Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Tôn Sư Trọng Đạo của GS Nguyễn Văn Trường

Nhân ngày nhà giáo Việt nam, Ban biên tập giới thiệu quí đọc giả bài viết của cựu giáo sư Đại học Sư phạm trước 1975.
Giáo sư Nguyễn Văn Trường sinh năm 1930 tại Vĩnh Long, đã từng theo học các trường trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ và Collège Le Myre de Vilers ở Mỹ Tho. Ông du học và  học ở  đại học Toulouse bên Pháp. Giáo sư Nguyễn văn Trường đậu cử nhân Toán và cao học Tóan . GS giảng dạy ở Đại học Sư Phạm Sài gòn, Huế, Vạn-Hạnh, Đà lạt trước 1975. Ông là 1 trong những người sáng lập viện đaị học Cần thơ.

Tôi Học Làm Thầy Giáo:
Tôn Sư Trọng Đạo Và Cái Đạo Thầy Trò
Nguyễn Văn Trường




Tôi chân thành tri ân quí vị giáo sư Đoàn Khoách, Lưu Khôn, Nguyễn Trung Quân, Nguyễn Công Danh và Bác Sĩ Hoàng Như Tùng, đã tận tình giúp đở tôi trong việc tra cứu Từ Điển về nghĩa của bốn chữ: “Tôn Sư Trọng Đạo”[1]
Nguyễn Văn Trường

Thầy Phan Văn Quan qua đời, cái tang chung cho nhiều thế hệ học trò trong lứa tuổi chúng tôi. Thầy là ông thầy sau cùng của tôi vừa khuất bóng. Nhìn lại, riêng tôi thì cũng đã vào chiều tà của cuộc đời, quỷ thởi gian cạn dần, cạn dần. Nhiều năm qua, tôi gát bút, tập lặng im, như để cái tâm tư lắng đọng, trực diện với lòng mình, xích lại gần hơn với mình và cuộc sống. Hôm nay bổng dưng muốn chổi dậy lên tiếng hát, hát cho phụ huynh, đồng nghiệp, cho người đồng điệu. Thầy nằm xuống, thì trò phải đứng lên, tiếp nối. Cho nên, có nhu cầu, có bị thúc đẩy, từ trong sâu xa, buộc người kép già trở về với sân khấu.
Suy nghĩ về “Tôn Sư Trọng Đạo”, “cái Đạo Thầy Trò”, trong những miên man giao động là giai điệu chính của bài nầy. Trong cái chết, con người tìm lẽ sống: lẽ sống của ông thầy, cô giáo, lẽ sống của đứa học trò.
Mong được quí đồng nghiệp, thân hữu, huynh muội thương tình góp ý.
* * *
Tôn Sư Trọng Đạo: Cái Đạo của người học trò.
Thường niên, chúng ta-cựu học sinh, sinh viên trường nầy trường khác hội họp, có năm đôi ba lần. Và không ít lần chúng ta nói với nhau, hay trịnh trọng nhắc nhở: “Tôn Sư Trọng Đạo”. Châm ngôn ngắn gọn, dễ thương, dễ mến nầy nói lên cái tình của người học trò đối với thầy ở mọi lứa tuổi, nói riêng tuổi 40, 50, và tuổi những người đã có chắt.
Tôi đã để trí và tình mình trong cái âm thanh chung chung dễ chịu ấy của bốn chữ “Tôn Sư Trọng Đạo.” Nhưng cái trí đó hiểu như thế nào, cái tình đó cảm xúc ra sao? Muốn viết ra, ghi lại, tôi lúng túng.
Tôn sư thì dễ hiểu, dễ cảm nhận. Đó là kính thầy.
Kính là kính thương, kính mến.... và đối với một số đông học trò, kính cũng nói lên sự nể sợ. Nể cái uy lực tinh thần, nể cái cách sống, cái tác phong, nể cái hành trang của thầy. Và cũng sợ. Sợ rầy la, sợ cây roi cây thước, sợ đòn, sợ điểm xấu, sợ ở lại lớp, .... Cái thời tiểu học, thật có lắm cái đáng sợ ở trường, và theo đó cũng sợ ở nhà. Lên trung học, cây roi, cây thước được cất đi, thay bằng lời khuyên răn. Lời lẽ nhẹ nhàn. Có răn, có cấm túc, có phạt: thường là phải học thuộc lòng những bài thơ ngụ ngôn dài thậm thượt hay lời dạy học làm người, âm vận dễ thương, nhưng nghĩa lại sâu, có khi khó hiểu.
Không khí trung học dễ chịu hơn nhiều. Dầu vậy, cái sợ cũng còn dai dẳng, ẩn nấp đâu đó trong tâm. Chắc chắn là còn sợ điểm xấu, sợ ở lại lớp, sợ thi rớt,..., đôi khi còn sợ phơi cái dốt, làm trò cười cho bạn bè. Nghĩ cho cùng, có dốt mới tìm học, và ai ai cũng có dốt về một cái gì đó, ở một lãnh vực nào đó. Phải thấy cái dốt, thì thầy và bạn mới chỉ được cho mình cái cách sửa chửa. Thể ø thường thì không ai không để ý và cũng không có ác tâm châm chọc khi thấy mình dốt. Vậy mà vẫn có người ngại, sợ, không dám để lộ cái dốt của mình ra.
Tóm lại, trong thực tế, kính, thương, mến, quý, trọng, và nể sợ... thầy, đó là nghĩa của hai chữ tôn sư. Rõ ràng, minh bạch, không thắc mắc, ít nhất là trong cái trí giản đơn của tôi.
Còn “trọng đạo” thì tôi thật mù mờ. Đối với đứa học trò tiểu học, hay trung học đệ nhất cấp, ở thế hệ của tôi, thì nóiù “Đạo”- dầu là cái đạo làm học trò- thì cũng đã quá tải nhiều rồi. Giờ đây, đã trên thất thập, tôi vẫn còn lạng quạng. Không biết thì phải hỏi. Nhờ bạn bè và đồng nghiệp, tôi được biết là trên 10 quyển Từ Điển chỉ có ba quyển là có nêu bốn chữ “Tôn Sư Trọng Đạo”.
Theo quyển Tự Điển Thành ngữ Tục ngự Việt Nam của Gs. Nguyễn Lân, Hà Nội (1989) thì "Tôn sư trọng đạo": “nói lên cái truyền thống cao quý của dân tộc ta là kính trọng người thầy dạy mình”. Gs. Lân nhấn mạnh trên hai chữ “tôn sư” và “truyền thống cao quy”, để ngầm hiểu “trọng đạo”. Hai quyển Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học Hà Nội (1989) và của Nhà Xuất Bản Đà Nẳng (1998) có ghi rõ nghĩa của “Tôn Sư Trọng Đạo” như sau: “Kính thầy và coi trọng kiến thức của thầy truyền lại.”
Viện Ngôn Ngữ có thêm: coi trọng “cái đạo của thầy truyền lại, theo nho giáo.”
Ở cái tuổi học trò, kính thầy, và coi trọng lời thầy dạy bảo, đối với chúng tôi là đương nhiên: chúng tôi đã vào nếp ngay từ những năm tiểu học. Tuy nhiên, nói cái đạo của thầy truyền lại cho chúng tôi, hay nói rõ là đạo Nho thì có phần nào đúng đó, mà cũng có một cái gì đó xa xôi, không thích hợp.
Đạo Nho? Phải chăng là cái trật tự quân sư phụ, sĩ nông công thương, tam tùng tứ đức? [2], Hay cái hiếu để “tam niên vô tữ bất thành thê” [3], hoặc “thân thể phát phu thọ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương hiếu chi thỉ giả,” [4] hay là “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín,...”? theo nội dung nào? Cùng một chữ mỗi thời đại có một nghĩa khác nhau, và ngay trong hai tác giả khác nhau nó cũng có thể khác nghĩa. Từ Đức Khổng đến giờ, đã trên 2500 năm, bao nhiêu triều đại, bao nhiêu trường phái Nho Học, và gần đây lại thêm văn hóa Tây Phương, thêm khoa học và kỹ thuật, thêm giặc giả làm xáo trộn cấu trúc xã hội, nếp sống, và các thang giá trị. Đã không biết bao nhiêu nước chảy qua cầu. Đạo Nho trăm năm trước và trăm năm sau cũng đã khác đi rồi. Cho nên, nói cái đạo của thầy truyền lại, dù đãø giới hạn rằng theo Nho Giáo, thì ôi thôi, cũng không trong tầm sức của tuổi vị thành niên, dù lòng có muốn thuộc nằm lòng, muốn luôn vâng dạ làm theo cho vừa lòng mẹ cha, và cô thầy. Thiết nghĩ không nên bàn xa hơn nữa. Ngay cái đạo làm người, tưởng rằng dễ ợt-không học cũng là người kia mà-thế mà xưa và nay, có lắm người-học sâu hiểu tộng-đã than rằng: làm người khó! làm người khó lắm ai ơi!
Vậy nên hiểu cái đạo làm học trò một cách đơn giản hơn-cho phù hợp hơn cho cái trí và cái tâm non nớt của đứa học trò-đó là: tôn kính thương yêu thầy, và trong kính thương, lắng nghe lời thầy dạy. Lời thầy là con đường [5] phải theo. Đó là trọng đạo.
Đã nhắc đến Đạo Nho, thiết nghĩ nên ghi lại năm chữ của Thầy Mạnh: Học, Vấn, Tư, Biện, Hành. Đó là cái đạo, con đường đi, cái cách học của người xưa. Và “cách vật, trí tri,..., cùng lý” cũng có thể là những bước đi trong cái đạo của người học trò.
Học thì phải hỏi. Hỏi mà chưa đến nơi, thì chưa thôi. Rồi phải suy nghĩ. Suy tư là một cách hỏi khác, hỏi chính mình về những điều thu học được và những hệ quả, về những tác động hổ tương của chúng. Suy tư cũng là diễn trình trừu tượng hóa, để nhớ và khai triển các kiến giải, đi sâu vào các vấn đề. Suy tư mà chưa đến nơi thì chưa thôi. Biện giải là đem cái học hỏi, cái suy tư chín chắn đó ra trao đổi, bàn bạc với người, cho đến nơi, đến chốn. Biện giải là một cách hỏi của một người đã có vốn liếng học thức, muốn đưa vấn đề ra kiểm tra lại những thụ đắc của mình, và để bổ túc, học hỏi thêm, hoặc để luyện mình trong đối thoại. Rồi đem cái mình thu lượm được mà thi hành. Hành là áp dụng cái học vào cuộc sống. Học và hành tác động hỗ tương, mở rộng trí tuệ và tình người.
Hành cũng là trực tiếp hỏi ở cuộc sống. Cho nên quá trình học là quá trình hỏi. Hỏi sách vở, hỏi thầy, hỏi bạn, hỏi bản thân, hỏi môi trường. Hỏi người ta mà cho đến cùng lý có thể làm người ta hiểu lầm rằng hỏi để bắt bí. Vậy phải biết hỏi, biết chọn ngôn từ, cử chỉ, giọng nói, và thời lúc thích hợp cho việc hỏi. Hỏi sao cho người ta hiểu và thật thà tuôn ra ý tình để nhờ đó vấn đề thêm sáng tỏ, và tình người thêm giàu mạnh.
“Cùng lý” là một cụm từ đáng để cân phân suy nghĩ. “Cùng lý” nói cái lòng cầu toàn. Nó giúp ta thấy khoảng cách giữa tri và hành. Tri dị hành nan? Tri nan hành dị? Hay tri hành hợp nhất? Như vậy, “cùng lý” là một điều tốt. Tuy nhiên, cuộc sống vốn bất toàn, con người vốn khiếm khuyết; là người thì chắc chắn có sai, có trật, có những lỗi lầm, thiếu sót. Không lấy đó làm điều để biện minh sự lười biếng của trí năng, cũng không vì cầu toàn mà tạo cho mình một mặc cảm tự ti, hoặc một tâm lý khủng khoảng, hoặc tốn một thời gian vô cùng lớn để chỉ được một kết quả không đáng kể.
Tóm lại, tôn sư, quí trọng lời thầy dạy bảo là cái đạo của người học trò. Phải quí trọng mới cân nhắc, suy tư, vấn hỏi, kiểm nghiệm trong hành động.
Người xưa cũng nói: “Học thầy không tầy (bằng) học bạn.” Và điều nầy cũng đúng cho ngày nay. Nói cách khác, những người bạn mà mình vấn hỏi, hay cùng biện giải, trong lúc ấy là người thầy của mình. Cho nên, “Tôn Sư Trọng Đạo” bao gồm: kính thầy, trọng bạn, nói rộng ra, diễn trình đường (đạo) học vấn là diễn trình tập tành tìm hiểu và biết tôn trọng tha nhân và môi trường.
Mỗi con người mỗi khác, cảnh vật, vấn đề, tất tất đều đổi thay, cho nên không có một cách học bất biến, một cách hỏi bất biến. Cái đạo của người học trò vì thế mà không là một con đường mòn. Nó là đường, trong cái nghĩa có những qui tắc chung chung giúp cho việc học, nhưng không là đường vì người học lúc nào cũng gặp những thử thách lớn nhỏ, phải tự tìm tòi, tìm học, tìm cách khai phá, tự vạch cho mình một con đường, và như thế suốt giòng đời, con đường vẫn chưa xong. Cái vui là ở đấy, cái may là ở đấy, là lúc nào cũng thấy thiếu, khuyết, buộc mình phải hồi tâm để lắng nghe, tìm hiểu mình và môi trường.
Kết luận: cái đạo của người học trò rất đơn giản: Học hỏi. Đạo mà không là đạo. Con đường đó dễ mà khó. Dễ không phải vì nó đã trải thảm đỏ, là con đường của vua chúa. Khó không phải vì chông gai thử thách mà thầy cô sắp đặt trên đó. Những thứ ấy thầy cô đã dự liệu ở trong tầm sức của đứa học trò. Cái khó mà cũng là cái dễ. Đó là, đến một tuổi nào đó đứa học trò ấy-vẫn tiếp tục học vì đó là một thói quen đã ăn sâu vào xương tủy- bổng nhiên, trực ngộ ra rằng: nếu sự giúp đỡ của thầy cô, của người lớn, của người đi trước là cần thiết cho nó có một nếp sống ra người, thì con đường mà thầy cô muốn cho nó đi vẫn là một con đường mòn. Nó cảm nhận bị thúc ép vào một con đường đã vạch sẳn, thí dụ: con đường quân sư phụ, tam tòng tứ đức, con đường xã hội chù nghĩa, con đường tư bản chủ nghĩa,... Chừng ấy, nó muốn nó là nó, không là một ai khác. Nó muốn có một con đường riêng cho nó. Có thể, nó sớm nhận ra điều nầy và có những phản ứng nông cạn trong những phản kháng lữa rơm, làm xáo trộn học đường và xã hội vào một thời lúc nào đó. Cũng có thể, nó tìm tòi, giải thích, khám phá xem nó là ai, cái gì là hiện hữu đáng giá trong con người. Nó muốn tìm trở về nguồn, tìm lại bản thể. Cái khó bắt đầu từ cái trực ngộ ban đầu đó. Con đường trước kia không còn là con đường nữa. Người học trò muốn “tự đốt đuốc lên mà đi.”
Đạo Làm Thầy
Thầy trò là hai khái niệm tương quan. Cái nầy định nghĩa cái kia và đảo lại. Không có trò, thầy thất nghiệp. Dĩ nhiên là thầy có thể đi làm chuyện khác, và đời sống có thể nhờ đó mà dễ chịu hơn. Không có thầy thì trò vẫn sống nhăn, và có thể cũng rất thoải mái, vì không phải bị khép vào một kỹ luật, không bị buộc học cái này, cái khác. Ở nhà chơi rông, thả diều, đánh trổng, đá banh,..., khỏe là cái chắc. Nhưng lại dốt, lại thiếu một nếp sống “văn hóa cao” . Thời nay-với những chính sách “cưỡng bách giáo dục”, “giáo dục tráng niên” hay “giáo dục thường xuyên”, người người đi học, nhà nhà đi học. Đó là thời thịnh của nghề làm thầy. Cái nghề được thịnh hành không có nghĩa là cái đạo đã thịnh một cách tương xứng. Không lúc nào chùa chiền mọc lên nhiều như bây giờ, nhưng các sư sãi vẫn giảng rằng thời nay là thời mạt pháp.
Phương Đông, dầu Đức Khổng Tử được tôn vinh là Vạn Thế Sư Biểu, nhưng ông thầy đồ đã có trước Ngài. Phương Tây, các nhà ngụy biện-the sophists-cũng khoảng đồng thời với Đức Khổng Tử, trong một giới hạn nào đó, có thể xem là ông tổ của thầy giáo có lương bổng. Nói cách khác, cái “giống” thầy giáo đã có từ mấy ngàn năm về trước.
Trong tất cả phần còn lại của bài nầy, bàn về cái Đạo làm thầy, chữ “Thầy” xin được hiểu là thầy và cô giáo, trong bối cảnh hiện nay, trường tư hoặc trường công, và cũng xin được giới hạn trong hai cấp tiểu học và trung học phổ thông, cho nếp sống văn hóa Việt Nam, dầu rằng những điều nêu lên vẫn có khả năng gợi ý cho mọi cấp, mọi ngành, và cả ở muôn nơi, muôn thuở.
Thiển nghĩ trong một giới hạn nào đó, cái Đạo làm thầy có thể tóm lược trong những tiên đề nêu và nhận xét sau đây:

Tiên đề 1. Mỗi thầy giáo, cô giáo, ở bất cứ bộ môn nào-Văn, Triết, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa, Vạn Vật, Thể Dục, Thể Thao, Hội Họa, ....- đều là một nhà giáo dục.
Giáo dục là đào luyện con người. Trong một chừng mực nào đó, giáo dục nhằm trang bị cho đứa trẻ những hành trang mà người lớn cho là cần thiết để vào đời: đời sống xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật, kinh tế kinh doanh, công nghiệp, nông nghiệp, v. v. của môi trường sống.
Nói riêng, ở bậc tiểu học phổ thông thì đọc, viết, tính toán, vệ sinh và khoa học thường thức là căn bản. Trung Học Đệ nhất cấp chánh yếu là cũng cố việc tổ chức học tập, sử dụng chuyển ngữ (bước đầu tập mô tả, thuật chuyện, sau đó tập phân tích một bài văn hay thơ, nhận thức và lý luận), bắt đầu một sinh ngữ, bắt đầu khai tâm quan sát và lý luận ở mọi bộ môn. Ở các nước nghèo thì phải nghĩ đến số đông đảo học sinh phải bỏ học-chỉ vì nghèo, hoặc cha mẹ không thấy lợi ích xa của giáo dục học đường-và như vậy, chương trình phải có khả năng giúp những học sinh nầy chóng trở thành những phần tử sản xuất hữu hiệu, thí dụ có đủ hành trang để nhanh chóng học được một nghề. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.
Cũng phải ghi là ông thầy không nhất thiết là một triết gia, một nhà thần học, một nhà chính trị, cũng không buộc là môt học giả uyên thâm. Cho nên, không buộc rằng ông phải biết hay có những lý thuyết về con người, một cách có hệ thống hay một cách sâu sắc. Ông có những khái niệm nhất định và ít nhiều rõ ràng về con người, về khoa tâm lý, sư phạm, vân vân mà ông thu lượm được ở trường, ở các khóa hội thảo, ở những sách ông đọc, ở những vấn đề ông gặp phải trong những tiếp cận với chương trình dạy, với học sinh, phụ huynh hay đồng nghiệp. Những cái ấy giúp ông một cách thực tiễn trong các dịch vụ nghề nghiệp của ông.
Ông giáo thường là một con người thiết thực và cụ thể trong công việc. Công việc đó rõ ràng minh bạch: Bài vở-soạn bài, dự thảo, dự tính, và sửa bài của học trò- sinh hoạt ở lớp học và với đồng nghiệp, phụ huynh. Bài vở là mình với mình, trong suy tư, trong cảm nhận, là tìm tòi học hỏi, và thẩm định kinh nghiệm. Suy tư về nội dung, về cách thức triển khai, suy đoán về những cô cậu học sinh mà mình sẽ hỏi trong những vấn đề rõ ràng. Họặc ghi nhận những sai lầm vấp phải của hoc sinh và của mình, và tìm cách tháo gở. Tháo gở cho chúng, và cũng cho chính mình. Lớp học là quan hệ đổi trao qua lại giữa thầy và trò. Đổi trao phản ứng, những nghĩ suy cùng trên một vấn đề, cảm nhận những gút mắc của ngôn ngữ, của truyền thông. Rõ như vậy, mà còn hiểu lầm, hiểu sai, hiểu thiếu sót. Tạïi sao? Những câu hỏi nho nhỏ, nhe nhẹ như vậy, có khi trở đi trở lại, gây bất ổn, thế mà vẫn luôn là nguồn của những sinh lực mới. Nguồn sinh lực mới nầy là ý, là tình, vun bồi khả năng trí tuệ, tài khéo, xây dựng tình thầy trò, keo sơn bền chặt. Duyên tương ngộ chỉ một, hai niên học, mỗi tuần năm bảy giờ, thế mà hình ảnh người học trò-những con người cụ thể của những bối cảnh cụ thể-gắn liền trong tâm người thầy giáo, suốt dòng đời. Có thể vì chúng ngoan, thông minh, có nhiều đức tính, cũng có thể vì nó nghịch ngợm, khó chịu, và bất trị: mỗi đứa một vẻ, phản ảnh cái mênh mong màu sắc của giòng đời.
Tiên đề 2. Dạy là sống.
Sống là nghĩ suy, xúc cảm, hành động, trong những quan hệ qua lại với môi trường. Nói quan hệ, tức cũng nói nghĩa tình. Sống cũng là phát triển, làm cho mình phát triển, các quan hệ phát triển, môi trường phát triển; nói riêng trong bối cảnh học đường, phát triển tình nghĩa thầy trò và bằng hữu
Tuy nhiên, trong cái sống ấy, có nhiều cái chết: thời gian chết, kiến thức chết, lối dạy chết và cả con người ông thầycũng có thể chết.
Thời gian chết là thời gian mà thầy trò không hoạt động. Giờ toán, giờ văn thì không động não, để trí tuệ nghỉ ngơi. Giờ thể dục thể thao thì ngồi dưới bóng cây, không vận động thể lực. Hoặc thầy đến trễ hoặc thầy về sớm.
Cũng có thể là thời gian thầy giận dỗi, hét la, cả lớp im thinh thít, ruồi muỗi bay cũngnghe. Trò thì thu mình trong sợ hãi, miệng câm như hến, còn thầy thì bị cơn giận kiềm hãm không biết mình phải làm gì. Lớp học tê liệt. Thầy mất hẳn khả năng đem lại sinh khí cho lớp học.
Thời gian chết cũng có thể là thời gian điểm danh, trong khi ông thầy có thể chỉ nhìn qua cũng biết ai vắng mặt. Nói chung, mỗi thầy mỗi cách, đều tìm thu ngắn số thời gian chết trong lớp học.
Kiến thức chết vì quá xưa, quáù cũ, lỗi thời, không gợi được hứng thú nào trong người học, vì nó chết trong kinh sách, như tiền bạc nằm yên ổn trong trương mục hay trong tủ sắt, không luân lưu, không sinh sản, vì nó vô hồn, vô tình, “lạnh ngắt như tiền”. Người thầy phải làm sống những kiến thức chết nầy, bằng cách biến chúng thành vấn đề gợi ở người học óc tò mò, hứng thú tìm tòi, tham gia-tham gia nêu vấn đề, hỏi, đáp, tranh luận, tìm giải pháp, phân tích, suy luận, tổng hợp, hoặc nói lên những trực nhận của trí năng. Và như vậy, có qua có lại, có sự giao thoa giữa thầy trò và trò với trò. Kiến thức chết trong các sách nhờ vậy mà trở thành cơ duyên cho những sinh hoạt lý thú. Nhờ vậy, quan hệ giữa những thành viên trong lớp trở thành sống động. Có sống thì nghĩa tình mới sinh sôi nẩy nở.
Cũng có lối dạy chết. Có lần tôi hỏi một giáo sư Văn Chương của một trường Sư Phạm:”Anh dạy Văn Phạm để làm gì? Tôi nghe bọn trẻ than rằng giờ văn phạm khô khan, buồn tẻ, mà không có lợi ích thiết thực.” Và tôi tố thêm: “Tôi có học một chữ văn phạm Việt Nam nào đâu, nhưng tôi nói tiếng Việt ào ào, và mọi người đều hiểu tôi, và tôi không có vấn đề trong việc sử dụng quốc ngữ,..., tôi muốn nói giờ văn phạm Việt Nam, trong các lớp trung học đệ nhất cấp là những giờ chết, vì thầy không có hứng thú dạy-vì không đem lại được sinh khí cho lớp học-và học sinh cũng không có hứng thú học. Chúng nó bị học, và cũng chẳng thèm học. Học làm gì trong khi chúng nó nói, đùa đùa, chọc quê, từ thô tục đến vi tế, rành như rành sáu câu vọng cổ?” Ông bạn tôi lúng túng. Đôi ngày sau đó, ông cười bảo tôi: “Vì anh không chú tâm đến văn phạm nên những bài viết của anh, chánh tả trật đến mức độ không chịu nỗi.” Anh cũng cho tôi vài thí dụ để nói sự ích lợi của văn phạm. Tôi không còn nhớ. Tôi nêu đây thí dụ mà tôi học được với thầy Nguyễn Văn Kiết, để nói lên cái lợi ích của văn phạm: “người yêu, tôi khóc” và “người yêu tôi khóc” chỉ khác có dầu phẩy (,) mà nghĩa hoàn toàn khác biệt. Nhưng tôi vẫn chưa biết làm sao để gởi đến người sinh viên sư phạm, một phương cách làm cho lớp học Văn Phạm có cái sinh khí bình thường như ở các lớp học khác.
Sau đây là thí dụ “điển hình” cho hai lối dạy: chết và sống.
Lối thứ thất: Lối thí pháp.
Vẽ một tam giác ABC.
Từ C vẽ nữa đường thẳng song song với BA và kéo dài BC.
Ta có:
gócC1=gócB1 ; gócC2=gócA2 (xem hình) .
Ta suy ra:
gócB1+ gócA2+ gócC3= gócC1+gócC2+gócC3=góc phẳng.
Với cách làm nầy, ông thầy nói từ từ, viết từ từ, vẽ từ từ, chỉ từ từ, “ung dung tự tại”, trò ghi chép từ từ, an ổn bình yên, không bị vấn hỏi. Đâu vào đó, dễ cho thầy, dễ cho trò. Mọi người bằng lòng. Tuyệt! Nhất thế chi thần tiên!
Với cách đạy nay, thầy là diễn viên chính, độc tấu, độïc giảng. Sáng chói. Trò là khán thính giả, thán phục (?), như bị thu hồn nơi lời vàng ngọc của thầy. Chúng tôi thường gọi đó là cách độc giảng, hay cách “thí pháp”. Đó cũng thường là cách giảng đạo của các sư, các linh mục: chỉ biết nói, chỉ “ban pháp” mà không biết nghe, biết học ở người tín đồ.
Chúng tôi cũng nghĩ: đó là cái dạy và cái học chết.
Trước hết là ông thầy chết. Ông chết trong cái sướng độc diễn, trong cái thế dễ chịu của người ban bố, bằng lòng trong việc “thí pháp”, trong cái vui nhai đi nhai lại những kiến thức cũ rích vô hồn. Ông chết vì ông không có động cơ học hỏi, không tạo cơ duyên học hỏi, vì ông không học được gì thêm về người học trò của ông, vì ông không lớn mạnh thêm được trong nghề dạy của ông. Ông chết vì ông không nếm được những cái hết sức phong phú của cuộc sống thầy giáo. Đi trên thảm đỏ, không một thử thách, không học được gì thêm, không biết gì thêm, không mở rộng được tầm nhìn, không đào sâu được suy tư, vì với cách làm nầy, ông chỉ lặp lạiï các kiến thức chết, ông chỉ nghe được chính ông, chỉ thấy hình ảnh của chính ông.
Người học cũng chết vì không có để dịp động não để vấn hỏi, để suy nghĩ, để thảo luận, để tìm tòi, và cũng vì người học bị áp đặt một lời giải. Lời giải càng đẹp, càng hay, càng “siêu” thì người học càng cảm thấy nó càng xa tầm tay của mình. Trong cách dạy nầy, mà ông thầy như người phù thủy, người học được tập lười biếng, để óc tò mò, tìm tòi, vấn hỏi, biện giải, trí sáng tạo nghỉ ngơi, và “teo lại (?)”.
Giờ học là giờ chết, thầy trò cùng chết, vì thầy giả làm việc, trò giả làm việc, để đổi lấy sự yên ổn của tâm tư và trí não.
Thiết nghĩ, bên cái dạy và cái học chết nầy, còn có những cách dạy và học đầy sinh lực. Chúng tôi gọi là cách sinh động. Thử xét lại định lý trên.
Định lý quả là đúng với tam giác ABC vẽ trên đây, nhưng với một tam giác khác thì sao? Đành rằng thầy đã bảo: thầy vẽ một tam giác bất kỳ như thế nào cũng được, không có gì là đặc biệt, nhưng thật sự thầy chỉ vẽ một tam giác riêng, cụ thể, xác định ABC, và lý luận trên trường hợp riêng lẻ đặc thù nầy.
Tại sao phải lấy điểm C rồi vẽ hai nửa đường thẳng phát xuất từ C. Lấy điểm B hoặc điểm A và làm tương tự có được không? Hoặc lấy một điểm bất kỳ nào đó , không nhất thiết là phải các điểm A, B hay C, và vẽ những góc lần lượt bằng các góc trong của tam giác ABC và sao cho các góc nầy kề nhau, để có tổng số ba góc trong của tam giác: có thể được hay không? Cách làm khởi từ C, có thể lặp lại ở một điểm bất kỳ nào khác hơn là A, B hay C, còn đúng hay không?
Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu vấn đề được bỏ qua, bao nhiêu cơ hội tìm tòi, khám phá, sáng tạo bị che lấp, như bị giấu đi trông lối “thí pháp”.
Nếu nhận thức như vậy, thì lộ trình chứng minh có thể có những bước sau đây.
Lối thứ hai: Lối sinh động.
1. Giả thiết. Vẽ một tam giác bất kỳ. Gọi nó là ABC. Mỗi em vẽ trong giấy của mình một tam giác. Lớp học có 40 em thì có 40 tam giác khác nhau. Mỗi em có một tam giác riêng của mình.
2. Mỗi em đo các góc trong của tam giác của mình, và lấy tổng số. Có 40 kết quả, cả 40 kết quả đều là 180 độ hoặc tròm trèm 180 độ. Như vậy có khả năng, nhưng không chắc chắn vì đo lường lúc nào cũng có sai số, rằng tổng số của các góc trong của mỗi tam giác của mấy em là 180độ.
3. Muốn chắc rằng tổng số nầy là 180 độ, thì phải chứng minh. Phần chứng minh: Dựng hình tổng của hai góc cho trước, bằng cách sử dụng định lý: hai góc có cạnh song song cùng chiều hoặc nghịch chiều thì bằng nhau. Nếu cần, thì làm điều nầy trong phần hỏi bài. Hỏi bài thường khi là chuẩn bị giáo đầu tuồng cho bài mới. Từ đó, dựng hình tổng số của 3 góc của tam giác của mình, tìm lý do để kết luận rằng: tổng số của các góc trong của một tam giác bằng 180 độ. Tất tất đều để các em tự làm lấy, và thầy chỉ can thiệp, khi các em lùng túng, hoang mang, mất hướng. 40 em là có 40 trường hợp khác nhau. Kể thêm trường hợp trên bảng đen của ông thầy thì được 41 trường hợp. Theo đó, thật thà mà nói thì nó có khả năng đúng cho mọi trường hợp.
Trong cách làm nầy, mỗi học sinh đều phải làm, thực hiện sự dựng hình, đều quan sát, đều theo dõi vấn đề, câu hỏi của người nầy có thể giải đáp những thắc mắc của nhiều người khác. Họ có thể hỏi nhau. Học sinh nhờ vậy mà học làm, học hỏi, học diễn tả các vấn đề bằng lời.,.. Lớp học nhờ đó mà sống. Sống không là một sự ồn ào vô trật tự, mà là một sự học hỏi có kỷ cương, có tuần tự, có biết lắng nghe nhau và phát biểu.
Vậy, tuy là dạy kiến thức, nhưng kỳ thật là tập cho người học quen với cách diển tả, khảo sát các cấu cấu trúc, biết phân tích, tổng hợp một vấn đề, biết lắng nghe-nghe mình, nghe tha nhân-biết nắm bắt các thông điệp, biết đối thoại, biết cần cù, kiên nhẫn, trì chí. Kiến thức có thể mai một theo thời gian, vì quên đi, vì lỗi thời, nhưng những thói quen nhận thức, phân tích, tổng hợp, kiểm nghiệm, chứng minh, lắng nghe, vấn hỏi, hành động, ..., những thói quen chịu khó đầu tư công sức, nhẫn nại, quyế tâm sẽ ở mãi trong người và càng ngày, càng sắc bén.
Nói cách khác,
Tiên đề 3. Dạy học là lấy kiến thức làm phương tiện để xây dựng con người.
Trong lời bình một chương của Tây Sương Ký, Kim Thánh Thán có viết: “Ta muốn vẽ mặt trăng, nhưng mặt trăng vẽ không nỗi, vì thế phải vẽ mây, ý không phải ở mây, nghĩa là ý vẫn ở mặt trăng. Thế nhưng thế nào cũng phải để ý vào mây cái đã... Vậy vẽ mây, lỡ một chút thì mây đậm quá; lại lỡ môt chút thì mây nhạt quá; thế là mây hỏng! Mây hỏng thì trăng hỏng! Nay ta vẽ mây đậm nhạt vừa phải rồi, nhưng hơi không cẩn thận, để một vết bằng hạt bụi nhỏ, thế là hỏng mây. Mà hỏng mây tức là hỏng cả trăng... Nay vẽ mây đậm nhạt vừa phải, lại không vây vết nào bắng hạt bụi nhỏ, trông thì như là có, sờ thì như là không, thổi thì như muốn bay, nhìn như muốn chạy, thế thì mây ta vẽ khéo! Mây ta vẽ khéo, thế rồi ngàymai, người xem lũ-lượt tới, đều nói rằng: Vầng trăng đẹp thật! Tuyệt không ai khen đến mây... như thế, tuy rất phụ tấm lòng người vẽ ngày hôm qua đã cậm vụi chật vật về việc vẽ mây, thế nhưng xét về bản tâm người vẽ, có phải chỉ vì trăng, chứ chẳng vì mây đó sao?” [6]
Công việc của ông thầy cũng tương tự. Ông muốn đào luyện con người. Nhưng ông chỉ có thể dạy kiến thức. Kiến thức là mây, con người là trăng, ông giáo như người họa viên. Ôn g phải vẽ mây cho trăng. Dạy kiến thức, chu đáo hết sức trong cái dạy kiến thức, kiến thức là quan trọng, nhưng cứu cánh vẫn là con người. Nếu “ngày mai, người xem lũ-lượt tới, đều khen rằng: “Mây đẹp quá!”” tuyệt không ai nhắc đến trăng thì cứu cánh “trồng người” của ông thầy kể như thất bại. Cứu cánh của ông không là những cái giá treo bằng cấp, học vị, huy chương của hàn lâm viện nầy, hàn lâm viện khác, của nước nầy hay nước khác. Cứu cánh của ông là con người.
Hệ quả là: Thầy là phụ mà trò là chính. Vì cứu cánh của việc trồng người nằm trong đứa học trò. Vã lại, nhà nước, hay ban quản trị một trường tư, hàng tháng trả lương tiền cho thầy cô, là nhằm nhờ thầy cô dạy dỗ cho nó. Nội dung chương trình, tổ chức học đường, sự dạy dỗ của thầy cô, tất tất đều vì nó, do nó và cho nó. Nó là người học. Cho nên, nó là chánh mà thầy là phụ. Đừng nghe rằng ”không thầy đố mầy làm nên” mà quên đi điều nầy. Đừng quen “thí pháp” mà tưởng mình là Chúa, hay Phật, hay là Trời. Cái chính luôn nằm trong cái học-cho cả thầy và trò-cái dạy là phụ, dù rằng sự chuẩn bị cho một tiết học rất công phu và mất nhiều thời gian.
Trong việc trồng người, ông thầy không có nhiều tự do. Chúng ta thử xét tiên đề 4.
Tiên đề 4. Tự do trong ràng buộc.
Thầy, như ông đồ, cũng chăm sóc học sinh, trong Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, nhưng nội dung của năm chữ nầy phải được hiểu trong giới hạn của thời đại và luật pháp hôm nay. Thầy không là ông đồ ngày xưa, trong cái trật tự quân, sư, phụ. Thầy thuộc một hàng ngũ, ở trong một tổ chức, có kỷ cương, có những qui định chặt chẽ, về việc làm, giờ giấc, cung cách và thậm chí đến cách ăn mặc và xử thế, ít nhất là trong khuôn viên trường học. Nếu ông đồ đôi khi chỉ có năm bảy môn sinh, như người thợ nhận hàng đặt, thích hợp cho mỗi cá nhân đứa trẻ, thì ông thầy ngày là người thợ sản xuất hàng loạt, phải nhận nhiều lớp và mỗi lớp trên dưới 40, và trong mỗi lớp, mỗi tiết, khoảng 45-50 phút, chỉ dạy một nội dung ngắn gọn, trong tầm tiếp thu của toàn lớp học. Chương trình, trường ốc, thời dụng biểu hàng ngày,..., và học sinh, tất tất đều được áp đặt cho thầy, và thầy phải tôn trọng ( ít nhất là trên hình thức) ngoại trừ những trường hợp hi hữu.
Cái đạo làm thầy, một phần lớn được cụ thể qui định bởi luật pháp, thông qua các sắc lệnh, nghị định, nghị quyết, thông tư, chỉ thị các cấp. Thậm chí, trong việc phân phối chương trình dạy thành tiết học trong năm, cách khai triển và đường hướng khai triển, đôi khi, thầy buộc phải đi “đồng bộ’’ với các đồng nghiệp của thầy, dạy cùng trường hoặc cùng trong một vùng [7]. Ông thầy, trong những trói buộc nầy, vẫn có thể thực hiện thiên sứ trồng người. Trong thực tế, ông thầy có thể giữ một hình thức tôn trọng các qui định của tổ chức giáo dục đại chúng, nhưng trong lớp học, với học trò của ông, ông vẫn có thể theo những hứng khởi, tâm tư riêng của ông về việc “trồng người”. Về điều nầy, có nhưng thầy cô mà học trò dễ quên, hay sau niên học cảm thấy mình được giải thoát. Cũng có những thầy cô mà lời nói, phong cách, hình ảnh ở mãi trong lòng người học với lòng quí trọng và kính thương. Những thầy cô nầy là những người trong ràng buộc của những qui điều của luật lệ, đã tìm được một lối thoát cho thiên sứ. Trong họ, có những người thiên phú, cái máu thầy giáo vốn trong huyết quản từ lúc mới sinh, nhưng đông đảo là những người có học, chịu học, cần mẫn, trì chí học làm thầy cô giáo. Vì vậy, thầy cô cũng phải giữ cái đạo của người học trò.
Tiên đề sau cùng. Tôn sư trọng đạo.
Học nghề làm thầy có thể ở sách vở, ở các trường sư phạm, ở các khóa hội thảo, với đồng nghiệp, với phụ huynh, ở những đổi trao trên Internet, nhưng chính yếu vẫn là trong sự tiếp cận với học trò của mình, ở lớp học, sân chơi, ở văn phòng hay khi nhàn bộ, và những âm vang sau đó, khi mình với mình trên đường về hoặc bên đèn sửa hay soạn bài.
Tuy nhiên, không học dạy ở đâu bằng học ở ánh mắt, gương mặt, câu hỏi, giọng nói, thái độ, cử chỉ-vụng về, phản kháng, thông minh, bén nhạy, láu lỉnh, quậy phá, câu giờ,..-đã làm cho mình cảm thấy khó chịu, bối rối, hoang mang, bất an hay tự tin và bằng lòng. Không học ở đâu bằng học ở những người học trò của mình. Họ thực sự là những ông thầy cho mình nhiều kinh nghiệm nhất và sâu đậm nhất. Nếu trong tôi, hình ảnh của quí thầy cô ghi khắc, thì trong tôi, hôm nay, một ông giáo già đang đi vào cái tuổi 80-vẫn còn giữ lại như để mang theo xuống mồ, những ký ức, những hình ảnh, những bối cảnh, của không ít khóa sinh-nếu không nói là lớp khóa sinh-nói riêng của Trường Đại Học Sư Phạm Huế và Sàigòn. Có nhiều người, tôi biết cả vợ chồng, có đôi người tôi biết cả con, dâu hoặc rể của họ. Tôi muốn ghi lại đầy để nhấn mạnh dấu ấn họ để lại trong tôi trong cái học làm thầy giáo của tôi.
Như vậy, nếu “tôn sư trọng đạo”, là cái đạo của người học trò, thì tôi, trong cái học làm thầy giáo, tôi cũng phải biết “tôn sư trọng đạo”: kính, nể, trọng cái nhân cách đang hình thành trong những người thầy thật sự-mà ai ai cũng bảo là học trò của tôi.
Giáo dục, trong một giới hạn nào đó, có thể hiểu là cắt tỉa, uốn nắn cho đứa bé hoang trở thành người của một xã hội cụ thể, trong một thời khoảng lịch sữ cụ thể. Uốn quá đà thì cây sẽ gảy, cắt tỉa quá tay thì cây còi. Cho nên phải biết trân trọng nâng niu những tâm hồn thơ ngây còn trong sáng.
Ông thầy không là Thánh sống, hay Phật sống. Ông cũng hĩ nộ ái ố như mọi người, và theo đó có những lúc ông “mất trí”, lớn tiếng, “hét la”, và ở cấp tiểu học, có khi lại “cho roi, cho vọt” gọi như vậy là “thương”. Thực ra, khi bạo hành đứa nhỏ, ông chỉ cho một gương nóng nảy, cộc cằn, thô lổ, lạm dụng quyền thế-quyền của người trách nhiệm lớp học, thế của người lớn, thế của ông thầy. Tiên đề nầy-tôn sư trọng đạo- giúp cho ông thầy giữ cái tác phong thầy giáo, thể thống thầy giáo, và cũng nhờ vậy, mà ông thầy dễ tạo cho lớp học một không khí thích hợp hơn cho việc học hỏi -học, vấn, tư, biện, hành-của thầy và của trò. Cũng nên ghi: những cách dạy sống-như điển hình nêu trên đây, rất thích hợp hơn cho tinh thần “tôn sư trọng đạo” của ông thầy.

Tóm lại:
TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO, khởi đầu và trong truyền thống học đường của ta, là cái đạo của học sinh, giờ đây cũng là cái đạo của người thầy giáo. Nó là hai chiều, nó bình đẳng, thầy trò tương giao ý tình, nể kính, trân trọng lẫn nhau. Trong bối cảnh đó, TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO, thật là cái ĐẠO THẦY TRÒ. Nội dung chẳng đổi, chỉ có một đổi thay chính yếu: đổi thay thái độ, đổi thay cái nhìn trong tâm thức riêng biệt của người thầy.

Kết luận:
1. Xin quí huynh, đệ, tỷ, muội, cho phép tôi, một ông thầy giáo, dành phần kết nầy, để cám ơn những sinh viên học sinh của tôi, ít nhiều là nạn nhân của những thiếu sót của tôi, và đã giúp tôi rất nhiều trong cái học làm thầy giáo.
2. Lúc còn sinh tiền, giáo sư Nguyển Cao Thăng, một ông thầy của tôi, thỉnh thoảng có thơ từ khuyến khích tôi trong những suy nghĩ về cái học làm thầy giáo. Những điều nêu trên đây, có phản phất một phần về những lời chỉ dạy của thầy. Giặc giả, sông nước đổi dời, thơ của thầy đã thất lạc, nhưng hình ảnh và lời thầy vẫn ở trong tâm, suốt giòng đời.
3. Lời nói sau cùng là lời tiếc thương của con với quí thầy cô. Khi con ghi lại những giòng trên thì quí thầy cô đã về thiên cổ. Cuối đời nhìn lại, con vẫn nghĩ “Tôn Sư Trọng Đạo” hay cái Đạo Thầy Trò, lúc nào cũng là phương châm chính yếu cho bất cứ ai muốn vào thế giới của thầy cô giáo.
4. Tôi chân thành cám ơn giáo sư Nguyễn Công Danh và Lê Hoàng Viện, bạn cùng học Trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ, dầu hết sức bận rộn, nhưng đã nhận giúp tôi đọc lại, sửa những sai sót, gợi ý để bài nầy đến với các huynh đệ, tỷ muội, trong cái hình thức trang trọng nầy. 
5. Sau cùng, tôi xin trân trọng cám ơn Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Thanh Liêm, người bạn cùng học Trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho, đã luôn khuyến khích tôi ghi lại những cảm nghĩ của mình về giáo dục.
Houston, ngày 11 tháng 9, 2005

[1] Không có "Tôn sư trọng đạo" trong các quyển sau đây:
- Từ nguyên, Tư hãi của Tàu :
- Khai Trí Tiến Đức trong Việt Nam Từ Điển Hà Nội 1931, :
- P. Của trong Đai Nam Quấc Âm Tự Vị Saigon 1896, :
- Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ trong Tử Điển Việt Nam Saigon 1970, :
- Thiều Chữu: Hán Việt Từ Điển:
- Đào Duy Anh: Hán Việt Từ Điển:
- AJ.L.Taberd trong Dictionrium Anamitico Latinum 1838, ... đều có chữ "Tôn sư" mà không có chữ "Trọng đạo” :
-J.F.M. Genibrel trong Dictionnaire Annamite Francais Saigon 1898, ghi chú: "Tôn sư" = maitre venere; "Trọng đạo" = estimer la vertu ; nhưng không có chữ "Tôn sư trọng đọao" ! :
- Tư Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Hà Nội 1988: "Tôn sư trọng đạo" là kính thầy và coi trọng những kiến thức, cái đạo của thầy truyền lại, theo nho giáo. :
- Tự Điẻn Thành ngữ Tục ngự Việt Nam của Gs. Nguyễn Lân, Hà Nội 1989: "Tôn sư trọng đạo": nói lên cái truyền thống cao quý của dân tộc ta là kính trọng người thầy dạy mình. :
- Từ Điển Tiếng Việt. Nhà Xuất Bản Đà Nẳng, Trung Tâm Từ Điển Học. 1998. Trang 977: Tôn Sư Trọng Đạo là “kính thầy và coi trọng kiến thức của thầy truyền lại.” 

[2] Tam tùng: Tại gia tùng phụ, xuất giá tùng phu, phu tử túng tử. Tứ đức: công dung ngôn hạnh, hiểu trong giói hạn nếp sống nho gia.

[3] 3 năm không sanh con, thì có thể để vợ (?)

[4] Thân thể, tóc da, thọ từ cha mẹ, không được hủy thương đó là hiếu. Hệ quả là không được hớt tóc và phải để móng tay, móng chưn dài, như một số cụ nhàn rỗi mà thời cha ông của tôi vẫn còn. 

[5] Đạo là đường

[6] Vương Thực Phủ. Mái Tây. Nhượng Tống dịch. Đại Nam Xuất Bản, trang 63-64


[7] Xãy ra ở một số nơi, trong thời kỳ quá độ sang xã hội chủ nghĩa, không qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa.