Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

Kinh nghiệm chữa bệnh bằng tỏi



Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Tháng 12 năm 1998, một cuộc hội thảo kéo dài hai ngày rưỡi đã được tổ chức tại Newport Beach, California, để thảo luận và trình bày kết quả nghiên cứu về công dụng của tỏi.
Hội thảo được Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ và Đại Học Pennsylvania bảo trợ, với sự tham dự của trên hai trăm khoa học gia, chuyên viên y tế, dinh dưỡng đến từ 12 quốc gia trên thế giới.
Kết luận của hội thảo là các cuộc nghiên cứu trong nhiều năm qua đã xác định những ích lợi của tỏi đối với sức khỏe con người.
Kinh nghiệm chữa bệnh bằng tỏi.
Chữ viết đầu tiên của dân Sanskrit cách đây 5000 năm đã nhắc đến TỎI nhiều lần.
Trong mộ cổ Ai Cập 6000 năm về trước có những củ tỏi khô nằm ướp trong nắm xương. Sách Y học Ai Cập trên 3000 năm về trước có ghi hai mươi bài thuốc tỏi để trị một số bệnh như đau bụng, đau nhức khớp xương, nhiễm độc, cơ thể suy nhược...
 Công nhân xây đắp Kim Tự Tháp được cung cấp thực phẩm có tỏi để tăng cường sức lao động. Những giác đấu Hi Lạp, binh sĩ La Mã cũng được cho ăn tỏi để chiến đấu can trường, dũng cảm hơn.
Trong các cuộc hải hành, dân Virking đều mang tỏi theo làm lương thực và để trị bệnh khi cần đến.
Tỏi đã được các vị thầy thuốc xưa kia ca ngợi như một dược thảo có giá trị. Ông tổ nền y học tây phương Hippocrates (460-377 trước Công nguyên) đã coi tỏi là môn thuốc tốt để trị các bệnh nhiễm độc, bệnh viêm, bệnh bao tử, và loại trừ nước dư trong cơ thể.
Galen (129 – 199), một trong những danh y nổi tiếng sau Hippocrtes, đã  ca tụng tỏi như môn thuốc dân tộc trị được nhiều bệnh.
Theo Pedonius Dioscorides (40 – 90), một danh y  Hy Lạp, thì tỏi làm giọng nói trong trẻo, làm bớt ho, làm thông tắc nghẽn ở mạch máu, làm lợi tiểu, bớt đau răng, chữa bệnh ngoài da, và chữa cả hói tóc nữa.
Vào thế kỷ 16, Alfred Franklin nói với dân chúng thành phố Paris là nếu họ ăn tỏi tươi với bơ vào tháng Năm thì họ sẽ được khỏe mạnh trong những tháng còn lại.
Trong thế chiến thứ nhất, người Nga đã dùng tỏi để trị bệnh nhiễm vi trùng. Họ gọi tỏi là “thuốc kháng sinh Nga Sô”. Các bác sĩ Anh cũng đã  biết dùng tỏi để trị vết thương làm độc ở chiến trường.
 Khi có các dịch cúm vào đầu thế kỷ 20, nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, đã dùng tỏi như một phương tiện để chống lại sự hoành hành của bệnh.
Sách xưa có ghi lại câu chuyện về bốn tên trộm lừng danh ở thành phố Marseille: trong vụ dịch hạch kinh khủng ở thành phố này, có bốn tên trộm vẫn ngang nhiên vào nhà các người bị bệnh để trộm của mà không bị lây bệnh. Khi bị bắt, chính quyền hứa sẽ tha tội nếu họ nói bí quyết không lây bệnh. Bốn chú đạo trích khai là suốt thời gian dịch hạch, họ ăn rất nhiều tỏi tươi, do đó họ không bị bệnh.
Vào thời Trung Cổ, khi đi vào  những vùng nhiễm độc, các thầy thuốc đều mang nhiều nhánh tỏi để phân phát cho dân chúng cũng như để ngăn chặn hơi độc xâm nhập vào mũi.
Các triết gia cũng có nhiều nhận xét về giá trị của tỏi.
 Celsius, vào thế kỷ I đã  khuyên dùng tỏi để trị nóng sốt và bệnh đường ruột.
Virgil (70 – 19) thấy tỏi làm tăng sức lực của nông dân.
Aristophanes (448 – 385 trước Công nguyên) thì nhắc nhở lực sĩ, chiến sĩ ăn tỏi trước khi xuất trận để chiến đấu cang cường hơn.
Dân Nga xưa kia ngâm tỏi với rượu vodka, để lâu hai tuần rồi uống và tin là sẽ sống lâu.
Dân Ukraine uống nước chanh ngâm tỏi để làm tăng sức lực, làm người trẻ ra.
Dân Da Đỏ bắt chước đoàn thám hiểm Tây Ban Nha, dùng tỏi để trị các bệnh khó tiêu, đau bụng, đau tai và họ rất ít bị bệnh yết hầu vì mùi tỏi làm cuống phổi mở rộng, hô hấp sể dàng.
Người Mỹ xưa kia chữa bệnh tim phổi bằng cách đắp tỏi giã nhỏ lên chân và họ giải thích là như vậy tỏi sẽ hút hết chất độc xuống để đưa ra ngoài. Tổng Thống Benjamin Franklin thích ăn súp nấu với tỏi, còn binh sĩ của Tổng Thống George Washington thì được cho thêm tỏi trong khẩu phần.
Vào đầu thế kỷ trước, bệnh lao rất phổ biến và khó trị vì chưa có thuốc kháng sinh. Các bác sĩ bèn chữa bằng tỏi và thấy là rất công hiệu để diệt vi trùng lao. Sau đó một thời gian, nước Mỹ bị dịch cúm và bệnh tinh hồng nhiệt, dân chúng bèn đốt tỏi trong nhà và hơi khói tỏi che trở nhiều người khỏi bị bệnh. Nhiều người còn nhai tỏi để ngửa bệnh cúm.
Năm 1941, bác sĩ Emil Weiss ở Chicago làm một cuộc thử nghiệm trị bệnh bằng tỏi cho 22 người mang các bệnh khác nhau như đau bụng, nhức đầu, táo bón. Kết quả là những người này hết bệnh.
Về niềm tin dị đoan, tỏi đã được dùng là vũ khí để trừ tà ma , quỷ quái. Dân Âu châu xưa rất sợ ma cà rồng hút máu và để xua đuổi, mỗi nhà đều cheo nhiều nhánh tỏi ở trước cửa. Văn tự Ấn Độ giáo từ nhiều ngàn năm trước có ví một củ tỏi như một tráng sĩ diệt trừ yêu quái.
Dân nài ngựa cheo vài nhánh tỏi vào cương để ngựa phi mau hơn. Nằm mơ thấy tỏi là điềm lành.
Trong các cộng đồng Do Thái xưa kia, vài nhánh tỏi được trang điểm vào áo cưới cô dâu với niềm tin là cuộc hôn nhân sẽ muôn vàn hạnh phúc.
Dân Ai Cập so sánh hương vị cay hôi của tỏi với những thăng trầm của cuộc đời.
Các tu sĩ nói với con chiên là khi họ cầm vài nhánh tỏi trên tay tức là đang cầm mọi phức tạp của cuộc đời. Và khi tuyên thệ, họ đặt tỏi trên bàn tay hay trên bàn thờ.
Bên Việt Nam ta, các cụ cheo tỏi trước cửa buồng đàn bà mang bầu để trẻ sinh  ra được mẹ tròn con vuông, khỏe mạnh                 
 Đông Y việt Nam ta ghi nhận công dụng trị bệnh của tỏi như sau: “tỏi có vị cay, tính ôn, hơi độc nằm trong hai kinh can và vị. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, chữa bệnh lỵ ra máu, tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đàm, chữa đầy chướng bụng, đại tiểu tiện khó khăn. Người âm nhu, nội thiệt, có thai, đậu chẩn, đau mắt không nên dùng.
 Kết qủa nghiên cứu công dụng tỏi trong trị bệnh
Qua nhiều nghiên cứu khoa học và qua kinh nghiệm xử dụng của dân chúng, thì tỏi không những là một thực phẩm ngon mà còn có nhiều công dụng trị bệnh.
Nnăm 1951, hai nhà hóa học Thụy sĩ Arthur Stoll và Ewald Seebeck đã tìm ra hóa chất chính của tỏi là chất Alliin và men Allinase. Hai chất này được giữ riêng rẽ trong tế bào tỏi
1 - Tỏi và cholesterol.
Khi quan sát dân chúng ở một số vùng ăn nhiều tỏi, các nhà nghiên cứu thấy họ rất ít bị các bệnh về tim mạch, mặc dù họ ăn nhiều thịt động vật và uống nhiều rượu vang. Có  người cho là do ảnh hưởng của rượu vang, nhưng các bác sĩ ở địa phương thì cho là nhờ uống rượu và ăn nhiều tỏi.
Sự kiện này thúc đẩy các chuyên viên của Đại Học Western Ontario, Canada, để tâm nghiên cứu và họ kết luận rằng một dân tộc càng ăn nhiều tỏi thì bệnh tim mạch càng ít. Bằng chứng là dân Triều Tiên ăn nhiều tỏi và họ cũng ít bị bênh tim.
Nhiều khoa học gia bèn nghiên cứu tương quan giữa tỏi và bênh tim ở súc vật trong phòng thí nghiệm. Họ đều thấy là tỏi làm chậm sự biến hóa của chất béo trong gan, khiến gan tiết ra nhiều mật, đồng thời cũng lấy bớt mỡ từ thành động mạch.
Các bác sĩ H.C. Bansal và Arun Bordia ở Ấn Độ nhận thấy khi ăn bơ với tỏi, cholesterol trong máu đã không lên cao mà còn giảm xuống.
 Năm 1990, nghiên cứu do bác sĩ F.H. Mader ở Đức cho hay, nếu mỗi ngày ăn vài nhánh tỏi thì cholesterol sẽ giảm xuống tới 15%.
 Một nghiên cứu tương tự ở Đại học Tulane, New Orleans do bác sĩ A. K. Jain thực hiện năm 1993 cho thấy người có cholesterol cao, khi dùng tỏi một thời gian, thì cholesterol giảm xuống được 6%. Đó là một sự giảm đáng kể.
Bác sĩ Benjamin Lau, thuộc Đại Học Loma Linda, California cho biết là tỏi giúp chuyển cholesterol xấu LDL thành cholesterol lành HDL. Còn bác sĩ Myung Chi của Đại Học Lincoln ở Nebraska chứng minh là tỏi làm hạ cholesterol và đường trong máu.
Một câu hỏi được nêu lên là tỏi có làm giảm cholesterol ở người có mức độ trung bình không? Các nhà nghiên cứu cho là tỏi có một vài ảnh hưởng, nhưng nếu cholesterol cao thì tác dụng của tỏi tốt hơn. Có bác sĩ còn cho là tỏi công hiệu hơn một vài âu dược hiện đang được dùng để chữa cholesterol cao trong máu.
Do hạ thấp cholesterol trong máu, tỏi có thể ngăn ngừa nguy cơ một số bệnh tim. Đã có nhiều bằng chứng rằng cholesterol trong máu lên cao là nguy cơ đưa tới các bệnh vữa xơ động mạch và dột quỵ.
 2 - Tỏi và sự đông máu
Tỏi có tác dụng ngăn sự đóng máu cục, một nguy cơ của kích tim và tai biến động mạch não.
 Máu cục gây ra do sự dính chùm của tiểu cầu mỗi khi có dấu hiệu cơ thể bị thương để ngăn ngừa sự xuất huyết.
Trong tỏi có chất Ajoene được  bác sĩ Eric Block, Đại học Nữu Ước, khám phá ra. Theo ông ta, chất này có công hiệu như aspirin trong việc làm giảm sự đóng cục của máu, lại rẻ tiền mà ít tác dụng phụ không muốn. Điều này cũng phù hợp với nhận xét của bác sĩ I.S. Menon là ở miền nam nước Pháp, khi ngựa bị máu đóng cục ở chân thì nông gia đều chữa khỏi bằng cách cho ăn nhiều tỏi và hành.
Bệnh viện Hải quân Hoa Kỳ trong trại Pendleton, California, cũng công bố là tỏi có chất ngừa đông máu do đó có thể làm máu lỏng và ngăn ngừa tai biến động mạch não, kích tim vì máu cục.
Ngay cả ông tổ của nền y học cổ truyền Ấn Độ Charaka vào thế kỷ thứ 2 cũng  ghi nhận là “ tỏi giúp máu lưu thông dễ dàng, làm tim khỏe mạnh hơn và làm con người sống lâu. Chỉ vì mùi khó chịu của nó chứ không thì tỏi sẽ đắt hơn vàng”.
 Các thầy thuốc xưa kia cũng nói là tỏi làm máu loãng hơn.Tác dụng này diễn ra rất mau, chỉ vài giờ sau khi dùng tỏi. Chưa có trường hợp nào trong đó ăn nhiều tỏi đưa đến máu loãng rồi dễ xuất huyết, vì tỏi chỉ làm máu loãng tới mức bình thường thôi.
3 - Tỏi và cao huyết áp
Tỏi được dùng để trị bệnh cao huyết áp ở Trung Hoa từ nhiều thế kỷ trước đây. Tại Nhật Bản, giới chức y tế chính thức thừa nhận tỏi là thuốc trị huyết áp cao.
Năm 1948, bác sĩ F.G. Piotrowski ở Geneve làm thế giới ngạc nhiên khi ông tiết lộ kết quả tốt đẹp khi dùng tỏi để trị cao huyết áp. Theo ông, tỏi làm giãn mở những mạch máu bị nghẹt hay bị co rút, nhờ đó máu lưu thông dễ dàng và áp lực giảm. Các nghiên cứu ở Ấn Độ, Gia Nã Đại, Đức cũng đưa đến kết quả tương tự.
Nhà sinh học V. Petkov thực hiện nhiều nghiên cứu ở Bulgarie cho hay tỏi có thể hạ huyết áp tâm thu từ 20-30 độ, huyết áp tâm trương từ 10 tới 20 độ.
4 - Tỏi và cúm
Trong các dịch cúm vào đầu thế kỷ trước, dân chúng đã dũng tỏi để ngăn ngừa sự lan tràn của bệnh này. Y học dân gian nhiều nước đã chữa cảm cúm bằng cách thoa tỏi tươi mới cắt vào bàn chân.
 Trong dịch cúm ở Liên Xô cũ vào năm 1965, dân Nga đã tiêu thụ thêm trên 500 tấn tỏi để ngừa cúm. Trước đó, vào năm 1950, một bác sĩ người Đức đã công bố là tinh dầu tỏi có khả năng tiêu diệt một số vi sinh có hại mà không làm mất những vi sinh vật lành trong cơ thể.
 Bác sĩ Tarig Abdullah ở trung tâm nghiên cứu tại Tampa, Florida, công bố năm 1987 là tỏi sống và tỏi chế biến đều làm tăng tính miễn dịch của cơ thể với vi trùng, ngay cả HIV và làm giảm nguy cơ vài bệnh ung thư. Cá nhân ông ta đã liên tục dùng mấy nhánh tỏi sống mỗi ngày từ năm 1973 và chưa bao giờ bị cảm cúm.
Từ năm 1950, bác sĩ J. Klosa bên Đức đã dùng tỏi để chữa lành những bệnh đau cuống họng, sổ mũi, ho lạnh. Ông ta vừa cho bệnh nhân uống vừa ngửi tinh dầu tỏi. Theo ông ta, đó là nhờ chất Alliin trong tỏi.
Trong bệnh cảm cúm, bệnh nhân thường sưng cuống phổi, bị ho, sổ mũi. Bác sĩ Irvin Ziment, California, nhận thấy tỏi có thể làm giảm những triệu chứng trên, làm bệnh nhân bớt ho, long đàm, thở dễ dàng và không bị nghẹt mũi. Theo vị thầy thuốc này thì vị hăng cay của tỏi kích thích bao tử tiết ra nhiều dịch vị chua; dịch vị này chuyển một tín hiệu lên phổi khiến phổi tiết ra nhiều dung dịch lỏng làm long đờm và đưa ra khỏi phổi.
 Các bác sĩ bên Ba Lan trước đây dùng tỏi để trị bênh suyễn và viêm phổi ở trẻ em
5 - Tỏi và ung thư
Hiện nay đang có nhiều nghiên cứu coi xem tỏi có công dụng trị ung thư ở người như kết quả nhận thấy ở động vật trong phòng thí nghiệm hay không.
Từ năm 1952, các khoa học gia Nga Sô Viết đã thành công trong việc ngăn chặn sự phát triển của một vài tế bào ung bướu ở chuột.
Thí nghiệm ở Nhật Bản cho hay tỏi có thể làm chậm sự tăng trưởng tế bào ung thư vú ở loài chuột và tỏi có chất oxy hóa rất mạnh để ngăn chặn sự phá tế bào do các gốc tự do gây ra.
Tại viện Ung Thư M.D. Anderson, Houston, các bác sĩ đã cứu một con chuột khỏi bị ung thư ruột già bằng cách cho uống chất Sulfur trong tỏi. Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ đang đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu khả năng trị bệnh ung thư của hóa chất sulfur này.
 Nghiên cứ tại Trung tâm Y khoa Sloan Kettering  cho hay nước chiết của tỏi có thể chăn sự tăng trưởng tế bào ung thư nhiếp hộ tuyến.
6 - Tỏi dùng làm thuốc kháng sinh
Từ lâu, dân chúng tại nhiều quốc gia trên thế giới đã dùng tỏi để chữa một số bệnh gây ra do vi khuẩn như kiết lỵ, bệnh tiêu chẩy, bệnh thương hàn, viêm cuống họng, mụn nhọt ngoài da, thối tai và tỏi được gọi là thuốc kháng sinh dân tộc.
Trong hai thế chiến, tỏi được dùng để chữa vết thương cho binh sĩ tại chiến trường. Người ta cũng dùng tỏi để trị vết thương do côn trùng, rắn cắn. Nông dân, thợ săn đều mang theo tỏi phong hờ khi bị các sinh vật này cắn thì tự chữa.
Năm 1858, nhà bác học Pháp Louis Pasteur (1822 – 1895) đã chứng minh được công dụng diệt vi khuẩn của tỏi.
Năm 1944, nhà hóa học Chester J. Cavallito, làm việc cho công ty hóa chất Winthrop  ở Hoa Kỳ, đã phân tích được hóa chất chính trong tỏi có công dụng như thuốc kháng sinh. Đó là chất Allicin, chỉ có trong tỏi chưa nấu hay chế biến. Kháng sinh này mạnh bằng 1/5 thuốc Penicilin và 1/10 thuốc Tetracycline, có tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn, xua đuổi hoặc tiêu diệt nhiều sâu bọ, ký sinh trùng, nấm độc và vài loại virus.
Theo nhiều nghiên cứu, allicin có tác dụng ức chế sinh trưởng vi khuẩn nhiều hơn là diệt chúng. Nói một cách khác, chất này không giết vi khuẩn đã có sẵn mà ngăn chặn sự sinh sôi, tăng trưởng và như vậy có thể ngừa bệnh, nâng cao tính miễn dịch, làm bệnh mau lành.
Nghiên cứu tại Brazil năm 1982 đã chứng minh là nước tinh chất của tỏi có thể chữa được nhiều bệnh nhiễm độc bao tử, do thức ăn có lẫn vi khuẩn, nhất là loại Salmonella. Các nghiên cứu tại Đại Học California ở Davis cũng đưa đến kết luận tương tự. Ngoài ra, tỏi cũng được dùng rất công hiệu để trị bệnh sán lãi, giun kim, các bệnh nấm ngoài da...
 Một nhà nghiên cứu đã hào hứng tuyên bố rằng “ tỏi có tác dụng rộng rãi hơn bất cứ loại kháng sinh nào hiện có. Nó có thể diệt vi trùng, nấm độc,siêu vi trùng, ký sinh trùng lại rẻ tiền hơn, an toàn hơn vì không có tác dụng phụ và không gây ra quen thuốc ở vi trùng”.
 Giáo sư Arthur Vitaaen (1895-1973), người đoạt giải Nobel năm 1945, cũng đồng ý như vậy.
Do đó ta không lấy làm lạ là trong Thế chiến thứ nhất, các bác sĩ Anh quốc đã dùng tỏi để chữa vết thương làm độc.
Thực tế ra, tỏi được dùng với những nhiễm độc nhẹ, không nguy hiểm tới tính mạng. Còn các trường hợp nhiễm trùng cấp tính và trầm trọng thì  không thể dựa vào các loại “kháng sinh thực vật” này.
7 - Tỏi với tuổi thọ
Theo dân chúng vùng Ukraine, ngâm nửa kí tỏi cắt hay giã nhỏ bỏ vào nước vắt của 25 quả chanh, để qua đêm rồi mỗi ngày uống một thìa pha với nước lạnh, trong hai tuần sẽ thấy trẻ khỏe ra. Các nhà văn Ukraine nói thêm rằng  uống thường xuyên rượu tỏi thì con người sẽ cảm thấy trẻ trung.
Nhiều vị cao niên Việt Nam cũng thường uống rượu ngâm với tỏi, tin tưởng là sẽ được cải lão hoàn đồng, kéo dài tuổi thọ. Họ nghiền khoảng 200 gr tỏi tươi, ngâm trong 300gr rượu mạnh, để vào nơi mát trong hai tuần rồi uống trước mỗi bữa ăn chừng năm tới mười giọt.
Ở vùng Balkan, số người thọ trên 100 tuổi rất cao và được giải thích là họ nhai nhiều nhánh tỏi mỗi ngày.
 Ngoài ra, Tỏi còn một số công dụng khác như:
 Nhà thiên nhiên học La Mã Pliny viết rằng tỏi mà đưa cay với rượu vang thì con người làm tình rất điệu nghệ. Do đó dân chúng La Mã ăn nhiều tỏi và coi tỏi là thuốc kích thích tình dục.
Nghiên cứu mới đây ở loài chuột cho thấy tỏi có thể có tác dụng tốt trên các chức năng của não bộ, tăng trí nhớ và có thể nâng cao tuổi thọ.
Theo bác sĩ Paavo Airola, một nhà chuyên môn dinh dưỡng tại Phoenix, Arizona, tỏi với các hóa chất sulfur của nó, có thể chữa được bệnh mụn trứng cá, bệnh khí thũng phổi làm khó thở, khó tiêu bao tử, táo bón, cảm lạnh.
 Các nghiên cứu của bác sĩ D Sooranna và I Das bên Luân đôn cho hay dùng tỏi khi mang thai có thể làm giảm nguy cơ tiền sản giật , (cao huyết áp và đạm chất trong nước tiểu ) và làm trẻ chậm lớn được mau lên cân hơn.
 Và cuối cùng là một nghiên cứu ở Monnel Chemical Senses Center, Philadelphia, cho biết là  khi mẹ ăn tỏi, con sẽ bú sữa mẹ lâu hơn và nhiều hơn vì tỏi làm tăng khẩu vị của em bé.

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

Gánh tàu hũ



Tác giả Ara là Nguyễn Hữu Phát, bạn của cựu gs Trần-Văn Phét, cả hai là cựu giáo sinh lớp 10 Trường Sư Phạm Sài Gòn năm 1968. Sau khi ra trường Ara Phát về dạy trường tiểu học ở Phước Long. Nay tác giả cùng gia đình định cư ở Bỉ.


Ban biên tập xin giới thiệu đến quí đọc giả bài Gánh tàu hũ, nhắc lại những kỷ niệm khó quên của những ai từng dừng bước ở Sài gòn.

Tình cờ thấy bài này trên Cali today ,chắc bạn bè nhiều người ở Cali đã đọc ,  chỉ là từ hạt đậu nành mà thiên biến vạn hóa thành bao nhiêu là món ăn trong ẩm thực không riêng gì ở Việt Nam mà của nhiều quốc gia Á châu ,đọc xong Ara lại nói leo chút ít về món ăn dân dã này , cái tật nói leo bị mấy bạn già 471 của Ara hay mắng là "thằng nhìu chiệng" ...

Nói đến chuyện tàu hũ .
Cái món này vốn là món ăn bình dân .
Không hẳn ở Việt Nam  , cũng không hản là bình dân mà đôi lúc nó trở thành món ăn tinh tế , cầu kỳ , mỗi nơi đều có món ăn đặc thù làm từ đậu nành ,ngoài bắc gợi món ăn vặt này là "tào phớ " cái tên này mẹ tôi vẫn quen gọi ngay cả lúc đã sống nhiều năm ở Saigon .
Nếu có dịp đi bụi một vòng các nước Á châu, mỗi nơi đều có món tàu phớ , cung cách và khẩu vị cũng khác nhau ,lần đi bụi ở Kyoto tôi có dịp thưởng thức món tào phớ tại một hàng ăn ,sữa đậu nành được đặt trên một nồi thấp chia ra ba ngăn rồi đặt trên bếp nấu sôi ngay tại bàn , mỗi thực khách có một que tre , que tre này dùng để hớt váng đậu nành đóng váng khi sôi , giống như hớt bánh cuốn trong nồi hấp , váng này được cho vào trong một chiếc chén hình như vỏ sò điệp(coquille St. Jacques) trong đó đã có nước sauce , đại loại như nước tương pha chế kiểu Nhật ,dùng với các rau củ được bày biện đẹp mắt ; còn lúc tôi lang thang khu "sun moon lake" tạm gọi là Nhật nguyệt đàm ở Taiwan ,có vào khu chợ nơi đó ,thôi thì đủ loại tàu hũ ,bán ăn tại chỗ , thử một lần món "tàu hũ thúi" mà hay nghe trong các phim tàu Hồng Kông , miếng tàu hũ đặt trong đĩa giấy nhỏ , có rắc tương đen ớt đỏ , bỏ nguyên miếng vào miệng phùng mồm trợ mắt nhai theo phong cách ăn tàu hũ thúi của tàu ,lạ miệng , đương nhiên là có mùi "sầu riêng" nhai kỹ cảm nhận được cái béo, thơm toát ra từ miếng tàu hũ ; nếu chưa đến độ thúi chắc chưa béo , giống như fromage Camembert của Pháp , không thúi là vứt thùng rác ; tàu hũ thúi ở Hồng Kông ngon hơn.
Cũng từ đậu nành , món tào phớ ra đời lúc nào không ai biết, tôi chỉ nghe là xuất xứ từ một làng ngoại ô Hà Nội , đã trở thành nghề chính của người dân nơi đây. Ngày nay, nghề làm và bán tào phớ phổ biến ở khắp nơi. Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền, địa phương, tào phớ lại biến hóa khôn lường thành những cái tên khác nhau, cách thưởng thức nhiều khi cũng khác nhau nữa.

Nghe kể lại chỉ cần nghe tiếng rao "Ai Phớoo... đây" là mọi người đều hiểu , họ bước chậm , tiếng rao vang xa. Bát tào phớ trắng ngà, ăn ngọt mát, vị bùi bùi, vừa có hương thơm của đậu tương, vừa có hương thơm nhẹ của hoa nhài vì ở Hà Nội, tào phớ thường được ăn với nước đường pha vừa miệng, ướp hoa nhài tươi. Thú vị là vào những ngày tiết giá , có bát tào phớ nóng hổi trên tay , hương thơm bốc lên , không còn gì bằng.
Vào đến mảnh đất miền Trung, người ta đã gọi tào phớ bằng một cái tên khác là “đậu hủ”, gọi tên khác cách thưởng thức cũng khác, hương vị cũng có chút khác biệt, ăn không chan ngập nước đường như đất bắc mà tùy theo yêu cầu của khách đường trắng được rắc lên nhiều hay ít hoặc là không ;cách đây vài năm có dịp tôi ra Huế , ở khách sạn Thành Nội được thưởng thúc món "đậu hủ" của đất thần kinh và tôi được giải thích như vậy ,lúc vào đến Quảng Nam , Hội An cũng vẫn vậy.
Saigon là nước và tôi là cá mà tôi đã hơn 30 năm ngụp lặn , đã đổi tên tào phớ thành  “tàu hũ” ,bất chợt tôi thấy dân Saigon ý nhị sợ dùng chữ "đậu hủ" lại bị nói lái lại nghe kỳ quá nên gọi là tàu hũ chăng ! so với tào phớ ở miền Bắc và đậu hủ miền Trung, tàu hũ có phần đặc hơn, có thể có cả nước cốt dừa, thường được ăn nóng với nước đường, thêm chút gừng thơm lừng mát cả cuống họng .
Nồi nước đường có màu vàng cánh gián dẻo quẹo cùng những lát gừng xen lẫn trong đó, mới nhìn thôi là đã ứa nước giãi . Tôi thấy ăn được bát tàu hũ ngon là do cách ăn một cách chậm rãi, không hối hả, vội vàng .
Qua đây thiếu những gánh quà quê như tàu hũ , thèm , muốn ăn phải lăn vào bếp thôi , nấu được một nồi cũng không khó , nhưng cần một sự tỉ mỉ cẩn trọng, chỉ cần một chút mắm hay muối rơi vào trong lúc nấu nước đậu thì đậu sẽ không đông và vữa ra ngay , cho dù có bỏ vào cả nắm thạch cao làm chất xúc tác. Có lúc các cửa hàng thực phẩm Á châu có bán hộp bột để làm tàu hũ của Nhật , trong đó có sẵn một gói thạch cao để kết tủa.Nấu sôi khoảng nước 2l nước , đổ bột đậu nành vào quậy cho tan rồi cho gói thạch cao vào ; đậu nành kết tủa lại thành tàu hũ , cho nước  đường có gừng vào là thành tàu hũ đường mà nghe các bà bán ở Saigon rao vang dội đường phố "hũuu...hêu "


loại muỗng các bà bán hàng ở Việt Nam dùng múc tầu hũ(hình internet)


Còn đây là loại muỗng đúng điệu ăn tàu hũ ,mỏng dẹp vừa miệng (hình internet) .

Thỉnh thoảng cũng có nơi đập vào nước đá ăn cho máthoặc thêm vào nước cốt dừa ăn cho béo còn cho thêm chân trâu , thạch , hay hạt sen ,tôi thì không có gu thưởng thức  những biến tấu này , có thể là họ đã bắt chước những hộp tào phớ(chữ của người Tàu) tại các siêu thị ở Đài Bắc hay Hồng Kông bán trong các tủ lạnh.
Tôi thì thấy những điều giản dị thường phổ biến và đi vào lòng người hơn cả, những nét mộc mạc lúc nào cũng gắn bó khó quên được./.
Ara

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2018

Cát Bụi



Những video này lấy từ youtube . Ban biên tập xin cám ơn tác giả .





Sau đây là bài tân cổ giao duyên:




TRỞ VỀ VỚI CÁT BỤI
Hoàng Tá Thích


Từ xa xưa thiên hạ lúc nào cũng đã giàu nghèo chênh lệch nhau rất nhiều. Nhà giàu dư ăn dư để, kẻ nghèo  thì thiếu thốn quanh  năm. Tuy nhiên những bi kịch về giàu nghèo  ở nước ta từ xưa cũng không đến nỗi như bây giờ ở Phi châu. Có nội chiến ở Lybie mới phanh  phui ra chuyện tài sản của Tổng thống  Gadhafi đến hơn cả trăm tỷ đô la sau 42 năm làm cha mẹ của dân. Từ chuyện này mới ra chuyện khác, Tổng thống  Zimbabwe, vì chỉ mới làm Tổng thống khoảng 30 năm, nên tài sản ít hơn, “chỉ có” chừng  sáu bảy chục tỷ. Nhưng nếu  tổng  thống  giàu như thế mà dân chúng  khá giả thì không nói làm gì. Đằng này Phi châu đã là cái xứnghèo đói nhất trên thế giới, mà dân chúng Zimbabwe của Tổng thống  Robert Mugabe thì gần như hầu hết đều da bọc xương, đói khổ đến không bút nào tả cho xiết, trong khi cả hai vợ chồng tổng thống thì xài tiền như nước.
Thế giới hiện giờ có trên 6 tỷ dân, nhưng tỷ phú thì chỉ có hàng trăm là cùng, Những tài sản công khai thì cũng chỉ bốn năm chục tỷ như Bill Gates, đã là kinh khủng lắm rồi, chứ đâu có đến hơn trăm tỷ như của ông Gadhafi kia. Không biết những ông vua khác, những ông tổng thống khác của các nước nghèo đói tài sản đếm được bao nhiêu. Tuy nhiên nếu có thì con số người giàu đến bậc tỷ phú cũng không thể là nhiều. Những tỷ phú như Bill Gates, Warren Buffet… giàu có là do tài kinh doanh của họ, không thể nào nói được, nhưng các ông tổng thống kia thì chắc chắn là chỉ có vắt máu của nhân dân ra để làm giàu mà thôi.
Mới đây, tin tỷ phú  Bills Gates gác kiếm giang  hồ, không thèm lý đến chuyện làm ăn, đã như một quả bom nổ trong giới kinh doanh, nhất là lãnh vực máy điện toán. Cả hai vợ chồng nhà tỷ phú này không phải vì quá giàu có hay quá già mà nghỉ để hưởng thụ; trái lại, cả hai đều còn đang ở tuổi trung niên, nhưng lại muốn để hết của cải và thời gian còn lại cho một công việc cứu nhân độ thế: giúp đỡ các nước chưa phát triển, còn nghèo đói.
Bill Gates là nguời khôn ngoan thức thời, có một hôm đã nghĩ ra được cái chân lý, là chết trên đống của cải của mình là một cái chết rất vô duyên, nên cả hai ông bà đã đồng tình cống hiến hết tài sản để giúp đỡ người nghèo: cứu đói, xây trường  học, mở bệnh  viện cho các nước nghèo khó. Không những thế, cả hai ông bà lại còn để hết công sức và không ngại tốn kém tìm kiếm nguyên nhân gây những chứng bệnh khó chữa ở Phi châu hòng giúp dân chúng thoát khỏi bệnh tật. Đúng là những Bồ-tát của nhân loại. Không chỉ Bill Gates, mà những tỷ phú giàu có khác do hai bàn tay tài giỏi của họ như Rockfeller, như Warren Buffet… cũng có tấm lòng nhân ái, bỏ rất nhiều tiền của của họ vào những quỹ từ thiện để làm công đức. Thực ra, có tiền dư của để, bỏ ra cho bớt những  người nghèo, cũng không phải là khó khăn lắm, nhưng đang ở trên đỉnh cao của danh vọng,quyền lực như Bill Gates mà bỏ ngang như thế, chắc trên đời chỉ có một. Không những bỏ ngang  mà còn đem công sức ra nghiên  cứu những biện pháp giúp đỡ người nghèo khổ mới là khó. Đã ngồi trên cái ngai vàng tột đỉnh mà buông  được không phải dễ dàng gì. Như ông Tổng thống Gadhafi chẳng hạn. Nếu ông ta chịu khóngưng tay để hưởng thụ, thì với đống của cải đó, mấy đời con cháu sau, có xài hoang phí đến mấy cũng khó mà hết. Trái lại, ông ta còn tham lam, lại muốn thêm quyền lực, muốn khống chế cả đồng euro của Âu châu, còn muốn làm vua của những ông vua khác, nên mới sinh chuyện, để cuối cùng phải sống chui sống nhủi, phải kiếm một nơi nào đó bên Phi châu để xin tỵ nạn mà cũng không được, cuối cùng đành  chịu đựng  cái chết thảm. Thường nói “nghèo mà ham”. Ai nghèo  mà chẳng ham. Đằng này lại là “giàu mà ham”. Có lẽ nên thêm một chữ: “giàu mà còn ham” thì mới phải. Đã giàu nứt đố đổ vách mà còn ham, mới là chuyện lạ.
Cái chuyện giàu còn muốn giàu thêm thì thực ra cũng thường tình. Cái chuyện đang giàu có tột đỉnh mà từ bỏđược thực khó, và không phải động  lực nào cũng đều giống nhau. Lâu lắm, tôi có nghe chuyện một nhân vật cũng rất lạ lùng: ông ta là chủ nhân của hộp đêm Crazy Horse nổi tiếng ở Paris từ những năm năm mươi. Ông này không những giàu có, mà còn là người đã từng kết giao với những nhân vật nổi tiếng trên thế giới thời đó. Đến lúc tuổi già, mặc dù sức khỏe vẫn còn tráng kiện, ông ta tự kết liễu cuộc đời huy hoàng của mình bằng một phát súng vào đầu. Người thân của ông ta cho biết, ông từng thổ lộ là đối với họ, ông ta cho là mình đã đạt đếntột đỉnh của danh vọng, nên không muốn một hôm nào đó, người đời sẽ nhìn thấy ông ta trong hình ảnh một người già tiều tụy, mất hết quyền lực. Có thể ông ta cũng thấy được cái vô thường của cuộc đời, nhưng cáiđộng lực để từ bỏ danh vọng của ông ta cũng chỉ là kết quả của lòng kiêu ngạo và ích kỷ của mình, không đem lại ngay cả cho cuộc đời của chính ông ta một chút ý nghĩa nào. Lại có những người khác, trước khi chết, mớicống hiến tài sản cho các tổ chức từ thiện, vì chẳng biết để lại cho ai. Cũng vẫn là một chuyện dễ dàng. Tất cả đều khác với Bill Gates. Nhà tỷ phú này có đến ba người con, nhưng chỉ để cho con cái một ít tài sản để lập thân mà thôi. Ông là người đã ngộ ra cái lẽ vô thường của nhà Phật và đã làm cho đời sống của ông có ý nghĩacao quý bằng cách đem hạnh phúc đến cho kẻ khác. Tóm lại, một chữ “buông” đơn giản không phải là đơn giản. Hiểu là một chuyện, làm được là một chuyện khác.
Lịch sử có ghi lại câu chuyện về Ngài A-lịch-sơn đại đế, một vị hoàng đế nổi tiếng quyền lực nhất của vương quốc Macedonia ở Âu châu trước Thiên Chúa giáng sinh: Trước khi qua đời, ngài ra lệnh cho quần thần phải thực thi ba điều trong đám tang của ngài: Thứ nhất là hai bên quan tài phải khoét hai cái lỗ vừa đủ hai bàn tay ra ngoài. Thứ hai là tất cả quan ngự y đều phải khiêng quan tài của ngài. Thứ ba là vàng bạc châu báu phải được rải cho dân chúng trên lộ trình đám tang của ngài.
Ấy là để cho người đời thấy rằng khi chết, thì một người đầy uy quyền, giàu có như ngài thì cũng chỉ còn hai bàn tay trắng. Đã đến lúc phải ra đi thì có bao nhiêu bác sĩ tài giỏi cũng không làm gì được. Và sau cùng, của cải đã không mang theo được thì còn cất giữ làm gì. 




Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2018

Đậu nành và sức khỏe





Trong mấy chục năm gần đây, dân chúng ở các quốc gia Âu Mỹ bắt đầu tiêu thụ một số lượng rất lớn đậu nành. Họ đã được các nhà nghiên cứu khoa học thông báo nhiều ích lợi về dinh dưỡng cũng như trị liệu của loại thực vật này. Đã có ít nhất là ba cuộc hội thảo quốc tế về vai trò của đậu nành trong việc phòng ngừa và trị các bệnh kinh niên. Giới truyền thông, báo chí cũng đăng tải nhiều nghiên cứu về công dụng của đậu nành.
Các sản phẩm chế biến từ đậu nành cũng đã được các giới chức y tế thế giới chình thức công nhận là có tác dụng làm giảm nguy cơ gây ra bệnh tim mạch và duy trì sức khỏe con người.
Thực ra đậu nành, mà ta còn gọi là đỗ tương, đã được các quốc gia Á Châu, trong đó có Việt Nam, dùng làm thực phẩm và làm thuốc từ nhiều ngàn năm về trước.
Nguồn gốc
 Đậu nành xuất phát từ Trung Hoa vào thế kỷ thứ 11 rồi lan ra các quốc gia khác ở Á Châu. Tây phương chỉ mới biết tới đậu nành từ thế kỷ thứ 18. Đâu nành du nhập Hoa Kỳ vào năm 1804. Hiện nay các quốc gia dọc theo sông Mississipi có sản lượng rất cao về đậu nành trên thế giới. Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu sản xuất đậu nành, rồi đến Ba Tây, Trung Hoa, Á Căn Đình, Ấn Độ.
Phần lớn đậu nành tại Hoa Kỳ được dùng làm thực phẩm gia súc và chỉ có khoảng 26 triệu người dùng làm thực phẩm. Trong khi đó,  ở Á Châu thì đậu nành là nguồn dinh dưỡng rất quan trọng.
Thành phần hóa học
Hạt đậu nành chứa 8% nước, 5% chất vô cơ, 15- 25% glucose, 15-20% chất béo, 35- 45% chất đạm với đủ các loại amino acid cần thiết và nhiều sinh tố, khoáng chất.
So với thịt động vật, đậu nành có nhiều chất dinh dưỡng hơn: 100 gr đậu nành cung cấp 411 calori,  34 gr đạm, 18 gr béo, 165mg calcium, 11mg sắt. So với 100g thịt bò loại ngon cũng chỉ có 165 calori, 21gr đạm,  9gr béo, 10mg calcium và 2.7 mg sắt.
Quan trọng hơn cả là trong đậu nành có một hóa chất tương tự như  hormon nữ estrogen mà nhiều công trình khoa học chứng minh là rất tốt trong việc trị và ngừa một số bệnh. Đó là chất isoflavones.
Chất isoflavones
Trong số các loại đậu, đậu nành là loại đặc biệt có hợp chất isoflavone với công thức hóa học gần giống như kích thích tố nữ estrogen. Vì thế nó được mệnh danh là estrogen thảo mộc ( phyto-estrogen ) và được nghiên cứu về công dụng đối với cơ thể.
Estrogen là kích thích tố tự nhiên trong cơ thể được noãn sào tiết ra, rất cần thiết cho sự tăng trưởng của cơ quan sinh dục chính (tử cung, ống dẫn trứng) và sự nẩy nở của cơ quan sinh dục phụ như nhũ hoa, làm xương chậu có hình bầu dục rộng hơn để sanh đẻ dễ dàng.
Ngoài ra estrogen còn cần để duy trì một sức khỏe tốt cho người nam cũng như nữ, cho sự tân tạo và tu bổ xương, cho hệ thống tim mạch, cho não bộ. Khi tới tuổi mãn kinh, người nữ mất đi một khối lượng rất lớn estrogen nên họ chịu đựng nhiều thay đổi.
Estrogen thực vật không có giá trị dinh dưỡng, không là sinh tố hay khoáng chất. Nó có tác dụng tương tự như estrogen thiên nhiên nhưng yếu hơn, và có nhiều nhất trong đậu nành. Nó nằm ở phần dưới của mầm lá trong hạt đậu và gồm bốn cấu tạo hóa học là aglycones, daidzein, ghenistein và glycitein. Số lượng isoflavones nhiều ít tùy theo giống đậu, điều kiện trồng trọt và mùa gặt hái. Khi đưa vào cơ thể, chất này  được chuyển hóa trong ruột, lưu hành trong huyết tương và sau dp được phế thải qua thận.
Trung bình mỗi ngày ta cần khoảng 50mg isoflavones. Số lượng này có trong 30gr đậu nành rang, 1 ly sữa đậu nành, 1/2 miếng đậu phụ hoặc 1/2ly bột đậu. các sản phẩm khác chế biến từ đậu nành như sữa chua, pho-mát... cũng có một số lượng nhỏ isoflavones, nhưng  dầu đậu nành thì hầu như không có. Trong việc nấu nướng thường lệ, isoflavones không bị tiêu hủy vì nó khá bền vững.
Khả năng trị liệu của Isoflavones đậu nành được biết tới là do kết quả của quan sát.
Từ khoảng thập niên 1920, người ta đã nhận biết là thảo mộc có một hóa chất có tác dụng giống như kích thích tố nữ estrohen.
Năm 1940, các nhà nghiên cứu ở  Úc Châu nhận thấy khi ăn loại cỏ ba lá (clover), cừu cái giảm khả năng sinh sản và có dấu hiệu giống như quá nhiều estrogen trong cơ thể.
Mấy chục năm sau, nhiều nghiên cứu kế tiếp thấy rằng một số thảo mộc khác cũng có hóa chất tương tự như estrogen. Các nhà y học nhận thấy tỷ lệ người mắc bệnh ung thư nhũ hoa, nhiếp tuyến, tử cung, các bệnh tim thường thấp ở phần lớn các quốc gia Á  Châu ăn nhiều đậu nành. Ngay cả ở phụ nữ da trắng, tỷ lệ này cũng thấp nếu họ ăn nhiều đậu nành.
Tiến sĩ John Crouse đã trình bầy những kết quả nghiên cứu quăn trọng của ông về vai trò của isoflvone tại hội nghị thường niên lần thứ 18 của hội Tim Mạch Hoa Kỳ được tổ chức tại Santa Fe, New Mexico.Nghiên cứu được thực hiện với 156 người gồm cả nam giới và phụ nữ, có mức cholesterol cao đến 241mg/dl và LDL cao đến 164mg/dl. các người tham gia được chia ra làm 5 nhóm.Mỗi ngày, mỗi nhóm được uống một lượng chất lỏng có chứa 25gram protein và kéo dài trong 9 tuần lễ.Với nhóm thứ nhất, protein được lấy từ sữa bò. Từ nhóm thứ hai đến nhóm thứ năm, protein được lấy từ đậu nành. Sự khác biệt giửa các nhóm là hàm luomng isoflavon trong chất lỏng mà họ uống. Với nhóm th hai, hàm lượng isoflavon là 4mg, nhóm thứ ba là 27 mg, nhóm thứ tư là 37 mg và nhóm thứ năm là 62 mg. Kết quả cuối cùng là: nhóm thứ nhất và thứ hai, không có giảm lượng cholesterol trong máu; các nhóm kia đều có giảm mức cholesterol tương ứng với hàm lượng isoflavon trong dung dịch protein.
Như vậy thì isoflavon dường như là cần thiết cho protein đậu nành để có thể tạo ra tác đông làm giảm mức cholesterol. Cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác định công dụng này của isoflavon.
 Giá trị dinh dưỡng
Vì có nhiều đạm chất nên đậu nành đã được coi như  một loại “thịt không xương” ở nhiều quốc gia Á Châu. Tại Nhật bản, Trung Hoa 60% đạm tiêu thụ hàng ngày đều do đậu nành cung ấp. Chất đạm này rất tốt để thay thế cho thịt động vật vì có ít mỡ và cholesterol. Đậu nành có nhiều đạm chất hơn thịt, nhiều calcium hơn sữa bò, nhiều lecithin hơn trứng. Các amino acid cần thiết mà cơ thể không tạo ra được thì đều có trong đậu nành.
Khi đậu nành được ăn chung với một số ngũ cốc như ngô bắp thì nó sẽ bổ sung một số amino acid mà ngô không có
Với trẻ em, chất đạm của đậu nành là món ăn quý giá cho các em bị dị ứng với sữa bò hoặc không tiêu thụ được đường lactose. Đậu nành sẽ giúp các em tăng trưởng tốt như khi dùng sữa bò.
 Công dụng y học của đậu nành
 Vai trò của isoflavones đậu nành được nhiều nhà khoa học quan tâm đến,  và nhiều nghiên cứu đã được tập trung vào các lãnh như vực ung thư, bệnh tim, bệnh loãng xương, rối loạn kinh nguyệt.
A - Đậu nành và bệnh tim-mạch
Ngay từ đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học Liên Xô cũ đã nhận thấy rằng chất đạm của đậu nành làm hạ thấp cholesterol ở súc vật. Rồi gần năm mươi năm sau, những kết quả tương tự cũng thấy ở loài người. Cholesterol cao trong máu là nguy cơ gây ra bệnh tim mạch.
James W. Anderson, một chuyên gia về bệnh nội tiết và dinh dưỡng đã nhận thấy rằng một chế độ dinh dưỡng có nhiều đậu nành sẽ làm cholesterol giảm 12%, LDL giảm 13%, HDL không thay đổi mấy. Theo ông ta, chỉ cần ăn độ 30gr đậu nành mỗi ngày là có kết quả trên. Sở dĩ được như vậy là do các tác dụng của các chất amino acid trong đậu nành, đặc biệt hai chất glycine và arginine.
Ngoài ra, isoflavon cũng tác dụng như một chất chống oxy hóa (antioxidant ), ngăn chặn không để các các gốc tự do (free radical) tấn công LDL và làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Một nghiên cứu khác cho là đậu nành làm hạ cholesterol bằng cách làm tăng nhanh tốc độ phế thải và làm giảm sự hấp thụ chất béo này.
So sánh chế độ dinh dưỡng và bệnh tim mạch ở Mỹ và Nhật Bản cho thấy có sự khác biệt trong tỷ lệ người bệnh và số tử vong. Số người chết vì bệnh này ở Nhật thấp hơn ở Mỹ tới sáu lần. Người Nhật sống ở Hawaii bị nhồi máu cơ tim cao hơn người Nhật sống ở Mỹ và thấp hơn người Nhật sống trên đất Phù Tang. Điều đó chứng tỏ là ngoài yếu tố  di truyền, bệnh tim còn chịu ảnh hưởng của môi trướng với chế độ ăn uống và nếp sống. Người Nhật sống tại quê hương tiêu thụ rất nhiều đạm chất do đậu nành cung cấp.
B - Đậu nành và ung thư.
Ung thư là mối đe dọa lớn của nhân loại mà nguyên nhân vẫn chưa được hoàn toàn sáng tỏ. Chế độ dinh dưỡng cũng có dự phần và đậu nành được nhiều nghiên cứu cho là có khả năng làm giảm nguy cơ gây vài loại ung thư có liên hệ tới kích thích tố như ung thư vú, tử cung, nhiếp hộ tuyến.
Trong bệnh ung thư, tế bào bất thường tăng trưởng và sanh đẻ không bình thường, xâm lấn, tiêu hủy tế bào lành rồi lan nhanh ra khắp cơ thể. Các tế bào bất thường này xuất hiện dưới tác dụng của những tác nhân gây ung thư mà thực phẩm là một trong những nguồn cung cấp. Chất nitrites trong chế biến thịt, aflatoxin trong đậu phọng, vài hóa chất trong thuốc trừ sâu bọ, mỡ béo, saccharin, cà phê.
Nhưng thực phẩm cũng chứa nhiều chất chống ung thư mà đậu nành nằm trong nhóm này. Đó là nhờ estrogen thực vật, choán chỗ không cho estrogen tự nhiên trong máu bám vào các tế bào của nhũ hoa, tử cung để gây ung thư.
C - Đậu nành và bệnh thận
Trái thận tốt rất cần thiết để làm một số nhiệm vụ thải các  chất bã do chuyển hóa của đạm, thải nước, sinh tố và khoáng chất dư thừa trong cơ thể cũng như  thải các độc chất có trong thực phẩm.
Người mắc bệnh thận, các chức năng trên suy yếu. Tiết giảm đạm chất ăn vào là một phương thức trị liệu để bớt nặng nhọc cho thận. Nhưng khi đạm động vật được thay thế bằng đạm thực vật như đậu nành thì số lượng protein trong nước tiểu giảm, chứng tỏ thận bớt phải làm việc quá sức. Đạm đậu nành cũng làm giảm nguy cơ bệnh sạn thận bằng cách không để calcium thất thoát qua nước tiểu.
Isoflavon đậu nành còn làm bớt cảm giác nóng bừng mặt trong thời kỳ mãn kinh của nữ giới, làm tăng tính miễn dịch, làm giảm các triệu chứng của tiểu đường, bớt sạn túi mật.
Đông y từ lâu cũng đã biết dùng các món ăn chế biến từ đậu nành làm thực phẩm cho người bị bệnh thấp khớp, bệnh thống phong (gout), người mới khỏi bệnh cần bình phục, người làm việc lao động quá sức...vàdùng sữa đậu nành cho  trẻ sơ sinh uống khi không có sữa mẹ
Kỹ nghệ tân dược dùng amino acid từ đậu nành để chế biến kích thích tố progesteron.
Các món ăn chế biến từ đậu nành
Ngày nay, nhiều người đã ý thức rằng đậu nành có tỷ lệ chất đạm rất cao, có nhiều sinh tố, khoáng chất, chất xơ và isoflavon hữu ích. Đạm của đậu nành không những có giá trị dinh dưỡng như đạm động vật, mà lại dễ tiêu hơn, ít chất béo bão hòa có hại. Vì thế, các món ăn chế biến từ đậu nành đang ngày càng được nhiều người ưa chuộng hơn.
Không chỉ là món ăn truyền thống, kỹ nghệ chế biến thực phẩm từ đậu nành hiện nay cũng đang phát triển mạnh .
Ngoài các món cổ điển như sữa đậu nành, đậu phụ, người còn chế biến nhiều sản phẩm đậu nành giả thịt rồi sữa chua bằng đậu nành.
Vào các tiệm ăn Á Đông, khách còn có thể ăn những món như:
Tempêh
Đây là món ăn của người Indonesia, làm toàn bằng đậu nành để lên men với nấm Rhizopus oligosporus, đổ khuôn thành từng bánh. Khi ăn, cắt từng miếng rồi chiên hoặc bỏ lò.
Miso
 Đây là món ăn của người Nhật nhưng có nguồn gốc từ Trung Hoa, được một nhà truyền giáo Nhật qua đó thấy ngon, bắt chước rồi mang về nước mình phổ biến.
Miso chỉ là cơm lên men trộn lẫn với bột đậu nành pha muối nấu chín. Tiếp tục để lên men khoảng một tuần nữa rồi nghiền nát thành bột nhão. Miso được ăn chung với súp, rau, phết lên dưa gang hoặc ăn với mì thay cho nước xốt thịt.
Natto
Đây là hạt đậu nành nấu chín rồi để lên men với nấm Bacillus Natto. Natto ăn chung với xì dầu và mù tạt.
Sữa đậu nành:
Là món thức uống rất phổ biến ở Việt Nam và Trung Hoa. Ngày nay sữa đậu nành được dùng làm thực phẩm cho trẻ em trên khắp thế giới.
Người Việt  có rất nhiều món ăn được chế biến từ đậu nành kể ra sợ không bao giờ hết. Có người nói là ta có đến ba trăm loại thức ăn chế từ đậu nành.
Chỉ với những miếng đậu phụ (tầu hủ)  đã có thể làm ra rất nhiều món ăn chay  hấp dẫn như đậu hũ cuốn bắp, đậu hũ hấp chao, đậu hũ kho gừng, đậu hũ hấp, đậu hũ nướng chao, đậu hũ kho trần bì, đậu hũ chiên sả, chưng chiên, nấu củ năng, nấu chao...
 Không chỉ dành cho người ăn chay, các món ăn mặn dùng đến đậu phụ cũng rất nhiều, như  tầu hủ xào giá thịt, tầu hũ nhồi thịt rán, tầu hủ kho thịt, tầu hủ hấp trứng, tầu hủ hấp thịt; canh đậu hũ thịt cà chua... .
Nhậu lai rai ta làm vài bìa đậu phụ luộc chấm mắm tôm chanh; gỏi đậu phụ với hoa chuối thái mỏng, muối vừng kèm thêm thìa mắm tôm loãng...
Người Mỹ gọi đậu phụ ta là soybean cheese. Làm đậu cũng giản dị. Ngâm đậu cho mềm, nghiền nhỏ thành sữa, nấu chín để chất đạm đông đặc lại rồi ép cho ráo nước. Thế là có bìa đậu phụ.
Tương đậu nành
 Còn nhớ câu ca dao thắm thiết
 “Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”.
Tương được làm ở nhiều nơi trên quê hương nhưng nổi tiếng  là tương àng Bần.
Tương là một thứ nước chấm làm từ đậu nành, nếp, muối, ủ theo quy cách nhất định. Tương được hoàn thành nhờ  tác dụng của vi sinh vật, rất giầu đạm chất thực vật nên vừa bổ vừa dễ tiêu.
 Làng  Bần tức là  làng Bần Yên Nhân, thuộc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô Hà Nội khoảng 12 cây số. Dân làng Bần có truyền thống nhiều đời làm tương  từ lâu đời. Tương được làm vào khoảng  tháng 5, tháng 6 khi có nắng để phơi tương cho mau lên men và ủ cho khỏi mốc. Quy trình chế biến khá phức tạp,  nhưng đã trở thành quen thuộc với người dân ở đây. Khoảng ba tháng sau là  đã có những hũ tương ngon tuyệt  để bán cho khách hàng khắp mọi nơi tìm đến.
Tương là món ăn quá quen thuộc với dân tộc ta, từ vua chúa, trưởng giả tới thứ dân qua nhiều ngàn năm lịch sử. Xưa kia, ở miền quê mỗi gia đình thường tự làm lấy hoặc mua một hũ tương để dùng quanh năm. Và ngay cả  những đồng bào sống xa quê hương, họ cũng có tương làm tại địa phương đó  hoặc nhập từ Việt Nam. Thực là người Việt mình đi đến đâu thì văn hóa của ta cũng lan tràn tới đó.
Không cầu kỳ, ta chỉ việc dùng tương như món chấm: rau muống chấm tương, đậu phụ rán chấm tương, bánh đúc chấm tương, bê thui chấm tương gừng, nem nướng chấm tương...
Nấu nướng lách cách ta có cá kho tương cà, tương hột kho nước dừa, tương xí muội. Hoặc giản dị như những bác thợ cầy, cô thợ cấy, ta chỉ cần bát cơm nóng rưới vài thìa tương là đã xong một bữa ăn có đủ dưỡng chất. Sang hơn nữa là bữa cơm với ít ngọn rau muống luộc xanh rờn trong lửa to, mấy miếng đậu rán vàng, vài quả cà dầm tương đỏ, giòn, thơm và ngọt.
Oi!  một phần quê hương ta đấy! Gói ghém trong những món ăn giản dị nhưng mà giầu dân tộc tính.
Kết luận
Với sự tăng gia dân số trên thế giới, con người đang lo ngại thiếu thực phẩm nhất là protein động vật và nhiều người đang tìm cách chế biến thực phẩm từ hóa chất. Chắc có lẽ họ cũng không quên được “ ông vua trong các loại đậu “ là đậu tương, đậu nành, một thực vật dễ trồng lại có giá trị cao về chất đạm và nhiều phần tử dinh dưỡng khác.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức