Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Thầy hiệu trưởng



 
     Sau ba tháng hè, vào niên học mới, chúng tôi mới thật sự có một ngôi trường riêng! đúng nghĩa, đúng tên. Năm ấy, năm 1968, khi tôi dự lễ khai giảng lớp đệ lục, chúng tôi được vào học ngôi trường mang tên Trung Học Đất Đỏ; ngôi trường mới được xây với bảng tên trường hiên ngang nơi cổng. Đây mới thật sự là ngôi trường  của chúng tôi. Kể từ hôm nay, chúng tôi không còn những buổi học “ké”, vay mượn của Trường Tiểu học Phước Thạnh hay Trường Tiểu Học Phước Hòa Long. Sau 4 năm tạm trú, trường Trung Học Đất Đỏ mới có được “ngôi nhà” riêng cho mình.
          Trường mới nên tất cả đều mới. Giáo sư từ nơi khác được bổ nhiệm về,  có ban giám hiệu và quan trọng nhất là chúng tôi có ông Hiệu Trưởng, thầy Trần Ba. Thầy Trần Ba là hoa tiêu, lèo lái con thuyền,  hướng dẫn chúng tôi đi trên con đường học vấn và thành nhân (tôi vẫn còn như đang thấy thầy di chuyển quanh trường ).
          Chúng tôi còn nhỏ quá, nên không quan tâm gì nhiều về các thầy cô, chỉ biết học theo thời khóa biểu. Hôm nào không có giờ thì vui lắm. Chúng tôi tha hồ đi chơi mà không bị gia đình kiểm soát. Chúng tôi không biết thầy từ đâu bổ nhiệm về đây,  chỉ thấy thầy rất nghiêm khắc. Từ khi thầy về đây, mọi việc đều vào nề nếp. Chúng tôi có giờ học kỹ càng, chúng tôi bắt đầu tuân kỷ luật, biết lễ phép hơn, biết xấu hổ hơn khi bị phạt hay nêu tên dưới cột cờ vào mỗi tháng. Mỗi ngày một lớn, chúng tôi càng ý thức và gần như chúng tôi theo dõi thầy từ xa,  tìm hiểu những việc thầy làm cho học sinh nhà quê chúng tôi. Thầy nhỏ người (không hiểu sao trường tôi rất nhiều thầy nhỏ con) nhưng nhiệt tâm thầy không nhỏ. Bây giờ ngồi đây viết lại những dòng này,  dù đã 38 năm chúng tôi không theo học với thầy và thầy cũng đã mất nghiệp, chúng tôi khẳng định “thầy Trần Ba đã hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, nhất là học sinh Trường Đất Đỏ chúng tôi”.   
 Ngôi Trường Trung Học Đất Đỏ này như bãi đáp cuối cùng của đời thầy trong nghề dạy học. Nhìn vẽ bên ngoài, ai ai cũng có chung nhận xét:  “thầy rất nghiêm khắc và khó tính” . Thật ra, đó chỉ là mặt nạ thầy che phủ để dể trị đám học sinh nhà quê lỳ lượm nhưng dưới mặt nạ đó, nó ẩn chứa một tình thương vô bờ bến. Để chúng tôi có thêm phòng học, thầy không quản nhọc nhằn đi xin xỏ khắp nơi. Kết quả của thân cò lặn lội ấy, chúng tôi có thêm 1 dãy lầu khang trang ở phía sau

 Dãy lầu phía trước do quân đội Úc đóng tại Núi Đất, xã Long Tân xây dựng tặng. Dãy lầu phía trước  chưa được hòan tất thì quân đội Úc rút về nước. 
Tôi dám cam đoan chưa có vị Hiệu Trưởng nào quan tâm đến học sinh và giáo sư dưới quyền của mình như thầy. Thầy xem học sinh như con cháu và đồng nghiệp như anh chị em. Sau mùa hè đỏ lửa 1972,  trường chúng tôi bị hư hại đổ nát. 

Thầy tìm kiếm nguồn tài trợ để sửa chửa. Để khuyếch trương trường, thầy xin bộ giáo dục bổ nhiệm giáo sư đệ nhị cấp cho trường. Từ niên học 1972 ,Trường Trung Học Đất Đỏ có 1 đội ngũ giáo sư trẻ nhiệt tình, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn tình nguyện về dạy nơi này. 

Thầy nhìn thấy những khó khăn của vùng quê nghèo và mong muốn học trò mình có một nền giáo dục tốt,  một nghề nghiệp vững chắc khi bước chân vào đời và công dân tốt cho bản thân và xã hội; thầy Trần Ba quyết tâm tìm con đường tương lai cho chúng tôi. Thầy mong ước chúng tôi vào đại học nhưng làm sao để học sinh nhà quê chúng tôi có khả năng bước chân vào và đi trọn con đường Đại Học; đó là nỗi ray rức thâu đêm của thầy qua nhiều năm tháng.  Cuối cùng thầy có quyết định táo bạo: tìm trợ giúp.  Qua sự hổ trợ của một giáo sư trẻ, thầy  Ba vay 10 ngàn không lãi từ thầy Trương Tấn Trung,  10 ngàn lãi tượng trưng từ ông Đinh Quốc Hùng ở Sài gòn; phần còn lại, thầy vay tiền phụ huynh học sinh. Dưới sự lảnh đạo của thầy, hội phụ huynh đứng ra mua 1 phần đất khoảng 10 mẫu dùng cho sản xuất. Theo kế hoạch của thầy,  đất dùng cho sản xuất mà nông dân là học sinh của trường.  Nguồn thu lợi dùng để hổ trợ các học sinh nghèo, tiếp tục đi hết con đường đại học. Ngoài ra thầy còn dự án xây một ký túc xá cho các giáo sư có chổ nghỉ ngơi khi về đây dạy học (lúc bấy giờ các thầy cô ở xa phải thuê nhà trọ ở Phước tuy). Ý tưởng táo bạo và vĩ đại quá phải không các bạn! Nhưng trời không chìu lòng người: ước mơ thầy chưa thực hiện được mà còn bị mang tiếng oán.  Phần thưởng cho kế hoạch này của thầy là 6 năm tù. Sau này, tôi nghe một giáo sư kể lại[1], mới biết thầy có một đức tính đáng kính phục. Đó là sự liêm khiết. Trong xã hội tranh tối tranh sáng, thầy có thể “bỏ túi” rất nhiều khi chi tiêu 10 triệu cho dãy lầu phía sau hay vào dịp tuyển học sinh mới. Thầy không hề ăn cắp của học trò mà còn tiết kiệm cho công quỹ tối đa. Mỗi ngày 2 buổi đến trường,  có ngày thầy quá giang với đồng nghiệp bằng xe gắn máy, có ngày thầy đi xe lam như học trò chúng tôi. Thầy không có được chiếc xe riêng cho mình. Với dáng đi tất bật, hầu như nơi nào cũng có thầy. Nhiều lần tôi thấy thầy từ cửa sổ phòng giám hiệu nhìn ra sân trường,  nơi đám học trò tinh nghịch chúng tôi nô đùa trong giờ ra chơi. Đôi mắt đăm chiêu và âu lo lộ rõ trên nét mặt thầy. Tôi nhớ có 1 lần, năm tôi học lớp 9, bạn Hồng Sơn (Long Hải) bày chuyện cầu cơ nhưng không hiểu sao đám con gái lại mê mẩn với trò này. Ngày nào cũng đi sớm đến lớp chơi cầu cơ (cầu cơ là 1 trò chơi mê tín dị đoan.  Để cầu cơ, phải có 1 miếng ván hòm người chết,  đẻo thành hình trái tim, 1 tờ giấy ghi đủ 24 chữ cái. Để đi cơ, 2 người để 2 ngón tay trỏ vào miếng gổ trái tim đó  và thầm khấn tên họ tuổi người chết. Khi bắt đầu câu hỏi, miếng gỗ chạy vào chữ cái nào, ghi ra giấy rồi ráp lại, sẽ có câu trả lời ). Bọn tôi tin cơ lắm,  khi thì hỏi cơ bài kiểm tra,  khi thì hỏi điểm, hỏi đủ chuyện trên trời dưới đất,  v..v.. Hôm ấy không có giáo sư đến nên chúng tôi được nghỉ 1 giờ. Vì nghỉ 1 giờ nên không được ra khỏi trường,  chúng tôi bày trò cầu cơ. Trong lúc chúng tôi  đang la hét in ỏi thì thầy xách cây roi vào lớp. Chúng tôi say mê tụ tập nên không biết thầy đến. Thầy quất cho mấy đứa ngồi trên bàn,  thầy giật lấy tấm bảng chữ cái và xé nát. Thầy quăng ra sân miếng cơ và nói  “cầu cơ nè! cho tụi bây cầu cơ …”  Bọn tôi xanh cả mặt,  hoảng hồn ngồi im phăn phắt. Bạn Sơn vừa khóc vừa kể lể: chị Hoa ơi! chị Hoa ơi! thăng đi chị Hoa ơi! (vì người lên cơ là chị nó ).
              Ngày hôm sau nó lại bày chuyện đem nhang vào lớp đốt tạ lỗi với hương hồn chị nó,  bọn tôi cũng làm theo. Phòng học nghi ngút  đầy nhang khói. Mặc dù bọn tôi đóng cửa nhưng không qua mắt được thầy. Thầy,  1 tay cầm roi,  1 tay gom tất cả nhang quăng xuống đất. Thầy hỏi thủ phạm mà có đứa nào dám nhận,  kết quả tháng đó, lớp tôi bị nêu tên trong sân trường. Chúng tôi bị phạt, bị la, bị đòn mà bọn tôi không giận thầy; chúng tôi còn lấy đó làm trò vui. Thỉnh thoảng chúng tôi bày vài trò nghịch ngượm (trẻ con mà) để bị phạt.
         Năm chúng tôi học lớp 11,  sau kỳ nghỉ Tết,  ngày học  đầu năm nhằm ngày mùng 7 Tết,  tổ 1 của tôi,  có 7 trong 12 đứa nghỉ  học vì cho rằng đó là ngày “Ban tiêu”. Hôm sau đi học, bị kêu lên văn phòng và bị đuổi học (các bạn chưa thấy thầy giận thế nào đâu,  thầy cứ gằn giọng: ban tiêu! Ban tiêu, tao cho bây tiêu luôn ). Nhà trường bắt chúng tôi phải đưa phụ huynh đến trường gặp thầy (bọn tôi nói: gia đình nói mùng 7 ban tiêu, không cho đi học). Trời ạ!  đầu năm đâu muốn bị đòn,  lại không muốn bị đuổi,  chẳng đứa nào dám về nói với gia đình,  bàn nhau và thống nhất nhờ mẹ đứa bạn (dì năm má bạn Lệ Hoa ) đến gặp thầy xin lỗi. Lúc đầu dì năm làm má cho 1 , 2 , 3 học sinh rồi leo thang đến 7 học sinh (các bạn thấy bọn tôi già đầu còn ngu chưa ). Thầy vừa giận, vừa tức cười hỏi Dì Năm “bà có mấy đứa con,  mà sao bà đẻ hay quá vậy ? 7 đứa con có 1 tuổi! Tội nghiệp dì Năm không biết trả lời sao, chỉ còn xin thầy tha cho bọn tôi. Sau khi bị thầy “giảng đạo 1 chập”, bọn tôi cũng được thầy tha . Thầy như thế đó! lúc giận la lối dữ lắm nhưng chỉ để hù dọa chúng tôi và đưa chúng tôi vào nề nếp.
           Làm sao nói hết những gì thầy đã hy sinh cho cuộc đời sư phạm, cái "nghề" thầy đã chọn và nó cũng đuổi theo thầy như cái "nghiệp".
         Hiện tại thầy sống tha hương,  an hưởng tuổi già bên cạnh con cháu.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm, ngày thầy cống hiến cho sự nghiệp giáo dục,chúng con kính chúc thầy nhiều sức khỏe!
Chúng con hy vọng được gặp lại thầy trên quê hương Đất Đỏ này dù chỉ 1 lần.
                                                                                                                                                                                                                   
Đỉnh Phù Vân
Cựu HS Khóa 3: 1967-1974



[1] Thầy Trần Ba  tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 1963, hiệu trưởng Trung Học Kiến Tường từ 1965-1968. Mùa thu 1968, thầy về Trung Học Đất Đỏ. Năm 1997 thầy định cư ở tiểu bang Oregon, Hoa kỳ .