Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Bài hát “Nỗi buồn hoa phượng”



    Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh ngày 1tháng 5 năm 1938 tại Sóc Trăng, ông mất ngày 4 tháng 4 năm 2012.
    Nhạc sĩ Thanh Sơn kể lại nguồn gốc bài hát Nỗi buồn hoa phượng cho khán giả ở Hoa kỳ.  Ông kể rằng:" năm 13 tuổi, ông theo học trường Hoàng Diệu ở Sóc Trăng, ông quen 1 cô bạn chung lớp, dễ thương và có tên hơi lạ “ Nguyễn Thị Hoa Phượng”. Cô là con của một gia đình công chức ở Sài Gòn, biệt phái về làm việc tại Sóc Trăng.
     Thời gian gần gũi hơn một năm, tình cảm bắt đầu thân thiết, bỗng hè năm sau đó, Hoa Phượng đột ngột báo cho biết là gia đình được điều chuyển về lại Sài Gòn, nên cô tìm gặp ông để chào từ biệt. Trong lúc vừa bất ngờ vừa buồn rười rượi, ông  hỏi xin địa chỉ để sau này liên lạc. Hoa Phượng cũng chỉ buồn bã nói trong nước mắt: “Tên em là Hoa Phượng, mỗi năm đến hè nhìn hoa phượng nở thì hãy nhớ đến em…”. Từ đó bặt tin nhau. Bẵng đi thời gian khá lâu, khi đã nổi tiếng ở Sài Gòn với tên nhạc sĩ Thanh Sơn, một ngày hè năm 1963, bất chợt trông thấy những cành phượng đỏ thắm khi ngang qua một sân trường, ông  bỗng nhớ lại lời của “người xưa” lúc chia tay… Và, vào một đêm hè oi bức, lòng đầy hoài niệm, ông  đã viết bản nhạc: "Nổi buồn hoa phượng" để nhớ về 1 người bạn thời thơ ấu cùng  cắp sách đến trường : Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương, Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, Phút gần gũi nhau mất rồi, Tạ từ là hết người ơi……”. Bài hát sau đó được thu với giọng hát của ca sĩ Thanh Tuyền trước 1975 và rất được nhiều người, nhất là lứa tuổi học trò yêu thích.
     Bao nhiêu năm đã qua, bao nhiêu lần mùa Hoa Phượng nở. Hoa nở rồi hoa lại rụng rơi nhưng loài hoa tượng trưng cho tình bạn của tuổi học trò vẫn sống mãi với thời gian.
Lưu Hy Di trong bài “Đại bi bạch đầu ông 代悲白頭翁” đã viết:
Niên niên tuế tuế hoa tương tự
       
(Năm trôi qua , hoa nó cũng giống nhau)
Tuế tuế niên niên nhân bất đồng
      
(Năm trôi qua, con người thay đổi)

Chắc chắn rằng những ai có đi qua tuổi học trò hồn nhiên, thơ ngây, vẫn giữ lại trong lòng một chút gì xao-xuyến, bâng-khuâng, tiếc-nuối khi bất chợt nhìn thấy hoa phượng nở đỏ rực trong sân trường. Nó chỉ là một loài hoa, đến rồi đi, như những loài hoa khác  nhưng hoa phượng lại là loài hoa của biệt ly, của mất mát. Chỉ cần một mùa hoa phượng thôi, có kẻ ra đi người ở lại và cũng có những người bạn chia tay một lần..nhưng vĩnh viễn mất nhau rồi. Dù thếbài hát Nỗi buồn hoa phượng vẫn sống mãi với thời gian!

Ban Biên tập