Trong những trang kết thúc của tập thơ, Ban biên tập thấy có bài viết của 1 cựu gs chúng ta, xin mời quí đọc giả xa gần cùng nhớ lại một "dĩ vãng đừng phai" của trường Trung Học Đất đỏ:
Tuy biết tôi là một người không chuyên về văn chương,
sống cách xa tác giả nửa vòng trái đất nhưng Nguyễn Bích Sao Linh cũng email
cho tôi tập thơ “Dĩ vãng đừng phai” của cô.
Cám ơn tác giả
rất nhiều!
Nguyễn Bích Sao Linh tên thật là Nguyễn Bích Thuận.
Từ lúc còn ấu thơ, tác giả được thân phụ đọc truyện, đọc thơ nên văn chương đã
đi sâu vào tâm thức. Khi trưởng thành trở nên cô giáo văn chương, tốt nghiệp
ban Việt-Hán trường Đại Học Sư Phạm Sài gòn.
Tập thơ gồm 63 bài làm theo nhiều thể loại. Một
trong thể loại làm tôi thấy lạ và chưa hề học qua trong nhà trường. Thể loại
này không còn là lục bát hay lục bát biến thể mà nó thành thơ tự do chịu âm hưởng
lục bát nên tôi dặt cho nó tên là “thơ mới cấu trúc lục bát.” Với lối cấu
trúc này, nó làm bài thơ đa dạng và phong phú.
Mặc dù cấu trúc hình thức là thơ tự do, ngắt câu theo ngẫu hứng của tác
giả nhưng nội dung, luật vận cũng không thể vượt qua qui luật lục bát thuần túy:
Nhất tam ngũ bất luận
Nhị tứ lục phân minh
X B X T X B
X B X T X B X
X
Bài đập vào mắt tôi trước tiên là bài “Lỗi nhịp”
Tình em
tàn rụng cuối đông
Tình anh
nồng rực rỡ hồng chớm xuân
Chùng dây lỗi nhịp nguyệt cầm
Vò đau chín khúc nghẹn thầm lời ru
Ngỡ ngàng thay
đỉnh yêu mù
Chênh vênh bờ đá
thiên thu gọi tình
Càn khôn khép mở lung linh
Cổng trời thấp thoáng mộng tình lao đao.
Thi văn Việt nam có biết bao bút mực nói lên tình
yêu không trọn vẹn. Tuy nhiên mỗi thi nhân, văn sĩ đều diễn tả khác nhau. Năm
2014 nữ thi sĩ Nguyễn Bích Sao Linh mang lại cho đọc giả những ngậm ngùi cay đắng
của tình yêu gãy cánh, của một người bị tình phụ.
Đông tàn, xuân đến là chu kỳ tuần hòa của tạo hóa.
Đông thì lạnh lẽo, đơn độc, ngắm tuyết rơi, ngâm thơ như cổ thi nhân “ Đông
ngâm bạch tuyết thi 冬 吟 白 雪 詩”
. Khí hậu khắc nghiệt của mùa đông, cây trơ cành trịu lá như sự đau khổ của người
con gái bẻ bàng trước lữa yêu đương:
Tình em
tàn rụng cuối
đông
Không như thi sĩ Hồ Dzếnh diễn tả cuộc hẹn hò ước ao
dang dở “ Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!”, Nguyễn Bích Sao Linh dùng từ “ tàn
lụn” diễn tả sự dần mòn héo úa như cây cảnh mùa đông.
Năm xưa TTKH đã thương cho người tình khi biết nàng
sang sông:
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! người ấy có buồn không?
Thì ngày nay, trái lại, tác giả nói lên nỗi đớn đau của
người con gái khi nghĩ đến người yêu bắt đầu xây tổ ấm với những rạo rực nồng
nàn của mùa xuân:
Tình anh
nồng rực rỡ hồng
chớm xuân
Không những đối chọi về nhân vật “anh/em, nam/nữ” mà
còn đối chọi về tình cảm“tàn lụn/nồng rực rỡ hồng” và ngoại cảnh “đông/xuân”.
Lỗi nhịp là từ hay dùng trong âm nhạc. Người đánh
đàn bao giờ cũng lên dây cho ăn khớp trước khi dạo nhạc; nếu dây không đúng
tone hay chùn thì âm thanh nghe vô duyên, trơ trẻn. Đặc biệt cây đờn kìm (nguyệt
cầm) có 2 dây; nếu không ăn khớp, những bài ca cổ nhạc sẽ trở thành sát nhạc:
Chùng dây lỗi nhịp nguyệt cầm
Tác giả dùng tượng hình về âm nhạc để diễn tả sự đau
khổ tột cùng của người con gái trong lửa yêu đương:
Vò đau chín khúc nghẹn thầm lời ru
Chín khúc ở đây là 9 khúc ruột. Trong ca dao, người
ta cũng dùng từ “chín” để nói đến 9 khúc
ruột khi diễn tả nổi nhớ nhà của kẻ xa quê:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều
Chín khúc ruột quyện đau nói lên sự đau khổ vô bờ bến
và người con gái như bị câm và nén đau thương của mình.
Khi yêu thường thì mù quáng và chỉ nhận ra khi tiếng
sét làm tỉnh giấc:
Ngỡ ngàng thay
đỉnh yêu mù
Chênh vênh bờ đá
thiên thu gọi tình
Đúng ra thì:
Ngỡ ngàng thay! chênh vênh bờ đá!
Và
Đỉnh yêu mù, thiên thu gọi tình!
Tác giả cũng không quên triết lý Đông phương, mượn 2
quẻ của bát quái để nói lên luật âm dương:
Càn 乾 là
quẻ càn (kiềng), càn ba liền ( 3 vạch ngang) ,1 quẻ đầu trong 8 quẻ, quẻ thuần
dương, tượng trưng cho trời
Khôn 坤là
quẻ thuần âm. Khôn 6 đoạn ( 3 vạch đứt đoạn), tượng trưng cho đất.
Càn khôn khép mở lung linh
Cổng trời thấp thoáng mộng tình lao đao
Trời và đất là những từ mà tiền nhân đã dùng rất nhiều
trong thi văn để diển tả sự thay đổi, sự than vãn:
Trong bài "Than
Nghèo", Nguyễn công Trứ đã viết:
Còn trời còn đất còn non
nước
Có lẽ ta đây mãi thế này!
Nguyễn Bích Sao Linh cũng không tránh khỏi thông lệ
đó. Ở 2 câu cuối, tác giả tránh điệp ngữ hữu ý từ “trời” nên mới dùng Hán tự “càn” để lời thơ
trau chuốt, mặn mà.
Nếu tác giả viết: “Đất trời khép mở lung linh; Cổng
trời thấp thoáng mộng tình lao đao” thì nghe nó hơi sượng ở câu tám.
Mặc dù phụ tình, tình phụ được mô tả rất nhiều từ văn
chương bình dân cho đến văn chương bác học nhưng Nguyễn Bích Sao Linh gởi đến đọc
giả một đớn đau, héo úa, một cảm thương của người tình phụ trong thời đại điện
tử hóa.
Nếu thính giả chỉ nghe bài “lỗi nhịp” thì đinh ninh
là bài thơ lục bát thuần túy nhưng đọc giả, nhất là những đọc giả quá lục tuần,
thì ngỡ ngàng trước cách in bài thơ.
Thay lời kết, xin mượn nhận xét của Giáo sư Ngân Triều
về tập thơ Dĩ Vãng Đừng Phai:
Tóm lại, có những điểm
sáng lung linh, dập vùi trong sóng gió biển đời...trôi giạt tận "cuối trời
quên". Âm thầm, lặng lẽ...nào ai biết, nào ai hay... Bỗng một hôm, có một
người rất duyên dáng, khả ái...đem kết thành một xâu chuỗi ngọc trai, làm trang
sức cho mình như một " Dĩ vãng đừng phai".
Dĩ Vãng Đừng Phai, với 63 viên ngọc sáng giá, lung linh, rất thảm mỹ, rất lạ, rất hay...
Đó là những gì đọng mãi trong tôi khi đọc thơ của Nguyễn Bich Sao Linh.
Dĩ Vãng Đừng Phai, với 63 viên ngọc sáng giá, lung linh, rất thảm mỹ, rất lạ, rất hay...
Đó là những gì đọng mãi trong tôi khi đọc thơ của Nguyễn Bich Sao Linh.
Virginia ngày 31 tháng 3 năm 2014
Trần-Lâm Phát