Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Ru con




Ru con hay đưa em ngũ là những từ quen thuộc của các bà mẹ miền Nam giao công việc dỗ cho đứa bé ngũ. Nơi nào có cột được võng là nơi đó sẽ phát ra “ầu ...  ơ … ví dầu ...”

Ví dầu ... cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo... ầu ..ơ ...cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi ...

Trong bài “Ước mơ làm thầy giáo”, Trần-Lâm Phát cũng nói đến tiếng ru con trong buổi trưa hè:
Trong lúc tôi trầm ngâm suy nghĩ thì có tiếng ai ru con văng vẳng từ xa:
Ầu …… ơ ……ơ 
Văn chương phú lục chẳng hay
Trở về làng cũ ầu… ơ… ơ... 
Trở về làng cũ, cấy cày cho xong


Ban biên tập giới thiệu đến quí thầy cô, anh chị em học sinh Trung học Đất đỏ và quí độc giả xa gần khắp 5 châu bài “Hát ru con” trích từ chương 12 của tác phẩm “Tiếng Ca Dao Trong Đêm” của nhà khảo cứu Nguyễn Văn Nhiệm do cựu giáo sư Võ Ngọc Sơn giới thiệu. Tác giả là phu quân của cô Huỳnh Thị Tư, cựu giáo sư Sử Địa trường Trung Học Đất đỏ hiê, cư ngụ ở Đức.Tác giả cho phép Ban biên tập phổ biến bài viết này và những bài khác sẽ lần lượt đăng
Ban biên tập cám ơn tác giả và những người chia xẻ video của mình trên internet.

Hát ru con


     Ngày xưa, người ta thường ru con ngủ bằng võng, vì võng đu đưa qua lại dịu dàng hòa với tiếng ru ngọt ngào của người mẹ dễ đưa trẻ thơ vào giấc ngủ. Bởi vậy, khi người vợ sắp sanh con, người chồng lo chuẩn bị kết võng sẵn sàng:
                        “ Anh về chẻ nứa đan sàng
                        Tước đay kết võng cho nàng ru con.”
   Tiếng võng kẽo kẹt, tiếng ru con là nét đặc trưng của sinh hoạt hàng ngày trong làng:
                        “ Bước chân vào ngõ tre làng
                         Lòng buồn nặng trĩu nghe nàng ru con
                        Bước lên thềm đá rêu mòn
                        Lòng đà nặng trĩu nghe buồn võng đưa.
     Cái đặc tính và công dụng của chiếc võng đi đôi với việc ru con đã mặc nhiên được xác định:
                        “Đố ai ngồi võng không đưa
                        Ru con không hát anh chừa rượu tăm.”
      Theo quan niệm xưa thì nhiệm vụ của người đàn bà lo nuôi dưỡng con để lưu truyền nòi giống rất quan trọng trong Đạo thờ Tổ tiên:
                        “ Trai ơn vua cỡi thuyền rồng
                        Gái chịu ơn chồng nằm võng ru con
                        Ơn vua xem nặng bằng non
                        Ơn chồng nòi giống tổ tông lưu truyền.”
     Thiên chức của người mẹ rất nặng nề, lòng mẹ thật bao la, lúc nào cũng lo cho con đủ mọi bề:
                        “ Miệng ru con, mắt nhỏ hai hàng
                        Nuôi con càng lớn, mẹ càng lo thêm.”
                               ***
                        Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
                        Năm canh dài thức đủ cả năm.”
     Bởi vậy, giọng ru con ngọt ngào, êm dịu nhiều khi chuyển sang điệu buồn mênh mông, nhứt là ở những bà mẹ trẻ:
                        “ Bướm vàng đậu ngọn mù u
                        Có chồng càng sớm, tiếng ru thêm buồn.”
     Người ta thường nói, có nuôi con mới biết công ơn của cha mẹ :
                        “ Nuôi trẻ mới biết thương già
                        Nuôi con mới biết mẹ cha nuôi mình.”
                               ***
                        “ Lên non mới biết non cao
                        Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền.”
     Bởi vậy, con cái lớn khôn phải biết nhớ công ơn của cha mẹ bằng tấm lòng hiếu kính:
                        “ Công cha nghĩa mẹ cao dầy
                        Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ
                        Nuôi con khó nhọc đền giờ
                        Trưởng thành con phải biết thờ song thân.”
     Ru con là cốt để cho con trẻ ngủ yên giấc, giọng ru, tiếng hát êm đềm hòa điệu với tiếng võng đu đưa, lập đi, lập lại nhiều lần không cần xác định. Tùy theo từng miền mà tiếng ru có hơi khác, nhưng nói chung thì tính chất cũng như nhau. Thử lấy giọng ru ở miền Nam:
                        “Ầu ơ...ví dầu tình bậu muốn thôi
                        Bậu phân cho phải đôi lời bậu ra.”
                             ***
                        “Ầu ơ...ví dầu tình bậu muốn thôi
                        Tình tôi muốn nữa, bậu thôi sao đành.”
     “Ầu ơ...ví dầu “ do đặc tính đu đưa, đưa đẩy, nó đã trở thành một tính từ khá ngộ nghĩnh, hay hay ở miệt ruộng, miệt vườn như câu nói của cô gái trách cậu con trai: “ Cái anh này, sao cứ ăn nói ầu ơ ví dầu hoài ! “
     Thật ra, chính nhờ tính không xác định này của điệu ru mới có thể đi vào cõi tiềm thức mênh mông của trẻ thơ qua con đường tâm tình, chứ không bằng con đường lý trí. Nếu dòng sửa mẹ nuôi dưỡng cho đứa trẻ nên vóc nên hình, thì lời ru ca dao là dòng sửa tâm tình, tâm linh, tinh thần thấm sâu vào tiềm thức của trẻ thơ từ thế hệ này sang thế hệ kia, từ ngàn xưa cho đến đời sau, đã bao đời xây dựng nền tảng cho dân tộc tính.
     Nội dung của tiếng hát ru con đều nằm cả trong kho tàng văn học bình dân. Tùy theo cảm hứng, tâm tình của mỗi người mẹ ở vào từng hoàn cảnh, từng lúc mà nội dung ấy được  gởi gấm vào tiếng hát, lời ru:
                        “ Ru con, con ngủ cho say
                        Để u dệt vải cho dầy nhuộm nâu
                        Cắt quần cắt áo u khâu
                        Để thầy con mặc cày bừa mùa chiêm.”
                                ***
                        “ Ru con, con ngủ cho lâu
                        Để mẹ đi cấy ruộng sâu lâu về
                        Ru con, con ngủ cho mê
                        Mẹ còn lo chuyện lê thê kéo cày
                        Ru con, con ngủ cho say
                        Mẹ còn vất vả chân tay ngoài đồng
                        Ru con, con ngủ cho nồng
                        Mẹ còn nhổ mạ trả công cho người.”
                               ***
                        “ Ru con giữa buổi chiều đông
                        Để mẹ tát nước giữa đồng đêm nay
                        Cầu giai mẹ đổ luôn tay
                        Cho lành manh áo cho đầy cơm con
                        Cho lòng mẹ đỡ héo hon
                        Cho gương mặt trẻ, đẹp tròn như gương
                        Quản gì một nắng hai sương
                        Quản gì gió bụi trên đường con ơi
                        Ru con mẹ hát mấy lời
                        Ngủ đi cho mẹ còn rời gối tay.”
                              ***
                        “ Ru con, con ngủ cho lành
                        Cho mẹ gánh nước rửa bành cho voi
                        Muốn coi lên núi mà coi
                        Coi bà Triệu tướng cỡi voi đánh cồng.”
                             ***
                        “ Ru hời, ru hỡi là ru
                        Cha con còn ở chiến khu chưa về
                        Con ơi, nhớ trọn lời thề
                        Tự do, Độc lập không nề hy sinh.”
                           ***
                        “Ầu ơ...ví dầu cầu ván đóng đinh
                        Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
                        Khó đi mẹ dẫn con đi
                        Con đi trường học, mẹ đi trường đời.”
Tác động của lời ru ca dao của mẹ hiền còn âm hưởng sâu đậm trong lòng các con, nhất là ở những người con gái, khi lớn lên theo chồng mà vẫn còn nuối tiếc:
                        “À ơi...bông bần rụng trắng ngoài sông
                        Lấy chồng xa xứ khó mong ngày về
                        Xa xưa con ở dựa kề
                        Bên ba bên má vỗ về ca dao
.”


Sau đây là powerpoint về Ru con của Trường Xuan, tiếng hát Thu Hiền



Và đây là chương trình hòa tấu tiếng hát Ru con của đài tryền hình HTV9: