Trầu cau trong đám cưới người Việt
***
VIDEO: Ý nghĩa của sính lễ ngày cưới
Từ bao đời nay trong phong tục của
người Việt Nam miếng trầu luôn đi đầu câu chuyện. Đối với câu chuyện cả đời của
một con người cũng vậy, không thể nào thiếu được khay trầu.
Đám cưới lớn, chuẩn bị chu đáo thì
trong quả lễ đầy ắp buồng cau trăm quả, trầu trăm lá; đám cưới nhỏ, chuẩn bị
đơn sơ cũng chẳng thể thiếu chùm cau với mớ trầu đặt vừa đĩa.
Từ ngàn xưa cho đến tận bây giờ, dù
đám cưới theo phong tục miền Bắc – Trung – Nam hay thậm chí cưới nhau tận bên
tây thì đám cưới người Việt cũng không thể thiếu mâm trầu cau.
Từ xưa
Người xưa cho rằng, cây cau có thân
tròn, chắc, thẳng đứng là biểu tượng của người con trai, còn lá trầu hình tam
giác bầu bĩnh xoè ngang trên mặt đất như biểu tượng của người con gái. Dây trầu
leo quấn quít quanh thân cau cũng là biểu tượng cho tình yêu bền chặt. Trầu cau
ăn với một chút vôi thì tạo được một màu đỏ hồng như màu máu, màu son – màu đỏ
biểu tượng cho sự thuỷ chung.
Từ xa xưa đám cưới người Việt không thể thiếu mâm trầu cau
Trong dân gian vẫn truyền khẩu với
nhau: “Miếng trầu ăn kết làm đôi/Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng/Trầu xanh,
cau trắng, chay hồng/Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên...”. Với người con
gái, cau trầu còn được coi là biểu tượng của sự tiếp đón danh giá để họ tự hào
suốt đời, để họ được danh chính – ngôn thuận dạy bảo con cháu, người dưới và kể
cả những bà “vợ lẽ sau này”. Những cô gái được hỏi cưới với “tay mang trầu, đầu
đội lễ” có quyền và có trách nhiệm với nghĩa vụ vợ hiền, dâu thảo.
Ở những làng quê xưa, sau lễ ăn hỏi,
nhà gái thường dùng cau trầu, trà bánh mà nhà trai đã mang sang, chia ra từng
gói nhỏ để làm quà biếu cho họ hàng, bè bạn, xóm giềng... như một lời loan báo:
con gái trong nhà đã có nơi có chỗ.
Đến nay
Cau trầu ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi
lối sống, suy nghĩ và phong cách của người hiện đại. Khi chuẩn bị đám cưới, gần
như sự lo lắng chỉ dành cho phần “vật chất” như đặt tiệc nhà hàng, chụp hình,
thuê áo, thuê xe, in thiệp…
Bà Bích Ngọc, chủ sạp 1113 chuyên bán
cau trầu Bà Điểm ở chợ Bến Thành, gia đình đã có ba đời chuyên nghề têm trầu, kết
buồng cau cho lễ dạm ngõ – hỏi – cưới từ những năm 1940 đến nay cho biết: “Giờ
đây người ta làm lễ trầu cau theo hình
thức ước lệ là chủ yếu, vì ít người ăn, nên gần như mâm quả cho các lễ đều giao
khoán hẳn cho dịch vụ”.
Vậy thế nào là quả lễ cau trầu hiện đại
mà vẫn đúng theo lễ? Bà Bích Ngọc, lấy kinh nghiệm từ những khách hàng và truyền
thống bán hàng của gia đình chỉ dẫn: do người Sài Gòn hiện nay đã không còn tục
lệ chia quà của nhà trai cho họ hàng, xóm giềng nên khay cau trầu chỉ cần 6 miếng
trầu têm và quả cau bổ làm 6. Đáng chú ý là theo tục lệ miền Bắc, trầu phải têm
cánh phượng, lá trầu phải là loại trầu cay màu xanh dày lá, vôi dùng loại vôi Bắc
màu trắng và thuốc thường dùng kèm là thuốc lào, và loại vỏ đỏ. Theo tục lệ miền
Nam trầu têm kiểu bánh ú, lá trầu là loại trầu ngọt (thường dùng trầu Bà Điểm)
đi với vôi đỏ, thuốc lá và vỏ giấy.
Nếu lễ hỏi tổ chức có đông người tham
dự, và để quay phim chụp hình cho đẹp, đi kèm theo khay trầu têm còn có một quả
lễ gồm buồng cau và trầu đầy ắp, có thể từ vài chục đến vài trăm quả – nhưng phải
là số chẵn – có đôi có cặp. Cách tính số lượng cau trầu: 1 quả cau = 2 lá trầu.
Ngoài ra, người miền Bắc theo kiểu hiện đại đang chuộng buồng cau 105 quả theo
cách nói “trăm năm hạnh phúc”. Người miền Nam chọn buồng cau 60 quả theo cách
ví von “60 năm cuộc đời”.
Nhất chi mai sưu tầm