Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Giỗ Tổ Hùng Vương

   Giỗ tổ Hùng Vương hay lễ hội Đền Hùng là một lễ hội của người Kinh dân tộc Việt. Để tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng, lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3 hàng năm tại Đền Hùng thành phố Việt Trì Tỉnh Phú Thọ
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Dù ai xuôi ngược miền xa
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng ba mùng mười
 Năm nay chúng tôi nhận được 1 vidéo do 2 nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh và Chí Tâm trình diễn xin mời mọi người cùng thưởng thức

Đoạn video sau đây do Ngọc Đan Thanh và Chí Tâm trình bày:




Xin xem lịch sử giỗ Tổ Hùng Vương nơi bách khoa toàn thư:

http://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%B9ng_V%C6%B0%C6%A1ng

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Nhớ bạn



    Hôm nay là ngày giỗ đầu của bạn tôi , người bạn thân nhất trong suốt thời trung học và 38 năm sau khi chúng tôi rời khỏi mái trường. Sự ra đi của bạn là một bất ngờ lớn với tất cả mọi người thân quen.  Không ai có thể ngờ nó chết trẻ như thế!
Hôm trước tôi mới nói chuyện với nó, nó vẫn bình thường, vậy mà sáng hôm sau nó đã ra đi. Tôi vội vã đến để nhìn nó lần cuối cùng nhưng khi tôi đến nó đã nằm trong áo quan. Nó đang ngũ yên, một giấc ngũ mà nó mong muốn.
    Không ai hiểu được nguyên nhân nó đã hành động. Nó ra đi trong sự nhớ thương, tiếc nuối của chồng con , em út, cháu chắc và bạn bè. Nó mới 57 tuổi đời, tuổi quá đẹp để thụ hưởng những gì đang có: người chồng mẫu mực không rượu bia, thuốc lá; những đứa con ngoan thành đạt. Bạn bè, đồng nghiệp đều quý mến tính hiền lành của nó, vậy mà nó đã bỏ tất cả để ra đi. Tôi buồn vô cùng vì mất đi người bạn thân, nhưng  đêm cuối cùng, trước ngày hỏa thiêu nó,  tôi đọc những bức thư nó để lại, tôi đã trách nó. Nó quá ích kỷ, nó chỉ muốn đi tìm sự bình yên cho riêng mình mà không nghĩ đến người xung quanh . Nó ích kỷ đến độ không thể chờ đợi uống ly rượu mừng của đứa con gái duy nhất .
 “Chết không phải là hết mà chỉ là sự thay đổi từ cuộc sống này sang cuộc sống khác”, đó là những dòng chữ nó viết gởi lại người cô hết mực yêu thương nó.




     Tôi là dân Long Điền , còn nó thì người Đất Đỏ. Chúng tôi cùng chung lớp suốt 7 năm trung học. Cha nó mất vì chiến tranh, mẹ nó tái giá và bỏ lại 4 chị em nó cho bà nội già nuôi dưỡng và chúng ăn học thành tài. Mặc dù tôi không cùng chung nghề giáo với nó nhưng lại rất thân. Gia đình nó gần như là gia đình của tôi: bác, cô nó cũng như là bác cô tôi ; chị em nó cũng như chị em tôi. Những ngày chúng tôi còn học trung học, nhà nó cũng là nơi bọn tôi tụ tập. Bà nội nó rất nghiêm khắc và xem chúng tôi như cháu trong nhà. Chúng tôi tha hồ quậy phá! Có những lúc học nguyên cả ngày thì nhà nó là chốn nghỉ trưa,  là nơi chúng tôi ăn vặt.Từ những bữa cơm đạm bạc với rau cải từ vườn cho đến những trái xoài xanh chấm mắm đường hay những trái bắp ngọt lịm hái từ vườn nhà; chúng tôi chia xẻ với nhau tất cả những gì mà tuổi học trò trải qua.
     Tôi và nó cùng vào Đại Học Văn Khoa. Tôi chọn ban Việt-Hán, còn nó thì theo ngành Sử-Địa. Hai đứa chung trường, khác lớp nhưng vẫn thường xuyên gặp gỡ. Sau những ngày của tháng 4 năm 1975 nó trở về quê theo ngành sư phạm, còn tôi vì hoàn cảnh gia đình, trôi nổi đủ nghề để sinh tồn. Tuy thế, tôi và nó không cách xa; ngược lại, càng thân thiết hơn. Những lần tôi giải phẩu nằm bệnh viện cũng nhờ mối liên quan bạn bè giữa tôi và nó mà tôi được bác dâu , cô và chị họ nó chăm sóc tôi từ khi nhập viện cho đến khi xuất viện. Mọi người đều xem tôi như nó thì đủ biết tôi và nó thân đến thế nào. Nó hiền lắm nhưng cũng có tật hay giận lẫy. Nó không có được tính quán xuyến và nhạy bén nhưng bù lại, nó có chồng và con gương mẫu, ngoan hiền. Không ai nhìn thấy cách nó đối xử với 2 đứa con riêng của chồng mà biết nó chỉ là mẹ kế. Hai đứa trẻ mất mẹ rất sớm, thiếu thốn tình thương nhưng với lòng yêu thương của nó, 2 đứa trẻ không hề nhận thức  “mấy đời bánh đúc có xương , mấy đời mẹ kế mà thương con chồng.”  Nó là chỗ dựa cho những  đứa con của chồng. Từ gia đình, họ hàng nhà nó cho đến gia đình chồng hay sui gia, bạn bè; nó đều ngự trị tình cảm của mọi người . Tôi và nó thường hay tâm sự nhau ; có những chuyện nó cần tôi góp ý vì bao giờ nguời đứng bên ngoài cũng sáng suốt hơn người trong cuộc. Đa số nó hành động theo sự góp ý của tôi; cho nên, tôi rất bất ngờ và rụng rời khi nhận tin nó ra đi.Tôi không biết được nó có suy nghĩ nông cạn và bế tắc để đi đến quyết định cuối cùng này như một sự trốn chạy hay không. Đây là lần đầu và cũng là lần cuối nó hành động mà không cần tôi góp ý. Nó đâu biết! nó ra đi bất chợt thế này, nó đã để lại bao nhiêu nghi vấn không tốt cho gia đình nó. Có lẻ chỉ mình tôi hiểu tại sao nó lại hành động như thế. Sau ngày hỏa táng, nhiều bạn bè có hỏi tôi, tôi chỉ trả lời “Nó giờ còn đâu nữa, nói gì khi nó chỉ là 1 nắm tro!”
    Tôi nhớ có lần nó và tôi giận nhau. Hai đứa giận nhau lâu lắm mà không ai biết. Chỉ vì tôi mắng nó “mày ngu vừa thôi, chừa cái ngu cho người khác !”  Nó cũng không vừa gì! đáp lại “ừa! tao ngu! mày đừng chơi với tao nữa”. Từ đó , 2 đứa giận nhau. Tôi biết khi nó suy nghĩ lời tôi nói, nó biết lỗi của nó. Còn tôi,  khi tôi nguội lại thì cũng biết mình quá lời với bạn. Tuy nhiên, mỗi đứa có chút tự ái riêng nên không ai mở lời xin lỗi trước. Gần 1 năm sau khi cô Tám nó nghe tôi kể nguyên nhân , cô gọi điện la nó và tôi; cô bảo “2 đứa bây già rồi mà như con nít”. Thế rồi tôi và nó lại làm hòa, gắn bó nhau như trước. Nó từ Đất Đỏ đến Long Điền, qua Phước Tỉnh , vòng về An Nhứt, trở lại Long Điền rồi cuối cùng dừng chân ở Phước Hải. Phước Hải là nơi dừng chân cuối cùng của nó. hầu hết nơi nào nó đến cũng đều có tôi bên cạnh. Khi nó về Phước Hải, xa xôi quá, tôi với nó tuy không gặp gỡ thường xuyên nhưng không vì thế mà 2 đứa tôi xa cách.
-         Nhìn má nó “ tre già khóc măng.”
-         Nhìn con nó tức tưởi!
Đứng trước linh vị nó hôm nay , tôi không khỏi chạnh lòng, bùi ngùi thương tiếc. Tôi cố quay đi để giấu dòng nước mắt chực chờ rơi. Tôi muốn trách nó lắm nhưng giờ nó đã trở về với cát bụi. Tôi chỉ còn biết khấn nguyện cho hương linh nó nơi chốn vĩnh hằng được thanh thản như bức ảnh nó đã chọn trước lúc ra đi.
     Nó đã mãn nguyện với những gì nó đã chọn…
     
                                                                                 Tưởng nhớ 1 năm ngày  bạn Nguyễn -thị -Hoan ra đi
                                                                                                                             N-t-L(lyslongdien)

27 năm xưa



Ngày 26 tháng 4 năm 1986 nhà máy hạt nhân Chermobyl 4 (Ukraine) bị huỷ vì sự sai lầm khi thử nghiệm. Tai nạn đưa đến 50 ngàn curie chất phóng xạ bị phát ra, di tản 135 ngàn người. Chất phóng xạ bay qua các nước khác và ít nhất 31 người thiệt mạng.

Đọc thêm tài liệu nơi Wikipedia:

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Đẹp



Ban biên tập chúng tôi nhận được câu chuyện ngắn rất có ý nghĩa ,được gởi đến từ thầy Phan tất Đại,đây là bài học hửu ích  cho chúng ta ,chúng tôi post lên đây chúng ta cùng đọc ,Cám ơn thầy rất nhiều
                                            *         *                   *              *
                                                 *                                 *
      Hai người đàn ông bị bệnh nặng ở chung một phòng trong bệnh viện.

      Một người được phép ngồi dậy trên giường mỗi buổi chiều một giờ để hút dịch trong phổi.Giường của anh nằm gần cửa sổ duy nhất của căn phòng.

     Người kia phải nằm ngửa mãi.
     Hai người trò chuyện mãi không thôi. Họ đề cập đến chuyện vợ con,gia đạo,nhà cửa,công ăn việc làm,hoạt động trong quân ngũ nơi họ nghỉ ngơi.

    Mỗi buổi chiều,khi người nằm cạnh cửa sổ ngồi dậy được,anh dùng thời gian ấy để miêu tả cho anh bạn cùng phòng mọi điều anh thấy được ở bên ngoài cửa sổ. Người ở giường bên kia bắt đầu sống một giờ với thế giới rông mở và sinh động bởi tất cả những hoạt động và sắc màu của thế giới ngoài kia khung cửa.

    Cửa sổ nhìn xuống một công viên trong đó có một cái hồ duyên dáng. Vịt và thiên nga tung tăng trong nước trong khi trẻ con thả thuyền kiểu,những cặp tình nhân tay trong tay tản bộ giữa những đóa hoa đủ sắc màu và quang cảnh đô thị lộng lẫy ở chân trời ngắm được từ đằng xa

     Trong khi người bên cửa sổ miêu tả những chi tiết tuyệt đẹp này,người ở phía bên kia phòng nhắm mắt lại và mường tượng khung cảnh đẹp tuyệt trần này.

     Một buổi chiều ấm áp,người bên cửa sổ mô tả một cuộc diễu hành đi qua. Dù không nghe được tiếng nhạc,người kia có thể hình dung ra nó trong tâm tưởng khi con người hào hoa bên cửa kia miêu tả nó lại. Ngày qua ngày,tuần qua tuần và tháng lại qua tháng trôi qua.

    Một buổi sáng kia,cô y tá trực sáng mang nước tới cho họ tắm thì phát hiện ra thi thể của người nằm bên cửa sổ,người đã qua đời yên ả trong giấc ngủ. Cô buồn bã,gọi nhân viên bệnh viện mang thi thể đi. Đợi lúc thích hợp,người đàn ông kia xin phép được dời ra gần cửa sổ.Cô y tá sung sướng đổi chỗ và sau khi cho anh nằm thoải mái,cô để cho anh ở một mình. Từ từ,đau đớn,anh dùng khuỷu tay nâng mình lên để ngước mắt nhìn,cái nhìn đầu tiên thế giới thật bên ngoài. Anh gắng gượng chậm rãi nhìn ra ngoài cửa sổ bên cạnh giường. Nó đối diện với một bức tường trơ trụi.

    Anh hỏi cô y tá điều gì đã khiến anh bạn cùng phòng đã qua đời miêu tả những điều kỳ diệu như vậy bên ngoài cửa sổ đó. Cô y tá trả lời rằng người ấy bị mù nhìn sao ra được bức tường
Cô nói:"Có lẽ anh ấy chỉ muốn động viên anh thôi"


Lời kết:

   Có một niềm hạnh phúc vô biên khi làm cho người khác hạnh phúc dù hoàn cảnh của ta có ra sao chăng nữa. Chia sẻ nỗi đau thì giảm đi một nửa nỗi đau, nhưng hạnh phúc đem chia sẻ thì được nhân lên gấp đôi. Nếu bạn muốn giàu có chỉ việc đếm tất cả những thứ mà tiền không mua được. Ngày hôm nay là quà tặng,đó là lý do tại sao nó gọi là hiện tại.

Xuất xứ của lá thư này không rõ nhưng nó đem lại hạnh phúc cho ai đó khi gửi nó đi.
Đừng giữ lá thư này.Nên chuyển cho bạn bè mà bạn muốn chúc phúc
Chúc bạn những điều tốt đẹp nhất,bạn thân yêu ạ.





Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Thầy hiệu trưởng



 
     Sau ba tháng hè, vào niên học mới, chúng tôi mới thật sự có một ngôi trường riêng! đúng nghĩa, đúng tên. Năm ấy, năm 1968, khi tôi dự lễ khai giảng lớp đệ lục, chúng tôi được vào học ngôi trường mang tên Trung Học Đất Đỏ; ngôi trường mới được xây với bảng tên trường hiên ngang nơi cổng. Đây mới thật sự là ngôi trường  của chúng tôi. Kể từ hôm nay, chúng tôi không còn những buổi học “ké”, vay mượn của Trường Tiểu học Phước Thạnh hay Trường Tiểu Học Phước Hòa Long. Sau 4 năm tạm trú, trường Trung Học Đất Đỏ mới có được “ngôi nhà” riêng cho mình.
          Trường mới nên tất cả đều mới. Giáo sư từ nơi khác được bổ nhiệm về,  có ban giám hiệu và quan trọng nhất là chúng tôi có ông Hiệu Trưởng, thầy Trần Ba. Thầy Trần Ba là hoa tiêu, lèo lái con thuyền,  hướng dẫn chúng tôi đi trên con đường học vấn và thành nhân (tôi vẫn còn như đang thấy thầy di chuyển quanh trường ).
          Chúng tôi còn nhỏ quá, nên không quan tâm gì nhiều về các thầy cô, chỉ biết học theo thời khóa biểu. Hôm nào không có giờ thì vui lắm. Chúng tôi tha hồ đi chơi mà không bị gia đình kiểm soát. Chúng tôi không biết thầy từ đâu bổ nhiệm về đây,  chỉ thấy thầy rất nghiêm khắc. Từ khi thầy về đây, mọi việc đều vào nề nếp. Chúng tôi có giờ học kỹ càng, chúng tôi bắt đầu tuân kỷ luật, biết lễ phép hơn, biết xấu hổ hơn khi bị phạt hay nêu tên dưới cột cờ vào mỗi tháng. Mỗi ngày một lớn, chúng tôi càng ý thức và gần như chúng tôi theo dõi thầy từ xa,  tìm hiểu những việc thầy làm cho học sinh nhà quê chúng tôi. Thầy nhỏ người (không hiểu sao trường tôi rất nhiều thầy nhỏ con) nhưng nhiệt tâm thầy không nhỏ. Bây giờ ngồi đây viết lại những dòng này,  dù đã 38 năm chúng tôi không theo học với thầy và thầy cũng đã mất nghiệp, chúng tôi khẳng định “thầy Trần Ba đã hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, nhất là học sinh Trường Đất Đỏ chúng tôi”.   
 Ngôi Trường Trung Học Đất Đỏ này như bãi đáp cuối cùng của đời thầy trong nghề dạy học. Nhìn vẽ bên ngoài, ai ai cũng có chung nhận xét:  “thầy rất nghiêm khắc và khó tính” . Thật ra, đó chỉ là mặt nạ thầy che phủ để dể trị đám học sinh nhà quê lỳ lượm nhưng dưới mặt nạ đó, nó ẩn chứa một tình thương vô bờ bến. Để chúng tôi có thêm phòng học, thầy không quản nhọc nhằn đi xin xỏ khắp nơi. Kết quả của thân cò lặn lội ấy, chúng tôi có thêm 1 dãy lầu khang trang ở phía sau

 Dãy lầu phía trước do quân đội Úc đóng tại Núi Đất, xã Long Tân xây dựng tặng. Dãy lầu phía trước  chưa được hòan tất thì quân đội Úc rút về nước. 
Tôi dám cam đoan chưa có vị Hiệu Trưởng nào quan tâm đến học sinh và giáo sư dưới quyền của mình như thầy. Thầy xem học sinh như con cháu và đồng nghiệp như anh chị em. Sau mùa hè đỏ lửa 1972,  trường chúng tôi bị hư hại đổ nát. 

Thầy tìm kiếm nguồn tài trợ để sửa chửa. Để khuyếch trương trường, thầy xin bộ giáo dục bổ nhiệm giáo sư đệ nhị cấp cho trường. Từ niên học 1972 ,Trường Trung Học Đất Đỏ có 1 đội ngũ giáo sư trẻ nhiệt tình, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn tình nguyện về dạy nơi này. 

Thầy nhìn thấy những khó khăn của vùng quê nghèo và mong muốn học trò mình có một nền giáo dục tốt,  một nghề nghiệp vững chắc khi bước chân vào đời và công dân tốt cho bản thân và xã hội; thầy Trần Ba quyết tâm tìm con đường tương lai cho chúng tôi. Thầy mong ước chúng tôi vào đại học nhưng làm sao để học sinh nhà quê chúng tôi có khả năng bước chân vào và đi trọn con đường Đại Học; đó là nỗi ray rức thâu đêm của thầy qua nhiều năm tháng.  Cuối cùng thầy có quyết định táo bạo: tìm trợ giúp.  Qua sự hổ trợ của một giáo sư trẻ, thầy  Ba vay 10 ngàn không lãi từ thầy Trương Tấn Trung,  10 ngàn lãi tượng trưng từ ông Đinh Quốc Hùng ở Sài gòn; phần còn lại, thầy vay tiền phụ huynh học sinh. Dưới sự lảnh đạo của thầy, hội phụ huynh đứng ra mua 1 phần đất khoảng 10 mẫu dùng cho sản xuất. Theo kế hoạch của thầy,  đất dùng cho sản xuất mà nông dân là học sinh của trường.  Nguồn thu lợi dùng để hổ trợ các học sinh nghèo, tiếp tục đi hết con đường đại học. Ngoài ra thầy còn dự án xây một ký túc xá cho các giáo sư có chổ nghỉ ngơi khi về đây dạy học (lúc bấy giờ các thầy cô ở xa phải thuê nhà trọ ở Phước tuy). Ý tưởng táo bạo và vĩ đại quá phải không các bạn! Nhưng trời không chìu lòng người: ước mơ thầy chưa thực hiện được mà còn bị mang tiếng oán.  Phần thưởng cho kế hoạch này của thầy là 6 năm tù. Sau này, tôi nghe một giáo sư kể lại[1], mới biết thầy có một đức tính đáng kính phục. Đó là sự liêm khiết. Trong xã hội tranh tối tranh sáng, thầy có thể “bỏ túi” rất nhiều khi chi tiêu 10 triệu cho dãy lầu phía sau hay vào dịp tuyển học sinh mới. Thầy không hề ăn cắp của học trò mà còn tiết kiệm cho công quỹ tối đa. Mỗi ngày 2 buổi đến trường,  có ngày thầy quá giang với đồng nghiệp bằng xe gắn máy, có ngày thầy đi xe lam như học trò chúng tôi. Thầy không có được chiếc xe riêng cho mình. Với dáng đi tất bật, hầu như nơi nào cũng có thầy. Nhiều lần tôi thấy thầy từ cửa sổ phòng giám hiệu nhìn ra sân trường,  nơi đám học trò tinh nghịch chúng tôi nô đùa trong giờ ra chơi. Đôi mắt đăm chiêu và âu lo lộ rõ trên nét mặt thầy. Tôi nhớ có 1 lần, năm tôi học lớp 9, bạn Hồng Sơn (Long Hải) bày chuyện cầu cơ nhưng không hiểu sao đám con gái lại mê mẩn với trò này. Ngày nào cũng đi sớm đến lớp chơi cầu cơ (cầu cơ là 1 trò chơi mê tín dị đoan.  Để cầu cơ, phải có 1 miếng ván hòm người chết,  đẻo thành hình trái tim, 1 tờ giấy ghi đủ 24 chữ cái. Để đi cơ, 2 người để 2 ngón tay trỏ vào miếng gổ trái tim đó  và thầm khấn tên họ tuổi người chết. Khi bắt đầu câu hỏi, miếng gỗ chạy vào chữ cái nào, ghi ra giấy rồi ráp lại, sẽ có câu trả lời ). Bọn tôi tin cơ lắm,  khi thì hỏi cơ bài kiểm tra,  khi thì hỏi điểm, hỏi đủ chuyện trên trời dưới đất,  v..v.. Hôm ấy không có giáo sư đến nên chúng tôi được nghỉ 1 giờ. Vì nghỉ 1 giờ nên không được ra khỏi trường,  chúng tôi bày trò cầu cơ. Trong lúc chúng tôi  đang la hét in ỏi thì thầy xách cây roi vào lớp. Chúng tôi say mê tụ tập nên không biết thầy đến. Thầy quất cho mấy đứa ngồi trên bàn,  thầy giật lấy tấm bảng chữ cái và xé nát. Thầy quăng ra sân miếng cơ và nói  “cầu cơ nè! cho tụi bây cầu cơ …”  Bọn tôi xanh cả mặt,  hoảng hồn ngồi im phăn phắt. Bạn Sơn vừa khóc vừa kể lể: chị Hoa ơi! chị Hoa ơi! thăng đi chị Hoa ơi! (vì người lên cơ là chị nó ).
              Ngày hôm sau nó lại bày chuyện đem nhang vào lớp đốt tạ lỗi với hương hồn chị nó,  bọn tôi cũng làm theo. Phòng học nghi ngút  đầy nhang khói. Mặc dù bọn tôi đóng cửa nhưng không qua mắt được thầy. Thầy,  1 tay cầm roi,  1 tay gom tất cả nhang quăng xuống đất. Thầy hỏi thủ phạm mà có đứa nào dám nhận,  kết quả tháng đó, lớp tôi bị nêu tên trong sân trường. Chúng tôi bị phạt, bị la, bị đòn mà bọn tôi không giận thầy; chúng tôi còn lấy đó làm trò vui. Thỉnh thoảng chúng tôi bày vài trò nghịch ngượm (trẻ con mà) để bị phạt.
         Năm chúng tôi học lớp 11,  sau kỳ nghỉ Tết,  ngày học  đầu năm nhằm ngày mùng 7 Tết,  tổ 1 của tôi,  có 7 trong 12 đứa nghỉ  học vì cho rằng đó là ngày “Ban tiêu”. Hôm sau đi học, bị kêu lên văn phòng và bị đuổi học (các bạn chưa thấy thầy giận thế nào đâu,  thầy cứ gằn giọng: ban tiêu! Ban tiêu, tao cho bây tiêu luôn ). Nhà trường bắt chúng tôi phải đưa phụ huynh đến trường gặp thầy (bọn tôi nói: gia đình nói mùng 7 ban tiêu, không cho đi học). Trời ạ!  đầu năm đâu muốn bị đòn,  lại không muốn bị đuổi,  chẳng đứa nào dám về nói với gia đình,  bàn nhau và thống nhất nhờ mẹ đứa bạn (dì năm má bạn Lệ Hoa ) đến gặp thầy xin lỗi. Lúc đầu dì năm làm má cho 1 , 2 , 3 học sinh rồi leo thang đến 7 học sinh (các bạn thấy bọn tôi già đầu còn ngu chưa ). Thầy vừa giận, vừa tức cười hỏi Dì Năm “bà có mấy đứa con,  mà sao bà đẻ hay quá vậy ? 7 đứa con có 1 tuổi! Tội nghiệp dì Năm không biết trả lời sao, chỉ còn xin thầy tha cho bọn tôi. Sau khi bị thầy “giảng đạo 1 chập”, bọn tôi cũng được thầy tha . Thầy như thế đó! lúc giận la lối dữ lắm nhưng chỉ để hù dọa chúng tôi và đưa chúng tôi vào nề nếp.
           Làm sao nói hết những gì thầy đã hy sinh cho cuộc đời sư phạm, cái "nghề" thầy đã chọn và nó cũng đuổi theo thầy như cái "nghiệp".
         Hiện tại thầy sống tha hương,  an hưởng tuổi già bên cạnh con cháu.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm, ngày thầy cống hiến cho sự nghiệp giáo dục,chúng con kính chúc thầy nhiều sức khỏe!
Chúng con hy vọng được gặp lại thầy trên quê hương Đất Đỏ này dù chỉ 1 lần.
                                                                                                                                                                                                                   
Đỉnh Phù Vân
Cựu HS Khóa 3: 1967-1974



[1] Thầy Trần Ba  tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 1963, hiệu trưởng Trung Học Kiến Tường từ 1965-1968. Mùa thu 1968, thầy về Trung Học Đất Đỏ. Năm 1997 thầy định cư ở tiểu bang Oregon, Hoa kỳ .