Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Mâm cơm người Việt chứa toàn là thuốc trị ung thư


   Cựu giáo sư Huỳnh Chiếu Đẳng cảnh báo những tin đồn trên mạng.
Kính mời quí đọc giả xem bài viết rất khoa học và công phu của cựu giáo sư.

Thử điểm mặt qua những thứ món thuốc mà người Việt chúng ta tự bày cho nhau (cũng đôi khi  bắt chước người Mỹ hoặc người Tàu mà bày thuốc cho nhau):
Nhìn chung thì hầu như mọi thứ thực phẩm quanh ta đều được email và webpage người Việt ca tụng là “thần dược” trị ung thư và bá bịnh.


Nhiều người vang bóng một thời, người bày ra món này đã hốt nhiều chục triệu bạc xong lặn mất. Kế đó là nước măng cụt, bây giờ còn chút tiếng vang. Kế nữa là Canh Dưỡng Sinh, được phe ta uống như điên trong thời gian chừng sáu tháng rồi tịt ngòi.



Tiếp theo thì ngàn hoa đua nở: hết  dưa chuột, rồi thì lá đu đủ, rồi tới mãng cầu. Đầu tiên là mãng cầu Mễ (bán nhiều tại Mỹ) sau chê phải là mãng cầu Xiệm loại trồng ở Việt Nam.


Hai thứ sau này đang phất cờ tiến mạnh vào niềm tin của bà con ta. Chắc chừng năm sau sập tiệm, tuy nhiên mấy vị nhanh tay chế viên mãng cầu, nước mãng cầu cũng kiếm được mươi triệu đô rồi.
Sau đó là dầu dừa được ca ngợi (do công ty Tây Mỹ bày bán, kiểu bán mỡ rắn thời nẩm), có một vị MTC suýt chết vì dầu dừa hai năm trước, vị này ở Hố Nai chạy xuống Bến tre mua dầu dừa ép lạnh về uống hai ba tháng đi hết nổi. May mà đọc thấy email MTC lúc đó về dầu dừa mới tỉnh ra mà ngưng uống,  nhưng tức quá gởi email la làng cho hả giận.


Hiện giờ thì trái Sung, cây Bồ Công Anh, trước đó thì Kim Thất Tai(sao hiện giờ ít nghe ai nhắc nói tới, chắc nó âm thầm dẹp tiệm rồi).


Hiện giờ cũng còn đang hoành hành sức khỏe bà con ta là Cây Lượt Vàng, trước đây là cây Cần Tây, nay thì Cây Cần Tây cũng lặn mất rồi. Vài năm trước thì là Trà Xanh là thần dược
Trà mọi loại là tiên dược, những vị uống trà ngừa và trị bịnh hiện nằm nhà thương hay ra vào nhà thương (tôi nói ẩu) cũng bộn nên hết hơi sức để vuốt đuôi ca ngợi theo gian thương Trung Cộng.

Nay thì được biết người ta hơi né trà rồi, lý do là thuốc trừ sâu (và đủ thứ hương thơm hóa chất vô danh) ướp vào trong đó, kể cả trà ướp xác chết cũng được bán ta cho bà con ghiền thưởng thức (chuyện này nói thật, có thật, không nói ẩu đâu, có "chạy Nhật Trình" mà).


Sau khi chê Trà thì bà con ta sang ca ngợi Cà phê.
Hình như trong tâm trí một số phe ta phải có cái gì đó để ca ngợi mới sống được chăng?
Hiện trứng gà được một vị tung lên tới mây xanh (kết quả là thống kê vừa công bố những vị nam giới ăn 7 trứng gà hay hơn mỗi tuần thì mau chết hơn những vị không ăn).





Còn gì nữa, cà chua, sả, xoài, trái chuối chín rục đều “trị được ung thư” (chắc mấy tiệm bán chuối chế ra chuyện để tiêu thụ chuối chín thâm đen cho khỏi bỏ thùng rác?). Trước đó một chút và ngay hiện giớ chanh được ca tụng là giết tế bào ung thư 10000 lần mạnh hơn "chimo". Trước nước chanh trị ung thư thì có Giấm Táo và mật ong. Hiện giờ thì mật ong và Bột Quế, mới đây thì phong trào củ cải trắng chanh và nghệ.



Nói chung thì: Bất cứ rau trái nào trước mặt các bạn đều cũng đều được người Việt ca tụng là thần dược trị ung thư hay trị được những thứ bịnh mà Tây Y còn đang vật lộn! 


Quên nữa còn gạo đen (dân Gò Công gọi: “gạo nhum”) cũng trị ung thư và nhiều bịnh ngặt, trước đó gạo lức được tâng lên làm thần dược, nay thì gạo lức rang pha nước uống là “thần” dược.
Gạo lức được dân BBC gọi là gạo nâu đó nghe bà con.
Nói thêm theo thống kê hiện giờ thì gạo lức chứa nhiều kim loại nặng có hại hơn là gạo giả trắng.

Hai món sống dai là củ tỏi và gạo lức, không biết có bao nhiều người theo và bao nhiêu người khỏi bịnh. hiện giờ củ tỏi hầu hết 75% là do Trung Cộng  trồng.



Gạo lức bị Mỹ điểm mặt năm trước, năm nay tỏi Trung Cộng cũng bị Mỹ điểm mặt.
Các bạn đọc chán chưa, còn nữa mấy mươi năm nay người ta ca ngợi Đậu Hũ đậu nành trị ung thư, thế mà mấy mươi năm nay cũng chưa thấy ai nhờ nó mà sống thêm.

Quên nữa Cây Sả hiện được bà con ta nói trị ung thư mạnh hơn 10000 lần "chimo" (con số nghe quen quen).

Các bạn còn nhớ lá đu đủ một thời là khắc tinh bịnh ung thư, sau đó thấy không hiệu nghiệm bèn bày ra Lá Đu Đủ Đực mới hiệu nghiệm. Nhiều người cũng tốn tiền mua lá đu đủ khô hay viên về uống. Còn hết?

Thưa còn thí dụ:
"Măng tây ai mà ngờ" (tôi thêm: ai mà ngờ vô dụng).
Mới vài tuần nay thì khoai môn Trung Cộng được ba con ta ca ngợi ăn nó không bị ung thư nữa.
Nên lưu ý, cái gì mà Trung Cộng sản xuất cũng đều mang mầm bịnh, bà con biết rồi mà.

Còn hết? Thưa còn dài dài, hiện đang bày nhau: xay cam, bôm, cà chua, cabbage, cà rốt, Lô Hội và bỏ thêm 1 muỗng Mật Ong.
Hằm bà lằn, uống hàng ngày để ngừa ung thư.
Thôi nghe, kể hoài còn hoài.





Thưa quí bạn, những thứ được kể bên trên là tôi chợt nhớ ra, chắc mới liệt kê được chừng phân nửa mà thôi.
Hôm nào tôi ghi lại coi tất cả mọi thứ thực phẩm chúng ta ăn coi có món nào KHÔNG phải là thần dược hay không.
***
Một bằng hữu góp ý (nhiều năm trước):
Một đoạn phản hồi cho “những bài thuốc” (trích trong bài viết “Bà Nội Tướng Của Tôi”)

“…Chẳng hạn như tôi nói với nàng là có người mách cho một bài thuốc rất đơn giản, chỉ cần gạo đem rang rồi nấu nước uống hằng ngày như uống trà thì có công hiệu rất tốt cho cơ thể như ngủ ngon, giảm huyết áp, giảm mỡ,  thì nàng hỏi lại tôi bộ miracle hả?

Gạo rang hay không rang cũng là gạo, tại sao nấu  cơm ăn hằng ngày thì chỉ chữa bệnh đói còn đem đi rang, cho qua lửa luyện tội lại trở thành “dược phẩm” là sao, vô lý quá vậy.

Ấy vậy mà tôi cũng đòi nàng phải rang gạo nấu nước “thánh” cho tôi hết một thời gian hai ba tháng. Nàng bực mình lắm, tuy chìu ý tôi nhưng trong lòng không phục cho là what a silly vớ vẩn!




Có một thời gian, người ta đua nhau đi kiếm mua rau má, đỏ con mắt.  Nói là rau này chữa được bệnh thấp khớp làm tôi cũng ráng đi tìm cho được (vì là mùa đông nên khó kiếm chớ mùa hè thì loại rau này mọc đầy dãy trong vườn nhổ không kịp) thì nàng bảo rau cỏ nào mà không có dược tính.

Theo nàng biết thì rau má có tác dụng giải nhiệt, khi nào nóng trong người  uống vô sẽ hạ hỏa nhưng nếu lạm dụng nó thì sẽ sinh hàn. Mà thấp khớp thì kỵ hàn. Uống riết chắc đi không nổi phải bò luôn.
Rồi còn nhiều phương thuốc khác nữa như Lô hội, trái Nhào, đậu nành,  canh dưỡng sinh gì đó lung tung, thứ nào cũng chữa bá bệnh như là thần dược.
Tôi thì thứ nào cũng muốn thử coi có hiệu nghiệm không chớ nàng thì nhứt định giữ vững lập trường không là không. Nàng nói thời buổi y học tân tiến này, có biết bao là thuốc hay thầy giỏi, bệnh gì thuốc đó, chữa còn không được, ở đó mà nghe người ta bày.
Muốn bào chế một viên thuốc,  người ta phải nghiên cứu dung hòa bao nhiêu chất trong đó chớ đâu phải đơn giản một thứ một mà được. Phàm cái gì cũng vậy, phải có chừng mức, cứ một thứ mà tống vào cho cố xác thì có hại chớ sao.

Có thể nó  chữa được bệnh này nhưng lại phản ứng sinh bệnh khác, hễ có hợp thì  có khắc, có lành tính thì cũng có ác tính. Vì vậy  trung dung là thượng sách hơn cả, rủi ai phát giác ra là có hại thế nào đó thì mình cũng không đến đỗi nào, còn trở tay kịp.
Cụ thể như một lọai cải có tên là Phi Long (English spinach) mà tất cả các giống dân âu, á, trung đông gì cũng rất ưa chuộng (nhất là Lebanese, mua một lần cả trolley) vì nó có rất nhiều chất sắt làm tăng cường sinh lực đến đổi có một phim  cartoon muốn khuyến khích trẻ con ăn vegies đã bịa ra  chuyện một nhân vật tên Popye.


Anh Popye này nhờ ăn thật nhiều spinach nên mới có đủ sức mạnh để đấu lại  mấy thằng baddies. Đó là nói về mặt lợi ích của lọai cải này, nhưng đồng thời nó cũng có tác hại gây bệnh gout (thống phong) nếu ăn nhiều (không biết nhiều là bao nhiêu) vì nó cũng chứa hàm lượng uric acid rất cao.

Như vậy thì tốt nhất là đừng nghe ai cả mà hãy nghe chính mình. Mỗi  tuần  nấu canh họặc xào ăn hai ba lần là đủ liều rồi, cứ coi đó là thức ăn thôi, còn muốn làm thuốc thì để cho pharmacist họ làm, đâu có tới phiên mình.
Cũng như rượu, mỗi ngày một ly nhỏ cho máu lưu thông điều hòa thì có ích cho tim mạch nhưng nếu cứ uống cạn ly đầy, rót đầy ly cạn thì sơ gan đứng tim luôn là cái chắc.”

Huynh Chieu Dang 16-Sep-2016

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Những điều nên biết về hành nghề Y ở Mỹ



September 20, 2016

Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh

Nguồn:http://www.nguoi-viet.com/phu-nu/nhung-dieu-nen-biet-ve-hanh-nghe-y-o/

LTS: 
Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708. Số phone liên lạc: (714) 429-5848, trang nhà: www.bacsihongocminh.com

Qua nhiều bài viết về y khoa, nhiều người nhận xét là, tôi rất tự nhiên, “tâm tình” với bệnh nhân cũng như với bạn đọc, và được cho rằng, đây là một ưu điểm. Bài viết sau đây, là một “tâm tình”, để trả lời các thắc mắc của nhiều bệnh nhân, và để cho bạn đọc hiểu được những gì mà bác sĩ của bạn phải trải qua, khi chọn ngành y là nghề và còn là nghiệp. Bài viết cũng nhằm giúp đỡ cho quý vị có con em muốn theo đuổi ngành Y Khoa ở Mỹ để hướng dẫn con em mình hữu hiệu hơn.
Mỗi nước có một khuôn mẫu giáo dục khác nhau để đào tạo “thầy thuốc”, gọi là “bác sĩ”. Tôi chỉ biết về hệ thống, quy trình huấn luyện một bác sĩ ở Mỹ, và xin trình bày dưới đây.
Khác với nhiều nước, như ở Việt Nam hay ở bên Pháp chẳng hạn, sau khi tốt nghiệp trung học, sinh viên ở Mỹ không phải thi vào trường Y Khoa ngay, mà có thể theo học bất cứ một ngành nghề nào mà mình ưa thích, thí dụ như Kỹ Sư (Engineering), Giáo Dục (Education), Tin Học (Computer Science), Văn Chương (Literature)… hoặc thậm chí nghề nấu nướng. Tuyển sinh vào trường Y cũng không hạn chế tuổi tác. Tuy nhiên, điều bắt buộc là các tuyển sinh phải học đủ các môn học cơ bản gọi là Basic Science như Hoá Học Hữu Cơ (Organic Chemistry), Sinh Vật Học (Biology), Sinh Hoá (Biochemistry) … học trình tạm gọi là Dự Bị Y Khoa (Pre-Med). Sớm nhất là sau 3 năm đại học, tuyển sinh phải đi thi một kỳ thi chuẩn cho toàn quốc (standard test) gọi là MCAT (Medical College Admission Test). Dựa trên số điểm trung bình của các lớp học (GPA), điểm MCAT, các hoạt động xã hội, thể thao, và thư giới thiệu của các giáo sư, tuyển sinh sẽ được mời đi phỏng vấn, và hy vọng được cho nhận vào trường Y. Điểm càng cao, thư giới thiệu càng tốt sẽ được nhận vào những trường danh tiếng. Một học sinh xuất sắc có thể được nhận vào trường Y sau 3 năm mà không cần phải tốt nghiệp văn bằng cử Nhân. Tuy nhiên, trường y khoa vẫn thích nhận những thí sinh đã “dày dặn”, có kinh nghiệm đời, và có sự phát triển toàn diện về mọi mặt chứ không phải là… “con mọt sách.”
Thí dụ, trong lớp của tôi, khi vào y khoa năm đầu, độ tuổi từ 19 đến 39. Có người đã có văn bằng tiến sĩ, luật sư, hay nha sĩ, hoặc đại úy Thuỷ Quân Lục Chiến đã từng tham chiến tại Việt Nam… Có người đã đi hành nghề thầu khoán xây cất nhà cửa được 5 năm, và cũng có người là ngư phủ đánh cá vùng Pensacola, Florida, trước khi quyết định đi học lại. Tôi có một người bạn học về ngành Nhân Chủng Học và Khảo Cổ đã từng phơi nắng ở những sa mạc bên Phi Châu hay tắm mưa ở rừng già Amazon, Nam Mỹ. Vì sự đa dạng của lớp học, có thể nhà trường nhận thêm tôi, một thuyền nhân (boat people) chân ướt chân ráo mới tới Mỹ, năm 1979, cho đủ bộ sưu tập!
Kế đến, học trình Y Khoa gồm 4 năm, hai năm đầu học về lý thuyết và 2 năm sau đi thực tập lâm sàng trong bệnh viện, với năm cuối bắt đầu đóng vai trò một tân bác sĩ. Ngoài những bài thi, trước khi tốt nghiệp sinh viên phải trải qua hai kỳ thi chuẩn toàn quốc khác gọi là National Board và FLEX. Năm cuối cùng, một lần nữa, sinh viên lại nộp đơn và đi phỏng vấn để tiếp tục học Nội Trú chuyên ngành thêm từ 3 đến 5 năm sau khi tốt nghiệp văn bằng Bác Sĩ Tổng Quát. Trong trường hợp của tôi, chọn đi học ngành Sản Phụ Khoa thêm 4 năm.
Sau khi học xong chuyên khoa thì bác sĩ có thể đi hành nghề. Thường thường sau 2 năm hành nghề, bác sĩ lại phải trải qua một kỳ thi khác gọi là Specialty Board bao gồm hai phần: thi viết, và thi vấn đáp. Bác sĩ không nhất thiết phải đậu bằng “Board Certified” để hành nghề, nhưng nếu có bằng thì danh chính ngôn thuận hơn. Tùy theo chuyên ngành, cứ mỗi 3 năm đến 6 năm thì phải đi thi lại một lần. Riêng ngành Sản Phụ Khoa, mỗi năm các bác sĩ phải đọc một số nghiên cứu mỗi tháng để trả lời các câu hỏi, và cứ 6 năm thì phải “khăn gói” đi thi viết một lần.
Trong ngành Sản Phụ Khoa, nếu muốn học thêm “chuyên sâu” gọi là “Sub-Specialty” thì có 4 sự lựa chọn: High-Risk OB (Perinatology) chuyên trị những ca có thai khó như mang thai nhiều em bé chẳng hạn; Hiếm Muộn Thụ Thai Trong Ống Nghiệm (Reproductive Endocrinology and Infertility); Ung Thư Phụ Nữ (Gynecology Oncology) và Chuyên Mổ những ca khó của phụ nữ ( Uro-Gyn, Pelvic Reconstructive Surgery). Học trình sẽ tốn thêm từ 2 đến 4 năm và cũng trải qua thêm những chế độ thi cử như thi viết, thi vấn đáp, thi Board. Riêng ngành Hiếm Muộn mà tôi theo đuổi, sau 2 hoặc 3 năm học, các “môn sinh” phải đi làm nghiên cứu khoa học thêm một năm và phải bảo vệ luận án (thesis) trước một hội đồng giám định trước khi cho cấp bằng “Board Certified”.
Bây giờ xin nói đến vấn đề không kém quan trọng: tài chánh.
Qua một học trình dài như trình bày trên đây, hầu hết, các tân bác sĩ ra trường sẽ mắc nợ đầy đầu. Cũng may là nước Mỹ đã tạo điều kiện cho sinh viên có thể mượn tiền đi học. Tuy nhiên, hiện nay trung bình một bác sĩ mới ra trường mắc nợ khoảng $250,000.
Trong khi đó, chế độ lương bổng ngày càng khó khăn. Trước năm 1975, tại Mỹ, các hãng bảo hiểm trả tiền cho bác sĩ khá dễ dàng, không giới hạn mức tối đa hay tối thiểu. Thí dụ, bác sĩ A tính bảo hiểm $100 cho mỗi lần khám, trong khi bác sĩ B tính $50, vì sự “kính trọng giá trị trí thức” các hãng bảo hiểm sẽ trả 80% cho mỗi bác sĩ.
Khoảng năm 1982, các hãng bảo hiểm đưa ra chế độ trả tiền tùy theo công việc chữa trị (job, procedure) và tùy theo căn bệnh(diagnosis) nhưng vẫn còn tương đối rộng rãi, tức là cho một khoảng bao dung tối thiểu và tối đa cho mỗi “job”, thí dụ như từ $25 đến $75 cho mỗi lần khám bệnh. Dần dà, hiện nay, chỉ có một giá cho mỗi “job” và trong 10 năm qua, đi ngược với lạm phát, tiền hoàn trả càng ngày càng giảm. Thí dụ trái với sự tưởng tượng của bệnh nhân, bảo hiểm trả cho việc chăm sóc thai kỳ 9 tháng 10 ngày luôn cả đỡ đẻ, “trọn gói” từ $1,200 đến $1,400, và nếu sanh mổ thì được trả thêm từ $100 đến $200. (Để so sánh, một người thợ chữa ống nước từ một hãng của Mỹ, trung bình tính tiền thù lao từ $50 đến $75 cho mỗi giờ!). Như thế khi bác quyết định mổ không phải vì tiền mà vì sự an toàn của mẹ và em bé.
Chiều hướng hiện nay về sau, các hãng bảo hiểm sẽ không trả tiền tực tiếp cho bác sĩ, mà trả qua một tập đoàn hay tổ hợp y tế. Vì thế, các bác sĩ ra trường trong tương lai gần hầu như sẽ đi làm thuê cho các tập đoàn y tế như hệ thống Kaiser Permante tại Cali, và được trả lương như một công nhân. Bác sĩ được gọi là “providers” có nghĩa là người cung cấp dịch vụ! Hiện nay lương của một tân bác sĩ chuyên khoa chỉ xấp xỉ lương của một kỹ sư với 5 năm kinh nghiệm. Tôi biết có nhiều cháu đi học về tin học, làm cho các hãng lớn như Google, Microsoft, lương bổng nhiều hơn cả bác sĩ. Bác sĩ hôm nay tuy có an toàn nghề nghiệp, ít bị thất nghiệp, bị “mất job”, nhưng mai sau, nếu là “công nhân phục vụ sức khoẻ”, vẫn có thể bị đuổi việc, nếu không thi hành tốt công việc.
Như thế, chọn theo đuổi ngành Y là vì sở thích, vì đam mê, chọn sự hy sinh và phụng sự cho nhân loại. Phần thưởng lớn nhất cho người thầy thuốc là khi được thấy bệnh nhân khỏe hơn, chứ không phải vì tiền bạc.
Tôi hy vọng bạn đọc, lần tới đi khám bác sĩ, nên có cái nhìn thông cảm và nói với bác sĩ lời “Cám ơn”. Làm như thế là bạn đã tặng cho bác sĩ của mình một món quà quý nhất trong một ngày làm việc cực nhọc. Bạn nhé!

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Cholesterol và bệnh tim mạch....


Cholesterol và bệnh tim mạch....                    

 BS. Hồ Ngọc Minh
                                        
 LTS: "Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh được biết trong cộng đồng người Việt nhiều năm qua với chuyên khoa về
 hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Ông đã từng làm nghiên cứu về bệnh hiếm muộn, và các bệnh ung thư của phụ nữ tại National Cancer Institute trực thuộc  National Institutes of Health. Bác Sĩ Minh là Board Certified về Obstertrics, Gynecology và Reproductive Endocrinology Infertility. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, tại 11180 Warner Ave., Suite 465, Fountain Valley, CA 92708.  Số phone liên lạc: (714)  429-5848, trang nhà: http://www.bacsihongocmin h.com/"


 Nhà văn Tô Hoài mới mất vào ngày 6 Tháng Bảy năm 2014. Hồi nhỏ tôi chỉ biết lờ mờ tên ông Tô Hoài vì say mê đọc truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của ông. Nói thật, thời tôi còn nhỏ, đó là một trong những sách truyện rất hiếm, viết cho con nít. Phần còn lại, tôi đã tập làm quen rất sớm với những pho truyện Tàu như Tây Du Ký, Thuỷ Hử, hoặc các pho  truyện Kiếm Hiệp của Kim Dung.

 Nhắc đến con dế mèn, tôi lại nhớ đến một mẫu chuyện khôi hài khác về một kết luận mà  một khoa học gia nọ rút tỉa được khi nghiên cứu về… con dế. Chuyện kể rằng, có một nhà bác học kia, đặt con dế trên mặt bàn, và vỗ tay, thế là con dế nhảy tưng lên. Kế đến, ông bèn bẻ một chân của con dế (tàn nhẫn quá!), và ông lại vỗ tay. Lần này con dế nằm  vạ một chỗ. Thế là nhà thông thái, sau khi đã bẻ chân nhiều con dế như thế, bèn đúc kết một kết luận: “Khi ta bẻ chân con dế, não bộ của nó sẽ bị hư hại và nó sẽ bị…điếc!”

Từ từ, bạn hãy kiên nhẫn đọc tiếp, và sẽ hiểu tại sao tôi kể chuyện con dế ở đây.
Tôi đã viết nhiều về liên hệ giữa cholesterol và bệnh tim mạch, và cũng viết về triệu chứng của bệnh mất trí nhớ. Tuy nhiên, tôi chưa trình bày mối về liên hệ giữa cholesterol và bệnh mất trí nhớ. Một mối liên hệ nghịch: cholesterol càng cao thì nguy cơ bị mất trí nhớ… càng thấp!
Hồi nhỏ, thỉnh thoảng, mẹ tôi có mua não bò, đem chưng cách thủy, để ăn với muối tiêu và rau răm. Ăn thì ăn, nhưng tôi thấy nghẹn cổ họng vì nó quá béo, ngầy ngậy. Não người cũng thế, tuy nhỏ, chỉ chiếm 2% sức nặng của cơ thể, nhưng nó chứa 25% tổng số cholesterol trong người. Gần đây, rất nhiều bệnh tật, khiếm khuyết của não bộ, thí dụ như  bệnh mất trí nhớ, bệnh run Parkinson… nguy cơ tăng cao vì thiếu cholesterol. Trên thực tế, người trên 70 tuổi, cholesterol càng cao, càng sống lâu, càng ít bị truỵ tim và càng minh mẫn hơn.
Các tế bào thần kinh, cũng như các tế bào khác trong cơ thể, cần cholesterol làm nguyên  liệu cấu trúc cho màng tế bào. Những vỏ bọc tế bào thần kinh, neuron, cũng được cấu tạo từ cholesterol, và, những “mạch điện” thần kinh liên lạc với nhau, truyền tín hiệu cũng nhờ vào cholesterol. Không có cholesterol thì những
mạng thần kinh nầy sẽ bị “chạm điện” và bị “mát dây”.
Ở đây, xin nói thêm về cholesterol một chút.
Chúng ta thường lầm tưởng là có hai loại choleterol, LDL là loại xấu và HDL là loại  tốt.Thực ra chỉ có một loại cholesterol duy nhất là… cholesterol! 
LDL (low-density lipoprotein) hay HDL (high-density lipoprotein) chỉ là tên gọi của chất protein chuyên chở cholesterol mà thôi. Người ta cho rằng HDL là loại tốt vì nó chở cholesterol dư thừa về trở lại trong lá gan, như thế là làm sạch mạch máu, còn LDL là loại xấu vì nó chở choleterol ra ngoài, làm dơ mạch máu. Gần đây những nghiên cứu mới cho biết, HDL cũng không hẳn là tốt: người có HDL cao vẫn bị bệnh tim, như thường.  Thật ra LDL có nhiều kích thước khác nhau, và trước LDL còn có những “xe chuyên chở”  khác nữa như VLDL (very low density, loại nhẹ) và IDL (intermediate density, loại trung bình). 
Để dễ hiểu, mạch máu của bạn là một xa lộ, HDL là những xe tải 18 bánh chở cholesterol dư thừa đi ngược chiều về lá gan. Còn các loại xe khác, to nhỏ như xe đạp, xe gắn máy, xe ba bánh, xe bốn bánh, xe thồ, xe lam… chở cholesterol, tiếp liệu ra… mặt trận. Như thế, một khi tuyến đường bị nghẽn, không phải là vì cholesterol mà vì đường xá bị hư hại, bị “ổ gà”, bị bom mìn khủng bố chẳng hạn. Những xe nhỏ VLDL, IDL, LDL  thường dễ bị sụp hố và làm nghẽn đường mạch máu. Trong trường hợp bị gãy cầu xa lộ thì xe 18 bánh HDL cũng gây ra tai nạn, như chơi.  
Tháng 2 năm 2012, chính cơ quan FDA công nhận rằng, thuốc giảm cholesterol statins có thể làm tăng nguy cơ bị lú lẫn và mất trí nhớ. Đồng thời một nghiên cứu trong Tháng Giêng năm 2012, cho thấy phụ nữ dùng statins có nguy cơ bị bệnh tiểu đường tăng 42%. Người bị bệnh tiểu đường, lại có nguy cơ bị bệnh mất trí nhớ tăng gần gấp 3 lần. Khi đường  thặng dư trong máu sẽ gây ra hiệu ứng “ làm mứt” hay “thắng đường, rim tôm” những phân tử cholesterol, làm cho chúng dính chùm với nhau và dính vào các chỗ lở loét trong mạch máu. Tương tự như mạch máu tim, não bộ đã thiếu cholesterol lại còn bị nghẽn mạch máu não, sẽ đưa đến tình trạnh hao mòn sớm, gây ra các chứng bệnh về hệ thần kinh.  
Khoảng  thập niên 1970, lượng cholesterol 240 mg/dL được xem là bình thường. Sau khi thuốc statins ra đời, mức độ ấy giảm xuống còn 200mg/dL, với LDL dưới 130 mg/dL.
Nếu bạn có người thân trong gia đình bị truỵ tim, nhiều bác sĩ sẽ bắt bạn uống statins để giảm chỉ số ấy xuống dưới 180mg/DL, và LDL phải dưới 70 mg/dL! Từ  khi thuốc statins ra đời đến nay, chỉ số bị truỵ tim cho những người dùng thuốc, giảm từ 3% xuống còn 2%, trong khi tỉ số bị bệnh mất trí nhớ tăng gần gấp ba.
Sẵn đang nói về xe và xa lộ, dường như cách chữa bệnh xe nhả ra khói (cholesterol cao) hiện nay là bằng cách, bịt ống  khói hoặc là huỷ bớt một, hai xy-lanh (uống statins kinh niên) để cho xe chạy bớt ra khói, thay vì làm sạch đường ống dẫn xăng và thay xăng dầu (thể dục thể thao, cải thiện thức ăn, bớt đường và tinh bột).
Đến đây bạn đã hiểu tại sao tôi kể chuyện nhà khoa học gia và con dế,  phải không?

BS. Hồ Ngọc Minh.