Qua nhiều năm dạy Piano, tôi nhận ra rằng trẻ em có nhiều cấp độ về năng lực về âm nhạc. Tôi chưa bao giờ hân hạnh có được một học trò thần đồng nào cả, dù cũng có một vài học sinh thật sự tài năng.Tôi có được cái mà tôi gọi là những học viên “ được thử thách về âm nhạc”. Robby* là một ví dụ. Robby được 11 tuổi khi mẹ cậu bé, một người mẹ độc thân, đưa cậu đến học bài Piano đầu tiên. Tôi thích học viên của mình ( đặc biệt là những bé trai) bắt đầu học ở lứa tuổi sớm hơn và điều đó tôi cũng có giải thích với Robby. Nhưng Robby nói rằng mẹ em hằng ao ước được nghe em chơi Piano. Vì vậy tôi nhận cậu bé vào lớp.Qua nhiều tháng, cậu bé thì cần mẫn học bài và cố gắng luyện tập, tôi thì cố gắng nghe và động viên cậu. Cứ cuối mỗi bài học hàng tuần, em lại nói: “Một ngày nào đó mẹ sẽ nghe em đàn”. Nhưng dường như vô vọng. Đơn giản là cậu bé không có năng khiếu bẩm sinh. Tôi chỉ nhìn thấy mẹ cậu bé từ xa khi bà đưa con đến hoặc ngồi chờ con trong chiếc xe hơi cũ kỹ. Bà luôn vẫy tay và mỉm cười nhưng không bao giờ vào nói chuyện với tôi.Rồi một ngày kia, Robby thôi không đến lớp. Tôi có nghĩ đến việc gọi em, nhưng lại thôi, vì nghĩ rằng em đã quyết định theo đuổi một cái gì khác. Thật sự, tôi cũng mừng vì em nghỉ. Robby là một màn quảng cáo tồi tệ cho khả năng dạy học của tôi!Vài tuần sau, tôi gửi đến nhà các học trò của mình tờ bướm giới thiệu về buổi biểu diễn sắp tới. Thật ngạc nhiên, Robby hỏi em có thể tham gia biểu diễn không. Tôi trả lời rằng buổi diễn chỉ dành cho những bạn còn đang học, trong khi em đã nghỉ rồi.Robby nói mẹ em bị bệnh nên không đưa em đến lớp được, nhưng em vẫn tiếp tục luyện tập. Em năn nỉ tôi cho em tham gia. Tôi không hiểu điều gì đã xui khiến tôi đồng ý. Có thể vì sự kiên trì của cậu bé, hoặc có thể vì một cái gì đó trong tôi lên tiếng rằng sẽ ổn cả thôi.Rồi đêm diễn cũng đến. Khán phòng của trường chật ních những phụ huynh bạn bè, thân nhân của các em học viên.Tôi xếp Robby ở gần cuối chương trình, trước tiết mục nói lời cám ơn học viên và biểu diễn một bản nhạc kết thúc chương trình của tôi.Tôi sắp xếp thế để nếu Robby có làm hư bột hư đường thì tôi cũng có thể cứu vãn bằng tiết mục của mình.Và buổi diễn đã diễn ra khá suôn sẻ. Rồi đến lượt Robby. Cậu bé bước lên sân khấu với bộ quần áo nhàu nhèo và mái tóc giống như cậu mới vừa dùng máy đánh trứng để đánh bung nó lên.Tôi thầm nghĩ sao em không ăn mặc như các học viên khác, sao mẹ em không chịu ít ra là nhắc em chải đầu trước khi đến với buổi tối đặc biệt này.Tôi ngạc nhiên khi Robby tuyên bố em chọn bản Concerto số 21 của Mozart. Tôi vô cùng bất ngờ với những gì được nghe tiếp theo.Các ngón tay cậu bé lướt nhẹ nhàng và linh hoạt trên phím đàn. Tiếng nhạc đi từ cực nhẹ đến cực mạnh, từ rộn ràng đến sâu lắng. Tôi chưa từng được nghe người nào ở tuổi Robby chơi nhạc Mozart tuyệt vời đến vậy. Sau sáu phút rưỡi, em kết thúc bằng một đoạn nhạc mạnh dần lên.Mọi người đứng dậy vỗ tay vang dội.Ngất ngây và giàn giụa nước mắt, tôi chạy lên sân khấu, ôm chầm lấy Robby trong niềm hạnh phúc.“ tôi chưa bao giờ nghe em chơi tuyệt như vậy! em làm cách nào thế?”Qua micro, Robby nói trong xúc động, giọng ngắt quãng:“ cô có nhớ em đã nói mẹ em bị bệnh không? Mẹ em bị ung thư và đã mất sáng ngày hôm qua. Mẹ em bị điếc bẩm sinh, vì vậy tối nay em đã cố gắng đến đây vì nghĩ rằng đây là lần đầu tiên mẹ có thể nghe em chơi đàn. Em đã cố hết sức mình vì điều ấy”.Cả khán phòng hôm ấy không ai cầm được nước mắt.Khi những người ở ban công tác xã hội dẫn Robby về để nhận người đỡ đầu, mắt họ cũng đỏ và đầy xúc động.Tôi thầm nghĩ cuộc đời mình đã giàu hơn biết mấy khi nhận Robby làm học trò.Vâng, tôi không có học trò thần đồng nào cả, nhưng tối hôm ấy, tôi trở thành học trò của Robby.Em đã dạy tôi ý nghĩa của lòng kiên trì, tình yêu và niềm tin vào bản thân hoặc thậm chí dám đặt cược vào một người khác mà không hiểu tại sao.Tôi tin rằng luôn có những thiên thần ở quanh chúng ta, bên cạnh chúng ta, và ở trong bản thân ta.Có lẽ bạn cũng có một thiên thần trong cuộc đời bạn, chỉ có điều đôi lúc chúng ta không nhận ra mà thôi?* Bé Robby đã bị chết trong vụ nổ bom (khủng bố nội bộ của Mỹ)tại thành phố Oklahoma tháng 4/1995.
Nơi ghi lại những kỷ niệm liên quan đến Trung Học Đất-Đỏ Phước-Tuy, văn học nghệ thuật và kỹ thuật tân tiến. Bài vở, tài liệu, hình ảnh và góp ý, xin email đến truongdatdo@yahoo.com