Ò ó ò..o…o…o!
Tiếng gà gáy vang lên từ phía hông nhà và hàng xóm.
Tôi giật mình tỉnh giấc và bật ngồi dậy như cái lò xo. Con mắt còn lim dim
trong cơn say ngủ, tôi mơ màng không biết mình ở đâu, sao lại có tiếng gà gáy. Tôi
ngơ ngác nhìn xung quanh, tôi đang ở đâu mà lại có tiếng gà gáy vì nơi tôi đang
cư ngụ ở Virginia, USA, luật pháp cấm nuôi gà trống. Tiếng gà nghe sao quá quen
thuộc, báo hiệu canh 5 rồi. Tôi dụi mắt vài lần rồi mới nhớ: tôi đang ở tại nhà
ba mẹ tôi, một vùng quê yên bình như cái tên của nó, làng An tịnh.
Đêm nay là đêm đầu tiên, sau hơn 40 năm, tôi ngủ ở nơi
tôi sinh ra và lớn lên. Tôi vội bước ra sân, hít thở không khí trong lành của
vùng quê yên tĩnh. Nhìn xung quanh, tất cả đều mới với tôi. Ngôi nhà 3 gian, 2
chái ngày xưa bị thiêu hủy trong thời chiến tranh nay được anh tôi xây dựng lại.
Cảnh cũ cũng chẳng còn, người xưa cũng khuất bóng.
Ngày tôi xuống thuyền lìa xứ theo diện xuất khẩu người Hoa năm 1979, ba tôi vẫn
còn khỏe mạnh; hôm nay tôi trở về chỉ còn nắm mộ vô tri. Việc đầu tiên của tôi
là thăm mộ ông bà, mộ cha mẹ và mộ anh Bảy tôi. Số phận tôi rất hẩm hiu, dường
như là bất hiếu: tôi không được quanh quẩn bên cha mẹ trong giây phúc lâm chung.
Mẹ tôi mất trong thời chiến nên tôi không hề hay biết và cũng không thể về thọ
tang; lúc đó tôi chưa tròn 18 tuổi. Khi ba tôi qua đời, tôi ở nơi xứ người, tôi
cũng không được chít lên đầu vành khăn trắng. Quỳ bên cạnh mộ ba má, tôi không
kìm được những giọt lệ nóng bỏng. Bây giờ mộ ba má tôi đã được trùng tu, nhìn khang
trang hơn so với những hình cháu tôi email trong những năm về trước nhưng sao
trong tôi vẫn còn ray rức. Điều làm tôi buồn nhất là mộ anh 7 tôi, 1 kỹ sư công
chánh, tốt nghiệp trường Vỏ Bị Quốc Gia Đà lạt hệ 4 năm, chưa kịp lập gia đình.
Anh 7 nằm bên cạnh ông sơ trong nghĩa trang của làng, trông hiu quạnh vô cùng.
Tôi ôm chầm mộ bia thì thầm “chỉ vài tháng nữa thôi, anh sẽ về gần ba má rồi, anh
không còn bơ vơ cô độc như thế này nữa!”
Anh 7 và tôi là 2 anh em gần gũi nhất về mọi phương diện. Anh tôi đã hy sinh cho tham vọng của 1 lũ tham quan ô lại, lén lút sát hại anh tôi tại hậu cứ của sư đoàn 25 ở Bến Cát, Bình Dương vào ngày sinh nhật thứ 24 của tôi. Sự ra đi của anh để lại 1 niềm đau khổ cho vị hôn thê, sự mất mát lớn của gia đình và sự vắng bóng của 1 sĩ quan liêm khiết, sẵn sàng loại bỏ bọn tham ô.
Anh 7 và tôi là 2 anh em gần gũi nhất về mọi phương diện. Anh tôi đã hy sinh cho tham vọng của 1 lũ tham quan ô lại, lén lút sát hại anh tôi tại hậu cứ của sư đoàn 25 ở Bến Cát, Bình Dương vào ngày sinh nhật thứ 24 của tôi. Sự ra đi của anh để lại 1 niềm đau khổ cho vị hôn thê, sự mất mát lớn của gia đình và sự vắng bóng của 1 sĩ quan liêm khiết, sẵn sàng loại bỏ bọn tham ô.
Sau khi thăm viếng nghĩa trang, tôi về lại nhà và đánh
1 vòng khu đất của gia đình. Tôi bắt đầu đi từ đầu ngõ dưới hàng tầm vong cho đến
nơi tận hàng rào sau nhà anh thứ 6. Mọi cảnh đều quá xa lạ! Tôi nhớ lại thời thơ ấu.
Đứng trước hiên nhà chú út, tôi hồi tưởng
lại nơi đây là ngôi nhà của nội, ngôi nhà vách gỗ mái ngói âm dương, đây là thửa
ruộng mà tôi thường câu ếch sau cơn mưa, kia là vườn trầu cau mà mỗi ngày đi học
về tôi có nhiệm vụ phải xách nước tưới. Nhiều hôm mê chơi hay lười biếng tưới
không đủ nước bị mẹ bắt được, thế là 1 phen bị roi mây quất đít. Tuy nhiên chứng
nào tật nấy, tánh ham chơi của trẻ con cũng không thể nào bỏ được. Thời đó chưa
có máy bơm nước nhưng các anh tôi cũng nghĩ ra phương tiện để không phí sức khi
kéo nước. Anh tôi tạo ra cây cần vọt[1] để
kéo nước. Ngày nay nói đến cái cần vọt nhiều trẻ em ở quê tôi cũng không hình
dung được, tất cả đều thay bằng máy bơm nước. Nội tôi rất nghiêm khắc với con
cháu luôn dùng nguyên tắc “ thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi!” Tháng
8 năm 1972 khi tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài gòn (ĐHSPSG), tôi chọn vềTrường Trung học công lập Đất Đỏ, tỉnh Phước
tuy, nơi vừa trải qua mùa hè đỏ lửa, tất cả đều đổ nát. Tôi không nghe lời nội
vì lúc ấy tôi có nhiều điều kiện để dạy những trường nơi thành phố lớn, hay những
nơi không có dấu ấn chiến tranh. Dượng tôi là nhân viên cao cấp bộ giáo dục, chú
tôi là Tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Bình, anh tôi cũng là sĩ quan cao cấp v..v.. Nói
chung, tôi có nhiều cơ hội để trở thành một thứ công tử bột, nhưng không hiểu
sao tôi không quan tâm những ưu đãi ấy. Cho nên dù bà nội tôi có giận, bà út tôi có
từ, ba tôi có can ngăn, tôi cũng nhất quyết đến miền quê hẻo lánh. Lúc ấy tôi
không nghỉ đến những nguy hiểm tôi thể phải gánh lấy, tôi chỉ biết vùng quê Đất Đỏ cũng giống như quê tôi, nóng bỏng không khí chiến tranh, và học sinh nơi đó cần giúp đỡ. Hôm nay ngồi viết những dòng chữ này tôi vẫn
không ân hận về sự chọn lựa của mình.
Những cây mít, cây xoài, cây bưởi, vườn tiêu, vuờn
trầu, vườn trúc cũng theo nội và cha mẹ tôi tàn lụn.
Mọi sự đều
thay đổi theo thời gian! Khu đất của nội
tôi giờ cũng được phân tán mỏng: ba tôi và các chú tôi mỗi người 1 phần. Ba tôi
mất để lại cho anh em tôi, các chú tôi mất để lại cho con. Người xưa, cảnh cũ
cũng mất dần theo thời gian. Tôi cảm thấy như mất đi cái gì thiêng liêng vô giá!
Những con
đường đất ngày xưa đã được mở rộng và tráng nhựa. Những ngôi nhà tranh vách đất cũng không còn và
ngôi trường với mái ngói mà ba tôi dày công xây dựng cho làng An Tịnh nay được
thay bằng những dãy lầu cao vòi vọi. Trong khi mọi thứ ở đây thay đổi theo thời
gian, phù hợp với cuộc sống mới thì những hàng tre chót vót, những vườn trúc
xanh rì, những cánh đồng bát ngát cũng bị biến mất.
Nghề truyền thống quê tôi là chế tạo sản phẩm bằng trúc, dùng trúc đan rổ, thúng
hay giỏ mây cũng dần mai một.
Ruộng vườn thì
thu hẹp và được thay thế bằng những khu công nghệ thu hút và tạo công ăn việc
làm cho dân chúng trong làng. Chú út nói: bây giờ tìm công nhân làm nông rất
khó, tuổi trẻ ngày nay chỉ muốn vào làm công nhân xí nghiệp, có lương căn bản,
không phải dãi nắng dầm sương như thế hệ chúng tôi. Cuộc sống bây giờ dù ở thôn
quê chẳng thua kém gì ở thành thị: Internet, tivi, computer, digital camera,
cell phone, DVD, tủ lạnh, máy giặt, máy tắm nước nóng, kể cả máy lạnh không còn
là thứ hàng xa xỉ mà là vật dụng bình thường phục vụ cho nhu cầu gia đình.Tôi rất
vui và yên tâm vì các cháu tôi đều có công việc làm ổn định, đa số lại theo nghề
giáo của “chú út” và sống tạm vững.
Bánh canh và bánh tráng
phơi sương cuốn thịt luộc là món ăn đặc sản nổi tiếng của quê tôi. Nay ngồi thưởng
thức mà nhớ về những ngày ấu thơ. Ngày ấy với chúng tôi đây là món ăn xa xỉ nhưng
hiện nay quán đặc sản phục vụ cho dân địa phương và khách du lịch mỗi ngày.
Sân vận động ngày xưa nay biến thành chợ Trảng Bàng, to lớn và khang trang , phục vụ nhu cầu dân chúng. Cháu tôi chở tôi trên chiếc xe gắn máy dạo từ thị trấn cho đến thôn làng để thăm bà con cô bác và cũng để tôi thấy những hình ảnh vùng quê trong thời chiến xa xưa nay dần biến mất.
Sân vận động ngày xưa nay biến thành chợ Trảng Bàng, to lớn và khang trang , phục vụ nhu cầu dân chúng. Cháu tôi chở tôi trên chiếc xe gắn máy dạo từ thị trấn cho đến thôn làng để thăm bà con cô bác và cũng để tôi thấy những hình ảnh vùng quê trong thời chiến xa xưa nay dần biến mất.
Điều đầu tiên tôi ngạc nhiên là quán: quán ăn, quán
café, quán nhậu. Từ hang cùn ngõ hẻm, những vĩa hè cho đến các cánh đồng xa xôi,
đâu đâu cũng có quán.
Sáng quán, trưa
quán, chiều quán, thậm chí nửa đêm cũng quán. Hầu như những người ở đây giải
quyết mọi việc đều ở quán. Tôi thấy rằng những thời gian đáng lý mọi người phải
làm việc trong văn phòng hay cơ xưởng hoặc ngoài đồng ruộng nhưng quán vẫn đông, nhất là quán café. Tôi
nhận ra được không ít nhân viên hành chánh vẫn ngồi quán trong giờ làm việc. Những
điều này rất khác lạ với nơi tôi đang sống nhưng ai cũng nói “giải quyết công việc ở quán hiệu quả và
nhanh chóng hơn; không nơi nào dễ dàng hơn bàn nhậu hay quán café, muốn gì cũng
được!” Trẻ con ở đây bây giờ tụm 3 tụm 7 đánh bài hay vào quán internet
chơi game, chúng không còn biết những trò chơi thú vị đậm nét dân gian của
chúng tôi ngày trước như bắn đạn, đánh gồng, đá cá lia thia , đá dế, thả diều, nuôi
chim v.v... Ngày xưa, sau vài cơn mưa thì bọn tôi ra ruộng
vớt cá lia thia về đá, mùa hè thì tìm dế, dế mà nằm trong hang rắn được xem như
vô địch. Có những hôm đánh trỏng , gồng rơi xuống u đầu. Những buổi chơi ổ quạ[2]
thì thế nào chân cũng bầm vập. Những lúc bị thương tích phải len lén vào nhà .
Nếu nội hay má tôi biết được thì thêm ốm đòn. Thời thơ ấu của tôi quá giản dị và
êm đềm!
Các em học
sinh Đất Đỏ đưa tôi đến Mộc Bài ở Gò Dầu, gần cửa khẩu nối liền Campuchia. Ở
đây có khu siêu thị bán các loại hàng hóa nhập từ ngoại quốc, được miễn thuế và
tổ chức như các siêu thị ở Mỹ. Khi xe vừa
đến bãi đậu, tôi được mời chào vào casino bên kia biên giới thuộc Campuchia. Những
tay cò mồi môi giới cho các casino hoạt động công khai, không sợ pháp luật. Nay
tôi mới hiểu vì sao có những gia đình tan vở, tán gia bại sản khi họ chỉ cần 1 lần thử lửa chốn Casino.
Tôi cũng không
quên dừng bước nơi Tha la, một vùng công giáo ở xã An hòa, quận Trảng bàng mà
nhà thơ Vũ Anh Khanh đã mô tả vào năm 1950:
Đây Tha La xóm đạo
Đây Tha La xóm đạo
Có trái ngọt cây lành
Tôi về thăm một dạo
Giữa mùa nắng vàng hanh…
Đứng trước sân
nhà thờ, tôi nhớ đến những người bạn nơi đây cùng học lớp đệ ngũ trường bán công
Đặng Văn Trước vào năm 1964.
Khi còn ở quê nhà, lần sau cùng tôi dừng lại Tha la
vào năm 1969 khi tôi khoác áo Nghĩa sinh di làm công tác thiện nguyện cho đồng
bào hồi hương từ Campuchia .
Cháu tôi đưa tôi đi Đức Hòa để thăm người bạn năm xưa
và gia đình Cô tư. Tôi dừng lại trước những mẫu ruộng còn sót lại trong gia đình
. Có lẻ nơi này không hấp dẫn các nhà đầu tư nên mảnh ruộng kia còn tồn tại với thiên nhiên.
Trong những ngày ở thị trấn Long Hoa, cháu tôi đưa tôi đi thăm núi Bà. Đây là lần đầu tiên tôi đi lên núi. Tôi không phải lội bộ và leo theo sườn núi mà đi bằng cáp treo. Cháu tôi kể cáp treo này là cáp đầu tiên của nước nhưng nay thì lạc hậu. Ngồi trên cáp nhìn xuống những cánh đồng bất tận, những ngôi chùa được trùng tu, không còn gì dấu ấn của chiến tranh khi tôi còn ở nơi này.
Khi xuống cáp, bắt đầu bước lên những bậc thang cao chót vót; tôi không biết mình có bước lên đến tận đỉnh hay không.
Tuy nhiên tôi cũng lên tận bậc thềm của ngôi chùa trên sườn núi.
Tất cả đối
với tôi đều mới lạ, quê hương tôi thay da đổi thịt hằng ngày nhưng vẫn còn đó
những người chịu thương chịu khó, bám trụ với mảnh đất này. Bên cạnh những ngôi
biệt thự khang trang không ít những những gia đình nghèo xơ xác. Tôi được người chú họ đưa đi thăm lại khu Phước Điền, nơi mà ngày xưa tôi và các đoàn viên Nghĩa sinh đã đến giúp đở cho đồng
bào tránh nạn diệt chủng, chạy nạn từ Campuchia. Bây giờ Phước Điền là khu du lịch
sang trọng. Nơi đây tôi đã gặp lại các anh cùng tôi tham gia phong trào thiện
nguyện Nghĩa sinh . Chú Nguyễn Vạn Thắng; cựu sinh viên ĐHSPSG, ban Lý Hoá năm
69-72; nghe tin tôi về quê cũng vội vã từ Sài gòn lên Tây ninh để hội ngộ. Không
có từ ngữ nào diễn tả chính xác được những tình cảm mọi người dành cho tôi.
Tôi về đây
sau 32 năm xa cách, cảm giác buồn vui lẫn lộn. Buồn vì kẻ còn người mất, có những
người tôi muốn gặp nay chỉ là tấm ảnh vô tri. Vui khi thấy các anh em họ đều
thành công, có địa vị trong xã hội. Các cháu tôi không quá vất vả như cha ông
ngày xưa phải dãi nắng dầm mưa, đầu tắt mặt tối để mưu sinh. Tôi thấy bằng chính
con mắt mình cuộc sống người dân nơi này và những khó khăn mà mọi người phải đối
phó. Các cháu tôi cũng như những đồng nghiệp của các cháu có đồng lương nhà
giáo quá khiêm tốn. Tôi không biết họ phải thu xếp thế nào để cuộc sống được ổn
định mà an tâm phụng sự nghề nghiệp. Các cháu tôi tường thuật “ muốn sinh tồn
trong xã hội này, ai ai cũng phải có nghề tay trái”. Nếu có điều kiện thì dạy thêm,
còn nếu như công tác những nơi quá khó khăn không thể dạy thêm thì chăn nuôi hay
nhận hàng về gia công ban đêm. Có thế thì thu nhập tương đối tạm đủ để lo cho
con ăn học.
Tôi không có nhiều thời
gian để đi khắp hang cùng ngõ hẻm hay thăm hỏi tất cả họ hàng, bè bạn nhưng tôi
cũng biết và hình dung cuộc sống quê nhà. Tôi tự nhủ lòng mình: một ngày nào đó
không xa, tôi sẽ trở về và có nhiều thời gian hơn để khám phá lại nơi đây. Tây Ninh
bao giờ cũng ở trong tôi và mãi mãi vẫn là quê hương tôi.
Tây ninh có núi điện bà
Tha la xóm đạo và nhà
ba tôi!
Virginia, 18 tháng 8 năm
2012
[1] Cần vọt là hai
cây tre lớn bằng bắp chân đóng hay buộc dính chắc vào nhau bằng những thanh
ngang coi giống như một cái thang. Chân cái thang đó được chôn đứng cách giếng
độ hai ba thước. Trên đầu có một cốt tròn xỏ qua hai thân tre. Bắt dính chắc
trên cái cốt đó là một thân tre dài, đầu to là đầu nặng nằm đụng đất, đầu nhỏ
chỉ lên trời coi giống như một đòn bẩy hay một cái đu nhún lên hạ xuống của trẻ
con. Đó là cái cần. Trên đầu cần là một cây sào bằng tầm vông dài xuống gần miệng
giếng, đầu dưới của sào có cái móc để móc cái gàu. Muốn lấy nước, người ta kéo
cây sào thòng gàu xuống giếng đợi gàu đầy nước là kéo gàu lên, cây cần làm đòn
bẩy giúp cho người kéo nước không phải phí sức.
[2]
Đánh quạ là trò chơi của trẻ con miền quê . Thường có 4 người, vẽ 1 vòng tròn khoảng 2 mét và mỗi người dùi
1 cái lổ vừa cái lon sửa bò đập dẹp (gọi là quạ). Mỗi người có 1 cây tầm vong
khoảng 1 mét để làm vũ khí. Khi bắt thăm ai thua thì làm người lùa quạ. Số người
còn lại thì canh giữ cái lổ của mình không cho quạ vào. Khi quạ bắt đầulùa vào
lổ thì người bảo vệ đánh quạ ra, có khi hụt, đánh vào chân người lùa quạ . Ai cố
tình đánh vào chân người lùa quạ sẽ bị đuổi ra cuộc chơi và từ đó không ai cho
gia nhập cuộc chơi nữa. Ai bảo vệ kém để quạ vào lổ của mình thì ngườì đó ra thế
chổ người lùa quạ. Cuộc chơi kéo dài cho đến khi chán hay bị cha mẹ gọi về nhà.