Hôm
nay là ngày giỗ đầu của bạn tôi , người bạn thân nhất trong suốt thời trung học
và 38 năm sau khi chúng tôi rời khỏi mái trường. Sự ra đi của bạn là một bất
ngờ lớn với tất cả mọi người thân quen.
Không ai có thể ngờ nó chết trẻ như thế!
Hôm trước tôi mới nói
chuyện với nó, nó vẫn bình thường, vậy mà sáng hôm sau nó đã ra đi. Tôi vội vã đến
để nhìn nó lần cuối cùng nhưng khi tôi đến nó đã nằm trong áo quan. Nó đang ngũ
yên, một giấc ngũ mà nó mong muốn.
Không
ai hiểu được nguyên nhân nó đã hành động. Nó ra đi trong sự nhớ thương, tiếc
nuối của chồng con , em út, cháu chắc và bạn bè. Nó mới 57 tuổi đời, tuổi quá
đẹp để thụ hưởng những gì đang có: người chồng mẫu mực không rượu bia, thuốc lá;
những đứa con ngoan thành đạt. Bạn bè, đồng nghiệp đều quý mến tính hiền lành
của nó, vậy mà nó đã bỏ tất cả để ra đi. Tôi buồn vô cùng vì
mất đi người bạn thân, nhưng đêm cuối cùng, trước ngày hỏa thiêu nó,
tôi đọc những bức thư nó để lại, tôi đã trách nó. Nó quá ích kỷ, nó chỉ
muốn đi tìm sự bình yên cho riêng mình mà không nghĩ đến người xung quanh . Nó
ích kỷ đến độ không thể chờ đợi uống ly rượu mừng của đứa con gái duy nhất .
“Chết không phải là hết
mà chỉ là sự thay đổi từ cuộc sống này sang cuộc sống khác”, đó là những dòng
chữ nó viết gởi lại người cô hết mực yêu thương nó.
Tôi là dân Long Điền , còn nó thì người Đất Đỏ. Chúng tôi cùng
chung lớp suốt 7 năm trung học. Cha nó mất vì chiến tranh, mẹ nó tái giá và bỏ
lại 4 chị em nó cho bà nội già nuôi dưỡng và chúng ăn học thành tài. Mặc dù tôi
không cùng chung nghề giáo với nó nhưng lại rất thân. Gia đình nó gần như là
gia đình của tôi: bác, cô nó cũng
như là bác cô tôi ; chị em nó cũng như chị em tôi. Những ngày chúng tôi
còn học trung học, nhà nó cũng là nơi bọn tôi tụ tập. Bà nội nó rất nghiêm khắc
và xem chúng tôi như cháu trong nhà. Chúng tôi tha hồ quậy phá! Có những lúc
học nguyên cả ngày thì nhà nó là chốn nghỉ trưa, là nơi chúng tôi ăn vặt.Từ những bữa cơm đạm
bạc với rau cải từ vườn cho đến những trái xoài xanh chấm mắm đường hay những
trái bắp ngọt lịm hái từ vườn nhà; chúng tôi chia xẻ với nhau tất cả những gì
mà tuổi học trò trải qua.
Tôi
và nó cùng vào Đại Học Văn Khoa. Tôi chọn ban Việt-Hán, còn nó thì theo ngành
Sử-Địa. Hai đứa chung trường, khác lớp nhưng vẫn thường xuyên gặp gỡ. Sau những
ngày của tháng 4 năm 1975 nó trở về quê theo ngành sư phạm, còn tôi vì hoàn
cảnh gia đình, trôi nổi đủ nghề để sinh tồn. Tuy thế, tôi và nó không cách xa; ngược
lại, càng thân thiết hơn. Những lần tôi giải phẩu nằm bệnh viện cũng nhờ mối
liên quan bạn bè giữa tôi và nó mà tôi được bác dâu , cô và chị họ nó chăm sóc
tôi từ khi nhập viện cho đến khi xuất viện. Mọi người đều xem tôi như nó thì đủ
biết tôi và nó thân đến thế nào. Nó hiền lắm nhưng cũng có tật hay giận lẫy. Nó
không có được tính quán xuyến và nhạy bén nhưng bù lại, nó có chồng và con
gương mẫu, ngoan hiền. Không ai nhìn thấy cách nó đối xử với 2 đứa con riêng
của chồng mà biết nó chỉ là mẹ kế. Hai đứa trẻ mất mẹ rất sớm, thiếu thốn tình thương
nhưng với lòng yêu thương của nó, 2 đứa trẻ không hề nhận thức “mấy đời bánh đúc có xương , mấy đời mẹ kế mà
thương con chồng.” Nó là chỗ dựa cho
những đứa con của chồng. Từ gia đình, họ hàng
nhà nó cho đến gia đình chồng hay sui gia, bạn bè; nó đều ngự trị tình cảm của
mọi người . Tôi và nó thường hay tâm sự nhau ; có những chuyện nó cần tôi góp ý
vì bao giờ nguời đứng bên ngoài cũng sáng suốt hơn người trong cuộc. Đa số nó
hành động theo sự góp ý của tôi; cho nên, tôi rất bất ngờ và rụng
rời khi nhận tin nó ra đi.Tôi không biết được nó có suy nghĩ nông cạn và
bế tắc để đi đến quyết định cuối cùng này như một sự trốn chạy hay không. Đây là
lần đầu và cũng là lần cuối nó hành động mà không cần tôi góp ý. Nó đâu biết!
nó ra đi bất chợt thế này, nó đã để lại bao nhiêu nghi vấn không tốt cho gia
đình nó. Có lẻ chỉ mình tôi hiểu tại sao nó lại hành động như thế. Sau ngày hỏa
táng, nhiều bạn bè có hỏi tôi, tôi chỉ trả lời “Nó giờ còn đâu nữa, nói gì khi nó
chỉ là 1 nắm tro!”
Tôi
nhớ có lần nó và tôi giận nhau. Hai đứa giận nhau lâu lắm mà không ai biết. Chỉ
vì tôi mắng nó “mày ngu vừa thôi, chừa cái ngu cho người khác !” Nó cũng không vừa gì! đáp lại “ừa! tao ngu!
mày đừng chơi với tao nữa”. Từ đó , 2 đứa giận nhau. Tôi biết khi nó suy nghĩ
lời tôi nói, nó biết lỗi của nó. Còn tôi, khi tôi nguội lại thì cũng biết mình quá lời
với bạn. Tuy nhiên, mỗi đứa có chút tự ái riêng nên không ai mở lời xin lỗi
trước. Gần 1 năm sau khi cô Tám nó nghe tôi kể nguyên nhân , cô gọi điện la nó
và tôi; cô bảo “2 đứa bây già rồi mà như con nít”. Thế rồi tôi và nó lại làm
hòa, gắn bó nhau như trước. Nó từ Đất Đỏ đến Long Điền, qua Phước Tỉnh , vòng về
An Nhứt, trở lại Long Điền rồi cuối cùng dừng chân ở Phước Hải. Phước Hải là
nơi dừng chân cuối cùng của nó. hầu hết nơi nào nó đến cũng đều có tôi bên cạnh.
Khi nó về Phước Hải, xa xôi quá, tôi với nó tuy không gặp gỡ thường xuyên nhưng
không vì thế mà 2 đứa tôi xa cách.
-
Nhìn
má nó “ tre già khóc măng.”
-
Nhìn
con nó tức tưởi!
Đứng trước linh vị nó hôm nay , tôi không khỏi chạnh lòng, bùi
ngùi thương tiếc. Tôi cố quay đi để giấu dòng nước mắt chực chờ rơi. Tôi muốn
trách nó lắm nhưng giờ nó đã trở về với cát bụi. Tôi chỉ còn biết khấn
nguyện cho hương linh nó nơi chốn vĩnh hằng được thanh thản như bức ảnh nó đã
chọn trước lúc ra đi.
Nó đã mãn nguyện với
những gì nó đã chọn…
Tưởng nhớ 1 năm ngày bạn Nguyễn -thị -Hoan ra đi
N-t-L(lyslongdien)