ĐIỀU
HÒA CẢM TÍNH VÀ LÝ TÍNH
Theo cách nhìn chung, con người có thể chia thành hai hạng:
1. Người sống theo cảm tính.
2. Người sống theo lý tính.
Người sống theo cảm tính cố chấp là không có lý trí, cố tình gây chuyện.
Người sống theo lý tính là có lý trí và trí tuệ. Cho nên, đa số mọi người đều
đồng ý tiếp nhận người lý tính, còn đối với người cảm tính thì không dám tiếp
xúc gần gũi.
Trên thực tế, chưa chắc đúng hoàn toàn, có lúc người cảm tính dễ sống
chung với mọi người hơn. Nhưng người quá lý tính thường tỏ thái độ lạnh lùng
bàng quang. Chúng tôi có một đệ tử sống rất lý trí, làm việc gì cũng đâu ra
đấy, không cho phép mình và người khác làm việc sai lầm, cho nên gây áp lực rất
nặng nề với những người cộng sự cùng anh ta.
Mặc dù anh ta làm việc rất nghiêm chỉnh, nhưng liên hệ với mọi người
không tốt; bởi vì ai cũng đều sợ anh ta. Cảm tính của con người không giống
nhau ở mỗi thời điểm, tuy có lúc làm việc thiếu tập trung, nhưng họ biết lo
lắng, biết đồng tình, thông cảm và bao dung cho người khác.
Nhưng cảm tính quá cũng không tốt, nếu như tình cảm quá ướt át, rất
có thể biểu hiện tình cảm sai lầm đưa đến nhiều phiền não. Nếu như bạn không
chăm sóc, quan tâm người khác thì cũng không được.
Vì thế, bày tỏ tình cảm phải thích hợp, không nên để đối phương chịu áp
lực quá mức; hoặc làm cho đối phương quen sự chăm sóc của bạn mà ỷ vào bạn,
cuối cùng bạn muốn thoát ra cũng rất khó.
Ý định của bạn chỉ quan tâm và chăm sóc bình thường, kết quả lại
tạo thành sự ỷ lại của đối phương; kết quả như vậy làm cho cả hai đều đau khổ.
Kỳ thật, lý tính không hẳn là không tốt, người sống lý tính thì đối nhân xử thế
và tất cả mọi việc đều theo quy củ, không có thay đổi và linh động, giống như
máy móc, mỗi cái đinh, con ốc đều theo vị trí cố định, không thể thay đổi. Nếu
như con người giống như máy móc thì cuộc sống có gì là thú vị?
Liên hệ giữa người với người vốn ảnh hưởng lẫn nhau, không thể
không thay đổi. Do đó, cảm tính và lý tính phải phối hợp với nhau, người cảm
tính cần có lý tính để trợ giúp, người lý tính cần phải có cảm tính để dung
hòa; như thế, mới là người thực hành Bồ-tát. Cảm tính thật sự là loại cảm tính
thanh tịnh, nó là tình cảm sau khi đã tịnh hóa, cũng chính là từ bi của Bồ tát.
Nhưng lý tính là danh từ khác của trí tuệ, trí tuệ không giống với
lý tính. Lý tính không giải quyết sự việc được, nhưng trí tuệ thì có thể
làm thích hợp với đối phương mà điều chỉnh, trong quá trình tự mình điều chỉnh
không thích hợp thì coi như thất bại, sinh ra phiền não.
Như thế, chúng ta có thể sống chung với người có nhiều phiền não,
nhưng bản thân mình lại không bị ảnh hưởng, mới là người có trí tuệ. Nếu người chỉ có cảm
tính thì dễ bị tình cảm trói buộc; còn người chỉ có lý tính thì sẽ biến thành
quá chuẩn mực, như là máy móc.
Xã hội hỗn loạn và bất hoà, cho đến hiện tại con người có rất nhiều
vấn đề, phần đông là vì không biết ứng dụng cảm tính và lý tính đúng mức, khi
cảm thấy đau khổ mới làm cho một số người tự cho là cảm tính. Khi tự nhận lý
tính không dễ gì được mọi người tiếp nhận, xã hội cũng do đây mà không được yên
ổn. Chỉ
có điều hòa cảm tính và lý tính mới thật sự là người có trí tuệ đem đến từ bi
và ánh sáng cho nhân gian được hạnh phúc.
HT. Thích Thánh Nghiêm