Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Lễ hội Dinh Cô Long Hải


         Tiếng trống lân rộn ràng thúc giục, tiếng máy bộ đàm hướng dẫn vang xa, tiếng máy thuyền ầm ĩ, tiếng người chen lấn , xô đẩy, kêu gọi v.v..Tất cả cùng hòa vào nhau tạo nên một âm thanh hổn tạp,  một không khí vui vẻ chờ đợi .
       Khi những chiếc thuyền đánh cá lớn được trang trí cờ hoa,  đèn màu sáng rực từ từ cập vào bãi biển,  với sự hộ tống của nhiều chiếc thuyền chài, cano, và những chiếc thuyền thúng; lễ hội mới thật sự bắt đầu. Đoàn người khiêng kiệu, cầm lọng quạt, những đội lân sư rồng cũng vào vị trí một cách nghiêm trang ,kính cẩn. Các ông trong ban Tế tự,  dẫn đầu là vị Chánh bái , đoàn học trò lễ, tiếp bước với áo dài khăn đóng, mỗi người một  nhiệm vụ, ai ai cũng cố gắng làm tròn phận sự được giao. Linh vị hương án của Cô được mang chuyền từ thuyền,  được đòan hộ tống đưa lên Dinh, thật trang nghiêm và trật tự . Đặc biệt trong lễ Nghinh Cô, còn có tập tục diễn hát Bả Trạo (một thể lọai dân ca vùng biển miền Trung, mô phỏng thao tác người đi biển vượt ngàn trùng sóng gió)
         Ngày chính lễ  hàng năm là ngày 12 tháng 2 âm lịch. Người dân khắp nơi hội tụ về thị trấn Long -Hải, huyện Long -Điền, tỉnh Bà-Rịa Vũng -Tàu tham dự lễ hội Dinh Cô. Đây là một lễ hội cổ truyền không còn tính địa phương mà lan rộng khắp nơi. Người dân các tỉnh lân cận và cả khu vực miền Tây Nam đã tấp nập đến đây chiêm bái từ  ngày 10 tháng 2, chờ đợi đến ngày chính  lễ hội. Để không khí lễ hội thêm phần náo nhiệt, chính quyền địa phương phối hợp cùng ban tế tự Dinh Cô tổ chức những cuộc thi, các trò chơi dân gian : đập heo đất, kéo co, nhảy bao bố,  đua thuyền thúng v..v..
       Tương truyền Cô là một trinh nử mới 16 tuổi người Phan Rang quý danh Lê thị Hồng Thủy. Khỏang 190 năm về trước, những khi Cô cùng cha Lê văn Khương  dong ghe bầu theo dòng nước vào Nam đánh bắt cá và trao đổi hàng hóa. Khi đi ngang qua vùng biển Long Hải, thấy cảnh non nước hữu tình, biển xanh cát trắng , cô có lời ước nguyện sẽ được sinh sống tại nơi này.  Bổng nhiên một ngày ,sau cơn phong ba bảo tố , người con gái xinh đẹp được sóng biển mang đến bãi cát trắng xóa, nơi mà ngày trước cô từng ước được định cư. Dân làng chỉ biết đây là thân xác một cô gái bất hạnh, bị cuồn phong cuốn về nơi đây. Thương cho người bạc mệnh, dân làng dự trù chôn cất nhưng  không biết lai lịch. Lúc đó thì gia đình cô tìm đến,  mọi người mới biết danh tánh và ý nguyện của cô, nên cùng nhau an táng nơi cô “cập bến”cho thỏa lòng người đã khuất. Tiếng sóng như ngàn lời ru đưa cô vào giấc ngủ. Thọat đầu chỉ là ngôi mộ đất bình thường; bổng nhiên thời gian sau mọi người phát hiện ngôi mộ cô ngày một lớn dần. Có lẻ biển mang thân xác cô đến đây thì giờ biển cũng mang cát đến chở che cho cô. Theo  những lời truyền,  Cô rất linh ứng, giúp đở, phò trợ cho dân vùng biển mỗi khi  họ ra khơi. Từ đó người dân nơi đây quyên góp xây dựng 1 miếu thờ phượng cô. Năm 1960 ngôi miếu bị cháy. Tuy nhiên với sự trợ giúp của chính quyền thời bấy giờ và nguyện vọng người dân nơi đây, Dinh Cô được xây dựng cách ngôi mộ khoảng 500m. Để tỏ lòng thành kính và sự ngưỡng mộ của dân chúng, năm 1997 Dinh Cô được trùng tu kiên cố, xinh đẹp. Sự trùng tu này do sự quyên góp của ngư dân địa phương và  khách thập phương.  Từ khi có Dinh Cô để hương khói, ngư dân Long Hải như có thêm sức mạnh đương đầu với phong ba bảo táp. Dân làng thường kể nhiều huyền thoại về Cô. Sự tôn kính dành cho Cô đã trở thành tập quán của người dân Long Hải.

 Còn gì thú vị hơn được ngâm mình vùng vẫy trong làn nước biển trong xanh; lắng nghe rừng dương lao xao ,sóng biển thì thầm mời gọi. Không gì ngoạn mục hơn khi phóng tầm mắt nhìn về trùng dương xanh biếc, hưởng làn gió mát từ núi  thổi ra, quên đi cái nóng của miền nhiệt đới. Cảnh non nước  hửu tình, bình yên làm chi người ta quên đi những lo toan cơm áo gạo tiền. Về đây nơi đất trời lộng gió, tham dự một lễ hội dân gian để tìm cho mình những ngày bình yên thanh thản