Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Trại Dấn Thân


                                            
Trại Dấn thân

Ơi! … này anh em ơi !…
Ta đốt to cho bừng lên sáng,  đốt to cho bừng lên sáng
Đốt to cho bừng lên sáng  … sáng lên
Mau các anh em cùng nhau đến
Các anh em cùng mau đến
Anh em đang mong chờ ta ………
 Bài hát “ Gọi đòan”  vang lên trong đêm tối,  mọi người cất cao tiếng hát hưởng ứng. Từ 1 đóm lửa nhỏ được đốt lên, ngọn lửa to dần theo tiếng hát,  ánh lửa trại bùng lên rồi sáng hẳn,  soi rõ khuôn mặt thơ ngây của tuổi học trò đang nắm tay nhau nhảy quanh đám lửa trại.


 Trại Dấn thân, đó là lần đầu tiên chúng tôi được nhà trường tổ chức 1 đêm lửa trại đúng ý nghĩa sau 7 năm học. Có lẻ đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng học sinh Trường Trung học Đất Đỏ, Phước Tuy được tham gia ngày cắm trại trên bờ biển Việt Nam.


Ngoài những căn lều, những tiếng hát cất cao, mỗi lớp đều tham gia những cuộc thi: từ văn nghệ đến nấu ăn. Những cuộc tập dợt văn nghệ nhanh chóng và bất ngờ. Nấu ăn thì chuẩn bị vội vả, không được báo trước. Thầy trò chúng tôi dường như quên đi khoảng cách, chỉ còn là những trại viên cùng vui cùng hát, cùng sống tập thể trong niềm vui mà không bút mực nào có thể ghi lại được.


 Khi nhà trường thông báo về cuộc cắm trại 2 ngày trên bờ biển Long Hải dành cho học sinh từ lớp 9 cho đến lớp 12. Chúng tôi quá ngạc nhiên,  đây là chuyện chưa bao giờ được tổ chức, nhất là với lớp chúng tôi, lớp cuối cùng của thời Trung học.  Chúng tôi nô nức lắm. Tuy Long Hải chẳng xa lạ gì với chúng tôi, chúng tôi thường đi đến đó mỗi khi có giờ nghỉ hay đến nhà bạn học. Ai cũng biết rằng  trong thời chiến mà tổ chức cho học sinh cắm trại với số lượng lớn và ở lại đêm,  nhà trường  phải đắn đo suy nghĩ  và phải có kế hoạch chu đáo. Trách nhiệm lớn nhất đè nặng lên vai thầy Hiệu Trưởng và ban tổ chức. Học sinh chúng tôi đều đã lớn nhưng chưa có kinh nghiệm sống tập thể, rời gia đình qua đêm.



Ban tổ chức huấn luyện chúng tôi cách dựng lều, cách nghe lịnh tập họp và ca cộng đồng. Thầy Trương Tấn Trung và thầy Trần-Văn Phét là Nghĩa sinh Việt nam nên hai thầy này đem hết những kinh nghiệm về lều trại, hát cộng đồng truyền đạt cho học sinh Trung Học Đất Đỏ.




  Việc gì đến rồi sẽ đến. Ngày cắm trại đã được định. Lúc đầu chúng tôi được thông báo sẽ cắm lều trên bải biển,  nhưng phút cuối vì sự an tòan cho các nữ giáo sư và nữ sinh,  nên ban tổ chức trại đã mượn trường Tiểu học Long Hải làm nơi cắm trại. Chúng tôi có hơi thất vọng nhưng rồi nỗi buồn ấy qua đi nhanh chóng. Khi chúng tôi nhận khu vực được phân  chia và nhanh chóng bắt tay dựng lều trại. Chúng tôi đã được ban tổ chức hướng dẫn, thực tập nhiều lần nên dựng lều đối với chúng tôi không khó. Nỗi lo lắng nhiều nhất là lúc bị kiểm tra để đánh giá xếp hạng. Lớp nào cũng hồi hộp, các thầy cũng (ác)lắm, chúng tôi chỉ dựng lều sao cho khỏi ngã,  đúng hướng gió như khi học, chứ đâu có biết cách bị kiểm tra. Tôi nhớ có 1,2 lớp nào đó, lều bị các thầy lắc 1 hồi thì đổ sập, thế là phải lui cui dựng lại.
Buổi ăn chiều được nhanh chóng thu dọn rồi chúng tôi mới được thông báo, đêm lửa trại sẽ có phần thi trình diễn văn nghệ và thi nấu chè. Trời !chỉ có 1 giờ làm sao đây, thế là cả lớp họp lại phân công, nhóm thì phụ trách nấu chè,  nhóm thì lo tập văn nghệ. Tuổi trẻ thì háo thắng, nhất là lớp chúng tôi, lớp đầu đàn của trường mà thua đàn em thì mất mặt quá. Tinh thần văn nghệ thì lại không có, biết làm sao đây,  thôi thì đến đâu hay đó. Khoảng 10 nữ sinh được thầy Lê hữu Nghĩa (giáo sư dạy Tóan ) làm vũ sư bất đắc dĩ, dạy chúng tôi múa bài dân tộc Thái.

….. Mờ nộng phá trố phai, mờ nộng phá trố phẹt .v.v.

Lời ca tiếng Thái thật khó,  những bạn phụ trách phần hát cứ lộn tùng phèo cả lên,  còn đám vũ công thì cũng chẳng hơn gì. Từ xưa đến giờ có múa ca gì đâu,  đứa nào cũng như khúc gỗ. Thương cho ông thầy dạy múa, trong phòng học nhỏ tối thui  mà phải dạy và sửa từng động tác nhưng thời gian thì như ngựa phi nước đại .



Giờ đốt lửa trại đã đến!  Tiếng còi tập hợp vang lên, lớp nào nghiêm chỉnh xếp hàng theo lớp đó (chúng tôi được huấn luyện và kỷ luật như quân đội ) nhất nhất theo hiệu lệnh tiếng còi và người trưởng trại. Những bàn tay cùng nắm lại, từ những vòng tròn nhỏ mỗi khối lớp, chúng tôi xoay vòng theo tiếng hát tạo thành 1 vòng tròn lớn dần bao gần hết sân trường tiểu học. Ánh lửa được thấp sáng, sáng như niềm tin của tuổi trẻ chúng tôi. Chúng tôi say sưa hát những bài hát tập thể. Tiếng hát vang lên bên ánh lửa và xóa tan màn đêm tĩnh mịch.

Mở đầu là bài nhảy lửa “ Anh em ta mau cố chất cây khô vào đây đốt chung.  Đêm khuya nghe tiếng tí tách cây khô nổ vang giữa rừng. Giang tay nhau đứng vòng quanh lửa hồng…”

Rồi đến bài họp đòan : “Nào về đây ta hợp đòan cùng nhau, cuộc đời vui thú có lúc nào thảnh thơi! …”

Rồi bài Việt Nam, Việt Nam: “Việt Nam Việt Nam nghe từ vào đời. Việt Nam hai câu nói trên vành môi. Việt Nam nước tôi !…”

Chúng tôi cũng không sao quên được bài Việt Nam quê hương ngạo nghễ: “ Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn,  đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang ...”



    
Sau những bài ca nồng nàn tình dân tộc, phần thi văn nghệ bắt đầu. Những vũ khúc, những bài hát, những vở kịch được từng lớp thay nhau biểu diển, mang lại những tiếng cười vang dội trong đêm. Khán giả còn được 1 phen nghe cả những tiếng tranh cãi khi nhóm mình bị “accident”không làm tròn bổn phận.


Những tiếng vỗ tay, những lời khích lệ, kích động “ hết luôn thầy, gần hết rồi thầy ! ” khi thầy Phét bưng nguyên nồi chè của lớp chúng tôi mà húp. Nồi chè tập thể rất to, sau khi chia cho cả lớp cũng còn khỏang ¼, vậy mà đám học trò quái quỷ chúng tôi dám cá cược thầy ăn hết. Ông thầy cũng không vừa gì, bưng nguyên nồi mà ăn chứ không cần múc ra chén (các bạn đóan xem kết quả thế nào)


Ánh lửa tàn dần, bóng đêm phủ xuống. Nữ sinh bị bắt buộc phải vào các phòng học,  kê bàn lại để ngũ . Nam sinh thì được ngũ trong lều. Mặc dù thế,  tôi biết cả thầy cô lẫn học sinh không ai yên giấc. Chuyện gì cũng có thể xảy ra dù chỉ 1 đêm; tôi biết nhất là Thầy Hiệu Trưởng và các thầy trong ban tổ chức trại quyết tâm bảo vệ an toàn cho chúng tôi. Nơi cắm trại gần những Trường huấn luyện của quân đội, có cả khu vực huấn luyện dành cho quân đội Campuchia. Mặc dù có sự trợ giúp phía chính quyền, nhưng các thầy vẫn không sao yên tâm. Các nam sinh lớn được phân công thay phiên cùng các thầy “tuần tra “, bảo vệ phái nữ .




Tiếng còi vang lên! ngày mới bắt đầu! Bữa điểm tâm bằng bánh mì, nhanh chóng được thanh toán rồi chúng tôi lao vào các trò chơi:
 Nào mời anh lên tàu lửa chúng mình đi,  đi đi khắp nơi mà không tốn tiền,
Nào mời anh lên tàu lửa chúng mình đi,  đi đi khắp nơi mà không thích sao ….


Thầy Nguyễn công Đạt và thầy Trương tấn Trung, hai thầy to nhất trường biến thành 2 đầu tàu lửa, kéo theo sau là đám học trò ngày càng dài ra … đang vui cười hát vang. Bất chợt tôi nhìn thấy vẻ đăm chiêu, suy tư trên khuôn mặt Thầy Hiệu trưởng, dưới gốc cây trường Tiểu học. Tôi không biết thầy đang nghĩ gì, thương tuổi hồn nhiên, thơ ngây của chúng tôi hay thầy lo cho lớp chúng tôi là lớp đầu tiên của trường  trung học Đất Đỏ đi thi Tú Tài II.


Chúng tôi xếp hàng kéo nhau ra biển, bãi biển lộng gió, nước biển trong xanh, những trận tranh tài trên bãi cát lại được thi đua, chúng tôi thi kéo co, thi chạy bộ …thi cướp cờ … Hiệu lệnh nổi lên! nam nữ tranh nhau, ào ào nhào vào dòng nước ấm, chạy nhảy bơi lội, trong khỏanh khắc những bức ảnh được ghi lại rất ấn tượng.




Cuộc vui nào cũng tàn, cuộc  hợp nào cũng tan, ông mặt trời tìm chổ ẩn mình, chúng tôi cũng phải chia tay!
 Bài hát chia tay của dân Do thái trổi lên với 1 nỗi buồn khó tả:

… Rời tay phút chia ly, học sinh vui lên đi, ..vui đi ..
Gian khó ta không nề,  luôn nhớ nhau trong đời … giờ đây cách xa … xa…  


 Tiếng hát chia tay nhỏ dần rồi tắt hẳn, một kỷ niệm khó quên và tôi đã không bao giờ quên. Đến hôm nay, khi tôi ngồi đây ghi lại những dòng ký ức này, thời gian đã trôi qua đúng 40 năm nhưng nó vẫn luôn sống trong tôi, cũng như các bạn. Những hình ảnh thầy cô, bạn bè,  mặc dù kẻ ở lại và người đã ra đi, vẫn in dấu ấn sâu đậm trong tôi. 

Tháng 3 năm 2013                                                                              
Lysnguyen
Khóa 3 (1967-1974)