Kính thưa quí quan khách
và văn hữu,
Chiều nay, tôi lại được
cái hân hạnh hầu chuyện thơ văn cùng quí vị và quí bạn. Ðó là giới thiệu tập
thơ Tri Âm của Lưu Nguyễn vừa mới được nhà xuất bản Sông Thu bên Mỹ ấn hành. Trong niềm
sung sướng có chứa nỗi lo âu. Tôi lo vì làm việc quá khó. Tôi nhớ vào thế kỷ
thứ sáu, Lưu Hiệp tác giả quyển phê bình văn học đầu tiên của Trung Hoa, quyển
Văn Tâm Ðiêu Long, đã từng ví von - làm thơ khó như chuyện vẽ rồng.
Tại sao khó? Vì rồng là
một con vật của trí tưởng tượng, không có thiệt. Vậy làm sao để vẽ cho đúng.
Chuyện làm thơ đã khó rồi, việc phê bình thơ lại khó hơn nữa. Phê bình thơ như
cầm dao mỗ bụng rồng để coi trái tim của nó. Quí vị thử tưởng tượng coi, tôi
phải làm sao đây?
Ngoài cái khó đó ra còn
thêm một nỗi nữa, hồi nào tới giờ øtôi chưa làm được một câu thơ, nói chi tới
một bài. Chưa từng làm thơ mà lại đi nhận định thơ người, có khác nào câu tục
ngữ Trung Hoa có nói -"vị tha nhân, tác giá y thường" có nghiã là
-một cô gái già, vì người khác mà may aó cưới. Trong đời cổ có bận áo cưới lần
nào đâu, tuy áo may vừa, may đẹp, may khéo, nhưng cái cảm giác sung sướng, bồi
hồi, rạo rực của cô dâu bận áo mới, bước lên xe hoa về nhà chồng (ở bên Tàu
thời trước, chồng là một người lạ hoắc), làm sao mà cô ta cảm nhận cho được!
Thiệt tình tôi đã làm
chuyện tréo cẳng ngổng. Cô dâu Lưu Nguyễn thấy tôi thường khoe dao, khoe kéo,
kim chỉ vá may, cầm cáo áo Tri Âm đưa cho nhờ coi khéo hay vụng. Tôi đành nhận
lời không dám từ chối vì sợ lộ cái dốt của mình. Thôi thì biết bao nhiêu, nói
bấy nhiêu để tạ lòng bạn tri âm.
°
Ðiều làm tôi ngạc nhiên
đầu tiên là thơ Lưu Nguyễn phảng phất cái không khí ngày xưa. Cái thời của kẻ
sĩ, của nhà nho. Ðọc hai câu nầy tôi chợt sững sờ:
Khi im lặng, người với
ta là bạn
Bỡi vô ngôn, tự nó đã nhiệm mầu (Cuộc rong chơi, trg 30)
Cái không khí đời Ðường,
đời Tống bàng bạc! Thế nào là mối tình cao quí? Tình vua tôi, tình cha con,
tình vợ chồng, tình bè bạn... Giữa hai người khi thương mến nhau, diễn tả tình
thương bằng ngôn ngữ với thái độ ồn ào, hay ngồi im bên nhau để nghe tiếng lòng
của nhau? Người quân tử xưa kia hằng mấy năm không gặp, khi gặp nhau ngồi im
lặng bên nhau cả giờ không nói, hoặc nói rất ít. Ðức Khổng Tử nhấn mạnh điều đó
" quân tử đàm giao, đạm nhược thuỷ" -người quân tử nói chuyện với
nhau, lạt như nước lạnh. Vì nước êm ả nhẹ nhàng, không hương, không vị. Ông Ðào
Tiềm đời Tấn yêu hoa cúc vì hoa cúc màu vàng nhạt không le lói, sặc sở và hương
chỉ thoáng nhẹ, hầu như không có.
Người quân tử không ưa
hoa lan vì lan là vương giả chi hoa, không ưa mẫu đơn vì mẫu đơn là phú quí chi
hoa. Ðã là bạn thâm tình thì cần gì phải nói nhiều. Và cái mầu nhiệm cao quí ở
chỗ không nói đó. Chữ hay nhứt trong câu thơ là chữ "tự nó"
Lưu Nguyễn cũng bộc lộ
nét nghệ sĩ tài hoa trong cái nhìn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên
với những cảm xúc của nội tâm đơn thuần. Cảnh thiên nhiên hiện ra với cái vẻ
đẹp tự nhiên của nó mà không có một gắng sức sửa đổi nào của thi nhân:
Kìa thu có phải là thu
sao ta cứ ngỡ mây mù cuối đông
Rằng như có, rằng như không,
Cho ta một chút bềnh bồng lãng quên
(Bềnh bồng, trang 85)
Ðó là đặc tánh của thơ
Ðường. Cái man mác của khí vị của thơ Ðường lãng đãng ở mỗi chữ mỗi câu. Thơ
Ðường thường nhắc đến ánh trăng. Như trong bài Thiên Thai Tống Biệt lúc Lưu
Nguyễn về trần, Tào Ðường đã làm hai câu kết như sau:
Trù trướng khê đầu tòng
thử biệt,
Bích sơn minh nguyệt chiếu thương đài
(Đầu suối bâng khuâng tình cách biệt
Núi xanh rêu biếc ánh trăng đi)
Lưu Nguyễn đời nay cũng
nhắc đến ánh trăng:
Thu xứ người ngập lá,
Kỷ vật chiếc thuyền con,
Bàng hoàng như khách lạ,
trăng sáng chiếu đầu non.
(Chiếc lá vàng rơi, trang 73)
Lưu Nguyễn nhìn thu quê
người, cảm khái thân phận tỵ nạn, chàng đã từng lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ
vượt đại dương, rồi sống lưu lạc nơi xứ người. Nhưng cái hay ở đây, không phãi
là cách làm thơ giống thơ Ðường (vì có rất nhiều người cũng làm thơ Ðường, mà
không hay! )
Tôi muốn nói đến cái khí
vị của thơ Ðường ở câu " bàng hoàng như khách lạ" Cái hay ở chữ
" khách lạ" Người tỵ nạn ở xa quê thì tự nhiên đã là người khách lạ
nơi mình cư ngụ. Làm sao là khách quen được khi mình khác màu da, màu tóc, khác
tiếng nói, kề cận không người thân thích, ruột rà... Nhưng cuộc sống mới không
vui, nên tác giả đâm quên mất không gian, quên mất thời gian, ngay cả tự bản
thân cũng quên lững không biết mình là ai nữa. Bất chợt trong một đêm trăng
sáng, nhìn thấy được lá vàng rơi ngập lối đi, mới chợt tĩnh ra nhớ lại, mình đã
là người khách lạ từ lâu lắm, đang sống xa quê hương nửa vòng trái đất, đâm
sảng sốt, bàng hoàng.. Cái cảm giác trống vắng bơ vơ. Toàn cảnh thiên nhiên cũng
như trong lòng, chỉ còn trơ ra ánh trăng sáng, lạnh ngắt, trên đầu núi.
Hai chữ khách lạ đã
khéo, nhưng chữ " như " lại càng khéo hơn. Nếu không đặt được chữ
" như " ở đây thì chữ " khách lạ " trở nên bình thường, đục
mờ, lu câm... Lưu Nguyễn đã tìm ra chữ "như " đặt vào đúng chỗ, hai
chữ "khách lạ " sáng lên, lấp lánh khiến toàn bài rực rỡ, trong suốt.
Nhưng nghệ thuật của Lưu
Nguyễn còn nổi bật hơn trong những đọan thơ với những tiết điệu kỳ lạ. Thơ khác
hơn văn xuôi ở chỗ đặt cơ sở trên cảm giác về âm vận, tiết điệu. Cũng thời bao
nhiêu chữ, bao nhiêu câu đó, phải lựa chỗ, lựa nơi, thêm chữ nầy, bớt chữ kia,
cố sắp xếp làm sao tạo được cái cảm giác bồi hồi cho người đọc. Mỗi chữ, mỗi
lời phải xôn xao, nhảy múa, linh động... Từ cái tính chất xao xuyến, chơi vơi
đó, nhà thơ dẫn dắt độc giả vào cõi mông lung của cảm giác, chuyện khó như nhảy
xuống nước mò trăng.
Vậy mà Lưu Nguyễn có lần
làm được. Chúng ta cùng nhau đọc thử đoạn nầy:
Vẫn có chút ngập ngừng
trong ánh mắt
Tay run run rượu sánh đổ tràn ly
Trong hạnh phúc giữa đất trời quay quắt
Thẹn thùng em khép bờ mi.
Muốn là gió len qua vài sợi tóc
Nhè nhẹ mơn man phiến má hồng
Mỗi bận vui tan em có khóc
Hong khô những giọt lệ nồng
(Bài thơ cho em, trg 54)
Chúng ta đừng quá chú ý
nhiều đến ý nghiã của đoạn thơ, vì chuyện hai người yêu nhau, chuyện khóc lóc,
chuyện uống rượu, thi nhân nào cũng thường nói tới. Cái mà chúng ta để ý là
tiết điệu của câu thơ.
Ðoạn bốn câu trên, ba
câu đầu mỗi câu tám chữ, câu cuối sáu. Ðoạn dưới câu đầu tám chữ, hai câu kế
bảy chữ, và câu cuối cùng sáu chữ. Ðiều đó nói lên được cái tuyệt diệu của nghệ
thuật bỏ lững. Ðương nói dài dòng, bỏ lững nửa vời, để tạo cái cảm giác chơi
vơi của người đọc, người nghe, là một nghệ thuật rất cao.
Cần gì phải nói nhiều,
nói thêm, nửa câu đã đủ ý... Cái phần còn lại để dành cho độc giả tưởng tượng
thêm. Cái tưởng tượng bao giờ cũng hay hơn cái có thật, cái chưa có bao giờ
cũng hấp dẫn hơn cái đã có. Như vậy cái chữ mình tưởng thiếu đó, tự nó đã đủ và
quá hay. Nếu một người mới tham gia vào làng thơ, sẽ rán mà kiếm thêm một chữ
nào đó để thêm vô cho đủ. Các bạn thử tưởng tượng mà coi, câu thơ đó sẽ trở
thành ra cái gì!
°
Nhưng cái tuyệt vời nhứt
của nghệ thuật thi ca là sáng tạo. Sáng tạo ra ý, ra ngôn ngữ, ra vần điệu...
Tôi thường để ý thơ hay là thơ thường không nói thẳng vào ý chánh, mà nói quanh
co mơ hồ, người nghe vẫn cảm nhận được ý mà thi nhân muốn nói. Ðiều nầy khá lạ
lùng và tuyệt vời lắm. Nếu nói quá một chút thì thơ hay thường là những câu
không nghiã hoặc những câu không rõ nghiã, chỉ có âm thanh trầm bổng... Vậy mà
người nghe cứ tưởng mình hiểu được cái ý, cái tình mà thi nhân gởi gắm.
Trong đêm từ giả nhà để
theo Mã Giám Sinh, Kiều đã nói:
Mai sau dù có bao giờ
Ðốt lò hương ấy so tơ phiếm nầy.
Câu thơ đọc lên, ai cũng
đều hiểu rõ - mai nầy, chẳng may chị có mệnh hệ nào, thì em hãy đốt lò trầm, ôm
lấy đàn gảy lại bản nầy là nhớ đến chị
Thử phân tích, ta thấy
là lạ. " dầu có bao giờ " là sao? Câu nầy không có nghiã gì hết. Chữ
" mai sau" và " bao giờ" là hai từ dùng để chỉ thời gian,
chữ " dầu có " đứng ở giữa lạc lõng. Ðáng lẽ phải nói- mai sau dầu có
ra sao, mới đúng. Vì chữ ra sao được hiểu là sẽ chết chóc, đổ vỡ, tan nát như
thế nào đó. Nhưng nếu viết như vậy thì quá kém. Nhà thơ phải nắm bắt bất cứ chữ
nào đó, uốn nắn theo ý mình muốn. Nguyễn Du thường làm điều nầy, chữ "bao
giờ" ở đây có nghiã là "ra sao". Cái thần tình của câu thơ là ở
chỗ đó. Thi sĩ sử dụng âm thanh phải như phù thuỷ sử dụng âm binh.
Ta thử đọc:
Phương ấy có người lận
đận
Mấy năm thơ chẳng về nhà.
(Phương ấy có người lận đận trang 15)
Phương ấy là phương nào
? Chỉ đọc câu trên, ta nghĩ là ở Việt Nam. Phương ấy là ở bên ấy, ở bên kia chớ
không phải bên nầy. Nhưng đọc tới câu dưới - mấy năm thư chẳng về nhà, thì ta hiểu
ngược lại liền. Phương ấy là khung trời Canada, một nơi xa vắng mà tác giả hiện
cư ngụ, vì lận đận nợ áo cơm nơi quê người, nên không viết thơ.
Cái chữ " ấy"
khiến câu thơ tuyệt vời. Người Trung Hoa gọi những chữ như vậy là nhãn tự. Chữ
đó là con mắt, nó khiến cho toàn thể gương mặt sáng long lanh.
Cũng vậy chúng ta ngây
ngất khi đọc tới câu:
Mai em ở lại trường làm
thầy dạy học
Mai anh về như thể về không
(như thể về không trang 46)
"Như thể về
không" là như thế nào ? Về không là ra về tay không, không có cái gì hết.
Công danh, sự nghiệp, tiền bạc, tình yêu... tất cả đều không. Nhưng tại sao tác
giả dùng chữ "như thể " ? Ðọc ngang đây, chúng ta hiểu ngược lại-
hình như chưa phải là không tất cả. Vậy thì còn có một thứ mơ hồ nhè nhẹ, thoáng
mang theo. Ta phải hiểu là nhà thơ không phải ra về tay không đâu. Có một thứ
gì lưu luyến đẹp lắm, quấn quít, vương vấn theo mãi đó... Tôi cảm thấy như vậy
và tôi tin rằng các bạn đây đều cảm thấy như vậy.
°
Người thi sĩ như con tằm
phải biết cách bắt lá dâu xanh biến thành tơ nõn. Chỉ có thi sĩ mới làm được
diều đó và chỉ có thi sĩ mà thôi. Tôi đọc hết tập Tri Âm trong niềm cảm xúc
chơi vơi, quả thật tôi đã tìm được dáng rồng, tôi cũng chụp bắt được một vài
nét lạ.
Phải bao nhiêu năm Lưu
Nguyễn mới làm được tập Tri Âm ? Năm năm, mười năm? Có người cho rằng làm thơ
như vậy là quá lâu. Tôi thì không lưu ý đến thời gian dài hay ngắn,ï miễn là
thơ hay. Có nhiều thi sĩ nổi tiếng chỉ làm một bài trong đời. Huống chi Lưu
Nguyễn có cả một tập thơ. Tôi xin kết luận bằng bài thơ của Giả Ðảo đời Ðường:
Nhị cú tam niên đắc
Nhất ngâm song lệ lưu
Tri âm như bất thưởng
Qui ngoạ cố sơn thu.
(tạm dịch: hai câu làm
trong ba năm
Khi ngâm lên hai dòng lệ chảy
Nếu bạn tri âm không khen được
Thì ta về nằm lỳ trong núi mùa thu)
Thành thật cám ơn quí vị
và các bạn.
Võ Kỳ Ðiền
(Ðàm Trường Văn Bút Québec 17-11-1990)