ở Hà Nội, nơi tôi theo học ở bậc trung học và năm đầu ở đại học. Những bức thư gửi tới mà tôi nhận được đã theo diễn biến thời gian, và tác giả những bức thư đã đọc ở đâu đó tiểu sử cuộc đời tôi. Tôi nhớ đến hai câu thơ của cụ Đồ Chiểu, viết trong cuốn "Lục Vân Tiên":

"Lênh đênh một chiếc thuyền tình,

Mười hai bến nước đưa mình vào đâu."

Tôi mới dừng chân ở vài bến nước, và dạo đó con thuyền tình cảm của tôi vẫn còn lênh đênh trên gợn sóng chưa trôi dạt vào một bến bờ nào. Bốn câu thơ viết dưới tấm hình hồ Gươm, lần này nặng hơn về toán học, và cường độ thiết tha cũng đã tăng lên gấp bội:
Song Song

Ai nghiên cứu vẽ ra đường quỹ tích,

Của tình yêu, hàm số tuổi ngây thơ?

Lúc kề bù, thẳng tắp quãng đường mơ,

Còn song song trên kiếp người vô tận.


Dòng chữ phụ đề trước đây đượm mầu thanh lịch, nhưng lần này nét chữ có vẻ đậm hơn. Tôi đọc được "Nơi đây anh gặp nàng - Trang Phi Phượng." Tôi hơi thắc mắc về hai chữ "gặp nàng", và chợt nhớ ra rằng tôi đã viết cuốn truyện "Đời Phi Công" trong đó tôi đã nói là gặp một người bạn gái có tên là Phượng. Kể tuổi đời năm ấy mười tám, đôi mươi là lúc tôi đang theo học ở thành phố bên trong con sông Hồng. Cuốn truyện này được các bạn trẻ thời xưa rất ham chuộng mà hình như các học sinh cũ của tôi ai cũng mua một cuốn và mang tới lớp học để xin tôi chữ ký lưu niệm. Tôi nghĩ rằng một học sinh cũ hay một người bạn nào đó, từ thuở xa xưa, đã dùng lối gửi thư này để nhắc nhở và nhắn tôi hai điều. Thứ nhất là xưa kia tôi đã viết những bài về nghiệp bay, mở đầu cho một nền văn chương hướng về đề tài không gian và vũ trụ, và những người mà cuộc đời trải theo mây trời có thể khai thác như là một nguồn cảm xúc vô tận. Thứ hai là người gửi thư muốn khuyến khích tôi viết tiếp nối bài thơ "Tình Hư Ảo" để lập ra trường phái thơ tình toán học, coi như là một cuộc kết hợp kỳ diệu giữa thơ văn và khoa học, và phổ biến rộng rãi những bài thơ theo thể loại này để cho giới trẻ, dù cho ở ngành chuyên môn nào cũng có thể sáng tác thơ văn bắt nguồn từ môi trường hoạt động của mình. Và để tỏ tình đồng điệu, tác giả đã đóng góp thêm mấy bài thơ.

Mỗi bài thơ tôi nhận được tôi có thể họa lại hay viết tiếp nối. Nhưng tôi nghĩ việc này tôi có thể làm về sau, khi đã nhận được hết những bài thơ theo dõi những chặng đường tôi đã đi qua. 
Tôi đã tặng bản quyền cuốn “Đời Phi Công” cho Hội Khuyến Học ở thành phố St Louis và hiện nay Hội đang chuẩn bị cho in lại để gây quỹ phát giải thưởng cho các em học sinh xuất sắc. Trên cuốn sách này và trên nhiều bài viết khác đã được phổ biến rộng rãi, tôi đã nói sơ qua về cuộc đời của mình, khi đang là sinh viên ở Đại Học Hà Nội, tôi được động viên theo học để trở thành một sĩ quan trong ngành công binh, và sau đó tôi đã đi Pháp để học thành một sĩ quan phi công. Bến dừng chân của tôi, sau khi ra trường ở Thủ Đức, là một quận nhỏ ở Thái Bình khi tôi được quân đội giao cho công việc xây cất một cây cầu trên một mạch lộ giao thông quan trọng. Nếu tác giả ẩn danh của những bài thơ đã gửi đến mà định gợi cho tôi nhớ đến những tỉnh thành tôi đã đi qua trong binh nghiệp thì tôi đoan chắc rằng người đó sẽ kiếm giùm cho tôi những hình ảnh của quân trường Thủ Đức, của những thành phố Thái Bình, Paris, Marrakech ...., là những nơi tôi đã tuần tự đi qua theo dòng đời nổi trôi. Đúng như tôi dự đoán, trong ba tháng liền tôi nhận được mỗi tháng một bài thơ kèm theo hình ảnh những đô thị tôi đã cư ngụ là Thái Bình, Paris và Marrakech. Tấm hình ở Thái Bình chỉ là hình chụp phía đằng sau của một người lính chiến, nhìn ra một cánh đồng hoang vu, một buổi chiều tà. Tôi nghĩ đây chỉ là một tấm hình cóp trên một tờ báo quân đội, vì người chiến sĩ có đeo một khẩu súng ngắn xệ bên hông phải trông dáng điệu thật hùng dũng, còn tôi thì ít khi tôi đeo súng. Hồi ở Thái Bình thuộc Quân Khu Ba, hàng ngày ra công trường tôi chỉ sách theo một khẩu carbine mà thôi. Tên tác giả ký lần này cũng khác, duy tôi có thể đoan chắc là chỉ có một người, hay một nhóm bạn trẻ vui nghịch với nhau, rủ nhau làm thơ tình toán học để tặng tôi. Bài thơ nay dài hơn, và ở phía dưới có phụ đề là “Nơi đây anh vào đời - Huyền Thanh Nữ”. Tâm Điểm

Tình là vậy, từ chân không chợt đến,

Một vòng tròn quay hai nửa tim hồng.

Để mỗi ngày đôi chân bước song song

Mong đi tới tận cùng là giao điểm

Em yêu anh, nên anh là tâm điểm

Giữa vòng tròn hạnh phúc của đời em.

Dẫu thời gian, không gian hoài biến chuyển,

Quỹ tích này vẫn mãi chỉ chờ anh.


Tấm hình tháp Eiffel, là biểu tượng của Paris, kinh thành ánh sáng, tôi nhận được với bài thơ tiếp nối, làm tôi nhớ lại những ngày ngồi ở trong những quán cà phê bên bờ sông Seine, như tôi đã tả trong cuốn “Đời Phi Công”. Đó là những ngày đầu tiên tôi sống trên nước người, và tôi còn nhớ rằng khi được thư của cô bạn gái bé nhỏ ở quê nhà hỏi có thấy nhớ nhà hay không thì trong một phút bồng bột của tuổi trẻ, lòng còn ôm mộng viễn phương, tôi đã viết thư trả lời: “Trong lúc này anh không thấy nhớ vì lòng còn đang rộn ràng với những cảnh lạ đường xa. Anh chỉ mơ hồ thấy rằng quê hương đang ở xa lắm, gần trọn nửa vòng trái cầu, có nhớ, có thương chăng nữa thì cũng nhớ xa sầu vời vợi, thương mênh mông như đại dương rộng lớn, còn có nhớ thương riêng một chút nào thì chắc cũng chỉ gói trọn vào một mình em gái anh mà thôi.” Tấm hình tôi nhận được, tôi không in vào đây mà thay bằng hình bìa cuốn sách lần tái bản, trên đó cũng vẽ tháp Eiffel. Còn bài thơ thì tôi để nguyên là: 
Bâng Khuâng

Trời về khuya, bóng hình ai thương nhớ,

Muốn quên đi, vì giấc mộng không thành.

Vẽ cho cùng, không trọn trái tim anh,

Em đành đem chuyện chúng mình cất lại.

Trang giấy nhầu ghi chút tình thơ dại,

Ngơ ngác buồn cây bút nhạt tình anh.

Em đã mang lượng số tính cho nhanh,

Tìm công thức đo trái tim mọng đỏ.


Tuy bây giờ tên tác giả đã hơi đổi khác, nhưng nét bút nhẹ nhàng vẫn nguyên như cũ và lần này được ghi chú là: "Nơi đây anh ngỡ ngàng - Huyền Nhi Nữ". Lần nào nhận được thư tôi cũng thấy thắc mắc nhiều về những câu phụ chú.

Những bài thơ, thật ra chỉ là những bài thơ toán học, phảng phất chen vào vài câu tình cảm ý nhị, và không liên hệ một chút gì đến tấm hình kèm theo. Nhưng câu phụ chú mới nói lên trạng thái, hay tình cảm đương thời của tôi. Người gửi tấm hình tháp Eiffel hình như đã đọc rất kỹ cuốn sách mà biết được tâm trạng lúc bấy giờ của tôi, đã được ghi lại như sau:

"Ánh sáng kinh thành huyền ảo cũng như mờ dần yếu ớt qua những lớp sương đêm. Tình quê hương lại nhóm bồng bột trong lòng người lãng tử. Ánh điện Nê-ông xanh rợn hay ánh lửa hoe vàng màu hỏa hoàng của ngọn đèn dầu, nhạc điệu sam-ba dậm dật hay tiếng sáo diều vi vu, Phượng ơi nào anh có biết? Chỉ biết đêm hôm nay có một anh chàng cà phê, ngồi giữa ánh sáng kinh thành mà nhớ đến quê hương."

Quả thật người viết những bài thơ đã biết là lúc đó tôi có tâm sự ngỡ ngàng của người vừa tới một phương trời xa lạ. Nếu những ngày lang thang trong lòng thành phố Paris, giữa khu Latin, và thỉnh thoảng lại vào một quán cà phê uống một mình, lặng nhìn thiên hạ mà nhớ đến quê hương, là những ngày tôi thấy ngỡ ngàng, thì những tháng sau, được gửi sang Bắc phi thực tập phi hành, hàng ngày tập đáp phi cơ trên những phi đạo trải rộng trên những cánh đồng cát, thì những ngày ấy mới là những ngày tôi thực sự bước chân vào đời và đã phải cố gắng hết sức mới vượt qua chặng đường huấn luyện bay đầy thử thách này. Huyền Công Nữ đến với tôi trong một bức hình cảnh sa mạc với mấy cây gồi và đoàn lạc đà đi trông thật là cô quạnh. Đây có lẽ là hình ảnh của Marrakech mà nàng thơ đã chọn cho tôi. Tôi tạm gọi tác giả những bài thơ toán là nàng thơ vì những tên ký diễm kiều với nét chữ nhẹ nhàng. Tôi đã sống ở nơi này vào khoảng chừng tám tháng, trong suốt thời gian học bay căn bản. Những kỷ niệm đáng ghi nhớ là những buổi chiều chủ nhật đi giữa những căn phố nhỏ hẹp, để coi những thổ sản gồm có những tấm thảm dệt tay, hay những đồ đồng hay đồ da, những người bán hàng luôn luôn mời chào. Những buổi chiều ấy, tôi đã đi lạc vào thế giới của nghìn lẻ một đêm, nhưng những nàng kiều nữ tôi đã gặp chỉ lộ ra những đôi mắt đen huyền, sâu thẫm, còn khuôn mặt luôn luôn được che kín bởi những làn voan đen. Sau khóa học, lại trở về Pháp, với tôi những kỷ niệm không quên còn có những buổi bay đêm dưới ánh trăng ngà dãi trên những cồn cát vàng hiện ra sáng lóng lánh dưới cánh người bay. Giờ đây những kỷ niệm ấy lại đến với tôi khi tôi cầm trong tay tấm hình đoàn lạc đà đi trên những cồn cát vàng với lời ghi chú: "Nơi đây anh mơ màng - Huyền Công Nữ". Nàng cũng gửi theo một bài thơ với ngụ ý chia ly: 
Ly Biệt

Anh ngỡ ngàng, đọc phương trình em gửi,

Để nhận rằng đường anh bước song song.

Đôi ta đi, dù tới cõi vô cùng,

Nhịp sống đời chẳng bao giờ hội tụ.

Thôi đi nhé, không gian và vũ trụ,

Bóng thời gian tồn tại mãi không phai.

Bội số nhân, cộng lại dạ quan hoài,

Chỉ chờ anh, và chờ anh mãi mãi.


Sau thời gian học bay ở Bắc Phi tôi quay trở lại Trường Võ Bị Không Quân ở Salon de Provence để học tiếp phần lý thuyết. Cũng trong dịp này tôi ghi tên ở Đại Học Marseille để học thi bằng cử nhân toán học. Nhưng nàng thơ mà tôi quen biết qua thư từ thì lại thật lạ lùng ở chỗ khi tôi được huấn luyện về quân sự hay về phi hành thì lại gửi cho tôi những bài thơ tình toán học viết thao thao bất tuyệt, mà khi tôi tới đoạn đời thiên nhiều về toán thì lại đi ẩn luôn. Tôi đã nghĩ rằng tính trung bình mỗi tháng tôi nhận được một bài thơ, kèm theo một tấm hình theo thứ tự thời gian những nơi tôi đã đi qua thì sau tấm hình ở Marrakech nàng sẽ gửi cho tôi một tấm hình ở miền Provence, và lần này thì bài thơ tình toán học sẽ chỉ hoàn toàn về toán. Nhưng suy nghĩ của tôi chỉ đúng một nửa. Suốt hai tháng hè năm vừa qua tôi không nhận được một bức thư nào. Rồi bỗng nhiên vào cuối hè, một hôm bắt đầu vào thu trời đổ lạnh, tôi nhận được một bài thơ dài, lần này làm theo thể thất ngôn như dưới đây:
Biết Mấy Cân Bằng

Đời tổng hợp biết bao hàm số,

Mà giải nên trọn kiếp nhân sinh.

Vì tình yêu chính là độc nghiệm,

Ta mơ tìm phương pháp chứng minh.

Vào không gian tình là hình học,

Tính đạo hàm! Em sẽ soát con tim.

Ngừng nơi đó, không ra định lý,

Chờ phút giây, cho mộng đắm chìm. 

Nguồn hạnh phúc gồm bao ẩn số?

Hệ phương trình, đủ lý giải chăng?

Đẳng thức nào đem ra liên kết? 

Đợi chờ nhau, biết mấy cân bằng!

Nhìn tấm hình kèm theo tôi không khỏi bàng hoàng, nhớ lại những kỷ niệm xưa, vì là tấm hình cổng Phi Long, là cổng chính vào căn cứ Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn, nơi tôi đã thường nhật ra vào hơn bốn năm trời khi tôi giữ chức vụ Tư Lệnh Không Quân Việt Nam, cách đây cũng đã gần nửa thế kỷ. Kèm theo tấm hình, lần này có lời phụ chú: "Nơi đây anh vẫy vùng - Trang Thiên Thanh".

Những tấm hình gửi tới đã không đi liên tục, vì không có những tấm hình miền Salon de Provence, nơi tôi thao dượt trong Trường Võ Bị, những ngày gắn lon alpha, và trao kiếm, những buổi đại lễ uy nghi, những toán sinh viên sĩ quan diễn hành, hàng hàng lớp lớp, trên trời phi cơ bay thành đội hình. Hình ảnh mười hai bến nước của tôi như vậy sẽ không đầy đủ, và cuộc đời của tôi đã bị cắt một khoảng trống, khoảng thời gian những năm cuối cùng sống trên đất Pháp, khi tôi vùi đầu vào học, cố thu thập những lý thuyết quân sự, tổ chức hành chánh, kỹ thuật và hành quân trong Không Quân, và đồng thời cũng nhân dịp còn ở nước người học thêm về toán học, những môn chưa được giảng dậy ở quê nhà. Chính vì nhờ có những ngày không sôi nổi, lắng đọng như vậy mà tôi đã thâu thập thêm được nhiều kiến thức, để sau này có dịp đưa tài năng phục vụ quê hương một cách đắc lực hơn.

Một năm dài đã dần qua kể từ ngay tôi phóng bút viết bài thơ Toán với đề là "Tình Hư Ảo". Những bài thơ đáp lại, gửi đến từ bốn phương trời, nay không còn thấy đến nữa. Phải chăng tôi đã viết ra một phương trình mà không có nghiệm số, hiểu theo nghĩa bóng, và nghĩa đen là viết lên một bài thơ mà không được mấy người đáp ứng. Tôi đã phải buồn rầu mà nghĩ rằng có thể tất cả chỉ là hư ảo, bài thơ tôi viết ra và những bài tôi nhận được, rồi đây sẽ quyện lấy nhau như một cơn gió lốc, chợt đến rồi lại đi nhanh, rồi sẽ tan ra làm mây, làm khói, đi khắp bốn phương. Rồi đây, bỗng có ai nhặt được, đăng thành bài bản, người đọc cũng không thể đoán ra ai là tác giả, và có thể cũng không hiểu được hết ý nghĩa của những bài thơ, giữa vần điệu lại có chen thêm những phương trình toán học. Nhưng vào đầu thu, một tin mới lạ đã đến và giải thích được nhiều điều tôi chưa am tường, những nỗi thắc mắc vẫn còn vấn vương. Trong một buổi hội ngộ các cựu chiến sĩ ở Nam Cali, tôi được một phóng viên của đài truyền hình Michigan TV phỏng vấn. Lúc về anh gửi cho tôi một cuốn băng thâu hình, kèm theo một bức thư trong đó anh đã nói là thường đọc tin túc về tôi qua một diễn đàn điện tử của các bạn trẻ. Anh cho tôi tọa độ, và khi bật máy lên thì tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy trên diễn đàn Đặc Trưng, có mục "Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh", trên đó tôi được một số những bạn trẻ ở khắp năm châu trao đổi ý kiến và cho nhau tin tức về tôi, là người mà có lẽ phần lớn các bạn chưa hề gặp. Có những tin đưa ra trung thực, nếu lấy từ những bài do tôi viết, hay những bài do các thân hữu viết về tôi. Có những tin hoàn toàn sai lạc, và người cho tin cũng đã nói là do một người khác kể lại. Nhưng nội dung thì trong diễn đàn này, người khởi xướng chỉ nêu lên một nhân vật, thường thì là một khoa học gia, và những người muốn tìm hiểu thêm đã dùng diễn đàn đó dễ trao đổi tin tức để biết thêm về cuộc đời của người này. Những trao đổi này thường kéo dài chừng vài tháng, hay một năm là cùng. Vậy thì bài thơ "Tình Hư Ảo" tôi viết ra cũng chỉ như là một điểm tụ hợp để một số bạn trẻ gửi bài đến đóng góp và cùng chung một ý niệm là sáng tác những bài thơ tương tự gửi cho nhau coi. Mỗi lần gửi bài cho nhau họ lại gửi một bản tới tôi là người khởi xướng. Những bài thơ gửi giờ đây cũng thưa thớt, báo hiệu cái diễn đàn "thơ tình toán học" tôi khởi xướng cũng đã đến hồi chung cuộc. Đúng như lời tôi tiên đoán, vào ngày đầu năm, tôi nhận được bài thơ cuối cùng và nàng thơ toán của tôi với những tên khác nhau, nhưng nghe thật diễm kiều như Trang Hồng Quỳ, Trang Thiên Thanh, ... Huyền Nhi Nữ, Huyền Công Nữ, ... cách đây một năm bỗng chốc hiện ra, nay lại biến đi trong cõi nhạt nhòa. Bài thơ cuối cùng, được gửi kèm theo hình một bức tranh, hình như là của Tú Duyên vẽ một thư sinh ngồi như lắng nghe tiếng đàn, tiếng trúc ti từ nơi đâu ngân lại. Hình vẽ có kèm theo lời phụ chú: "Nơi đây anh tâm tình--Huyền Thiên Nữ". Còn bài thơ tôi in lại nguyên văn như dưới đây:
Người Tình Không Gian 

Anh với em đồng quy trên mặt phẳng,

Từ một chiều xa lạ của không gian, 

Từ một buổi trao tần số ngỡ ngàng,

Vùng tiếp tuyến trên bờ môi, nhất định. 

Đã trót yêu, từ tâm theo bán kính. 

Mối tình đầu không hệ luận tương lai. 

Biết anh đi trên quỹ tích đường dài, 

Hồ mắt lệ, em vương chiều tọa độ.

Giải đạo hàm em mong tìm nghiệm số. 

Kỷ niệm buồn, cực đại giữa tim ai? 

Đem nhớ thương, không còn biết ngày mai,

Đã yêu rồi, tình đôi ta bất biến. 

Anh từng nói yêu trong tình thánh thiện,

Rút căn rồi hội luận có bằng không. 

Khi biết mai sau em phải theo chồng, 

Buồn thẳng góc theo những đường tiệm cận. 

Chiều nhớ thương chất chồng theo vô tận,

Anh đi rồi định lý sẽ sai đi. 

Giải đoán nào lại không ướt bờ mi,

Thôi, chỉ đợi kiếp sau thành nhất thể. 

Anh hiểu chưa, cõi lòng em như thế,

Em muôn đời không đổi trục, anh ơi. 

Nhớ thương anh, tuy chẳng nói nên lời,

Em mơ ước theo cung đường tối lợi. 

Tìm giao điểm cho lòng ai mở hội, 

Xác định rồi vẽ đồ thị triển khai, 

Rồi chứng minh tỷ lệ suốt đêm dài, 

Lên đáp số đóng khung đời hình học.

Bài toán tình luôn làm người mê hoặc,

Bởi muôn đời nó vô định, người ơi!!


Chép xong bài thơ tình toán học để kết thúc một câu chuyện tâm tình viết một ngày xuân, tôi đọc lại hai câu thơ cuối và thấy rằng quả là tôi đã mê say toán học trong suốt cuộc đời. Thuở xưa khi còn thích đọc những sách về văn học, tôi đã biết câu "Thư trung hữu nữ nhan như ngọc", nghĩa là trong sách có người con gái sắc diện ngọc ngà. Bây giờ thì tôi hiểu được rằng không phải sách văn chương mới làm mình mê hoặc như được nhìn thấy người đẹp qua những kinh văn, nhưng sách toán và khoa học cũng có thể làm cho ta có những phút mộng mơ.


Toàn Phong NGUYỄN XUÂN VINH

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

NHIỆM VỤ CỦA NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC



NHIỆM VỤ CỦA NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC
Nhiệm vụ chính của nhà phê bình không phải là viết cho đúng mà, trước hết, theo tôi, nằm ở chỗ: họ dám thách thức lại những điều mọi người đều cho là đúng. Trước hết, nói đến chuyện đúng hay sai chủ yếu chúng ta nói đến ba bình diện chính: kiến thức, lập luận và nhận định. Hai bình diện đầu tương đối dễ. Chỉ cần chịu khó đọc hoặc biết cách tra cứu trong đống tài liệu mênh mông ở các thư viện và có khả năng tư duy mạch lạc, nghĩa là, chỉ cần chút học thức, chút cẩn thận và chút tỉnh táo, là người ta có thể viết đúng về kiến thức cũng như về lập luận.
 Nhiệm vụ của nhà phê bình văn học
Nhiệm vụ chính của nhà phê bình không phải là viết cho đúng mà, trước hết, theo tôi, nằm ở chỗ: họ dám thách thức lại những điều mọi người đều cho là đúng.
Trước hết, nói đến chuyện đúng hay sai chủ yếu chúng ta nói đến ba bình diện chính: kiến thức, lập luận và nhận định. Hai bình diện đầu tương đối dễ. Chỉ cần chịu khó đọc hoặc biết cách tra cứu trong đống tài liệu mênh mông ở các thư viện và có khả năng tư duy mạch lạc, nghĩa là, chỉ cần chút học thức, chút cẩn thận và chút tỉnh táo, là người ta có thể viết đúng về kiến thức cũng như về lập luận.
Khó hơn và cũng phức tạp hơn là vấn đề đúng/sai trong nhận định, đặc biệt nhận định thẩm mỹ. Nhưng ở đây, người ta căn cứ vào tiêu chuẩn gì để đánh giá một nhận định là đúng hay là sai? Dựa vào tiêu chuẩn một hệ mỹ học cũ để đánh giá một nhận định có tính chất tiên phong thì chẳng khác gì việc dùng bộ luật Hồng Đức hay là Gia Long để luận tội một người ở Úc hay ở Mỹ. Còn nếu muốn đưa ra một nhận định đúng, thật đúng đối với một hệ mỹ học đã cũ thì dễ thôi. Hầu như bất cứ đứa học trò chăm chỉ nào cũng có thể nhận định đúng. Các sách giáo khoa lại càng nhận định đúng. Đại khái, Truyện Kiều là kiệt tác của dân tộc Việt Nam (và như thế, hầu hết những bài thơ làm bằng thể lục bát đều man mác... linh hồn của dân tộc!); tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn hay (và như thế, những cuốn tiểu thuyết nhại theo phong cách của Tự Lực Văn Đoàn... cũng hay); Thơ Mới thời 1932-45, với những tên tuổi quen thuộc như Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử... hay (và những bài thơ phát sinh từ Thơ Mới... cũng hay).
Đại khái thế. Đó là những kiến thức đã được phổ cập vào đại chúng, ai cũng biết, và do đó, ai cũng dễ dàng chấp nhận. Nhưng chính vì ai cũng biết và ai cũng chấp nhận cho nên chúng không còn là những phát hiện và cũng không còn là một thử thách đối với khả năng phán đoán thẩm mỹ của nhà phê bình. Do đó, điều mà một phê bình tự trọng cần phải tránh đầu tiên chính là viết về những điều ai cũng cho là đúng. Lý do: thứ nhất, thừa; thứ hai, nhạt; và thứ ba, coi chừng... sai.
Trong lãnh vực khoa học tự nhiên, một chân lý phổ thông có thể vẫn là một chân lý. Không phải vì ai cũng biết quả đất tròn mà tự nhiên quả đất... méo đi một tí. Nhưng trong lãnh vực văn học nghệ thuật, ngược lại, vì bản chất của nó là sáng tạo, là đổi mới liên tục, do đó, những kiến thức đã lâu và cũ đủ để thành kiến thức phổ thông đều ít có khả năng còn là chân lý. Khi ai cũng nói đến vai trò của yếu tố cảm xúc trong văn học thì cơ sở mỹ học của chủ nghĩa lãng mạn đã bị chủ nghĩa hiện thực làm cho lung lay rồi. Khi ai cũng nói đến chức năng phản ánh hiện thực của văn học thì cơ sở mỹ học của chủ nghĩa hiện thực đã bị chủ nghĩa tượng trưng đặt thành nghi vấn. Khi ai cũng cho đặc điểm nổi bật nhất của thơ là yếu tố vần điệu thì, với sự phát triển của nền văn hoá in ấn và với ưu thế của yếu tố thị giác, vần điệu chỉ còn là một trong những yếu tố của hình thức thơ mà thôi. Cứ thế, liên tục.
Theo tôi, tài năng của nhà phê bình không được đo lường ở việc viết đúng mà chính là ở việc dám thách đố lại những gì được mọi người cho là đúng. Không dám chấp nhận thách đố ấy, nhà phê bình chỉ còn là một kẻ nói leo, nói hùa, nói vuốt đuôi người khác. Nhưng chấp nhận thách đố ấy, nhà phê bình phải đối diện với hiện tại, với những hệ mỹ học mới chớm chứ không phải những định kiến mỹ học sáo cũ, không còn khả năng sinh sản ra bất cứ cái đẹp nào nữa. Có thể nói nếu người sáng tác là những kẻ phải đấu tranh với cả một quá khứ văn học dằng dặc và đồ sộ ở sau lưng mình để tự hình thành cho mình một phong cách riêng biệt, thì nhà phê bình lại là những kẻ phải đấu tranh với cái hiện tại rậm rạp rối tinh rối mù để tìm kiếm cái sẽ là một con đường lớn, con đường chính trong tương lai. Đối thủ của người sáng tác nằm sau lưng. Đối thủ của nhà phê bình nằm trước mặt.
Trong các nhà phê bình Việt Nam trước đây, người được khen là nhạy cảm nhất hẳn là Hoài Thanh. Quả thực, trong cuốn Thi nhân Việt Nam được xuất bản lần đầu vào năm 1942, Hoài Thanh (với sự cộng tác ít nhiều của Hoài Chân) đã chứng tỏ một năng lực cảm thụ đặc biệt tinh tế: trong hàng trăm người làm thơ ở thập niên 1930, ông đã chọn ra được những người tài hoa nhất; ở những người tài hoa ấy, ông đã phát hiện được những khía cạnh nổi bật nhất; và ở mỗi khía cạnh, ông dẫn ra được những bài thơ hoặc những câu thơ tiêu biểu nhất. Nhiều bài viết ngắn, rất ngắn của Hoài Thanh, cả hơn nửa thế kỷ sau, vẫn chưa có người vượt qua nổi. Bao nhiêu người, sau Hoài Thanh, viết về Lưu Trọng Lư, vẫn không thoát ra khỏi ý niệm về chất "sầu" và "mộng"; viết về Nguyễn Nhược Pháp, không thoát ra khỏi ý niệm về nụ cười hiền lành và duyên dáng đằng sau các cảnh vật được mô tả; viết về Vũ Hoàng Chương, không thoát khỏi ý niệm về cái say; viết về Nguyễn Bính, tình quê và hồn quê; về Vũ Đình Liên, lòng hoài cổ; và về Thâm Tâm, cái rắn rỏi và gân guốc trong câu thơ đi liền với chút "bâng khuâng khó hiểu của thời đại", v.v...
Tất cả những điều ấy đều đã được Hoài Thanh phát hiện rất sớm, trong Thi nhân Việt Nam. Đó quả là những phát hiện quan trọng và thú vị, đòi hỏi rất nhiều tài năng. Tuy nhiên, để tiến hành những công việc phát hiện ấy, Hoài Thanh có không ít thuận lợi. Hầu hết những nhà thơ được ông tâm đắc đều thuộc một khuynh hướng sáng tác giống nhau: lãng mạn. Nhà phê bình, như thế, đã có sẵn những tiêu chuẩn bình giá khá rõ ràng. Những tiêu chuẩn ấy, gắn liền với chủ nghĩa lãng mạn, đã được nghiên cứu tường tận ở Tây phương, trong đó, có nhiều điểm đã trở thành phổ thông, được giảng dạy cả trong chương trình trung học thời ấy. Nhiệm vụ của nhà phê bình, do đó, chỉ còn giới hạn vào việc áp dụng những tiêu chuẩn thẩm mỹ có sẵn để đánh giá từng tác phẩm cụ thể. Nếu chủ nghĩa lãng mạn đề cao cái tôi hơn cái ta, cá nhân hơn tập thể, cảm xúc hơn lý trí, tưởng tượng hơn hiện thực, thiên nhiên hơn đời sống đô thị, sự phóng túng hơn là kỷ luật, v.v... thì rõ ràng thơ của Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Chế Lan Viên... sẽ được xem là có nhiều yếu tố sáng tạo và đáng được yêu mến hơn cả.
Cái hạn chế của Hoài Thanh là ông chỉ tinh tế với dòng thơ lãng mạn, một dòng thơ, nhờ những sự cổ vũ nhiệt liệt của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, chủ yếu trên báo Phong Hoá và Ngày Nay, đã trở thành tương đối quen thuộc thời bấy giờ. Nhưng Hoài Thanh lại không tinh tế đủ để tiên đoán sức sống mãnh liệt trong dòng thơ tượng trưng vừa mới manh nha vào cuối thập niên 30, vài ba năm trước khi ông hoàn tất cuốn Thi nhân Việt Nam. Chính vì thế hầu hết các nhà thơ nỗ lực vượt ra khỏi phạm trù lãng mạn để mon men đi vào thế giới tượng trưng, nghĩa là những nhà thơ giàu khả năng sáng tạo và đi xa nhất trong phong trào Thơ Mới đều bị Hoài Thanh hoặc phỉ báng hoặc chỉ chiếu cố lấy lệ: Bích Khê, Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử và Nguyễn Xuân Sanh.
Có thể nói Hoài Thanh chỉ thắng ở ván bài hiện tại mà lại thua, hơn nữa, thua đậm ở ván bài tương lai. Ông đủ tinh tế để thấy hoa nhưng lại không đủ tinh tế để thấy mầm. Ông thấy rõ hơn ai hết những gì ai cũng thấy, nhưng lại không thấy được những gì người khác chưa nhìn thấy. Bởi vậy, không có gì lạ khi, vào đầu thập niên 40, khi những nỗ lực vượt khỏi chủ nghĩa lãng mạn ngày càng bộc lộ mạnh mẽ, Hoài Thanh rất nhanh chóng trở thành một kẻ bảo thủ, thậm chí, phản động trong lãnh vực văn học. Cuốn Thi nhân Việt Nam càng được đề cao, thơ ca Việt Nam càng quanh quẩn mãi trong khuynh hướng lãng mạn cuối mùa. Chính vì thế, phải tốn rất nhiều thời gian người ta mới nhìn thấy hết tầm vóc của những tài năng như Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng và Nguyễn Xuân Sanh. Những khám phá muộn màng ấy chỉ có lợi cho lịch sử nhưng lại không còn chút tác động nào trong sự phát triển của văn học vì chúng xuất hiện khi bản thân khuynh hướng sáng tác tượng trưng và ngay cả siêu thực không còn là những sự độc đáo nữa.
Nhà phê bình chỉ có thể chiến thắng ở ván bài tương lai khi biết nhìn xuyên qua những tác phẩm cụ thể để khám phá ra hệ mỹ học làm nền tảng cho công việc sáng tác của nhà văn hay nhà thơ. Phê bình, do đó, tất yếu phải nghiêng về lý thuyết hơn là thực hành. Công việc quan trọng nhất của phê bình không phải là đánh giá từng tác phẩm cụ thể mà là xây dựng những tiền đề lý luận cho một hệ thẩm mỹ mới đang hoặc sẽ ra đời căn cứ trên việc phân tích bản chất của ngôn ngữ và văn học hay trên xu hướng phát triển chung của lịch sử cũng như của văn hoá. Với những tiền đề lý luận ấy, người ta sẽ nhìn văn học một cách khác, từ đó, sẽ sáng tác cũng như sẽ cảm thụ một cách khác.
Ngày trước, các nhà phê bình lớn, từ Kim Thánh Thán ở Trung Hoa cho đến Saint-Beuve ở Pháp, từ John Ruskin của Anh cho đến Vissarion Belinsky của Nga, qua việc phê bình của họ, làm cho người ta cảm thấy yêu hơn một số tác phẩm hay một số tác giả nào đó, từ đó, người ta cũng có thể thấy thế giới văn học đẹp đẽ hơn và giàu có hơn. Có thể gọi đó là truyền thống phê bình nhằm làm "sáng giá và sang giá" tên tuổi một số cây bút lớn, nói theo chữ của Hoàng Ngọc Hiến. 
Từ đầu thế kỷ 20, với sự xuất hiện của hình thức luận, Phê Bình Mới, cấu trúc luận và hậu cấu trúc luận, nữ quyền luận và hậu thực dân luận, vai trò của nhà phê bình đổi khác: các nhà phê bình lớn, từ Viktor Shklovsky cho đến Roman Jakobson, từ Roland Barthes cho đến Jacques Derrida, từ Michel Foucault cho đến Edward Said, v.v... đã không tôn vinh được một tác giả hay một tác phẩm nào, kể cả những tác giả hay tác phẩm mà họ dành nguyên cả một cuốn sách dày để phân tích. Lý do là, với họ, tác phẩm chỉ còn là một cái cớ, một ví dụ được lựa chọn đôi khi một cách khá tình cờ, để qua đó, họ khám phá ra những cái mã (code) ngôn ngữ hay những cái mã văn hoá tiềm ẩn bên trong tác phẩm văn học. Những sự khám phá ấy có thể không làm thay đổi giá trị tác phẩm được phân tích nhưng lại có tác dụng làm thay đổi cách đọc cũng như cách chúng ta nhìn về văn học. Nhờ những sự thay đổi ấy, những tác phẩm văn học trong quá khứ có thể xuất hiện dưới một diện mạo khác. Sự thay đổi nhiều khi triệt để đến độ ở khắp nơi người ta tự thấy có nhu cầu phải viết lại lịch sử văn học của đất nước mình. Và thú vị hơn nữa là cả giới sáng tác cũng tự thấy không thể an tâm để sáng tác như trước được nữa.                                            
Có thể nói mục tiêu lớn nhất của phê bình không phải là bảo vệ cái trật tự hiện có. Cái trật tự ấy đã có, đã được nhìn nhận và đã được quần chúng bảo vệ. Nó không cần đến nhà phê bình. Đứng về phía đó, nhà phê bình chỉ có thể đóng vai những kẻ bảo quản, hoặc may lắm, trùng tu di tích lịch sử. Công việc đó tuy đáng quý nhưng không phải không có phần nguy hiểm: nó dễ tạo nên ảo tưởng là văn học là một cái gì tĩnh tại và bất động, người ta chỉ cần lặp lại chứ không cần sáng tạo.
Một điều mà nhà phê bình cần làm hơn chính là tranh đấu cho một trật tự mới, cái trật tự vừa mới chớm, chưa được nhiều người thấy và chưa được ủng hộ. Làm công việc đó, nhà phê bình có thể ít nhiều gây ra sự bất an. Nhưng đó không phải là điều đáng lo lắng. Không có bất an thì sẽ không có sáng tạo. Trong sinh hoạt văn học, trái với điều nhiều người có thể tưởng, chính cảm giác bất an mới là dấu hiệu của sự lành mạnh và tích cực.
Ngược lại, chỉ có nghĩa là chết.
- Nguyễn Hưng Quốc

Nguồn: http://www.nghiasinh.org/?mode=noisan_chitiet&id_bv=713