Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

Giấc Ngủ Vàng


Khi tôi còn là sinh viên đại học, dường như tôi không cần ngủ, và không muốn ngủ vì có nhiều việc phải làm, phải học, phải chơi và phải… tương tư. Có lần phát biểu ý kiến với một người bạn Mỹ cùng lớp ở trường Y, tôi cho rằng ngủ là một điều phí phạm thời gian quý báu hiện hữu trên cõi đời này.

Bây giờ, lớn tuổi hơn, tôi nghiệm ra rằng, 8 tiếng đồng hồ “được ngủ” yên giấc mỗi đêm là một diễm phúc sung sướng nhất trên đời nầy.
     Giấc ngủ rất quan trọng cho sức khỏe con người.
Trong giấc ngủ, những tế bào trong cơ thể sẽ có cơ hội tái tạo, bồi dưỡng, và não bộ có dịp gạn lọc và tích lũy những dữ kiện, kiến thức thu thập được trong ngày.

Trung bình chúng ta cần từ 7 đến 8 tiếng ngủ mỗi ngày.
Nếu chỉ ngủ được dưới 6 tiếng, nguy cơ bị bệnh tim mạch có thể tăng cao, dễ bị tăng cân, dễ bị phiền muộn, và tuổi thọ giảm đi.

Ngược lại, ngủ trên 9 tiếng mỗi ngày cũng không tốt cho sức khoẻ. Một vài trường hợp đặc biệt, có những người không cần ngủ nhiều, thí dụ như ông tổng thống tân cử nhà ta, Donald Trump chỉ ngủ 3-4 tiếng mỗi đêm, nhưng vẫn sinh hoạt bình thường trong ngày.
Lý thuyết cho rằng phẩm chất quan trọng hơn thời lượng ngủ.
    
Dường như một số đông thường có vấn đề với giấc ngủ, hoặc khó ngủ, ngủ ít, ngủ không ngon giấc. Theo ước tính, có khoảng 25 đến 30% người Mỹ thật ra không hề ngủ ngon giấc.

Người ta tưởng lầm rằng lớn tuổi không cần ngủ là chuyện bình thường, tuy nhiên điều nầy không đúng. Đàn ông trên 65 và đàn bà trên 50 thường có vấn đề với giấc ngủ, chung quy vì lượng hormone sinh lý bị giảm.

Một số phụ nữ mãn kinh, hormone tuột giảm cũng làm cho khó ngủ. Ngay cả đàn ông lớn tuổi, thiếu hormone testosterone cũng làm cho ngủ không ngon giấc.
     Dù gì đi nữa, ít hay nhiều, phẩm chất ngủ mỗi đêm đóng vai trò rất quan trọng cho sức khoẻ.
Để ngủ ngon giấc, ta cần làm những gì?
    

1. Trước hết, cần để ý thói quen về giờ đi ngủ mỗi đêm, và cứ theo giờ đó mà đi ngủ. Nếu bạn cố gượng ép đi ngủ khi cơ thể còn tỉnh, và chỉ nằm trăn trở thì cũng chẳng có ích lợi gì. Giờ thức cũng rất quan trọng. Nếu thức dậy khác giờ mỗi ngày trong tuần cũng làm cho giấc ngủ bị xáo trộn.
    
2. Tập thể dục đều đặn. Thường thường tập thể dục buổi sáng hay buổi trưa sẽ giúp cho ta dễ ngủ buổi tối. Tránh tập thể dục buổi tối, 4 giờ trước giờ ngủ, vì như thể sẽ làm cho bạn rất tỉnh táo sau khi tập.
    
3. Cử rượu, cà phê và thuốc lá. Tuy rượu có thể làm cho bạn dễ ngủ lúc đầu, nhưng về lâu, “giấc ngủ rượu” thường bị rối loạn, ngủ không ngon và hay bị thức tỉnh nhiều lần trong đêm. Cà phê cũng làm cho giấc ngủ bị rối loạn.
Nếu uống cà phê, nên cách tối thiểu 8 tiếng trước giờ ngủ. Cá nhân tôi, không uống cà phê sau 12 giờ trưa.

Thuốc lá lúc ban đầu có thể làm cho tâm hồn của bạn lắng dịu, nhưng chất Nicotine sẽ làm cho giấc ngủ bị xào xáo. Ngoài ra, một số thuốc an thần, như Prozac, Zoloft thật ra khi dùng nhiều lại làm cho khó ngủ. Một số thuốc trị cao huyết áp như beta-blockers cũng làm cho khó ngủ.
Bạn nên tham khảo với bác sĩ và tránh uống thuốc vào buổi tối.
   
4. Không dùng dụng cụ điện tử, màn hình như computer, phone, iPad, TV trong vòng 1- đến 2 tiếng trước giờ đi ngủ. Ánh sáng màn hình có thể làm cho não bộ không phân biệt được là giấc trưa hay tối, thí dụ, não bộ nghĩ lộn điểm thời gian là 2 giờ chiều thay vì 2 giờ sáng. Ngoài ra, phòng ngủ không nên có ánh sáng, càng tối càng tốt.
    
5. Dành thì giờ thiền trước khi đi ngủ. Chỉ chú trọng vào nhịp thở và không nghĩ gì khác.
    
6. Ghi xuống tất cả những gì cần làm, những gì phải lo lắng, cho ngày mai, và… bỏ qua một bên, không cần nghĩ ngợi đến chúng trước giờ ngủ. Stress trong công việc sẽ làm cho khó ngủ.
    
7. Tập những thói quen trước khi đi ngủ thí dụ như đánh răng, uống chút sữa ấm, hay đi tiểu… Làm như thế có thể sẽ quen và định hướng theo nhịp điệu của cơ thể để chuẩn bị cho giấc ngủ.
    
8. Sắm cho bạn một giường ngủ thích hợp. Nói ra thì sẽ động chạm một số người, nhưng sự thật dễ mất lòng, cái giường ngủ thượng hạng vẫn ít tốn kém hơn là một cỗ quan tài!
Không nên tiếc tiền đầu tư cho một chiếc giường tốt trong khi đó để dành tiền sắm quan tài cho đẹp cho sang.
    
9. Giảm nhiệt độ trong phòng xuống bằng cách mở cửa sổ, dùng quạt máy, và tìm cách giảm nhiệt độ cơ thể xuống bằng cách mặc đồ mỏng hay có khi… không mặc gì cả, tùy theo ý thích. Nghiên cứu cho thấy khi nhiệt độ cơ thể giảm, giấc ngủ sẽ ngon hơn.
    
10. Khi bắt đầu ngủ, nên tập trung tư tưởng vào nhịp thở và không nghĩ ngợi gì khác. Trong trường hợp bị thức giấc nửa đêm, bạn cũng trở lại để ý vào nhịp thở, vào, và ra, thật đều, thật chậm và… thật buồn ngủ và ngủ ngon.
    
Lâu lâu có một lần khó ngủ thì cũng không sao, nhưng nếu việc khó ngủ kéo dài, vấn đề cần phải được giải quyết. Thật ra, cá nhân tôi, làm bác sĩ, vì stress trong công việc cũng làm cho nhiều lần mất ngủ trong đêm.    
    
Những nguyên tắc trình bày trên đây được rút tỉa từ kinh nghiệm bản thân, hy vọng sẽ giúp đỡ bạn đọc.


Hồ Ngọc Minh & BS. Hồ Vũ Mỹ Liên