Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

Hội ngộ



Thầy! Thầy !...thầy !  Những tiếng gọi, những tiếng reo mừng, những vòng tay, những nắm tay xiết chặt, rất thân thương và xúc động làm sao! Tôi không có ngôn từ nào để diễn tả hết những gì mà tôi nhận ở đây, nơi mà cách nay 37 năm tôi được nghe từ những em học sinh bé nhỏ nơi quận Đất đỏ, tỉnh Phước tuy.
Hôm nay các em vẫn là những em học sinh của tôi ngày nào mặc dù thầy trò đều tóc bạc hoa răm như Lưu Hy Di trong bài “Đại bi bạch đầu ông 代悲白頭翁” đã viết:
  Niên niên tuế tuế hoa tương tự       
 (Năm trôi qua , hoa nó cũng giống nhau)
 Tuế tuế niên niên nhân bất đồng      
 (Năm trôi qua, con người thay đổi)

Dù thời gian đã qua đi, tuổi xuân hao mòn theo năm tháng nhưng tình thầy trò không bao giờ phai nhạt. Tôi rất ngỡ ngàng và bối rối vì tôi không ngờ sẽ được các em cựu học sinh đón chào nhiệt tình như thế này! Ngày tôi giã từ các em, chính thức rời khỏi nơi này để lên Rừng lá, các em tiển tôi bằng những dòng nước mắt ngậm ngùi, đớn đau. Hôm nay tôi trở lại, các em đón tôi không phải bằng những tiếng nấc nghẹn ngào mà là những giọt lệ mừng âm thầm trên bờ mi, trong lòng tôi và trong lòng các em.
Chỉ 1 vài em biết hôm nay tôi trở về đây thăm lại các em sau 37 năm xa cách… Cảm xúc hội ngộ sẽ như thế nào: mừng, vui hay trách móc.  Giây phút ấy, không ai nói được gì, chỉ có ánh mắt, tay trong tay và 2 tiếng “thầy ơi!”
Các em không quên tôi, không phiền trách gì tôi, các em vẫn kính tôi như ngày xưa mặc dù bây giờ tôi không còn là “cậu học sinh Nông lâm súc”[1] đi lạc. Nay tôi ngoài lục tuần, mái tóc bạc phơ và hơi nặng ký sau thời gian sinh sống nơi xứ người.
Tôi muốn dành cho các em sự ngạc nhiên và cũng để đo lường tình cảm của các em, tôi âm thầm đến dự ngày họp mặt truyền thống của cựu giáo sư & học sinh trường Trung học Công lập Đất Đỏ (các em tổ chức hằng năm vào ngày Chủ nhật sau ngày Nhà giáo Việt nam 20-11.)

Trong ngày họp truyền thống, ngoài việc các em hàn huyên, các em còn làm việc từ thiện. Các em hàng năm chung góp với nhau 1 quỹ học bổng để tặng cho những học sinh nghèo, hiếu học và hạnh kiểm tốt. Tuy số tiền không lớn nhưng nó nói lên tinh thần khuyến học của cựu học sinh Trung học Công lập Đất đỏ, tạo điều kiện cho mầm non có cơ hội vươn lên.


Hôm nay, từng nhóm, lần lượt, hết lớp này đến lớp khác đến gặp tôi, tay bắt mặt mừng, tôi không nhận ra tất cả các em. Khi tôi dạy các em chỉ là những cô cậu bé tí, nay có em đã lên chức ông, chức bà. Có em vì cuộc sống vất vả trông già hơn tuổi như 1 em học sinh đã nói:
          Thầy tôi tóc đã bạc đầu
          Còn tôi tóc cũng ngã màu muối tiêu


Tôi rất vui và quá xúc động! Cám ơn các em đã dành cho tôi tấm chân tình này. Dù các em già hay trẻ , giàu hay nghèo, có địa vị rất cao trong xã hội hay chỉ là 1 công dân bình thường , thì ở đây nơi, ngày họp mặt truyền thống , tôi thấy các em không có sự phân chia giai cấp mà chỉ có 1tình bằng hữu: cùng chung thầy cô, cùng 1 mái trường.


Tôi trân trọng và khen ngợi các em đã giữ được truyền thống và tình cảm này.Tôi gặp lại các cựu đồng nghiệp, có nhiều anh chị em ngày trước tôi không dạy cùng thời khóa biểu nên chỉ quen biết qua những lần hội họp mà nay ai ai cũng quá nửa đời người.
“Thầy có nhớ em không? ngày xưa thầy phạt em đếm mắt kẻm gai ở trường. Thầy ơi! ngày nay em nên người cũng nhờ hồi đó thầy phạt em nhiều. Tụi em ngu dễ sợ, thầy bảo mang roi đến cho thầy đánh vậy mà thằng nào cũng tìm cây roi vừa dài, vừa to, vừa đẹp v.v.”




Mỗi em một câu, mỗi em nhắc 1 kỷ niệm. Tôi e rằng các em nhắc đến những lần bị phạt để mà giận, mà hờn. Nhưng không! các em nhắc đến như 1 kỷ niệm đẹp khó quên, như hành trang vào đời vậy.


 Ngày xưa tôi dạy các em, tôi rất nghiêm khắc: em nào vi phạm kỷ luật là bị phạt, bất chấp là nữ hay nam, lớp nhỏ hay lớp lớn. Tôi nhớ có lần tôi phạt tập thể và có em nữ lớp 12 bị ngất xỉu ở sân trường, dưới cơn nắng gay gắt của mùa hè.
Ngày xưa tôi và các em xa cách nhau bằng hai từ “thầy trò”, nhưng ngày nay hai từ ấy lại gần gũi, làm sống lại tình cảm, một thứ tình cảm không sao diễn tả được.
Nếu các em không dành cho tôi một tình cảm đặc biệt thì ngày hôm nay khi gặp nhau, các em khó nhận ra tôi và các em không còn nhớ về kỷ niệm. Các em đua nhau đọc bài Cảm thu của Đinh Hùng mà tôi giãng cho các em 35 năm về trước
Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này nghe từng chiếc lá rơi bên bờ cỏ ….Nước trong như một cặp mắt tuyệt vời. Những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ thời xưa, và trong vườn nhà ai thấp thoáng, hoa phù dung buổi sáng nở trắng như một linh hồn còn trẻ? Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Tôi vẫn ngờ như không sự đổi thay, vì lại thấy mình đi trên đường này, thu năm nay, giữa lúc cây vàng rơi lá. Đường này hiu hắt, tôi đem lòng về để gặp lại mùa thu thương nhớ cũ, và may cũng thấy thu về để hồ nước xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia, hay đó chỉ  là gió thoảng mong manh? Và gió nào vương vấn hồn tôi, hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ? Chao ôi! Buồn lại nhiều rồi, nhưng chỉ buồn như năm trước. Lòng tôi chẳng biết tìm ai mà nhớ, hôm nay nhớ lại buồn quá, mới thấy nắng kia nhiều dĩ vãng. ..”

 Có em lại tranh tài đoạn cuối, thầy ơi! đoạn này mới hay, nói về trường mình 

Đi trên đất đỏ, giữa hai ruộng ngô thơm ngào ngạt…Hương này có phải hương xưa ? Ồ! Những giây đậu ván còn non và luống khoai lang đã xanh tươi rồi nhỉ ? Đi trên đất đỏ, bên những đồng rau cải cúc và dẫm lên cỏ may vàng. Đây là những con bướm cũ, những cành hoa xưa,. Và này đây tất cả ngày xưa: Từng cơn gió nhỏ, từng sợi mây buồn…”

Ký ức các em tuyệt vời và đáng ngợi khenCó em còn nhớ những bài hát tôi đã dạy các em trong chương trình sinh hoạt cộng đồng. Những bài hát có vần rắc rối, lắt léo và thật khó nhớ. Chính tôi cũng quên theo thời gian mà các em vẫn ôm ấp nằm lòng và hát cho tôi nghe: “ Nào ai vô rừng mà nghe, tiếng chim hát lừng vang líu lừng! Nào ai vô rừng mà nghe, tiếng chim hát tuyệt vô cùng! Xúc lúa lép nuôi gà, bắt tép, hái cà, trói gà, bắt vịt…”   


Tôi thật bất ngờ, thầy trò cùng cụng ly, nhắc về chuyện xưa.  Những ly rượu vang nồng chát trở thành ngọt lịm. Tôi đã say nhưng không phải say vì rượu mà say vì tình cảm các em dành cho tôi.


Tiệc vui nào cũng tàn. Khi tất cả chia tay thì tôi lại thêm bất ngờ, các em không “ tha” cho tôi, hết lớp này đến lớp khác, các em dành lấy tôi, nhóm này kéo tôi lên xe thì bị nhóm kia lôi xuống đưa qua xe khác, cuối cùng tôi phải “tăng 2, tăng 3,  tăng 4”. Tôi liên tục bị bắt cóc đến nửa đêm mới được thả  “tự do”.


Vui thậtvui! chưa bao giờ thầy trò vui như vầy! Lúc đầu tôi cố kìm nén cảm xúc của mình để không bật khóc trước các em, nhưng rồi tôi hòa vào cái vui cùng các em và không còn “muốn khóc nữa.”


Karaoke  là 1 bộ môn xa lạ với tôi. Từ trước đến giờ, sống vừa trọn 1/2  đời người, tôi chỉ biết hệ thống  karaoke khi tôi hội ngộ với người anh ruột năm 2007, sau 32 năm  cách biệt. Karaoke đối với tôi như người không cùng ngôn ngữ mà giờ đây tôi cũng hát. Tôi cũng làm các em ngạc nhiên khi ca bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu”.



Tôi không biết rượu hát hay tôi hát mà các em vổ tay thật to khi tôi xuống vọng cổ, rồi các em cười nghiêng ngả; có em còn thỏ thẻ “không ngờ thầy thuộc bài này!” 

Những ngày ở Phước tuy; tôi đã được các đồng nghiệp xưa, các em cựu học sinh tiếp đãi thật chu đáo. Tôi hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, liên tục hết nhóm này đến nhóm khác kéo tôi đi. Các em làm hướng đạo để giới thiệu tôi những cảnh đẹp, những khu nghỉ dưỡng và những khu du lịch ăn khách hiện thời như suối nước nóng Bình Châu, bãi biển Hồ Cốc , bãi biển Nước Ngọt  v.v.
Những phát triển mới của tỉnh Bà rịa -Vũng tàu làm tôi ngỡ ngàng và những món ăn ở quê nhà gần như tôi đã không còn nhận ra được nữa. Những tháng năm lưu lạc trên xứ người, tôi chưa hề biết những gia vị thuần túy nơi quê nhà. Ở Hoa kỳ cái gì cũng có nhưng những khẩu vị quê nhà là điều thiếu sót và mãi mãi thiếu sót. Nhà thơ sông Đà núi Tản đã từng ghi lại những tình cảm mặn nồng trong cuộc sống, nơi chôn nhau cắt rún “ Đồ ăn ngon, không có người cùng ăn cho ngon, không ngon! Đồ ăn ngon, không có chổ ngồi ăn cho ngon, không ngon..” 
Thời khóa biểu hẹn hò với các em chật cứng và các em than phiền “thầy còn đắt hơn ca sĩ chạy show!”




Các em thay phiên nhau sắp xếp thời khóa biểu để tôi được cùng các em gặp nhau trò chuyện, ôn lại chuyện xưa tích cũ.  Có nhiều hôm các em mời tôi về nhà để giới thiệu cùng gia đình, gia đình các em không tiếp tôi như 1 người thầy mà như 1 bậc trưởng thượng đã lâu ngày không gặp. Các em sắp xếp rất chu đáo để tôi không bị ngỡ ngàng hay ngại ngùng.
Về Phước tuy chưa được mấy hôm, tôi phải về Sài gòn để chén tạc chén thù với  bạn bè tri kỷ. Sau 2 ngày gặp bạn tri âm, các em học sinh Nhơn Trạch đã đến đón tôi về Phú hữu, ngay cạnh bến phà Cát lái. Khi thầy trò lên phà, tôi nhớ lại ngày xưa:
Phà Cát lái trong buổi chiều nhạt nắng
Khách  lặng  nhìn đò vắng khách trên sông
Rảo mắt nhanh theo con nước trôi dòng
Người khách lạ lưng còng tay vẫy đón
Mắt đăm chiêu thả dài theo cơn sóng
Trố mắt nhìn nhưng chẳng thấy bóng ai
Vài tiếng chim trộn với nổi u hoài
Khách cảm thấy ngày dài hơn năm tháng
Rảo nhìn quanh không còn người buôn bán
Dưới chiều tà với ráng trắng[2] bên hông
Khách tủi hờn với thân phận long đong
Theo cơn nước của dòng sông Cát lái

 Mặc dù tôi chỉ dạy các em 1 niên khóa (1976-1977) rồi bị đẩy về Hố nai. Tôi ra đi không một lời từ giã nhưng tôi cũng kịp gởi lại nơi này chút ân tình nho nhỏ và được các em giữ gìn, nuôi  dưỡng suốt bao nhiêu năm. 
Ngày ấy với chủ trương của chính quyền, thầy giáo bên cạnh truyền đạt kiến thức còn phải hòa nhập với các em để làm rẫy, làm phân xanh. Tôi gần như sống cùng gia đình các em . Tôi đã cùng gia đình các em cấy lúa, lội sông, đi xuồng tam bản. Thời gian đó Nhơn trạch là 1 nơi chưa phát triển, có em phải lội bộ cả chục cây số để đến trường. Khi về nhà, phải phụ giúp gia đình nương rẫy, ruộng  đồng. Nhiều em không tiền mua sách vở.
Sau bao năm tìm tôi, các em nối lại nhịp cầu trên mạng qua tin tức của cô Phi Nga, người dạy chung với tôi nơi Rừng lá. Các em liên tục email, gọi điện thoại và yêu cầu tôi trở lại chốn xưa dù chỉ 1 lần. Các em kể rỏ nếp sống hiện thời. Có rất nhiều em thành công trong xã hội: đại gia, bác sĩ và phần lớn nối nghiệp tôi, 1 nghề mà tôi khuyên các em đừng nên chọn.  Ngày nay, nơi này cũng như các nơi khác đã thay da đổi thịt: cuộc sống  có vẻ thoải mái hơn. Những cánh đồng hoang cỏ cháy, những vùng đầm sình lầy lội nay được thay thế với những khu công nghiệp. Nhà máy mọc lên như nấm, những ngôi nhà lá, những ngôi nhà tranh vách đất đã khuất dạng, thay vào đó là những ngôi nhà lầu khang trang. Những căn biệt thự tự chọc trời nói lên sự trù phú của người dân nơi này.

Ba mươi năm trở về thăm Cát lái
Giòng sông dài vẫn mãi mãi đợi trông
Đứng trên phà nhìn nước cuốn theo dòng
Không kìm chế được nỗi lòng trắc ẩn
Nhìn thôn làng ngơ ngơ ngẩn ngẩn
Mái nhà tranh quanh quẩn chẳng còn đây
Mái tường cao chất ngất dẫy đầy
Cô hàng nước vẫn thân gầy như thuở nọ
Xe cộ qua phà cả ngày rầm rộ
Bé trẻ thơ vẫn lội bộ đến trường
Nhìn xóm làng chạnh thấy mà thương
Ngày tháng cũ học sinh trường Nhơn Trạch


         Ngôi trường tôi dạy ngày xưa nay được xây dựng lại với 3 tầng lầu khang trang. Cảm động làm sao khi biết được 1 em học sinh của tôi nay lại là hiệu trưởng của trường này. Một em khác lại về làm hiệu trưởng trung học phổ thông nơi Đất đỏ và nhiều em là đầu tàu cho trường địa phương.



 Nếu tôi một mình đi về đây thì tôi chẳng biết nơi nào để đi, để tìm. Mặc dù có các em hướng dẫn, giải thích từng nơi, từng chốn nhưng tôi không hình dung được vị trí ngày xưa. Tôi về đây rất bất ngờ nhưng các em vẫn tập hợp được bạn bè của lớp, có em từ Sài gòn, Biên hòa cũng vội bỏ cả công việc để về gặp lại thầy xưa. 

Mặc dù lần đầu sau hơn 30 năm tôi mới trở về thăm quê hương, các em biết tôi không có nhiều thời gian dành cho các em vì tôi còn gia đình, còn bạn bè, họ hàng cần thăm viếng nhưng các em khéo léo sắp xếp đưa tôi đi chơi bằng thuyền trên dòng sông nơi Rừng sát.

Thầy trò như một nhóm bạn cũ tổ chức buổi hội ngộ ngoài trời. Các em và tôi huyên thuyên cười nói, nhắc nhở lại chuyện xưa.


Các em luôn hỏi tôi “bao giờ thầy trở về nữa?” Một câu hỏi dễ hơn bài toán lượng giác hay bài bình luận 1 câu châm ngôn mà trước đây tôi dạy các em nhưng tôi lại không thể trả lời được. Tôi còn công việc, còn gia đình và tôi không biết bao giờ tôi sẽ trở về lần nữa. Tôi vui lắm nhưng một nổi buồn đã bắt đầu nhen nhúm…  các em báo cho tôi biết bên cạnh nhiều em thành đạt lại có vài em sẽ không  bao giờ gặp được tôi. Có em vì nghèo quá không tiền trong lúc ốm đau, có em trở thành liệt sĩ hy sinh nơi chiến trường Kampuchia.
Qua lời tâm sự của các em học sinh  Đất Đỏ và Nhơn Trạch, tôi biết sự gặp gỡ hôm nay của thầy trò chúng tôi như một cuốn phim trong chuyện thần thoại. Các em không tin rằng sẽ được gặp lại tôi và tôi chưa bao giờ tôi nghĩ đến ngày tôi có thể gặp lại các em. Vài năm trước, các em đinh ninh tôi đã bỏ mạng trong biển khơi và làm mồi cho cá mập. Các em luôn nghĩ rằng không 1 người nào còn sống mà suốt 30 năm biệt tăm biệt tích, không 1 cú điện thoại hay 1 lá thư. Không ai biết tin tức về tôi trong khi những người cũng ra đi như tôi vẫn thường xuyên liên lạc với gia đình, bè bạn, học sinh. Có em trách tôi “xa mặt cách lòng”  không còn nhớ đến các em nhưng thật sự lúc nào tôi cũng nhớ các em, nhớ về những ngôi trường tôi đã dạy. Tôi xin lỗi đã để các em mỏi mòn trông đợi. Tôi  không vô tâm, không quên các em nhưng có nhiều vấn đề riêng tôi đã không thể liên lạc với các em sớm hơn. Trong lòng tôi, các em là những cô cậu bé chân tình, ngây thơ, hồn nhiên , ngoan ngoãn.  Các em nào biết có 1 thời gian dài tôi bị “ức chế tâm lý” vì không được dạy các em. Mỗi khi ra đường vào giờ học sinh tan học, nhìn những em lên xuống xe buýt, tôi đều nhớ về các em, những giọt lệ chảy dài và nóng bỏng nhưng tôi không làm gì để thay đổi tình trạng này. Các đồng nghiệp cùng sở khuyên tôi  đi bác sĩ tâm lý và may mắn thay bác sĩ  khuyên tôi phải đi học lại và  học về cao học giáo dục thì tôi mới lấy lại tinh thần.  Trước khi về lại nơi đây, tôi không  hình dung được các em sẽ đối với tôi như thế nào, bây giờ tôi đã có câu trả lời “quá nhiệt tình và rất ân cần!”
Dù học sinh Đất đỏ hay học sinh Nhơn Trạch thầy vẫn là thầy, trò vẫn là trò. Thời gian trôi qua, mọi thứ đều có thể đổi thay nhưng tình thầy trò cho đến hết cuộc đời vẫn bất di bất dịch.
Trước khi về lại nơi quê cha đất tổ,  tôi được báo trước sẽ có đoạn đường bằng xe đò, xe bus cho biết thế nào là vất vả nhưng rồi tôi cũng chẳng có cơ hội nếm mùi. Tôi luôn được các em đưa đón: Dù gần hay xa, từ Tây Ninh về tận Đất đỏ hay từ Đất đỏ về Nhơn trạch hay Sài gòn các em cũng dành việc đưa đón tôi vì sợ tôi bị lạc, không quen đường xá, không am tường luật lệ giao thông ở Việt nam và bị ăn hiếp. Các em tin rằng tôi như con nai vàng ngơ ngác với cảnh vật xung quanh.
Tôi cảm ơn tất cả các em đã tổ chức lần họp mặt đầy thú vị này; cám ơn các em đã dành cho tôi tình cảm nồng nhiệt. Khi rời xa nơi này trở về nơi cư ngụ, dù bận rộn biết bao công việc, tôi mãi mãi nhớ đến những hình ảnh, tình cảm này của các em. Hình bóng các em lúc nào cũng ở trong lòng tôi.
Hy vọng một ngày không xa, tôi sẽ trở về cùng các em và có nhiều thời gian để hàn huyên tâm sự.
Thầy đi khoắc khoải trăm chiều
Học sinh ở lại với nhiều ngóng trông!
Virginia 17 tháng 8 năm 2012

Trần-Lâm Phát



代悲白頭翁[3]
Đại bi bạch đầu ông
 Thương xót thay lão bạc đầu
年代:【唐】
 作者:【刘希夷】
体裁:【府】

Niên đại: Đường
Tác giả: Lưu Hy Di
Thể tài: Nhạc phủ
Phiên âm: Trần-Lâm Phát



Dịch nghĩa: Trần-Lâm Phát
洛陽城東桃李花,
Nhạc dương thành đông đào lý hoa,
Phía đông thành lạc dương hoa lý nở
飛來飛去落誰家?
Phi lai phi khứ lạc thùy gia?
Bay đi bay lại rớt vào nhà ai ?
洛陽女兒惜顏色,
Lạc dương nữ nhi tích nhan sắc,
Con gái Lạc dương nhan sắc đáng yêu
坐見落花長嘆息。
Tọa kiến lạc hoa trường than tức.
Ngồi thấy hoa rơi mà thở dài
今年花落色改,
Kim niên hoa lạc nhan sắc cải,
Năm nay hoa nở nhan sắc đổi
明年花開復誰在?
Minh niên hoa khai phục thùy tại?
Sang năm hoa nở người ở đâu ?
已見松柏摧為薪,
Dĩ kiến tùng bách tồi vi tân,
Chỉ thấy cây thông, cây bách bẻ thành cũi
更聞桑田變成海。
Canh văn tang điền biến thành hải.
Lại nghe ruộng dâu biến thành biển cả
古人無復洛城東,
Cổ nhân vô phục lạc thành đông,
Cố nhân (người xưa) không quay lại Lạc thành ở phía đông
今人還對落花風。
Kim nhân hoàn đối lạc hoa phong.
Người nay vẫn đối diện ngọn gíó thổi hoa rơi
年年岁岁花相似,
Niên niên tuế tuế hoa tương tự,
Năm trôi qua,  hoa nó cũng giống nhau
岁岁年年人不同
Tuế tuế niên niên nhân bất đồng.
Năm trôi qua, con người thay đổi
寄言全盛红颜子,
Ký ngôn toàn thạnh hồng nhan tử,
Gởi lời đến người đẹp (hồng nhan tử)
應憐關死白頭翁。
Ứng liên quan tử bạch đầu ông.
Nên thương  xót ông già bạc đầu sắp chết
此翁白頭真可憐,
Thử ông bạch đầu chân khả liên,
Ấy! ông già đầu bạc thật đáng thương
伊昔红颜美少年。
Y tích hồng nhan mỹ thiếu niên.
Năm xưa cũng là người trẻ đẹp
公子王下,
Công tử vương tôn phương thụ hạ,
Cũng là bậc công tử trong thôn xóm
清歌妙舞落花前。
Thanh ca diệu vũ lạc hoa tiền.
Tiếng hát thanh, điệu múa đẹp trước cảnh hoa rơi
光祿池台開錦繡,
Quang lộc trì thai khai cẩm tú,
Cái đài ao của quang  lộc đẹp như gấm
將軍樓閣畫神仙。
Tương quân lâu các họa thần tiên.
Cái gác tía của tướng quân vẽ hình thần tiên
一朝臥病無相識,
Nhất triêu ngọa bịnh vô tương thức,
Một sớm bị bịnh nằm đó không ai hay
三春行樂在誰邊?
Tam xuân hành lạc tại thùy biên?
Ba ngày xuân hành lạc ở nơi nào ?
宛轉蛾眉能幾時,
Uyển chuyển nga mi năng ky thời,
Long mày cao mềm mại có được bao lâu
須臾鶴髮知如絲。
Tu du hạc phát tri như ti .
Chốc lát tóc hạc như tơ tằm
但看古来歌舞地,
Đãn khan cổ lai ca vũ địa,
Hãy xem những  nơi vũ điệu xưa nay
唯有黃昏鳥雀悲!
Duy hữu hoàng hôn điểu tước bi!
Chỉ còn chim sẽ đáng thương trong lúc hoàng hôn



[1] Tôi thường m ặc áo nâu, màu áo của h ọc sinh Nông Lâm Súc
[2] Đám mây có màu sắc hồng hoặc vàng... do ánh mặt trời buổi sáng sớm hoặc buổi chiều tà chiếu vào.
Tục ngữ: “Ráng vàng trời nắng; ráng trắng trời mưa”