Kim Nguyên đoạt giải đàn tranh năm 1984
Tuổi đời của ‘‘Đây Thôn Vĩ Dạ’’ cũng xấp xỉ 80. Theo Nguyễn Bá Tín[1],
vào năm 1939, cô Hoàng Thị Kim Cúc gửi từ Huế cho Hàn Mặc Tử tấm hình nàng mặc
áo lụa trắng, chụp ở thôn Vĩ. Nhà thơ đáp lễ bẳng bài thơ ‘‘Đây Thôn Vĩ Dạ’’:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
‘‘Đây Thôn Vĩ Dạ’’ làm theo thể thơ mới 7 chữ, gồm ba
khổ. Khổ đầu hiệp vận gián cách, khổ 2 và 3 : gieo vần cuối câu đầu và cuối các
câu chẵn. Cách bố cục khá chặt chẽ, giống như thơ Đường : Khổ 1 phá đề và thừa
đề, khổ 2 : thực luận, khổ 3 : kết lại cả bài. Bài thơ được coi là một tuyệt
tác của phong trào thơ mới. Sau đây, chúng tôi ghi lại một số cảm nhận vụn vặt,
riêng tư về bài thơ.
Trước khi nói về tác phẩm, thiết tưởng cũng nên nói
khái quát về thơ. Poetry/poésie trong các ngôn ngữ tây phương do cổ ngữ hy lạp
ποίησις hoặc động từ ποιεῖν đều có nghĩa là sáng tạo. ‘‘Đây Thôn Vĩ Dạ’’ đổi mới
không những về ngôn ngữ, mà còn vẽ nên bức tranh quê, điểm xuyết bằng nốt nhạc
sầu. Với bài thơ này, Hàn Mặc Tử không chỉ là thi nhân mà còn là họa sĩ nữa.
Nào ta cùng thưởng ngoạn bức tranh của Hàn Mặc Tử, trước khi trở về với cõi
thơ.
Khổ 1 là bức tranh màu xanh, khiến ta liên tưởng bức họa
Le Paysage Bleu của Marc Chagal. Màu xanh trong khổ đầu là toàn bích, vì có ‘‘nắng
lên’’ từ biển Đông. Nhà danh họa Caspar David Friedrich (1774-1840), khuynh hướng
hội họa lãng mạn, dùng chất liệu ‘‘nắng mới lên’’ (les rayons naissants du
soleil) để thực hiện bức vẽ sơn dầu ‘‘Thiếu phụ Nắng sớm’’ (Femme au soleil du
matin). Trong thơ Hàn Mặc Tử, thiếu phụ nắng sớm hóa thân Hoàng Cúc. Nắng sớm
là ánh sáng tâm lý, nói lên niềm ước mong mới mẻ. Nắng sớm còn được thể hiện trong
hội họa, bảng màu (palette) pha trộn màu phấn vương nhẹ. Nắng chuyển màu sắc
sáng dần. Với câu 3, ta có thang màu lũy tiến (échelle de couleur progressive)
như sau :
mướt → xanh → ngọc
Màu xanh ngọc bích là tuyệt phẩm của trời đất ban cho
cõi nhân gian ở thôn Vĩ Dạ. Trong bức họa, Hàn Mặc Tử vẽ hàng cau theo chiều dọc.
Bố cục họa phẩm còn cần thêm một chiều ngang. Vì vậy mới có câu thơ : lá trúc
che ngang. Che ngang cho thấy người thiếu nữ e ấp, núp sau cành trúc, có khuôn
mặt chữ điền. Đây cũng là một nét chấm phá mới, vì sau hai chiều dọc - ngang,
còn cần thêm một hình vuông nữa. Theo quan niệm của người xưa, người con gái có
khuôn mặt chữ điền thường đoan trang, thùy mị. Qua câu thơ, Hàn Mặc Tử muốn
phác họa nét tinh anh (portrait moral). Khổ 3 có thêm vầng trăng là tuổi trăng
tròn của thiếu nữ.
Khổ thơ thứ 2 không còn nắng lên, mà là màn đêm buông
xuống ; gió và mây chia lìa hai lối khiến dòng nước buồn lây, hoa bắp lay động
ngẩn ngơ. Bến sông Trăng (viết hoa) là bến ngự, niềm mong ước chở trăng hẳn là
dang dở, chỉ hoài công dã tràng.
Trong khổ 3, bảng màu chuyển qua sắc trắng của tà áo.
Nếu trong khổ 1, màu sắc là lũy tiến gồm 3 cấp độ, bảng màu của khổ 3 vẫn gồm 3
cấp độ, nhưng cứ nhạt dần đi :
Sương <- Khói <- Mờ
Màu sương tuy đục nhưng còn thấy được. Đến làn khói
bay đã là hư ảo. Sau cùng chỉ còn là đám bụi mờ.
Với bức họa chuyển cảnh từ nắng sớm đến đêm tàn, ta tạm
khép lại mảng hội họa trong thơ Hàn Mặc Tử đế bước qua lãnh vực ngôn ngữ.
Trước hết là cơ cấu của bài thơ (structure du poème).
Bài thơ gồm 3 khổ. Cơ cấu như sau :
(khổ 1) : thực → (khổ 2) : mộng → (khổ
3) : ảo
Ba khổ thơ là sự chuyển biến từ thực đến mộng, từ động
đến tĩnh, từ ngoại cảnh đến nội tâm, được diễn tả bằng màu sắc, thanh âm, bằng
ngôn ngữ và bằng cả các dấu chấm (ponctuation).
Về mặt hội họa, trong mỗi khổ thơ, thi nhân chọn cho
mình ba thang màu (gamme de couleurs) khác nhau. Về cách chấm câu, ba khổ thơ
là ba dấu hỏi :
- Khồ 1 (câu 1) : Sao anh không về thăm thôn Vĩ ?
- Khổ 2 (câu 4) : Có chở trăng về kịp tối nay ?
- Khổ 3 (câu 3) : Ai biết tình ai có đậm đà ?
Ta sẽ bàn cách sử dụng từ ngữ (champs lexicaux) của
nhà thơ. Ở đây, có thể đặt chung một câu hỏi cho cả ba vế nói trên: thi nhân hỏi
mà không phải là hỏi. Các câu hỏi chỉ nói lên sự trăn trở, khắc khoải của
‘‘khách đường xa’’.
- Câu hỏi trong khổ đầu : tuy vẫn biết thôn Vĩ là
thiên thời (nắng mới lên), là địa lợi (vườn cau), có cả nhân hòa (mặt chữ điền),
nhưng làm sao nhà thơ có thể bỏ trại phong để về thăm ?
- Vầng trăng trong khổ 2 là ảo ảnh, không khác gì vầng
trăng Lý Bạch:
Rằng hay thì thật là hay,
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào.
- Cuối khổ 3 chỉ còn là nghi vấn. Trong khổ cuối, nhà
thơ thổ lộ nỗi buồn đau, thất vọng. Musset cho rằng ‘‘Sự thất vọng chua cay nhất
là bài ca đẹp tuyệt vời’’.
‘‘Đây Thôn Vĩ Dạ’’ còn là lưu thủy hành vân của cổ ca
đất Thần Kinh. Bài thơ Art poétique của Verlaine mở đầu bằng đôi vần thơ nói
lên nghệ thuật thi ca :
De la musique avant toute chose,
Et pour cela préfère l'Impair.
Et pour cela préfère l'Impair.
Đây Thôn Vĩ Dạ hội đủ hai yếu tố vừa kể. Cũng vì thơ vần
lẻ, Đây Thôn Vĩ Dạ là bài thơ 7 chữ (lẻ), 3 khổ (lẻ).
Còn về nhạc tính (musicalité) thì sao ? Sau đây là mấy
vần thơ, như những nốt nhạc, trong bài Đây Thôn Vĩ Dạ :
- nắng / nắng :
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
- gió / gió, mây / mây :
Gió theo lối gió, mây đường mây.
- lối / đường :
Gió theo lối gió mây đường mây.
- Trăng (viết hoa) / trăng :
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay.
- Khách đường xa / khách đường xa :
Mơ khách đường xa khách đường xa
- ai / ai / ai :
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Ai biết tình ai có đậm đà.
Về thể văn (style), nhà thơ sử dụng nhiều ẩn dụ
(métaphore) : mây và gió chia lìa hai lối, dòng nước để chỉ sự vô thường, con
thuyền là chữ tâm (心:
ngoài ba chấm, phần còn lại giống như con thuyền), hoa bắp lay vì ‘‘người buồn
cảnh có vui đâu bao giờ’’, nhân ảnh nói lên kiếp sống phù du, ‘‘mờ mờ nhân ảnh’’.
Ngôn ngữ trong bài thơ đều rất quen thuộc. Đây cũng là
dụng ý của nhà thơ, muốn diễn tả cái đẹp chỉ bằng nét hồn nhiên, giản dị. Trong
12 câu thơ, tác giả dùng chữ ‘‘anh’’ và chữ ‘‘em’’, mỗi chữ một lần. Câu thơ cuối
bài, tác giả viết hai lần một chữ ai:
Ai (1) biết tình ai (2) có đậm đà ?
Thông thường, ai (1) là thiếu nữ, ai (2): thi nhân.
Nhưng ai (1) cũng thể là người xem thơ, ai (2) là nhà thơ. Nếu thời gian của ý
nghĩa nguyên thủy là hiện tại, thời gian của sự suy diễn sau này hướng về tương
lai. Ai cũng biết ý tứ trong thơ Hàn Mặc Tử bóng bẩy mà thâm trầm, giản dị mà
sâu thắm. Sự đậm đà của bài thơ gợi ý cho chúng tôi làm 5 bài thơ lấy ý từ lau
sậy, vì thôn Vĩ Dạ là sự biến âm của Vi Dã Thôn. Hình thức của cả 5 bài là thơ
mới 7 chữ. Cấu trúc vẫn gồm 3 khổ, mỗi bài khai triển ý nghĩa khác nhau của lau
lách. Năm bài thơ nói lên sự ‘‘đậm đà’’ của người thơ, nét phong phú của ý thơ,
thể hiện qua bài Đây Thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Năm bài thơ, như 5 biến điệu
(variation) trong âm nhạc, như sau :
Paris, tiết Thanh minh Đinh dậu 2017
GS.Lê Đình Thông
Vi Dã Thôn (kỳ 1)
葦 野 村 (期 一)
Hồn Lau
葦魂
潯 陽 江 頭 夜 送 客,
楓 葉 荻 花 秋 瑟 瑟。
主 人 下 馬 客 在 船,
舉 酒 欲 飲 無 管 弦。
白居易
Tầm Dương giang đầu dạ tống khách,
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt.
Chủ nhân há mã khách tại thuyền,
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền.
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt.
Chủ nhân há mã khách tại thuyền,
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền.
Bạch Cư Dị
Hương giang soi bóng bờ lau lách
Thôn vắng thưa người cảnh tịch liêu
Hàng sậy đong đưa dường oán trách
Lau nghiêng bông trắng sậy tiêu điều.
Xuôi ngược dòng đời vẫn cuốn trôi
Lau soi hình bóng sậy bồi hồi
Sỏi trắng chìm sâu trong đáy nước
Mây chiều trôi dạt chốn xa xôi.
Thôn Vĩ (1) hàng cau vẫn mướt xanh
Lá trúc thôn đoài dáng mỏng manh
Câu hò mái đẩy xàng xê cống
Thuyền ngự xuôi dòng lướt sóng nhanh.
Thôn Vĩ làng thôn mái tóc mai (2)
Trinh nguyên tà áo phất phơ bay
Quang gánh đong đầy bao nỗi nhớ
Nhớ mãi cố nhân chẳng nhạt phai.
Paris, ngày 18/04/2017
GS.Lê Đình Thông
(1) Thôn Vĩ Dạ là biến âm của Vi Dã Thôn.
Vi (葦):
cỏ lau. Dã (野): ngoại
thành, cánh đồng.
(2) Tóc mai sợi ngắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài nghìn năm.
Ca dao
Vi Dã Thôn (kỳ 2)
葦 野 村 (期二)
Trầm Tư
沈 思
L’homme n’est qu’un roseau, le plus faible de la
nature, mais c’est un roseau pensant. Blaise
Pascal
Lau nghiêng cành biếc bên thôn Vĩ
Ra dáng đăm chiêu nghĩ vẩn vơ
Nắng chiều óng ả đầy thi vị
Bên bờ sông vắng lặng như tờ.
Nhớ non nhớ nước vần thơ ngắn
Ngõ hẻm thôn làng cuộc biển dâu
Áo trắng năm xưa còn lận đận
Sỏi chìm đáy nước cũng sầu đau.
Lau lách thân mình quá mảnh mai
Bông lau là kiếp sống hình hài
Lau lách chấm mực bờ nước biếc
Niềm đau chôn dấu viết giùm ai.
Paris, cuối tháng Tư 2017
GS.Lê Đình Thông
Vi Dã Thôn (kỳ 3)
葦 野 村 (期 三)
Ngũ Âm
五音
Il y a de la musique dans le soupir du roseau ;
Il y a de la musique dans le bouillonnement du
ruisseau ;
Il y a de la musique en toutes choses, si les hommes
pouvaient l'entendre.
Lord Byron
Hương giang bến cũ bờ lau lách
Gió cuốn nghe như tiếng thở dài
Lưu thủy hành vân lời oán trách
Lau lách đìu hiu vắng gót hài.
Bờ lau mà tưởng khúc tiêu dao
Nghìn trùng nhung nhớ trúc lao xao
Ngón luyến song thanh làn gió mát
Cung thương nhịp gõ nhấn duyên trao
Dòng nước lặng thinh nghe tiếng than
Ngón vuốt đàn tranh lệ mấy hàng
Bờ lau lay lắt vi vu mãi
Sơn ca chim chíp lúc chiều tàn.
GS.Lê Đình Thông
Vi Dã Thôn (kỳ 4)
葦 野 村 ((期 四)
Quốc Sử
國 史
Le roseau plie, et ne romps pas.
Résisté sans courber le dos.
Résisté sans courber le dos.
Jean de La Fontaine
威武不能屈, 此之谓大丈夫.
(Uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu)
Mạnh Tử
Nghiên bút cỏ lau chỉ một lòng
Cường quyền gieo bão tố cuồng phong
Lau lách đảo điên không gục ngã
Ngòi bút không cong vẫn thẳng băng.
Bờ ao lau mọc lách ven sông
Lau lách mọc trên nước với non
Bạo quyền cai trị không lâu nữa
Chỉ riêng non nước mới trường tồn.
Dưới nước trên trời chẳng có quan
Nét mực vàng son viết thẳng hàng
Trang sử hào hùng nòi giống Việt
Cả nước một lòng đuổi ngoại bang.
GS.Lê Đình Thông
Vi Dã Thôn (kỳ 5)
葦 野 村 (期 五)
Tâm Cảnh
心 境
Chênh chênh bóng ngả sầu lau lách,
Chiều ngái hương rừng, lối nhạt son.
Chiều ngái hương rừng, lối nhạt son.
Nguyễn Bính
Hồn thơ lận đận nơi cung Quế
Thôn Vĩ chiều hôm lạc lối về
Cau vắng trầu xanh sầu cúc huệ
Nắng sớm biển Đông có vẹn thề ?
Mây giăng núi Ngự gió Kim Long
Bờ lau hiu hắt liễu vời trông
Thuyền xuôi bến vắng qua Gia Hội
Có vớt trăng vàng dưới đáy sông ?
Mờ mịt sương mù áo trắng bay
Chập chờn hạc trắng cuối chân mây
Chợt nhớ thôn xưa là tâm cảnh
Bờ trúc xanh màu có đổi thay ?
Paris, ngày 20/04/2017
Lê Đình Thông
Những bài giảng về bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ:
[1] Theo Nguyễn Bá Tín, em ruột nhà thơ Hàn Mặc
Tử, thì: Năm 1939, Hoàng Cúc nhận được hung tin nói trên từ Hoàng Tùng Ngâm.
Nàng chuẩn bị một số tiền định gửi cho Hàn Mặc Tử uống thuốc nhưng không dám gửi.
Nàng bèn gửi cho Hàn Mặc Tử một bức ảnh chụp cảnh nàng mặc áo lụa dài trắng đứng
dưới vòm cây xanh mát. Nhận được ảnh, Hàn Mặc Tử rất vui. Chàng liền làm ngay
bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ gửi ra Huế cho Hoàng Cúc