Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Tết Đoan Ngọ nhớ Khuất Nguyên



Khuất Nguyên 屈原tên Bình, biệt hiệu Linh Quân (340 TCN - 278 TCN) là một chính trị gia, một nhà thơ yêu nước nổi tiếng của Trung quốc. Ông là người trong hoàng tộc nước Sở, làm chức Tả Đồ cho Sở Hòai Vương(Tỉnh Hồ Nam)

Xuất thân từ dòng dõi vương tộc nhưng đã sa sút từ đời cha, gần hàng thứ dân. Sử gia Tư Mã Thiên nhận xét “Khuất Nguyên học rộng nhớ nhiều, sáng suốt về chính trị, thông thạo về hiến lệnh”,lại có tài văn chương. Ông sớm được vua Sở trọng dụng, cân nhắc lên hàng lương đống của triều đình (chức Tả tư đồ, dưới Lệnh doãn – Tể tướng). Đối nội, Khuất Nguyên chủ trương cải cách xã hội bằng những biện pháp nhằm hạn chế đặc quyền của bọn đại quý tộc, chủ trương “cân nhắc người hiền, trao quyền cho người có tài năng”; đối ngoại, chủ trương liên Tề chống Tần. Khuất Nguyên bị đả kích kịch liệt vì điều đó mâu thuẫn với đường lối quyền lợi của bọn đại thần.

Thuở đó, thời Chiến quốc, tình trạng xâu xé nhau giữa 6 nước Tần, Sở, Tề, Ngụy, Hàn, Yên đã đi đến chỗ quyết định. Sở từ chỗ cường thịnh đi đến chỗ bại vong, nguy cơ bị Tần thôn tính. Dao động, bất lực và ngu muội, nghe theo lời xúc xiểm của bọn nịnh thần gian tham Tử Lan, Ngận Thượng và sủng cơ Trịng Tụ bị quân thù mua chuộc mà phản bội, lại mắc mưu ly gián của bọn gián điệp Trương Nghi, Sở Hoài vương dần dần bỏ rơi Khuất Nguyên, cách chức Tả tư đồ, thậm chí còn đày ông  đi Hán Bắc (298 TrCN). Sau đó, được gọi về. Nước Sở một phen nguy ngập. Khuất Nguyên chỉ rõ địch – ta, thù-bạn, hiền tài-gian đảng cùng phương cách cứu nước, do đó nước Sở tai qua nạn khỏi. Sau khi Sở Hoài vương bỏ mạng ở đất Tần bởi tình nguyện làm con tin, Khoảnh Tương vương lên nối ngôi. Tình hình chính trị Sở càng thối nát, suy yếu. Nghe lời xúi dục của Lệnh doãn Tử Lan, Ngận Thương, Tương vương đày ông về Giang Nam. Ông qua hồ Động Đình, vượt vùng sông Nguyên, sông Tương, đến mãi tận sông Mịch La. Khi nước Sở bị Tần diệt đúng như lời tiên tri của ông, tướng Tần là Bạch Khởi công phá kinh thành Sính của Sở. Đau xót quá, Khuất Nguyên uất ức buộc đá vào cổ dìm mình xuống sông Mịch  La, mong lấy cái chết thức tỉnh triều đình và dân chúng. Đó là trưa (ngọ) ngày 5-5 âm lịch năm 278 trước Công nguyên.
Về sau, để tưởng nhớ một vị đại thần và nhà thơ yêu nước trung trinh, hàng năm cứ vào ngày 5-5-âm lịch, toàn dân Trung Quốc tổ chức  ăn tết đặt tên là Tết Đoan Ngọ để tưởng niệm Khuyết Nguyên. Ở tỉnh Hồ Nam trở thành một ngày hội thật sự : trống dong cờ mở đua thuyền vang rộn cả một quãng sông Mịch La nơi trước đây Khuất Nguyên trầm mình. Ở Việt Nam ngày đó ta cũng thờ cúng dưới cái tên Tết Đoan Ngọ, có nơi như miền Trung biến tướng thành Tết Giết Sâu Bọ.



Về thơ ca, Khuất Nguyên có Ly Tao (1) (Nỗi buồn biệt ly) một trường ca gồm 372 câu. “Cửu chương” gồm 9 bài thơ ngắn. “Cửu ca” gồm 11 bài thơ ngắn trong tập Sở Từ  (Tiếng hát nước Sở), Thiên vấn(Hỏi trời) Với Ly Tao, Thiên vấn, Sở từ… bằng thơ ca của mình “chí ông sạch nên ông hay nói đến hoa thơm cỏ lạ, tính ông liêm nên dù chết ông cũng không chịu buông lỏng. Bị ngập trong bùn lầy, ông thoát ra khỏi chỗ nhơ đục, băng mình ra ngoài đám bụi trần, không để cho nó dây bẩn…” (Tư Mã Thiên - Sử ký). Tác phẩm thơ ca của người đã đưa Khuất Nguyên lên hàng đầu những nhà thơ Trung Quốc. Thành tựu huy hoàng đó là cuộc cách tân mạnh mẽ, xác lập một cách vững vàng nghệ thuật thơ ca trác việt thời cổ đại, làm khuôn mẫu cho người đời sau.
Khuất Nguyên để lại cho đời một giai thoại thú vị về  say, đục; tỉnh , trong
Chuyện kể rằng: nghe lời dèm pha của Cận Thượng cùng lũ gian thần, Sở vương nổi giận đuổi Khuất Nguyên ra khỏi vương triều. Khuất Nguyên, quần áo xốc xếch thất thểu đi bên bờ sông, thân thể khô đét, mặt mày phờ phạc. Ông vừa đi vừa hát, than khóc cho số phận bất hạnh của nước Sở nay mai. Những lời cay đắng khóc thương này đã nẩy sinh ra tập thơ Ly Tao bất hủ.
Chợt một ông lão đánh cá trông thấy, kêu lên:
Có phải Tam lư Đại phu đó không ? Trời ơi ! Làm sao ra nông nỗi này?
Khuất Nguyên bi phẫn:
 Đời đục cả, riêng một mình ta trong; mọi người say cả, chỉ mình ta tỉnh. Ta bị đuổi chỉ vì có thể.
Lão ngư phủ bàn góp:
Thánh nhân xưa nay xử sự uyển chuyển không câu nệ, biết việc tùy thời. Có phải đời đục cả, sao ông không khuấy thêm bùn, vỗ thêm sóng cho đục ngầu một thể; loài người say cả, sao ông không ăn cả men, húp cả bã cho say nốt ? Việc gì phải lo xa, nghĩ sâu để đến nỗi bị xua đuổi, thân tàn ma dại ?
Bị xúc phạm, Khuất Nguyên cãi:
Tôi nghe mới gội đấu, tất phải chải mũ, mới tắm tất phải thay quần áo, có đâu lại chịu đem cái thân trong sạch để cho vật dơ bẩn dính vào mình, chẳng thà nhày xuống sông Tương (1) vùi xác trong bụng cá, cớ chi đang trắng lôm lốp để vấy phải bùn nhơ ?
Ông lão đánh cá nghe xong tủm tỉm cười, quay thuyền chèo đi, hát bâng quơ:
Sông Tuơng nước chảy trong veo
Thì ta đem giặt sạch cái lèo mũ ta
Sông Tương nước đục phù sa
Thời ta lội xuống để mà rửa chân.
Hát xong, chèo đò đi thẳng, không ngoái cổ lại. Khuất nguyên lòng đầy cay đắng đứng sững nhìn theo (2)
*
Sau cái chết bi tráng của Khuất Nguyên, Tống Ngọc ,nhà thơ đương thời làm bài phú nổi tiếng “Chiêu hồn”gọi hồn thầy mình hãy về dương gian đừng bơ vơ lạc lõng nơi đầu sông ngọn sóng. Về sau, trên 2.000 năm khi đi sứ qua Mịch La, sứ thần nhà thơ Nguyễn Du đã viết bài “Phản chiêu hồn” (Chống lại bài chiêu hồn) của Tống Ngọc. Tống Ngọc chiêu hồn Khuất Nguyên về, Nguyễn Du khuyến đừng về. Vì sao ? Bởi người đời sau ai ai cũng đều là Thượng Quan Ngận Thương, mặt đất đâu đâu cũng đều là sông Mịch La đầy cá rồng, thú dữ. Bọn  gian thần đứng ngồi như các bậc hiền giả, lên xe xuống ngựa, nói năng toàn là giọng đạo đức ông Cao ông Quỳ, che giấu vuốt nanh cùng nọc độc, nhưngg nhai xé thịt người ngọt xớt như đường. Hồn mà về chẳng có gì tốt đẹp nơi đây cả, cá sấu thuồng luồng không xơi thì lũ người thú kia cũng xâu xé…Nguyễn Du đã nhìn thấu cõi đời nhơ bẩn xấu xa, thối nát đâu đâu thời nào cũng đầy rẫy bọn tham quan ô lại độc ác, phản nước hại dân. Bài thơ là một kiệt tác giàu chất hiện thực phê phán và đầy tính nhân văn.
Nguyên tác và bản dịch bài thơ:

 反 招 魂
Phản Chiêu hồn
Chống lại bài Chiêu hồn
魂 兮 魂 兮 魂 不 歸 
Hồn hề! Hồn hề! hồn bất qui? 
Hồn ơi! Sao chẳng trở về?
東 西 南 北 無 所 依 
Đông tây nam bắc vô sở y. 
Ðông tây nam bắc chở che chốn nào?
上 天 下 地 皆 不 可 
Thượng thiên hạ địa giai bất khả, 
Dù đất thấp trời cao chẳng ổn,
鄢 郢 城 中 來 何 為 
Yên, Dĩnh[1] thành trung lai hà vi ?
Yên, Dĩnh đành lạc lõng như nhau.
城 郭 猶 是 人 民 非 
Thành quách do thị, nhân dân phi, 
Thành đây, dân cũ còn đâu
塵 埃 滾 滾 汙 人 衣 
Trần ai cổn cổn ô nhân y. 
Bụi đời mù mịt dơ màu áo xưa
出 者 驅 車 入 踞 坐 
Xuất giả khu xa, nhập cứ tọa
Ra xe đưa, vào ngồi chễm chệ,
坐 談 立 議 皆 皋 夔 
Tọa đàm lập nghị giai Cao, Quỳ[2]
Bàn bạc xem ra vẻ hiền thần.
不 露 爪 牙 與 角 毒 
Bất lộ trảo nha dữ giác độc, 
Vuốt nanh, nọc độc chứa ngầm,
咬 嚼 人 肉 甘 如 飴 
Giảo tước nhân nhục cam như di! 
Thịt người cắn xé như đường nuốt ngon!
君 不 見 湖 南 數 百 州
Quân bất kiến Hồ Nam sổ bách châu, 
Hồ Nam kia thấy không trăm xóm,
只 有 瘦 瘠 無 充 肥 
Chỉ hữu sấu tích, vô sung phì.
Toàn những người gầy ốm xanh xao.
魂 兮 魂 兮 率 此 道 
Hồn hề! Hồn hề! suất thử đạo 
Hồn ơi! Lối ấy theo nhau,
三 皇 之 後 非 其 時 
Tam Hoàng [3] chi hậu phi kỳ thì. 
Ðời Tam Hoàng trước lấy đâu hợp thời.
早 斂 精 神 返 太 極 
Tảo liễm tinh thần phản thái cực, 
Thu tinh thần về nơi Thái cực,
慎 勿 再 返 令 人 嗤 
Thận vật tái phản lịnh nhân xi,
Chớ về đây người chực mỉa mai.
後 世 人 人 皆 上 官 
Hậu thế nhân nhân giai Thượng Quan 
Thượng quan thời buổi ai ai,
大 地 處 處 皆 汨 羅 
Đại địa xứ xứ giai Mịch La[4]
Khắp trên đất rộng sông dài: Mịch La
魚 龍 不 食 豺 虎 食 
Ngư long bất thực, sài hổ thực
Cá rồng nuốt, sói hùm tha,
魂 兮 魂 兮 奈 魂 何
Hồn hề! Hồn hề! nại hồn hà?
Hồn ơi! Hồn hỡi! Hồn mà làm sao?



[1] Yên thuộc đất Sở, Dĩnh (hay Sính) là kinh đô của Sở, nay thuộc tỉnh Hồ Bắc
[2] Cao, Quỳ là hai vị quan giỏi đời Ngu Thuấn.
[3] Có thuyết cho đây là ba vị vua Phục HyThần Nông và Hoàng Đế thời cổ đại.
[4] Mịch La là khúc sông hợp lưu của hai sông Mịch và La, nay ở phía bắc huyện Tương Âm, tỉnh Hồ Nam, sau còn gọi là sông Khuất Đàm vì Khuất Nguyên tự trầm ở đấy.


Theo lịch sử, những người yêu nước vĩ đại như Khuất Nguyên luôn được nhân loại hai ngàn ba trăm năm nay tưởng nhớ, biết ơn và bọn gian thần Ngận Thượng, Trịnh Tụ, Tử Lan bán nước cầu vinh, đều bị nhân dân muôn đời nguyền rủa.
Thương Dân Dân đội lên thờ,
Hại Dân Dân đái ngập mồ cho coi.                                                            
               * Vào ngày mùng 5 tháng 5 người dân quê miền Nam còn có phong tục: nếu trồng cây ăn trái đã lâu mà chưa cho trái,thì 1 người leo lên ẩn trốn trên cây,1người đứng bên dưới cầm dao hay rựa vùa giả bộ chặt vào cây vừa lớn tiếng
  - mày không có trái thì tao chặt (nói 3 lần)
khi ấy người ẩn trốn trên cây van xin
     - đừng chặt đừng chặt tôi sẻ có trái (cũng lập lại 3 lần)
tôi không biết phươngpháp này hiệu quả không mà cho đến bây giờ tôi thấy vẫn còn nhiều gia đình áp dụng                                                                                                
12/6/2013
Lyslongdien sưu tầm và hiệu đính




Ô môi



Sau chuyến về quê năm 2011, cây ô môi sau nhà cũng theo cha mẹ tôi ra đi từ lúc nào không ai còn nhớ. Các cháu tôi nay ngoài 30 nhưng không có ấn tượng gì về cây ô môi. Năm mươi năm về trước, tôi thường ngắm hoa ô môi vào giữa xuân, rồi khi nó có trái, tôi leo lên cây hái trái, đem xuống phơi khô vài ngày rồi bắt đầu thưởng thức. Khi mùa lúa xong, gió bấc bắt đầu thổi, cây ô môi tưởng như đã chết, trơ trụi lá, để lộ những cành giữa bầu trời.
Tôi có email và gọi điện cho các cựu học sinh Đất đỏ nhưng không ai tìm thấy nó ở miền đông nam hay tây nam. 

(Chú thích: Những hình ảnh, bài ca lấy từ những nguồn trên Internet. Cám ơn các tác giả đã đăng)


Cây ô môi  tên khoa học là Cassia grandis L. F.(Bactyrilobium molle Schrader, C. brasiliana Lam., C. mollis Vahl.), thuộc họ Vang ( Caesalpiniaceae). Người Hoa gọi là đại quả thiết đao mộc 大果鐵刀. cao khoảng 10-20 m,  có võ nhẵn và cành màu sét rĩ khi còn non và có màu nâu đen khi già . Lá nó thành đôi dài từ ½ tấc đến hơn 1 tấc, màu xanh và có gân. Hoa nó màu hồng.  Cây ô môi thường mọc hoang trong rừng, ít khi người ta trồng nó ở nhà . Dân quê ngâm trái ô môi với rượu để làm thuốc trị bịnh tiêu hoá. Hột ô môi ngâm nước sôi đến khi nở ra, nấu chè với đậu xanh là món ăn đạm bạc, đậm tình quê hương.

Cây ô môi trổ bông khi trụi lá giống như các cây ở Hoa kỳ trổ bông vào mùa xuân. Thời gian từ lúc đơm bông cho đến khi có trái có thể ăn được gần 8 đến 9 tháng.




Muốn ăn ô môi, để đầu có cuống xuống thớt, róc ngược 2 đường gân chạy dài từ nơi cuối trái đến đầu có cuống. Sau đó dùng tay ép cho nó xêu vẹo và bóc lấy từng miếng như đồng tiền 5 xu rồi bỏ vào miệng nhai. Càng nhai càng thấy mùi hăng hăng, khăm khắm, vị ngọt bùi bùi và miệng thì dính đầy sáp ô môi (môi đen).



Những buổi trưa hè đi trên bờ ruộng, văng vẳng từ xa tiếng hát Tấn Tài vọng lại, không ai không cảm thấy buồn man mát:

Bến nước năm xưa chỉ còn cội đa già chơ vơ rũ bóng, gió đông ơi lòng tôi đà ớn lạnh sao gió đông còn thổi làm chi cho bông ô môi rũ cánh rụng tơi ….bời

Nay ở xứ người, nghe bài vọng cổ này càng thêm thắt ruột:

Kể từ đó như cánh bèo mặt nước
Trôi bập bềnh trên bốn mặt trường giang
Rồi một chiều lòng chạnh nhớ quê hương
Tôi về thăm lại xóm làng quen thuộc. 
Tôi ngồi dưới rặng ô môi nhìn cánh hoa rụng rơi trên mặt nước theo trận gió tàn đông lướt thướt bay…. về.

Virginia ngày 3 tháng 5 năm 2013
Trần-Lâm Phát


1. Bài hát tân nhạc Bông ô môi của nhạc sĩ Sơn Hạ do Thu Trang & Tuấn Kiệt hát:



2. Bài vọng cổ Bông ô môi của soạn giả Viễn Châu do Minh Huy ca:





 3. Karaoke Cổ nhạc Bông Ô Môi:




Sau đây là bài vọng cổ Bông ô môi của soạn giả Viễn Châu:

Lý con sáo:

Bông ô môi gió cuốn rụng đầy trên sông
Nhìn mây trời mênh mông
Kẻ ly hương nay đã quay về
Sao trong dạ não nề
Hồi chuông buồn từ xa vẳng đưa
Trong khói sương thêm tái tê hồn ta
Ngồi bên bờ nhìn hoa lá rơi
Cơn gió đưa theo nước sông buồn trôi. 

Vọng cổ
1. Bến nước năm xưa chỉ còn cội đa già chơ vơ rũ bóng, gió đông ơi lòng tôi đà ớn lạnh sao gió đông còn thổi làm chi cho bông ô môi rũ cánh rụng tơi …. bời
Người cũ giờ đây sao vắng dạng đâu rồi! Mây lang thang bay về nơi vô định, sương khói nhạt nhòa hoa thắm cũng buồn trôi. Mười năm rồi còn chi nữa em ơi, mình xa nhau mỗi kẻ một phương buồn, tôi giang hồ đã mỏi gót phong sương, em ở đây với bốn bề khói lửa. 

2. Tôi quên làm sao ngày tôi sang nhà em, ăn bát canh mồng tơi với nồi cơm gạo mới rồi chia tay từ giã để lên đường. Em bơi xuồng ba lá tiễn đưa tôi đến tận đầu làng.  Khi chia tay cả hai còn bịn rịn, nước mắt đôi dòng cứ ràn rụa trào tuôn. Về đi em lo rẫy bái nương khoai, mình còn gặp gỡ khi thanh bình trở lại. Dù xa cách đầu non hay cuối bãi, tôi vái van trời cho quê ngoại bình yên.

Nói lối:
Kể từ đó như cánh bèo mặt nước
Trôi bập bềnh trên bốn mặt trường giang
Rồi một chiều lòng chạnh nhớ quê hương
Tôi về thăm lại xóm làng quen thuộc.

Vọng cổ
4. Tôi ngồi dưới rặng ô môi nhìn cánh hoa rụng rơi trên mặt nước theo trận gió tàn đông lướt thướt bay…. về.
Chuông đổ từ xa một âm thanh vang vọng não nề. Mùi hương khói theo gió chiều phảng phất từ một ngôi chùa đổ nát cạnh bờ sông. Trên chiếc xuồng có một ông lão quen quen, màu tuyết trắng in trên mái đầu nắng gió. Theo lượng sóng bập bềnh xuôi ngược, đang thả đường câu trên mặt nước sông đầy.

5. Bác Sáu giăng câu cho thuyền cặp bến, ngước mắt nhìn tôi thay tiếng hỏi câu chào. Giây lâu bác mới nghẹn ngào lên tiếng, cháu ở xa xôi về tự hồi nào. Cháu ơi! Con tư nó đã lấy chồng từ năm năm về trước, nhưng số phần nó bạc phước vô duyên, chồng nó chết đi  rồi không chổ tựa nương, nên nó buồn khổ nên vào chùa xin quy y thí pháp, nhưng khói lửa vô tình không tha nơi phật tự, nên giờ đây nó thành ra một sư nữ tật nguyền.

6. Trời u ám bổng vụt vù cơn gió lạnh cuốn theo từng cánh ô môi
tiếng chuông đại đồng vang vọng xa xôi nghe như tiếng khóc u hoài nức nở,
trước cổng tan hoang tôi còn bỡ ngỡ, nữa muốn quay về nữa không nỡ dời chân. Tiếng tụng niệm theo gió chiều vọng đến khiến lòng tôi thêm tê tái bâng khuâng!
Ô môi rụng cánh đầy sông, mấy mùa hoa nở mấy năm nợ tình.
Tôi bây giờ một kẻ bơ vơ bởi đời với đạo ngăn chia hai lối rẽ. Ô môi rụng cánh tơi bời, chuông tắt lâu lâu rồi tôi còn đứng mong ai. 



Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Kỷ niệm xưa

Hôm nay tôi soạn lại tủ sách của mình, tôi loay hoay tìm kiếm nhưng không biết mình tìm kiếm cái gì, tôi làm việc như trong vô thức.Tình cờ thay! tôi nhận ra quyển sổ cũ nằm lẫn lộn trên kệ sách treo tường. Vừa nhìn thấy nó, tôi đã biết từ nảy giờ mình tìm “một kỷ vật bị bỏ quên"; sổ lưu niệm của lớp tôi ngày xưa. Tôi đã giữ gìn nó gần 40 năm. Những tờ giấy trắng theo thời gian nay đã vàng ố nhưng những dòng chữ thân thương của quý thầy cô gởi gấm niềm tin vào lớp chúng tôi vẫn không phai nhòa. Lớp chúng tôi là lớp đầu đàn của TrườngTrung Học Đất Đỏ tham dự kỳ thi Tú Tài II. Vào thời điểm đó bằng Tú Tài như con thuyền đưa chúng tôi vào tương lai tươi sáng. Nó bắc thang cho chúng tôi vào ngưỡng cửa Đại Học. Nó có thể quyết định cho mình một cuộc sống hay một "Nghề" để theo đuổi như một cái nghiệp trong suốt cuộc đời. Bằng Tú Tài II cũng có thể là phương tiện cho các bạn nam sinh tránh xa cuộc chiến. Lúc đó mảnh bằng Tú tài không những quan trọng đối với chúng tôi mà còn là tấm gương cho các lớp đàn em. Đó là phần thưởng quý báu mà chúng tôi đền đáp lại công sức quý thầy cô đã vượt qua bao cam go, cản trở, khó khăn, sợ hãi do chiến tranh có thể xảy ra lúc nào, để đến đây ngôi trường Trung Học mang tên Đất Đỏ truyền đạt cho chúng tôi những kiến thức[1]. Chúng tôi là niềm tin, là kỳ vọng của quý thầy cô. Nếu  chúng tôi tha thiết với mảnh bằng Tú Tài cho tương lai của mình bao nhiêu thì quý thầy cô cũng đặt niềm tin hy vọng vào chúng tôi bấy nhiêu[2]. Hơn thế chúng tôi biết chúng tôi phải làm gì để nhìn thấy nụ cười của cha mẹ và thầy cô.
 Năm ấy, niên khóa 1973-1974, năm cuối cùng của chúng tôi. Chúng tôi dự định làm một cái gì đó để ghi dấu ấn trước khi rời khỏi trường. Tuy nhiên chúng tôi là những học sinh nhà quê quá thiếu thốn. Chúng tôi muốn tổ chức tiệc Xuân thay cho tiệc chia tay mà tài chính có hạn cho nên quý thầy cô đã giúp sức chúng tôi bằng cả tinh thần lẫn vật chất. Nghĩa cử cao đẹp ấy được chúng tôi lưu dấu trong quyên sổ nhỏ này và tôi lại là người được vinh hạnh gìn giữ nó cho đến hôm nay. Đã gần 40 năm mà tôi vẫn còn giữ nó rất trang trọng trong tủ sách. Lật lại từng trang, nhìn những chữ viết và những lời chúc phúc, thân thương làm sao. Tuy thời gian đã đi qua nhưng tôi vẫn có cảm giác như mới hôm nào. Cả lớp ủy thác cho tôi và 1 đứa bạn tổ chức tiệc tất niên. Chúng tôi đã làm tròn bổn phận mình và có được một tiệc tất niên cùng với quý thầy cô thật vui, thật nhiều cảm xúc.
  Thời gian đã trôi qua! Đọc lại những dòng khuyến nhũ, những quý danh thân quen, tôi không ngăn được sự bùi ngùi và sụt sùi! Có nhiều chữ ký tôi không nhận ra của quý thầy cô nào. Khi quý thầy cô và các bạn nhìn lại nếu nhận ra, xin bổ túc dùm tôi những chỗ trống.




[1] Một giáo sư đã nhắn nhũ chúng tôi: “kiến thức trở nên vô dụng nếu nó không được truyền đạt”
[2] Học sinh trường Đất Đỏ thi đậu với tỷ số 75%, vượt xa những trường đàn anh trong khu vực.





















Mời quý độc giả nghe bài lưu Bút Ngày Xanh của Nhạc sĩ Thanh Sơn do Hoàng Oanh, Như Quỳnh và Hương Lan trình bàỵ  Cám ơn Phuc Nguyen đã post video trên you tube!


LYSNGUYEN(khóa 1966-1974)


Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Hoa Phượng

Vẫn con đường hàng ngày tôi đi qua,nhưng hôm nay sao như có một cái gì là lạ kéo tôi đứng lại và nhìn quanh. Ồ! kia rồi! một màu đỏ thắm chiếu rọi vào mắt tôi, màu của hoa Phượng. Một thoáng bâng khuâng,tôi reo lên nho nhỏ"mùa hè đến rồi các bạn ơi"! Tôi đứng đó trong một thoáng ngỡ ngàng, niềm vui lẫn nổi buồn cùng sự tiếc nuối và ..nhớ ...Tôi nhớ về tuổi thơ, nhớ về tuổi học trò, nhớ trường xưa, nhớ thầy, nhớ bạn.

Có lẻ không tuổi nào đẹp bằng tuổi học trò. Không tình cảm nào đẹp bằng tình bạn thời cắp sách, tình bạn ấy với tôi gần 50 năm vẫn không phai nhạt. Dù khỏang cách không gian xa xôi nhưng không thể ngăn cách chúng tôi. Hoa Phượng được xem như loài hoa đặc trưng cho tuổi học trò, cũng là lòai hoa ly biệ. Mỗi mùa hoa Phượng đến rồi đi, đều mang theo nhiều mất mát. Có bạn vì hòan cảnh gia đình phải bỏ trường xa bạn, có bạn vì bổn phận người trai thời chiến một đi không trở lại. Tôi cũng thế! chỉ một mùa hoa Phượng đến rồi đi, tôi đã mất rất nhiều, mất cả những dự tính cho tương lai.Tuổi già thường nhớ về quá khứ, nhớ để quên hay nhớ để tiếc nuối...Cũng có lúc nhớ chỉ để mà nhớ! Nhớ về những gì không còn trong tầm tay, các bạn thì sao? Hôm nay tôi gởi đến các bạn những hình ảnh hoa Phượng tôi vừa "bắt" được trên đường. Nó có thể gợi lại cho các bạn nhớ về một thời xa xưa nào đó, một thời mãi nhớ không quên....








                                                                                                             
Hè 2013
(Đỉnh phù vân)